CHƯƠNG 5
Chiến dịch bắt đầu. Tiếng súng mở màn chiến đã nổ ra với tất cả tính chất gay gắt. Cả hai bên đều dự trữ lực lượng mạnh. Miếng đất sát giới tuyến như đầu một cái mỏ hàn mà cực âm và cực dương đã tiếp xúc. Bên phía quân ta đã tập trung rập rình ở đây một số trung đoàn và sư đoàn thiện chiến nhất của ta đang tích cực chuẩn bị hành động ở hướng đường 9 và Khe Sanh.
Tình hình phát triển của cuộc chiến tranh giải phóng đã đến lúc cần phối hợp hành động toàn chiến trường: Nhiệm vụ các đơn vị tham chiến trên mặt trận Khe Sanh phải nổ súng trước cuộc Tổng tiến công mười ngày, mục đích để giam chân và thu hút một số đơn vị ứng chiến cơ động, một số lực lượng phi pháo của địch. Mệnh lệnh về thời gian nổ súng trên giao cho Mặt trận hết sức cấp bách. Chỉ kể qua một vài khó khăn của các đơn vị do công tác chuẩn bị chưa hoàn thành: bộc phá chưa có nụ xòe, đạn ĐKZ, đạn súng cối và đạn một số hỏa khí chưa đủ cơ số chiến đấu. Gạo mới "gùi" đủ ăn cho bộ phận trực tiếp chiến đấu mỗi người ba ngày. Anh em phía sau vẫn phải ăn cháo. Trận đánh chiếm thị trấn, đơn vị lĩnh nhiệm vụ chưa có thì giờ trinh sát kỹ lưỡng. Trước ngày hai mươi bốn tháng chạp, địch đánh hơi thấy một cuộc chuyển quân lớn đang dần dần tụ lại quanh thung lũng Khe Sanh nên chúng tiến hành một cuộc oanh tạc phá chuẩn bị. Một vài đơn vị của ta dính oanh tạc, một số con đường xuất kích do công binh mở từ trước bị ném bom hỏng. Tất cả những khó khăn không thể lay chuyển quyết tâm chiến đấu của toàn thể cán bộ và chiến sĩ trên toàn Mặt trận. Các đơn vị đều nhận rõ tầm quan trọng chiến lược của chiến trường Khe Sanh đối với cả hai miền Nam Bắc, và đối với cuộc Tổng tiến công và nổi dậy đồng loạt khắp miền Nam. Các Đảng ủy và bộ đội tham chiến đều ra sức khắc phục mọi khó khăn, chấp hành mệnh lệnh chiến đấu. Diễn biến chiến dịch giai đoạn đầu hết sức mau lẹ. Vào một đêm mùa đông giáp Tết âm lịch, ngọn tầm sét vung lên từ phía bắc đã giáng xuống đầu quân Mỹ: Thị trấn Khe Sanh bị quân ta tấn công đầu tiên. Và chỉ trong vòng nửa tháng, cả tập đoàn cứ điểm Khe Sanh đã bị rơi vào tay quân ta. Hai ngày sau, bên phía Lào, Bộ đội Pa Thét Lào tấn công tiêu diệt đồn Huội San trên đường 9. Năm trăm binh lính đồn Huội San phải bỏ chạy tắt rừng sang trú nhờ đồn Làng Vây. Ăn Tết xong, quân ta lại tiến công và tiêu diệt đồn Làng Vây. Cái vị trí then chốt công sự chắc chắn có hơn một ngàn tên chiếm giữ bị quân ta san bằng rất gọn ghẽ trong một đêm đã khiến cho bọn cầm quyền và tướng tá tận bên Mỹ hết sức hoang mang lo sợ.
Lúc bấy giờ làn sóng Tổng tiến công mùa Xuân đã phủ lên đầu hơn một triệu quân Mỹ và chư hầu. Tuy đang bị lúng túng trước những cuộc tấn công của quân ta ở khắp các thành phố và thị trấn. Bộ Tư lệnh viễn chinh Mỹ vẫn mỗi ngày thêm đau đầu trước tình hình khu vực Khe Sanh ở phía Bắc. Ở đây, Bộ Tư lệnh viễn chinh Mỹ luôn luôn bị uy hiếp bởi một ý đồ chiến dịch ngấm ngầm và rất linh hoạt, không thể nào dự đoán hết được. Tất cả vẫn đang còn giấu kín sau vừng trán của Bộ Tư lệnh chiến dịch Quân Giải phóng. Hằng ngày, trung tâm Tà Cơn với hơn sáu ngàn sinh mạng lính Mỹ nằm phơi cái thân hình trần trụi ra trước con mắt các đài quan sát của ta. Bộ Tư lệnh Mỹ hết sức khốn đốn trên khắp chiến trường nhưng vẫn phải giữ chung quanh "chiếc mỏ neo phía Bắc" một lực lượng ứng cứu để sẵn sàng "chữa cháy"! Nhưng nên để ở đây bao nhiêu quân ứng cứu cho đủ? Bởi vì làm sao chúng dự đoán được chiến dịch chính sẽ mở ra ở đây, hay đây chi là một trò chơi "ú tim" của Việt cộng? Hãy cứ biết rằng sang giữa mùa Xuân, trung tâm Tà Cơn hoàn toàn rơi vào tình trạng cấp cứu bởi một chiến dịch bao vây quy mô. Những cái "chốt" của bộ đội từ bên ngoài mỗi ngày một đóng sâu vào hàng rào. Đủ các thứ máy bay cùng các loại bom đạn không thể lay chuyển được vòng đai bao vây. Ban ngày cũng như ban đêm, lính thủy đánh bộ đều phải rúc xuống hầm. Trung tâm Tà Cơn biến thành một cái bãi tha ma rộng mênh mông chứa hàng ngàn cái huyệt những tên lính Mỹ còn sống. Chưa bao giờ lính thủy đanh bộ phải ngồi dưới hầm, thế mà bây giờ chúng đâm ra sợ ánh sáng mặt trời. Nhưng làm thế nào một vị trí quân chiếm đóng có thể bỏ trống mặt đất được? Hầu như lúc nào trên mặt đất cũng có những khuôn mặt thập thò quan sát, những bóng dáng chạy đi chạy lại giữa các đoạn chiến hào bị phá hoại để khiêng xác chết, để nhặt hàng tiếp tế từ trên máy bay thả xuống, những chuyến máy bay đổ xuống sân vội vã và hốt hoảng để lấy thương binh... Và bao trùm lên tất cả mọi hoạt động trên mặt đất là những trận bão lửa do đạn ta từ bên ngoài tập kích vào. Đạn pháo bắn liên tục, lúc cầm canh, lúc cấp tập, đạn pháo tầm xa bay xuống từng loạt khiến lính Mỹ chỉ nghe tiếng réo trên đầu cũng đủ khủng khiếp. Một làn bụi đất và khói không bao giờ tan hết, bay chờn vờn như một làn tử khí trên các bãi tha ma rộng mênh mông. Ban đêm làn khói bụi sáng rực lên thành một vệt hình bán nguyệt ôm lấy mặt đất, từ trong đó phát ra hàng trăm thứ tiếng động điên loạn: tiếng động cơ rađa, tiếng máy bay lên xuống, tiếng máy nổ, tiếng phát thanh bằng tiếng Việt, tiếng Lào, tiếng Thái Lan lẫn tiếng Anh. Một ngọn đèn tín hiệu đỏ như máu nhấp nháy trên đầu đường băng sân bay tượng trưng cho con mắt lính viễn chinh Mỹ đang ngày đêm nhìn lên bầu trời...