Chương 25: Lễ hiến tế

552 32 3
                                    

Tôi với lão Dương nghe hắn nói thế, liền đồng thanh hỏi xem hắn nghĩra gì rồi. Hắn gãi đầu gãi tai, bảo: "Tôi chỉ đoán đại khái vậy thôi. Có khả năng ngọn đồng thụ này không phải là điểm mấu chốt, những khe rãnh trên mặt cây này có thể là dùng để tập trung nước lại, ví như nước mưa, máu hoặc sương đêm gì đó."

Lão Dương liền hỏi hắn: "Có phải là giống như ngày xưa người ta gom sương đêm lại để pha trà dâng lên vua không? Gọi là gì nhỉ, Vô Căn Thủy*"

* Vô Căn Thủy: hay còn gọi là thiên thủy (nước không nguồn gốc), ám chỉ những loại nước rơi từ trên trời xuống như mưa, tuyết, sương, vân vân.

Trợ lý Lương lấy cây bút máy cạo ra một ít vết cặn màu đen trong rãnh. Đã trải qua hàng nghìn năm, không biết liệu những vết cặn này có phải chính là máu của tổ tiên đã khô cứng lại không, hay chỉ là nước mưa lắng đọng. Hắn nhìn mấy nhánh cây, nói: "Cậu trông, phía dưới những cành cây này có cái gì đó trông như lưỡi lê lấy máu, thông với giữa con rắn hai thân, hẳn là nhánh cây này có công dụng gì đó với đàn tế thờ. Khả năng là nó có liên quan đến huyết tế."

Tôi không hiểu lắm, nên trợ lý Lương đành nói rõ hơn về những khe rãnh này vì sao lại có liên quan đến huyết tế, và cách thức tiến hành huyết tế.

Trợ lý Lương nói, thời Tây Chu, lễ hiến tế tuy không tàn bạo bằng thời nhà Thương, nhưng việc hiến tế người sống là khó tránh khỏi, cái gọi là điểm khác nhau giữa hai thời chỉ là ở cách giết người mà thôi. Ví dụ như, hiến tế cho thần thổ địa thì đem người chôn sống, hiến tế cho thần lửa thì thiêu sống, còn hiến tế cho hà bá thì quẳng xuống sông.

Ở đây, một cây thanh đồng đại thụ cao ngút trời như thế này có khả năng là loại thần thụ Phù Tang nhược mộc hoặc cây thần thờ Phục Hy(*), những loại thần thường phải dùng huyết tế.

* Nguyên văn là "câu mang": là mộc thần Phục Hy trong thần thoại Trung Quốc. Còn Phù tang nhược mộc thì là cái cây dâu lớn mọc ở đông hải, là nơi mặt trời mọc lên trong thần thoại.

Vừa rồi, máu của lão Thái chảy dọc theo cành cây thanh đồng, rồi vào giữa con rắn hai thân trên cây, rồi chảy thẳng xuống dưới. Nếu không phải vì đã có thiết kế sẵn thì máu không thể chảy một cách trơn tru như vậy được. Hơn nữa, trên bề mặt cành cây thanh đồng này có các dấu vết rất giống như lưỡi lê, như vậy là đã rõ, nơi này chắc chắn chỉ dùng để chuẩn bị tiến hành huyết tế.

Gọi là huyết tế, vì đại đa số lượng máu đều thấm hết vào đất. Lúc tế lễ, vật tế bị những nhánh cây thanh đồng đâm xuyên qua người mà chết, máu từ thi thể bị rút hết ra, chảy xuống rãnh giữa hai thân xà. Nếu máu không nửa đường đông lại thì sẽ chảy xuống tận rễ cây thanh đồng chôn sâu dưới lớp nham thạch, tượng trưng cho việc lấy máu kính dâng lên thánh thần.

Nói ví von lên, thì các rãnh hoa văn trên cây tựa như các ống dẫn máu trong phòng giải phẫu, thi thể là bệnh nhân, máu chảy ra từ xác đọng lại dù là nhiều hay ít thì cuối cùng vẫn theo ống dẫn máu chảy xuống các ống nước ngầm bên dưới. Chỉ khác cái, ở đây các ống dẫn máu được làm hoa văn nhìn cứ như đồ để trang trí. Hẳn đó là lý do vì sao ở trên các con rắn hai thân đều có các rãnh được khắc rất sâu, không hợp với chuẩn mực thường thấy.

Đạo Mộ Bút Ký - Quyển 3Nơi câu chuyện tồn tại. Hãy khám phá bây giờ