Ma Gà

717 8 1
                                    

Ma gà qua những lời kể rùng rợn
“Ma Gà hay còn được biết đến với nhiều cái tên như Ma Chài, Ma Ngũ Hải… có xuất xứ  từ một số dân tộc thiểu số cư ngụ ở miền núi Lạng Sơn, Cao Bằng.

Trong quan niệm của họ, Ma Gà là một cái gì đó vô hình, có thể chỉ là cử chỉ, ánh mắt, câu nói, sợi lông gà, thức ăn… bất cứ thứ gì mà người ta chợt nghĩ ra trong đầu” - Đó là những câu mở đầu về Ma Gà của thầy mo Long Văn Lê, ở Thôn Hợp Thành, xã Tân Lập (Hữu Lũng, Lạng Sơn) khi nhắc đến thứ bùa phép đầy bí ẩn.
Cũng theo lời của thầy mo Lê,  Ma Gà giúp người nuôi nó trông nhà, giữ của. Người nào vào ăn cắp là nó đi theo ăn hết ruột gan hoặc làm cho kẻ đó điên loạn. Thường thì Ma Gà được nuôi trong chum, ở những xó nhà ít bị nhìn thấy.
Nhà nào nuôi Ma Gà phải lập riêng một ban thờ ở nơi khuất lấp, ít người đi lại. Thường thấy nhất là ban thờ Ma Gà ở một góc tối nào đó trong căn nhà.
Vào những ngày lễ tết, gia chủ phải làm lễ cúng ban thờ Ma Gà trước sau đó mới được làm lễ cúng ở bàn thờ tổ tiên. Hoặc gia đình có những công việc lớn như dựng vợ gả chồng cho con cháu, hay tổ chức cúng lễ gì thì cũng phải làm lễ báo trước sự việc với Ma Gà mà gia chủ đang nuôi. “Nếu không làm như vậy thì con ma này sẽ phản lại chủ nó” - Thầy mo Lê khẳng định.
Kể sâu hơn về “quy trình” nuôi Ma Gà, thầy mo Lê cho biết: Mỗi tháng, vào một ngày nhất định, người nuôi phải tắm rửa sạch sẽ, khấn vái làm lễ cho ma ăn. Thức ăn thường là một con gà sống. Nếu cứ đến ngày đó, mà ma không được ăn gì thì nó sẽ nhập vào một người nào đó đòi hỏi hoặc bắt gia chủ phải thế mạng.
“Để biết được nhà nào nuôi Ma Gà thì rất đơn giản, những nhà nuôi loài ma này thường rất sạch sẽ, không bao giờ trong nhà có mạng nhện và một điều nữa là con cái nhà ấy luôn có vẻ ngoài rất xinh xắn, mắt đẹp và trong vắt.
Ngoài ra, không phải ai cũng nuôi được ma, chỉ có những người sinh ra trong gia tộc, dòng họ có truyền thống nuôi ma mới có thể làm được” - thầy mo Long Văn Lê chia sẻ.
Bỏ xứ vì bị hắt hủi
Hiện nay, người dân ở xứ Lạng vẫn thường truyền tai nhau nhiều câu chuyện rùng rợn về loài Ma Gà vô hình, nhưng lại mang đến nhiều nỗi ám ảnh và khiếp sợ cho không ít người. Bà Vi Thị Đạt, năm nay 89 tuổi, ở huyện Hữu Lũng (Lạng Sơn) vẫn run run kiếp sợ khi nhớ lại câu chuyện Ma Gà bắt ba mạng người từng xôn xao vùng này.

Bà Vi Thị Đạt kể về chuyện Ma Gà.
Bà Đạt kể: “Có một gia đình người dân tộc Tày, cuộc sống của họ đang yên ổn thì một hôm người vợ đi làm nương về bị con ma nhập vào người. Bà ta về nhà trở nên điên dại, nói lảm nhảm suốt ngày. Gia đình đưa đi bệnh viện khám thì không phát hiện ra bệnh gì vì người đó đã tỉnh táo trở lại. Thế nhưng hễ về nhà, bà ta lại đau ốm và điên dại, không lâu sau đó thì chết.

Khi chôn cất, thầy cúng nói người đó chết do bà bị Ma Gà nhập nên phải đào sâu chôn chặt, không được cải táng nữa. Ông thầy cúng cũng đã yểm bùa để nhốt con Ma Gà đó với người quá cố, nếu cải táng sẽ giải thoát cho Ma Gà, nó sẽ lại đi hại người.
Nhưng mấy năm sau, vì nhớ thương người vợ quá cố, người chồng đã quyết định cải táng cho vợ của mình, và sau đó hàng loạt điều bất hạnh đã đổ xuống gia đình này. Họ làm ăn thì liên tục bị mất mùa, thất bát, điều đáng sợ hơn là hai cô con gái cũng đều lần lượt bị chết ở tuổi 18, với nhưng căn bệnh không rõ nguyên nhân.
Sau khi gặp phải những chuyện đau buồn, cộng thêm sự gán ghép, đồn thổi về ma quỷ, khiến gia đình họ bị xóm làng xa lánh, ra đường không dám nhìn mặt ai… gia đình này đành phải bỏ quê hương ra đi biệt xứ”.

Sau khi gặp phải những chuyện đau buồn, cộng thêm sự gán ghép, đồn thổi về ma quỷ, khiến gia đình họ bị xóm làng xa lánh, ra đường không dám nhìn mặt ai… gia đình này đành phải bỏ quê hương ra đi biệt xứ”

Rất tiếc! Hình ảnh này không tuân theo hướng dẫn nội dung. Để tiếp tục đăng tải, vui lòng xóa hoặc tải lên một hình ảnh khác.

Gần đây, ở các khu vực miền núi phía Bắc xảy ra không ít câu chuyện đau lòng vì thứ được nhân gian quen gọi là Ma Gà như trên. Chẳng hạn, trong vụ án liên quan đến cái chết của cô gái người dân tộc Tày - Đinh Thị Ánh ở xóm Vạc Sìn, xã Vân Trình (Thạch An,Cao Bằng).
Theo đó, sau một trận ốm, cô gái này bỗng có dấu hiệu của người mắc bệnh tâm thần, nói năng lảm nhảm, chạy lung tung khắp nơi. Thương con gái, cha mẹ Ánh đã tìm cách mời một ông thầy cúng ma có tiếng trong vùng đến chữa trị cho con gái với giá 2 triệu đồng. Người thầy cúng chuyên “đuổi” ma ấy tên đầy đủ là Nông Siêu Khìn, nhà ở thị trấn Đông Khê (Cao Bằng).
Trước bàn làm lễ nghi ngút khói hương,thầy Khìn múa may và lấy tàn hương, tro ở bàn lễ hòa vào nước lã cùng mấy viên thuốc bùa chú của mình bắt Ánh uống. Tiếp đó, Khìn lấy bó hương đốt cháy hừng hực đưa qua người Ánh từ đầu xuống chân. Liên tục trong suốt buổi lễ, Khìn dùng kim châm, roi vụt vào khắp người Ánh để “đuổi Ma Gà”.
Không những thế, gã thầy cúng bệnh hoạn còn liên tục đánh vào chỗ kín của cô. Ánh liên tục bị tra tấn trong gần 2 ngày, sau nhiều lần ngất lên ngất xuống, Ánh lịm dần đi và chỉ còn thoi thóp. Đến ngày thứ 3, khi thấy Ánh càng nguy kịch hơn thì gia đình và Khìn mới đưa đến Trạm xá xã để cứu chữa.
Sau đó, Ánh được chuyển tiếp lên bệnh viện huyện Thạch An nhưng vẫn không thể qua khỏi. Đáng nói, sau ba ngày hành hạ chị Ánh bằng roi vọt và bùa ngải, thầy cúng Khìn vẫn một mực đổ lỗi cho cán bộ y tế “không biết chữa bệnh” chứ không phải do y.
Khoảng tháng 3/2013, tại Thị trấn Đồng Đăng (Lạng Sơn) cũng xảy ra một vụ việc liên quan đến Ma Gà. Điều đáng nói hơn là những người cuồng tín ấy lại trẻ tuổi, được ăn học đàng hoàng và sống ở nơi phố thị văn minh.
Theo đó, đầu năm 2013 nhiều người dân thị trấn Đồng Đăng rỉ tai nhau về việc gia đình ông Vòng Mằn Lằm bất ngờ giàu lên nhanh chóng. Nhiều thanh niên đã tìm cách theo dõi ngôi nhà và phát hiện Vòng Mằn Lằm có nhiều biểu hiện kỳ lạ.
Họ đồn nhau rằng, ở căn nhà Vòng Mằn Lằm có tiếng lạ và khẳng định đó là âm thanh của Ma Gà. Và để diệt trừ hậu họa, đám thanh niên mê muội đã quyết định đột nhập vào nhà Vòng Mằn Lằm, với ý định sẽ giết chết cả nhà. May mắn thay, vợ chồng ông Vòng Mằn Lằm chạy thoát và đến công an trình báo. Đám thanh niên cuồng tín gồm 5 người đã bị công an bắt tại chỗ vì tội gây rối trật tự công cộng.
Trao đổi với chúng tôi, anh Ma Văn Tiền, cán bộ văn hóa xã Tân Lập cho biết: “dù các cán bộ văn hóa xã trên địa bàn tỉnh thường xuyên tuyên truyền, chống các hủ tục mê tín dị đoan, kết hợp với các ban ngành thuyết phục bà con dân tộc đến khám chữa bệnh ở các trạm y tế nhưng những hủ tục này đã ăn sâu vào tiềm thức người dân nên người dân vẫn mù quáng tin vào những lời đồn thổi và tin vào bùa chú thầy mo, thầy cúng. Nhiều  người dân vẫn tin vào ma quỷ đặc biệt là tin vào sự tồn tại của Ma Gà”

Các Câu Chuyện Về Bùa NgảiNơi câu chuyện tồn tại. Hãy khám phá bây giờ