Chap1. Như Tiếng Dương Cầm

27 2 2
                                    

 Tôi hay có những giấc mơ dài, yên ả, nối tiếp nhau từ ngày này sang ngày khác, gắn kết với nhau bền chặt. Và tôi vẫn dựa vào đó để an ủi mình trong cuộc sống đầy phức tạp của tôi. Tôi đã từng có một người anh song sinh. Bà ngoại tôi kể, khi chúng tôi ra đời, người làng tránh xa gia đình tôi bởi vì chúng tôi là một cặp song sinh khác giới. Họ nói chúng tôi sẽ gây ra tai họa. Lớn lên tôi nghĩ những suy nghĩ mê tín đó thật buồn cười. Bố mẹ tôi cũng vậy, họ gạt bỏ hết những lời dọa nạt rằng, nếu không tách chúng tôi ra, hoặc không đi cắt tiền duyên cho chúng tôi thì hai đứa con sẽ chẳng sống nổi. Nhưng tôi và anh cứ thế lớn lên, lớn lên trong những dị nghị, lớn lên trong những mê tín, những hủ tục của xóm làng. Mọi người ai cũng nói chúng tôi là hai đứa trẻ không bình thường, ít nói, trầm tính, chỉ biết chôn vùi tuổi thơ vào những nốt nhạc.
 Mẹ tôi là một giáo viên dạy piano.Năm bảy tuổi, anh tôi chết đuối. Chỉ là một tai nạn chẳng ai ngờ tới. Hàng xóm xì xào, chỉ trỏ. Bố tôi im lặng, mặt mày tái nhợt. Mẹ tôi vật vã khóc trước quan tài anh, chẳng cho ai phúng viếng, các bác tôi đến mẹ đều lắc đầu: "Các bác đừng vào, con em đang ngủ!". Thỉnh thoảng mẹ lại cầm dao gọt gọt quả xoài, lấy khăn lau ảnh thờ của anh và dỗ dành: "Dương dậy ăn xoài này, đừng ngủ lâu thế con".
 Khi mọi người dần dần chấp nhận sự thật, cuộc sống lại quay lại quy trình vốn có của nó. Tôi vẫn đi học mỗi ngày. Mẹ tôi bao bọc tôi hơn trước. Hình như mẹ sợ phải mất thêm tôi. Tên Lê Ngọc Dương bị xóa khỏi danh sách lớp. Lúc ấy tôi thấy hụt hẫng đến nỗi khi cô điểm danh đến tên Lê Ngọc Vĩ, tôi im lặng không thể nói được lời nào. Rồi điểm danh cô giáo chẳng gọi tên tôi nữa, cô thường nhìn tôi và gấp sổ lại. Tôi lặng lẽ thu mình trong góc lớp học.
 Tôi vẫn gặp anh tôi trong những giấc mơ. Chúng tôi vẫn cười khúc khích và chơi cùng nhau những bản nhạc quen thuộc. Sáng tỉnh dậy, tôi chạy sang phòng anh, lục tung giường rồi ngồi bệt xuống chân chiếc piano của anh mà gào khóc. Chiếc piano to, mặt gỗ lạnh cóng. Bố chạy vào bế tôi ra ngoài. Tôi vùng vẫy, cào tay bố xước dài từng đường. Sau hôm đó mẹ khóa phòng của anh lại và dấu chìa khóa đi. Khi ấy, tôi mới dần nhận ra sự mất mát quá lớn lao mà mình phải đối mặt, tôi đã quen có anh bên cạnh từ khi còn ở trong bụng mẹ. Mẹ tìm mọi cách dạy tôi phải chấp nhận, mãi đến sau này khi lớn thêm một chút, tôi mới tự ép mình suy nghĩ rằng, không có thói quen thì không có điểm yếu...
 Bố tôi bắt đầu uống rượu, uống nhiều hơn bao giờ hết. Lúc đầu tôi thấy bố hay ngồi trong phòng và nhấp từng ngụm rượu trắng. Rồi bố cầm cả chai, ngồi nghe những bản nhạc mà ngày trước mẹ tập cho hai anh em tôi và uống. Dần dần tôi thấy không lạ gì hình ảnh bố khật khưỡng cầm chai rượu đi khắp nhà vào ban đêm. Đến một ngày, bố giật tung cánh cửa xếp nhà vệ sinh, xông vào phòng ngủ đập liên tục vào mặt mẹ. Tôi hốt hoảng chạy đến ôm mẹ gào khóc. Cánh cửa đập vào tay tôi nóng rát. Bố tôi vừa đánh, vừa gằn lên giận dữ: "Trả con cho tao". Mắt bố đỏ lõi. Mắt tôi nhòe đi. Khi ấy, tôi chín tuổi. 
 Đến khi tôi mười tuổi, mẹ tôi sinh em gái. Bố bảo mẹ đặt tên em là Dương. Mẹ lặng lẽ đi khai sinh và em gái tôi tên Dương Cầm. Tôi dành hết tình yêu của mình vào đứa em gái bé nhỏ. Mẹ lặng lẽ và ít nói. Bố vẫn uống rượu và đòi con ban đêm. Nhưng tôi đã chấp nhận được những điều ấy. Đối với tôi, điều quan trọng lúc bấy giờ là đang có một sinh linh bé nhỏ cần được tôi yêu thương.
 Dương Cầm có làn da mỏng và xanh xao, rất dễ nhìn thấy từng mạch máu dưới làn da mỏng tang ấy. Mẹ nhờ tôi chăm sóc em ban đêm. Mẹ phải trông bố. Tôi hay nằm sát nôi em và ngủ. Chỉ cần có tiếng động là tôi bật dậy. Đôi khi trong lúc mơ màng. Tôi vẫn thấy anh đến bên tôi, khẽ vuốt tóc và dỗ: "Ngủ đi, anh trông Cầm cho". Tôi đã thôi không còn dáo dác tìm anh khi thức dậy nữa. Dường như có một sợi dây vô hình nào đó nối tôi với em gái mình. Em thường ngủ rất ngon và không quấy nếu được nắm ngón tay tôi khi ngủ. Tôi không còn đau đớn với những gì xảy ra trước mắt. Buổi chiều tôi đi học. Khi về nhà tôi lại chạy lên phòng chơi với em. Đôi mắt em đen láy, trong veo. 
 Tôi và Dương Cầm cứ thế lớn lên...
 Tiếng chuông điện thoại bàn làm tôi tỉnh giấc. Dương Cầm quấy và đòi sữa. Tôi với đồng hồ. Hơn một giờ đêm. Không hiểu ai gọi vào cái giờ này. Tôi mò mẫm xuống bếp lấy nước nóng. Tôi cảm thấy nóng ran và bối rối. Đột nhiên tôi bị đẩy bật vào góc hành lang. Choáng váng. Khi tôi kịp định thần lại thì bố đã lao đến giật ngược tóc tôi ra đằng sau, gằn giọng hỏi: "Con tao đâu?". Mắt bố đỏ lõi. Tôi òa khóc và hét lên: "Anh Dương chết rồi!". Bố lập tức tát vào mặt tôi liên tục và quát: "Mẹ cha con lạc loài, con trai tao đâu?". Tôi vẫn cứ gào khóc: "Anh Dương chết rồi". Mùi tanh của máu tràn trên mặt tôi. Trong lúc mê man, đau đớn cực độ, tôi nhìn thấy anh đứng lặng im, lúc sau anh gọi tôi: "Vĩ ơi, có muốn gặp anh không?". Tôi lịm đi.
 Mẹ lặng lẽ lau vết thương trên mặt và tra thuốc cho tôi. Tôi nén đau quay sang nhìn em gái mình. Mỉm cười khi thấy em ngồi trong nôi, bàn tay nhỏ xinh vẫy vẫy tôi nói "a a". Tôi quay lại nhìn mẹ: "Mẹ ơi, em hai tuổi rồi!". Mẹ không nói gì, đi thẳng ra phòng khách. Tôi bế em chạy theo. Dì Mai A đã ngồi ở ghế từ bao giờ. Dì hỏi mẹ: "Có cho con Vĩ đi cùng không?". Mẹ gật đầu, bế Dương Cầm đi gửi.
 Dì Mai Anh dắt tôi đi theo mẹ. Ngôi nhà nhỏ sực mùi nhang cháy. Một dãy dài người xếp hàng ngồi đợi. Dì kéo tôi ngồi xuống bên cạnh dì. Một bà béo bắt đầu châm nhang và lầm rầm khấn. Mẹ tôi lặng lẽ đưa mâm quà bánh và tiền cho bà. Tôi níu tay cô mặc áo tím bên cạnh, hỏi: "Cô ơi sao cô lại ở đây". Cô nhìn tôi, khuôn mặt toàn những vết rỗ tròn nâu nâu, giọng cô càu cạu không nghe rõ. Tôi chẳng kịp hỏi gì, dì cấu tôi một cái đau điếng. Tôi ngồi im nhìn lên chỗ bà béo. Bà lầm rầm. Tự nhiên bụng bà phình to ra, da nhợt nhạt như người chết trôi. Giọng bà lé ré ở cổ họng: "Có bao nhiêu xoài trên đường sao mẹ không mua? Mua bánh quy cho con làm gì?". Tay dì tôi tự nhiên lạnh toát, thôi không nắm tay tôi nữa mà chắp lại khấn liên hồi. Mẹ tôi khóc, tay cũng vái lạy: "Mẹ xin lỗi!". Bà béo giọng vẫn léo réo: "Mẹ đừng khóc nữa, con cầu tự mẹ nuôi sao nổi. Con được sống thế là đủ rồi, người ta phải bắt con lại thôi, mẹ đừng đốt tiền cho con nhiều, đốt quần áo mới cho con". Tôi bắt đầu sợ và hiểu điều gì đang xảy ra. Mẹ tôi vẫn khóc và quỳ vật ra chiếu gọi: "Con ơi!". Bà béo vẫn nói liên hồi: "Bố bị vong chú Hồng chết đuối gần nhà mình hành đấy. Đợi em Cầm bảy tuổi thì bố khỏi. Mẹ đi đòi tiền bác Hiếu đi, lần con với Vĩ đi diễn cho bác, bác vẫn chưa trả đâu". Nỗi sợ hãi tràn lên tận cổ làm tôi ngạt thở. Bà béo tự nhiên liếc nhìn tôi, mắt sáng quắc, con ngươi nhỏ như mắt rắn. Tôi òa lên giãy giụa, gào khóc đòi về. Dì Mai A vội bế tôi chạy ra ngoài. Mẹ tôi vẫn vật ra chiếu, nước mắt tràn ra như mưa. Tôi cũng khóc. Tiếng khóc òa của trẻ con găm vào từng ngọn cỏ may trên đường, dính đầy vào quần dì tôi. Tôi bị tiếng khóc của chính mình xé toạc ra. Những ngày sau đó, tôi lên cơn sốt cao. Mê man. Sau này khi tỉnh lại, mẹ kể lại cho tôi nghe, đêm nào sốt cao tôi cũng nằm cười khúc khích, nụ cười đẫm mồ hôi...
 Dương Cầm bị câm bẩm sinh, cổ họng chỉ phát ra tiếng ú ớ, môi chỉ mấp máy nói "a a". Tôi không biết phải làm thế nào cho em gọi tôi được một tiếng. Năn nỉ mẹ tìm thầy thuốc chữa bệnh cho em thế nào cũng không được. Tôi thương em vô cùng, thương mẹ ngày càng hốc hác sau những trận đòn của bố. Mẹ vẫn cam chịu, nhẫn nhục. Dì Mai A thúc mẹ ly dị. Mẹ chỉ cười xòa: "Lấy anh lúc anh khỏe mạnh, giờ bệnh tật thế, nỡ lòng bỏ sao được". Dì tôi bực tức trút giận lên đầu tôi: "Mẹ mày chỉ đạo đức rởm". Khi Dương Cầm biết đi và chạy vững, tôi nhận ra mắt em có vấn đề về màu sắc. Em chỉ mặc màu trắng, nhất quyết không mặc những chiếc váy màu khác. Bao nhiêu váy màu hồng, màu xanh mẹ mua cho em, dì Mai A phải mang về cho bé Bíp. Bác sĩ cũng không giải thích được. Có lần tôi bắt gặp ông lắc đầu bảo mẹ tôi: "Khổ, sinh ra toàn những đứa con không bình thường". Tôi chẳng thấy buồn bã gì chỉ thấy em mặc màu trắng rất đẹp.
 Tôi là người đầu tiên nhận ra Dương Cầm có năng khiếu piano khi em ngồi nghịch đàn của tôi. Em rất nhạy cảm với những nốt nhạc, bàn tay nhỏ nhắn lướt rất nhanh trên phím đàn. Tôi dạy em nhận biết nốt, dạy em những hợp âm đơn giản để em có thể đệm cho tôi những bản hòa tấu với violin. Tôi nhanh chóng tìm lại được sự ấm áp trong lòng. Mắt em long lanh và đôi môi chúm chím mỗi khi tôi áp tay vào hai má em thơm em nhẹ nhàng và khen em đàn hay lắm. Mỗi lần như thế, tôi đều thủ thỉ: "Dương Cầm ơi, đến khi nào em được bảy tuổi?".
 Mẹ nhắc tôi, Dương Cầm hay mộng du. Mẹ vẫn thường nghe thấy tiếng piano ban đêm. Tôi không tin vì ban đêm tôi không hề rời em nửa bước. Một đêm tôi giật mình vì tiếng đập cửa rầm rầm. Tôi quay sang bên cạnh, hoảng hốt không thấy em đâu. Tôi chạy sang phía phòng anh thì thấy bố đang phá cửa. Trong phòng tiếng piano vọng ra rõ ràng, đâm thẳng vào tai tôi. Tôi nhìn mẹ, tự hỏi: "Sao Dương Cầm có chìa khóa phòng anh?". Bố đập cánh cửa nát bét, Dương Cầm ngồi im, nhìn ra không chút sợ hãi. Bố tôi lại hỏi: "Con tao đâu?". Nước mắt tôi nhạt nhòa, tim đau thắt. Dương Cầm vẫn ngồi, tay buông thõng trên phím đàn nhìn bố tôi. Bố tôi lao vào. Mẹ và tôi hét lên. Nhưng Dương Cầm vẫn ngồi im. Bố tôi cầm búa đập tan từng mảng cây đàn piano của anh. Tôi quỳ gục xuống góc phòng đau đớn van xin. Em tôi lặng lẽ đứng dậy bỏ đi, chiếc váy trắng mỏng manh bay nhẹ sau mỗi bước chân.
 Sau khi dỗ Dương Cầm ngủ say, tôi sang phòng anh dọn dẹp. Bố đập tan cả cửa sổ, kính vương vãi khắp nơi. Tôi vừa quét dọn vừa khóc. Tôi mong đến ngày em tôi được bảy tuổi biết bao. "Anh ơi, sao em khổ thế này?". Nước mắt tôi mặn chát. Những giọt nước mắt của từng đêm sợ hãi, những giọt nước mắt nín nhịn kìm lòng qua những nỗi đau, ngực tôi rung lên từng hồi nức nở. Tôi nghe rõ giọng bố: "Con tao đâu?". Tôi chưa kịp ngoảnh lại, những va đập làm tôi ngất đi. Cảm giác da thịt bị kéo lê trên đống thủy tinh cũng không đau bằng câu nói: "Trả con cho tao". Trái tim tôi ngập trong máu và nước mắt. Dương Cầm chạy vụt qua, tôi gọi em mãi không thưa.
 Hôm sau, tôi tỉnh dậy với những vết xước xót vào tận tim, đầu nặng trịch. Đập vào mắt tôi là quyển lịch bàn được đánh dấu to đùng. Ngày 17 tháng 2, tôi tròn mười sáu tuổi. Không bánh, không hoa, không một lời chúc. Tiếng khóc của mẹ cứ văng vẳng. Tiếng bà ngoại và tiếng dì tôi chửi bới. Tôi lê lết sang phòng anh. Mắt tôi nhòa đi, thịt da lạnh buốt. Đông người lắm, tất cả vây quanh chiếc piano nát vụn, thủy tinh và máu còn vương đầy trên sàn, Dương Cầm nằm dưới đất, mẹ tôi vật vã khóc bên em, chiếc váy trắng loang đầy máu, trên tay em đầy những vết cắt ngang dọc. Tôi cúi xuống nhặt chiếc dao lam tôi hay dùng rọc giấy. Tôi hất mẹ sang một bên và ôm chặt em vào lòng. Tim tôi vỡ ra, từng mảnh một, từng mảnh một...
 Chiếc dao chỉ có dấu vân tay của tôi và Dương Cầm. Tôi đủ lớn để hiểu được những gì người ta nghĩ về mình. Tôi cũng chẳng lên tiếng thanh minh. Cuối cùng thì cảnh sát gấp hồ sơ lại. Dương Cầm tự tử. Tôi lén trộm lấy chiếc dao, rửa sạch và nhét vào hộp nhựa nhỏ, đeo lên cổ. Tôi yêu bố, yêu mẹ, yêu anh, yêu em gái mình vô cùng. Tôi ước gì mình có thể yêu họ được nhiều hơn nữa.
 Tôi tô màu cho những ngày xám xịt bằng cách dậy sớm chạy bộ. Cảm giác thấy mình khỏe khoắn trong bộ đồ thể thao màu hồng phấn cũng đem lại chút gì đó mới mẻ. Ít ra là tôi đã thôi nằm trùm chăn và lặn ngụp sâu trong những nỗi đau. Đôi khi tôi chạy sang phòng mẹ, định ngỏ ý rủ mẹ chạy cùng, nhưng khi thấy bố mẹ vẫn ngủ ngon, tôi nhẹ nhàng đóng cửa lại. Niềm yêu đời sau mỗi nỗi đau thật thiết tha. Tôi im lặng và tự thưởng cho mình những cảm xúc mà không hẳn ai cũng có hay đã từng vượt qua. Tôi hít thở thật căng và chôn sâu mọi thứ trong lòng. Chính những điều không vui trong cuộc sống khiến tôi nhận ra nhiều điều ý nghĩa, vậy thì tại sao tôi phải thù ghét những nỗi đau, những tổn thương làm gì. Tôi vẫn yêu, vẫn sống, sống hết phần của anh và Dương Cầm, sống cho bố mẹ và sống cho chính tôi.
 Ngày 12 tháng 7 năm 2010, tôi mua một bó sen trắng, lên xe và đi. Đặt những cành sen trắng lên mộ anh và Dương Cầm. Tôi để mặc lòng mình trôi dạt theo những cảm xúc lẫn lộn. ''Hôm nay, em tôi tròn bảy tuổi!''


  

Người Đi Bán Nắng!!Nơi câu chuyện tồn tại. Hãy khám phá bây giờ