Trợ lý Lương lập tức ngưng bữa, kể giản lược cho chúng tôi nghe hoàn cảnh của hai người nọ.
Hai ông chủ Quảng Đông kia, người họ Vương tên là Vương Kỳ, người họ Lý tên là Lý Tỳ Bà, cả hai đều là dân Phật Sơn*, trong giới đồ cổ là địa phương rất có tiếng tăm, trong đó xuất thân của Lý Tỳ Bà thì chúng tôi đã biết, lão phất lên hoàn toàn nhờ "hà mộc tập" ghi chép vị trí một lượng lớn các cổ mộ.
* Phật Sơn: Tên một địa khu hành chính cấp thị thuộc tỉnh Quảng Đông.
Tôi biết điều này vì tôi với lão Dương từng trộm nghe lão nói chuyện, có điều tất cả chỉ là lời nói phiến diện một chiều, không biết trong đó có mấy phần bốc phét. Bây giờ nghe trợ lý Lương nói vậy, lời nói chân thực, xem ra chuyện này cũng khá đáng tin.
Gia thế của Vương Kỳ không hiển hách như Lý Tỳ Bà nhưng lại có phần chân thực hơn, nghề mà tổ tiên người này làm gọi là "triều phụng".
"Triều phụng" là gì? Triều phụng chính là người làm thuê trong các hiệu cầm đồ, ngồi trên quầy cao, công việc của họ là xác định thật giả rồi định giá đồ vật thật nhanh chóng.
Trong đó, người phụ trách thẩm định các vật phẩm cao cấp và quản lý công việc hằng ngày được gọi là đại triều phụng. Đại triều phụng trong những hiệu cầm đồ lớn có thể nói là những người có nhiều hiểu biết về bảo vật nhất trên đời, những chuyện kì lạ cổ quái đều đã gặp qua. Tổ tiên của Vương Kỳ tên Vương Hiến Sơ, chính là một đại triều phụng nổi tiếng như thế. Những năm cuối đời, ông viết một cuốn bút ký lấy tên là "Cổ dục trai kỳ kiếp dư lục", đáng được xếp vào hàng kì thư, bên trong liệt kê tất cả những vật có thể coi là kỳ trân dị bảo mà ông đã từng thấy, mỗi vật đều có ghi chú rõ ràng kèm theo đánh giá của ông. Quyển sách này trong giới khảo cổ có giá trị tham khảo rất lớn.
Trình độ văn hóa của Vương Kỳ không cao, nhưng trí nhớ của ông ta lại thuộc hạng siêu phàm, cuốn "cổ dục trai kỳ kiếp dư lục" ông ta đọc đi đọc lại, bất giác thuộc lòng không sót một chữ. Có lần nọ tại một hội chợ trên phố, ông ta thấy một con sư tử bằng bạch ngọc rất giống với những ghi chép về một loại hộp đựng đồ trong "cổ dục trai kỳ kiếp dư lục". Vương Kỳ liền thể hiện trước mặt mọi người, làm theo ghi chép trong sách, mang con sư tử bỏ vào nước trà, không lâu sau miệng sư tử mở ra, để lộ một miếng vàng lá. Từ đó danh tiếng của Vương Kỳ lên nhanh như diều gặp gió, không gì cản nổi.
Về phần hai người kia bắt tay với nhau từ khi nào thì trợ lý Lương không nói rõ, cũng đúng thôi, ông ta chỉ là trợ lý nên những việc này cũng không tiện hỏi.
Nghe đến đó tôi hỏi trợ lý Lương, tại sao lần này hai người đó lại muốn đích thân tới đây? Họ sống an nhàn sung sướng đã quen, cớ sao lại khăng khăng đòi đi chịu khổ?
Lão Dương nói: "Có gì lạ đâu, cái này gọi là "rảnh rỗi sinh nông nổi", là vung tiền qua cửa sổ chứ gì nữa. Với kẻ có tiền thì tiền dẫu nhiều cũng không khẳng định được bản thân là ai giữa đời, cái họ muốn là đi tìm giá trị cuộc sống của mình. Có người sở hữu gia tài bạc triệu mà vẫn ra ngoài xin ăn đó thôi, chẳng có gì đáng ngạc nhiên."
BẠN ĐANG ĐỌC
Đạo Mộ Bút Ký - Quyển 3
Mystery / ThrillerĐạo mộ bút ký - 盗墓笔记 Quyển 3 Tần Lĩnh thần thụ - 秦岭神树 Tác giả: Nam Phái Tam Thúc - 南派三叔 Chuyển ngữ: Thủy Đạm Nguyệt group Thể loại: Bí ẩn, phiêu lưu mạo hiểm, kinh dị. Nhà xuất bản: Hữu nghị Trung Quốc, Văn nghệ thời đại, Văn hó...