1. Hương linh là gì?
Một người sau khi chết, linh hồn xuất ra khỏi thân xác liền. Tùy theo phước nghiệp nhiều đời của người đó mà sẽ tái sinh vào cõi nào.
• Nếu người đó từng rất có phước, làm nhiều việc thiện lành và công đức lớn thì linh hồn đó được sinh lên cõi trời.
• Nếu người đó quyền lực lớn nhưng bản ngã nhỏ, lúc sống không tu tập đạo đức nhưng có nhiệt huyết, có công với đất nước có thể trở thành vị thần atula nằm lơ lửng giữa sườn núi cung mây, tuy tốt bụng nhưng vẫn còn sân hận.
• Những người có phước, có duyên đầu thai sớm thì sẽ đi đầu thai làm người.
• Người nào bản ngã lớn, có quyền lực lớn, làm các điều ác rất lớn khi chết đọa làm súc sinh lớn như trâu, bò, ngựa…
• Và người nghiệp rất nặng, gây rất nhiều tội ác thì có thể đọa làm súc sinh hoặc đọa địa ngục.
• Còn phần lớn một người vừa có phước vừa có tội thì sau khi chết sẽ tồn tại một thời gian trong cõi vô hình, ta hay gọi chung là hương linh.
2. Đời sống của hương linh
- Thế giới cõi âm rất phức tạp, tuy gần gũi quanh ta nhưng mà xa cách không thể nhìn thấy được.
Sau khi chết, hương linh đó biết rõ nguyên nhân vì sao mình chết, và thường quanh quẩn quanh mồ mả của mình hoặc nơi mình chết vì nhiều hương linh còn chấp thân, tiếc nuối thân xác của mình. Nếu không chấp thân thì hương linh sẽ theo cái nguyện của mình mà ra đi. Còn nếu chấp thân thì chịu đau khổ, cô độc...- Khi chết, tất cả mọi thứ người đó đều không mang qua thế giới bên kia được trừ bệnh tật, phước và nghiệp. Một người trước khi chết bị bệnh, bị đau nhứt, yếu ớt thì chết rồi vẫn còn mang những thân nghiệp đó. Phước báo, công đức và nghiệp họ đã gieo nhiều đời nhiều kiếp vẫn theo họ.
- Các hương linh có phước: được tự do đi lại thì có thể về thăm gia đình, được phép vào nhà nếu chủ nhà tác ý cho phép, được thân hình đẹp, được người sống cúng cho ăn.
- Các hương linh không có phước thì thân hình rất ghê gớm, ít được tự do, bị nhiều hương linh khác ăn hiếp, vất va vất vưởng, đói khát, hoảng sợ, chạy tìm miếng ăn, trốn đầu này đầu kia,…Đặc biệt là những người chết nước do nghiệp hay do tự quyên thì khi làm hương linh rất thê thảm, lạnh buốt, đói khát, đau khổ tột cùng.
Ở cõi âm hương linh rất khó làm phước.3. Ảnh hưởng tâm linh giữa người sống và hương linh
Tâm hương linh đối với người sống:
- Có những người lúc sống không biết đạo lý, sống hung hăng tàn bạo thì khi chết làm hương linh hung dữ, họ tác động vào tâm của người sống. Nếu mình không giữ được tâm mình thì nhiều khi ý nghĩ của mình do người khác tác động. Ngược lại, nếu mình siêng lễ Phật, huân tu đạo đức thì mình hay có những suy nghĩ đúng đạo lý nhờ Chư Phật gia hộ.- Nhiều hương linh có phước thấy cõi âm dễ chịu hơn cõi dương vì ở cõi âm họ biết được tâm người sống, có thể báo mộng cho người sống, hương linh còn biết được một số bí mật của người sống, họ tự tại muốn đi đâu thì đi, họ không còn sợ cái chết.
- Cũng có những người khi còn sống không có gia đình, họ có thương yêu ai đó có thể khi chết họ đi theo người đó mãi để âm thầm gia hộ. Và cũng có những người bị chết oan ức nhưng do không hiểu nhân quả nghiệp duyên nên hương linh đó tìm cách báo thù, có khi còn xâm nhập vào thân của người sống.
Tâm người sống cũng tác động lên hương linh:
- Khi người sống hướng về người chết để tụng kinh cầu siêu với tâm hiền lành, từ ái niệm Phật thì tâm của hương linh bị cuốn theo, hòa theo và hương linh sẽ chuyển tâm từ từ. Đến khi tâm của hương linh được thuần thì những vị Thánh trong thế giới vô hình sẽ hướng dẫn hương linh tiếp tục tin hiểu nhân quả, tội phước. Từ đó hương linh sẽ phát nguyện làm điều tốt như là âm thầm yểm trợ người sống làm việc lành và ủng hộ các chùa. Dần dần hương linh cũng tu tập và có phước, bắt đầu phát tâm trở lại cõi người làm gì đó chuộc lại lầm lỗi ngày xưa, hương linh sẽ đi đầu thai. Đầu thai làm người rồi, thời gian đầu họ sống cũng gặp khó khăn nhưng sau đó năng nổ tu tập và làm phước nhờ họ mang đạo lý từ cõi âm trở lại.4. Trách nhiệm của người sống đối với hương linh
- Ta nên gửi hương linh về các Chùa có tâm linh cao để họ có điều kiện tu tập và làm phước.
- Hàng ngày ta phải cúng thí thực cho hương linh kèm theo bài kinh Cúng Thí Thực để họ được nghe kinh thọ thực, được nghe đạo lý. Ta kiên trì cúng thí thực cho hương linh trong nhiều năm. Một người bình thường sau khi chết thì phải cúng thí thực từ 3 đến 5 năm mới đi đầu thai được. Nhưng cũng có những người phải 10-20-50-100 năm mới đi đầu thai.
- Ta phải tôn trọng hương linh và quán từ bi yêu thương họ.
- Tụng kinh cầu siêu thường xuyên cho hương linh mau siêu thoát.
- Phóng sanh, làm phước hồi hướng công đức cho hương linh.
Có những điểu kiêng kỵ là ta không nên đốt vàng mã cho người chết. Vì vàng mã là giấy, đốt là cháy, hương linh hoàn toàn không hưởng được gì từ đống tro tàn đó, khi đó ta cũng tổn phước vì hoang phí. Nếu ta muốn cho hương linh có quần áo, thức ăn, vật dụng… thì ta đem quần áo, thức ăn, vật dụng,… bố thí cho những người nghèo khó xứng đáng rồi hồi hướng công đức lại cho hương linh.
- Mở pháp cho hương linh nghe.
5. Làm gì khi gặp hương linh (gặp ma)
- Nếu ta có duyên thấy được hương linh thì bình tĩnh, không hoảng sợ, niệm Phật và quán từ bi yêu thương họ, lúc đó nhờ Chư Phật gia hộ nên ta có thêm uy lực vượt qua ảo ảnh và không sợ hãi nữa.
- Những lúc khó khăn, bất trắc hiểm nguy, hoảng sợ khi gặp hương linh ta hay cầu Phật gia hộ. Không phải Phật không linh thiêng, không gia hộ nhưng Phật nhắc ta lấy từ bi làm gốc, phải yêu thương chúng sinh trước, yêu thương những hương linh đó, đừng để câu niệm Phật che mất những tâm nguyện của ta, rồi sau đó Phật sẽ giúp ta vượt qua khó khăn.
- Trong đời sống hàng ngày ta gắng công tu tập, lễ Phật, ngồi thiền, phát tâm mạnh mẽ, tu tập đạo đức sâu dày và làm phước thì đức ta lớn dần, quỷ thần cũng phải khiếp sợ và nghe theo....