( Phân tích )AI ĐÃ ĐẶT TÊN CHO DÒNG SÔNG ( Hoàng Khánh Duy )

429 2 0
                                    

ĐỀ BÀI:
Trong bài bút kí "Ai đã đặt tên cho dòng sông?", Hoàng Phủ Ngọc Tường đã nhiều lần ví von vẻ đẹp sông Hương:
Lúc ở thượng nguồn: "Giữa lòng Trường Sơn, sông Hương đã sống một nửa cuộc đời.........một vùng văn hóa xứ sở"
Khi về ngoại vi thành phố Huế: "Phải nhiều thế kỉ qua đi, người tình mong đợi mới đến đánh thức........đi tới gặp thành phố tương lai của nó"
Và khi tạm biệt kinh thành Huế, sông Hương "sực nhớ ra một điều gì chưa kịp nói......để nói một lời thề trước khi về biển cả"
Phân tích vẻ đẹp hình tượng sông Hương trong những lần miêu tả trên, từ đó làm nổi bật nét tài hoa trong phong cách kí của Hoàng Phủ Ngọc Tường.
BÀI VIẾT:
Về qua đất Huế, đứng trên cầu Dã Viên ngắm nhìn dòng Hương giang lặng lờ trôi, chỉ có thế ta mới bắt trọn xúc cảm và linh hồn bút kí "Ai đã đặt tên cho dòng sông?" của Hoàng Phủ Ngọc Tường. Ông là nhà văn gắn bó mật thiết với xứ Huế, có vốn hiểu biết sâu rộng trên nhiều lĩnh vực. "Ai đã đặt tên cho dòng sông?" (sáng tác năm 1981) tiêu biểu cho phong cách sáng tác của Hoàng Phủ Ngọc Tường. Chính sự gắn bó máu thịt, tình yêu tha thiết đối với cảnh và người xứ Huế cùng với sự am tường trên nhiều lĩnh vực: lịch sử, địa lí, văn hóa... đã giúp Hoàng Phủ Ngọc Tường khắc họa thành công vẻ đẹp của dòng sông Hương - biểu tượng cho đất cố đô. Trong bài bút kí này, rất nhiều lần Hoàng Phủ Ngọc Tường sử dụng những so sánh, ví von ở cả ba quãng sông: ở thượng nguồn, khi về ngoại vi thành phố Huế và khi tạm biệt kinh đô Huế, nhằm ghi lại cái thần sắc của dòng sông, biến sông Hương trở thành nhân vật huyền thoại vắt ngang kinh đô ngàn năm trầm mặc.
Tự bao giờ mà sông Hương đã trở thành nguồn cảm hứng dồi dào, bất tận cho các văn nghệ sĩ. Trong văn học đương đại Việt Nam, đã nhiều lần các cây bút mượn ngôn từ nghệ thuật để lưu giữ lại nét đẹp riêng biệt của sông Hương. Làm sao quên được hai dòng thơ mượt mà nhưng đong đầy xa xót của Hàn Mặc Tử khi hồi tưởng về dòng sông xứ Huế: "Dòng nước buồn thiu, hoa bắp lay". Và dòng sông này cũng đã đi vào thơ Tố Hữu, gắn liền với một kiếp đời buồn, lay lắt, lênh đênh: "Trên dòng Hương giang - Em buông mái chèo - Trời trong veo - Nước trong veo...". Ta tự hỏi vì đâu Hoàng Phủ Ngọc Tường lại dành tình yêu bao la của mình cho con sông đất Huế như vậy? Phải chăng vì nhà văn đã gắn bó sâu nặng, máu thịt với đất và người cố đô, viết sông Hương là cách để ông tri ân nơi đã bao dung, di dưỡng cuộc đời ông, cho ông mạch nguồn cảm xúc chưa bao giờ khô cạn?!
Hoàng Phủ Ngọc Tường đã xuôi dọc dòng sông, quan sát tinh tế, nhìn ngắm kĩ càng, phát hiện ra vẻ đẹp con sông Hương từ thượng nguồn đến khi từ biệt kinh thành Huế. Bằng những so sánh, ví von độc đáo, Hoàng Phủ Ngọc Tường đã để cho con sông này lung linh, trở mình vùng vẫy, êm đềm xuôi chảy giữa trang văn thấm đượm chất thơ. Mỗi câu văn, mỗi đoạn văn là một nét họa riêng biệt. Dòng sông đời thường khi được ông đưa vào văn chương nghệ thuật lại đẹp đến diệu kì, đôi khi khiến người đọc phải ồ lên kinh ngạc bởi sự ngọt ngào mộng mơ của nó.
Ngược sông lên tận thượng nguồn, Hoàng Phủ Ngọc Tường nhận ra vẻ đẹp mãnh liệt, hoang dại và đầy cá tính của con sông. Nhà văn đã khéo léo ví con sông "như một cô gái Digan phóng khoáng và man dại" với một bản lĩnh gan dạ, một tâm hồn "tự do và trong sáng". Một nửa cuộc đời dòng sông đã sống ở nơi rừng thiêng Trường Sơn, chảy trong dư vang của dãy Trường Sơn, một nửa cuộc đời được tung hoành tự do, không bị bó hẹp bởi bất kì điều gì. Con sông như "cô gái Digan" đương tuổi thanh xuân khát khao, yêu đời, mãnh liệt và đầy nhiệt huyết. "Lửa thử vàng, gian nan thử sức", sự hùng vĩ, bí hiểm của rừng già đã thử thách dòng sông này để rồi tôi luyện cho sông Hương sự dũng cảm, gan dạ, yêu tự do và khát khao những điều tốt đẹp trong cuộc đời. Bằng sự am hiểu tường tận về mặt địa lí, Hoàng Phủ Ngọc Tường viết: "rừng già nơi đây, với cấu trúc đặc biệt có thể lí giải được về mặt khoa học, đã chế ngự sức mạnh bản năng ở người con gái của mình". Sự dịu dàng, nữ tính vốn tồn tại bên trong "người con gái" sông Hương đã bị dãy Trường Sơn chế ngự. Địa hình núi đá hiểm trở buộc dòng sông phải mạnh mẽ, dũng cảm mới có thể băng qua những ghềnh thác, những đáy vực. Những tưởng chất nữ tính đã mất đi hoàn toàn trong cô gái man sơ ấy, nhưng không, "khi ra khỏi rừng, sông Hương nhanh chóng mang một sắc đẹp dịu dàng và trí tuệ, trở thành người mẹ phù sa của một vùng văn hóa xứ sở". Qủa là một ví von mang tính bất ngờ và vô cùng độc đáo. Cuối cùng thì "người con gái" ấy đã trở về đúng với bản ngã của mình, một nét đẹp điềm đạm, thanh lịch ("dịu dàng và trí tuệ"). Theo không gian, theo thời gian, "cô gái Digan" nay đã trở thành "người mẹ phù sa" bao dung rộng lượng, ngày đêm bồi đắp phù sa cho văn hóa xứ Huế. Sông Hương chính là một khởi nguồn, từng ngày từng giờ duy trì và vung đắp cho cả không gian văn hóa duy trì và hình thành hai bên bờ sông.
Theo dòng Hương, Hoàng Phủ Ngọc Tường xuôi về ngoại vi thành phố Huế để tiếp tục đưa ra những phát hiện mới lạ về con sông. Bằng lối hành văn lịch lãm, tài hoa, những ví von so sánh tiếp tục được Hoàng Phủ Ngọc Tường sử dụng để tái hiện vẻ đẹp của Hương gian khi ra khỏi rừng già, bỏ lại bìa rừng cái tính cách hung bạo, mãnh liệt, dữ dội. Chưa bao giờ con sông dịu dàng và ngọt ngào đến thế. Hoàng Phủ Ngọc Tường khéo léo nhắc đến mốc thời gian đằng đẵng từ quá khứ đến thực tại ("Phải nhiều thế kỉ đi qua"), không gian mơ màng, yên ắng lạ kì. Nhắm mắt lại mường tượng hình ảnh sông Hương đoạn ngang qua cánh đồng Châu Hóa đầy hoa dại, người đọc có cảm tưởng như mình đang đứng ở một thời đại nào đó xa xăm lắm, hình như là tiền sử, sông Hương đã kéo lê dòng chảy của mình qua nhiều thế kỉ để rồi nó trở nên nhẹ nhàng, lắng sâu. Nhà văn ví sông Hương như "người gái đẹp ngủ mơ màng" đã được người tình trong mộng đến đánh thức. Vậy là dòng sông đã trở đúng với bản năng của nó, không còn bị chế ngự bởi rừng già. "Người gái đẹp ấy" trong phút giây này đã bừng lên sức trẻ, khao khát tuổi thanh xuân. Điều đó được biểu hiện trong sự "chuyển dòng một cách liên tục". Dòng sông không đứng yên mà cứ mải miết như đang lao vào một cuộc kiếm tìm. Sông Hương "vòng giữa những khúc quanh đột ngột, uốn mình theo những đường cong thật mềm". Động từ "vòng giữa", "uốn mình" khiến con sông trở nên sinh động hơn, dường như đang thực sự chuyển mình trên trang văn, theo từng nhịp điệu. Đó là "cuộc tìm kiếm có ý thức" mà đích đến chính là "thành phố tương lai" của nó - thành phố Huế. Chi tiết này thể hiện sự tinh tế trong cách nhìn và lãng mạn trong văn phong của Hoàng Phủ Ngọc Tường. Hóa ra, toàn bộ thủy trình của sông Hương chính là "cuộc tìm kiếm" người tình nhân đích thực của người con gái trong câu chuyện tình yêu nhuốm màu cổ tích.
Và rồi, khi sắp phải giã từ cái thành phố mà nó yêu thương, sông Hương "sực nhớ lại một điều gì chưa kịp nói, nó đột ngột đổi dòng, rẽ ngoặt sang hướng đông tây để gặp lại thành phố lần cuối ở góc thị trấn Bao Vinh xưa cổ". Trong cái nhìn lãng mạn của một trái tim đa tình, sông Hương trở thành "người con gái dịu dàng và chung thủy". Hoàng Phủ Ngọc Tường phát hiện ra sự trở lại để gặp mặt lần cuối góc phố cổ kính mang dấu ấn thời gian, mặc dù lúc này sông Hương đã ra khỏi kinh thành Huế, chếch về phía Bắc, xa dần thành phố. Tác giả gọi đây là "nỗi vương vấn, cả một chút lẳng lơ kín đáo của tình yêu". Trong trang văn của Hoàng Phủ Ngọc Tường, dòng sông kia không còn vô tri, vô giác nữa. Dòng sông cũng có cảm xúc, có nỗi buồn, có sự thủy chung và nỗi niềm nhớ nhung, lưu luyến. Bởi thế mà nó đâu nỡ xa cách? Vũ Quần Phương có viết: "Có bao giờ sông chảy thẳng đâu em - Sông lượn khúc lượn dòng mà tới biển", quả thế! Sông Hương đã uống cong thật nhiều. Điều đặc biệt là sự "uốn cong", "chuyển dòng", "rẽ ngoặt", "gặp lại"... trùng khít với tâm lí con người. Phải chăng "nơi đây (góc thị trấn Bao Vinh), chính là chỗ chia tay dõi xa ngoài mười dặm trường đình", nên nhìn sông Hương, Hoàng Phủ Ngọc Tường cũng tưởng ra cuộc chia tay bịn rịn, đầy vương vấn? Có lẽ là vậy. Nhà văn tiếp tục so sánh con sông như nàng Kiều trong kiệt tác của Nguyễn Du trong đêm hẹn hò tình tự, đã "chí tình trở lại tìm Kim Trọng" để nói lên lời li biệt cuối cùng trước khi về biển cả, bởi nó biết một khi xuôi về biển là sông chẳng bao giờ trở lại chốn xưa. Vì sao vậy? Bởi "Mọi dòng sông đều đổ về biển cả. Mà biển hạ mình thấp hơn mọi con sông"...
Từ những cảm nhận về sông Hương, có thể nhận thấy Hoàng Phủ Ngọc Tường đã tiếp cận và miêu tả dòng sông từ nhiều góc độ, mỗi góc độ, nhà văn đều thể hiện cảm nghĩ thật sâu sắc và mới mẻ về con sông biểu tượng của đất cố đô. Ta nhận ra phong cách nghệ thuật tài hoa, độc đáo của Hoàng Phủ Ngọc Tường sau khi khép lại trang bút kí. Sự kết hợp nhuần nhuyễn giữa chất trí tuệ và tính trữ tình. Hoàng Phủ Ngọc Tường là người có vốn hiểu biết sâu rộng, am tường trên nhiều lĩnh vực. Ở bút kí "Ai đã đặt tên cho dòng sông", tác giả đã thể hiện một trình độ tri thức dày dặn trong việc khám phá hành trình sông Hương. Kiến thức về lĩnh vực địa lí được Hoàng Phủ Ngọc Tường thể hiện vừa đúng, vừa hay, vẫn giữ được chất văn chương chứ không đánh mất nó để biến "Ai đã đặt tên cho dòng sông" thành bài biên khảo. Tính trữ tình được thể hiện sử dụng ngôn ngữ mượt mà, những so sánh, ví von, câu văn có nhịp điệu, ngọt ngào tựa lời ca xứ Huế khoan thai, hình ảnh trong trẻo, tuyệt vời. Lối hành văn hướng nội ("nội cảm") là cái cảm nhận riêng của Hoàng Phủ Ngọc Tường, không lệ thuộc vào bất kì nguồn tài liệu tham khảo nào khi viết về con sông Hương xứ Huế. Sự đào sâu "cái tôi" của nhà văn. Một "cái tôi" vừa tài hoa vừa mê đắm cái đẹp. Cái bề sâu bên trong của sự việc, hiện tượng (theo "Tảng băng trôi" thì đây là bảy phần chìm), nhà văn cố gắng phát hiện cho ra cái bề sâu bên trong của sự việc, hiện tượng; tìm tòi, phát hiện riêng rất sâu về sông Hương từ nhiều góc nhìn khác nhau: địa lí, lịch sử, văn hóa, cuộc đời...
"Ai đã đặt tên cho dòng sông?" để lại dư vang trong lòng người. Ta cảm nhận được tấm lòng yêu sông Hương, yêu đất Huế tha thiết, nơi Hoàng Phủ Ngọc Tường đã sống và gắn bó mật thiết. Bài bút kí như tiếp thêm tình yêu đất Huế trong tim bao người, để mỗi lần có dịp trở lại Huế xưa, ta lại tìm ra bờ bãi sông Hương, ngắm dòng sông, lòng tự hỏi lòng, rằng: "Ai đã đặt tên cho dòng sông?", là ai?...
Cre:HOÀNG KHÁNH DUY

Ngữ Văn 12 - Tài liệu ôn thi THPTQGNơi câu chuyện tồn tại. Hãy khám phá bây giờ