Mông Cổ là một giống hùng dũng hung tợn, đã từng chà đạp nhiều nước châu Âu ở hồi thế kỷ mười ba và làm chủ nhân ông tại Trung Quốc hàng tám mươi chín năm đằng đẵng (1279-1368).
Thế mà hồi đầu Trần, từ Đinh Tỵ (1257) đến Mậu Tý (1288), một khoảng thời gian ba mươi mốt năm, ta phải đương đầu với quân cường địch ấy trong ba cuộc chiến tranh tự vệ, kết cục ta quét sạch được giặc ngoại xâm, giữ vững được độc lập thì, không đợi phải nói, nay cũng có thể tưởng biết được cái năng lực của dân tộc Việt Nam ở đương thời là thế nào.
Bây giờ muốn rõ công cuộc kháng chiến Mông Cổ mà quân, dân đời Trần đã phải hy sinh biết bao xương máu để đức Trần Hưng Đạo viết thành hai chữ "thắng lợi" trên trang sử oanh liệt ấy, ta nay cần phải xét đến lai lịch và lực lượng của đối phương.
Từ lúc quật khởi đến hồi toàn thịnh
Ở phía bắc nước Trung Hoa, từ đời Đường (618-904)106, có một giống gọi là Mông Cổ, ở thành từng bộ lạc, rải rác suốt phía bắc Xa Thần Hãn thuộc Mông Cổ ngày nay và một dải Tây Bắc tỉnh Hắc Long Giang bây giờ. Họ sống bằng nghề chài lưới, săn bắn và du mục. Đến đời Kim, tù trưởng Mông Cổ là Hợp Bất Lặc trỗi dậy, tự xưng là Tổ Nguyên hoàng đế, đặt quốc hiệu là Đại Mông Cổ.
Năm 1206 (tức năm Trị Bình Long Ứng thứ hai đời Lý Cao Tôn bên ta), Thiết Mộc Chân (Témoudjine) mở rộng đất đai, lên ngôi hoàng đế, tự hiệu là Thành Cát Tư Hãn (Gengis-Khan).
Từ năm 1222 đến năm 1279, trải các đời vua Oa Khoát Thai (Ogotai)107, Mông Kha (Mongké) và Hốt Tất Liệt (Koublai)108, Mông Cổ đã giày đạp trên đất Âu châu đến ba lần và diệt hẳn nhà Tống (1279) mà làm chủ toàn bộ Trung Quốc. Bấy giờ phạm vi thế lực Mông Cổ rất lớn: đông từ Cao Ly109, tây đến Tiểu Á Tế Á (Asie mineure) và Nga La Tư110, nam tới Nam Hải và Ấn Độ Dương, bắc đến Tây Bá Lợi Á (Sibérie): Địa bàn rộng suốt từ Á sang Âu, thật là một đại đế quốc, trước đó, chưa từng thấy trên lịch sử.
Xét qua binh chế Mông Cổ
Ở một chương trước, ta đã biết sơ binh chế đời Trần rồi; nay thử xét qua binh chế Mông Cổ để quan niệm đôi chút về lực lượng của đối phương:
Binh chế đời Nguyên chia làm hai bộ: trong và ngoài. Trong là các quân túc vệ, ngoài là các quân trấn thủ.
Các quân túc vệ chia làm quân khiếp tiết111 và quân các vệ112.
Quân khiếp tiết thì do Khiếp tiết trưởng cầm đầu, lệ thuộc trực tiếp dưới Thiên tử hoặc dưới đại thần do Thiên tử sai phái.
Quân các vệ thì có Thân quân đô Chỉ huy sứ cầm đầu, cùng với các quân trấn thú đều thuộc dưới quyền Khu mật viện. Cho nên khiếp tiết và các vệ tuy đều là quân túc vệ họp lại gọi là thân quân, nhưng chức vụ hai bên có khác nhau: khiếp tiết cốt hộ vệ Thiên tử, là thân quân trong các thân quân. Còn quân các vệ thì cốt làm những việc cảnh vệ hoàng thành, kinh sư và cận kỳ, việc phòng thú, việc doanh thiện và việc đồn điền,... thỉnh thoảng cũng phải đi viễn chinh.
Các quân trấn thú: Các lộ thì lập Vạn hộ phủ113, các huyện thì lập Thiên hộ sở2 đều lệ thuộc viện Khu mật. Tùy theo địa phương có hiểm yếu hay không mà chia đặt các quân thú. Phàm những chỗ biên cương cổ họng, đều sai thân vương trong tông thất cầm binh đóng giữ: như Hà Lạc và Sơn Đông là chỗ đất tâm phúc thì cất "quân Mông Cổ" và quân thám mã xích114 trấn thú; từ Giang, Hoài trở xuống Nam cho tới hết Nam Hải thì đặt Hán Binh và quân tân phụ115 đóng giữ.
BẠN ĐANG ĐỌC
Trần Hưng Đạo - Góc nhìn sử Việt | Hoàng Thúc Trâm
Narrativa StoricaTác phẩm: Trần Hưng Đạo - Góc nhìn sử Việt. Tác giả: Hoàng Thúc Trâm. Dành cho những ai muốn tìm hiểu về Hưng Đạo Vương - Trần Quốc Tuấn. Reup: Wattpad © diecnguyenvichi