EM HIỂU CHUYỆN NHƯ VẬY, NHẤT ĐỊNH ĐÃ TỪNG ĐAU KHỔ RỒI...
Lúc tốt nghiệp đại học đi thực tập, tôi được phân đến một trường trung học làm giáo viên dạy thay. Có một hôm đi làm, học sinh hoảng hốt đến tìm tôi, nói có hai học sinh trong lúc học thể dục bị thương rồi. Tôi chạy ngay đi xem, phát hiện chỉ là vì chạy quá nhanh nên vấp ngã, không nghiêm trọng lắm, nhưng chảy máu rồi.
Một học sinh ngay lập tức lấy điện thoại ra gọi điện cho phụ huynh, điện thoại vừa kết nối liền bật khóc, nói bản thân không cách nào về nhà được, muốn phụ huynh lái xe đến đón. Học sinh còn lại thì không khóc lóc gây rối, mà nhờ bạn học đỡ đến phòng y tế băng bó.
Sau đó, tôi gọi điện cho phụ huynh cô bé kia, điện thoại vừa kết nối cô bé liền xin lỗi mẹ, nói bản thân không cố ý làm vậy, bản thân không có vấn đề gì, bảo mẹ không cần lo lắng. Hai đứa trẻ này đặt ra trước mắt, mọi người đều cảm thấy đứa trẻ thứ hai hiểu chuyện hơn, không ra vẻ, nhưng thời khắc đó lại làm tôi đau lòng.
Cô bé ấy chỉ là một đứa trẻ chưa trưởng thành, nhưng đã bắt đầu dùng nguyên tắc của thế giới người trưởng thành để cân nhắc hành động của chính mình, phớt lờ cảm nhận của bản thân để thuận theo ý nghĩ của người lớn, từ đó mà mất đi sự nuông chiều, sự tùy hứng ở độ tuổi này.
Mỗi khi người lớn nói "Đứa trẻ này rất hiểu chuyện", đó đều là những lời khen ngợi. Điều này khiến nhiều đứa trẻ nghĩ rằng "hiểu chuyện" là một từ chỉ có nghĩa tốt. Ngay từ nhỏ chúng đã tự thu lại tính khí của mình, tha thứ cho người khác, kìm nén bản thân. Nhưng đằng sau sự hiểu chuyện này lại thường đem đến sự tự ti và tổn thương khi chúng lớn lên.
Tôi có một người bạn thời thơ ấu cùng sống ở Bắc Kinh, vì vậy tôi thường hẹn cô ấy đi ăn, đi dạo phố, nhưng hẹn mấy lần cô ấy đều phải ở công ty tăng ca, nào là giúp lãnh đạo sửa tài liệu, nào là giúp đồng nghiệp nghỉ phép làm kịp tiến độ...
Có một lần tôi hỏi cô ấy, đó rõ ràng không phải là việc của cô ấy, lúc người khác nhờ tại sao không từ chối. Cô ấy nói cô ấy đã trưởng thành như vậy đấy, không biết cách cự tuyệt, sợ làm người khác thất vọng, quen với sự nhẫn nhịn và cho đi nhiều hơn.
Tôi nhớ lại lúc nhỏ, cô ấy luôn là đứa trẻ ngoan nhất, hiểu chuyện nhất. Khi mọi người làm xong bài tập rồi ra sân chơi, thì cô ấy thường bị gọi về nhà chăm sóc đứa em trai sáu tuổi. Cô ấy không bao giờ khóc lóc càn quấy vì không hài lòng với cái gì đó như những đứa trẻ khác, mà cô ấy trưởng thành và hiểu chuyện hơn bất kỳ đứa trẻ nào trong độ tuổi như chúng tôi.
Nhưng đây thực sự là một chuyện tốt sao? Có thể nói, đối với những bậc cha mẹ có con cái quấy nhiễu gây phiền phức, thì có một đứa con không bắt bẻ lại hiểu chuyện đúng là chuyện tốt. Nhưng đối với bạn bè cùng trang lứa, sau khi rời xa tuổi trẻ chầm chậm bước vào cuộc sống trưởng thành, cô ấy vì còn nhỏ mà hình thành tính cách chịu không ít uất ức, chịu không ít thiệt thòi.
Khi cùng bạn bè gọi món, cô ấy luôn nghe theo sự sắp xếp của người khác; Khi người khác đỗ đại học, làm nũng đòi quà bố mẹ, cô ấy chỉ ngưỡng mộ, tuyệt đối không bao giờ đòi hỏi bố mẹ; Khi những cô gái khác giận dỗi người yêu, cô ấy lại chỉ tự mình âm thầm tiêu hóa hết những cảm xúc tồi tệ.
Có lẽ trong một thời gian dài, cô ấy đã không còn chống lại những điều đó nữa, nhưng đối với một người ngoài cuộc như tôi mà nói, cảm thấy cô ấy vốn dĩ có thể sống tự do tự tại hơn một chút, cảm thấy cô ấy vốn dĩ nên nhận được sự yêu thương và quan tâm hơn nhiều.
Năm ngoái tôi đến sự hôn lễ của một người bạn đại học tên Yên Tử, người ngồi cả một bàn đều là bạn học đại học. Năm đó lúc đi học, mọi người đều đang yêu, nhưng sau khi tốt nghiệp dần dần đều vì các loại lý do mà chia tay. Ngược lại, người bạn không được mọi người xem trọng nhất, thường xuyên cãi nhau chia tay là Yên Tử lại có thể cùng bạn trai đi đến cuối cùng.
Yên Tử là một người không dễ trêu chọc, trong cuộc sống như vậy, trong tình yêu cũng thế. Một khi vi phạm nguyên tắc của cô ấy, thì cô ấy thật sự sẽ không giữ lại chút thể diện nào, nhất định phải phân ra rạch ròi rõ ràng. Bạn trai Yên Tử và người yêu cũ liên lạc quên không nói với cô ấy, cô ấy liền không gặp mặt nói chuyện trong một tuần. Bạn trai cùng bạn bè chơi game qua đêm quên không nhắn tin cho cô ấy, cô ấy liền trực tiếp đi đến chất vấn anh ta tại sao lại để mình lo lắng.
Có nhiều người sẽ cảm thấy cô gái này thật không hiểu chuyện, không tâm lý, nhưng càng có nhiều người ngưỡng mộ cô ấy hơn, khi cô ấy có thể không hề e sợ biểu đạt cảm xúc của mình, có thể không nhượng bộ mà bảo vệ ranh giới của bản thân.
Trong khi yêu, nhiều cô gái đều cảm thấy tâm lý và hiểu chuyện có thể hộ tống tình yêu đi xa hơn, vì thế thu lại tính cách và khí chất của mình, chịu đựng sự ngu xuẩn và sai lầm của bạn trai, tha thứ cho việc làm không đáng tin cậy và không dịu dàng của bạn trai. Họ cho rằng lùi một bước có thể đổi lấy sự yên bình trong tình yêu, nhưng lại không biết rằng, thứ làm tổn thương tình yêu không phải là những việc "không hiểu chuyện" đó, mà là bản thân không có ranh giới nhượng bộ, không có sự tha thứ tôn nghiêm.
Tôi còn nhớ lúc đó các bạn đều nói Yên Tử lớn lên trong tình yêu, chúng tôi ngưỡng mộ sự giáo dục của gia đình cô ấy. Yên Tử không càn quấy gây chuyện. cũng biết cách tha thứ cho người khác, nhưng cô ấy không bao giờ miễn cưỡng tự mình chịu oan ức.
Vậy đứa trẻ không được yêu thương, sau khi lớn lên sẽ như thế nào? Cô gái ấy sẽ không biết cách làm nũng, bởi vì từ nhỏ đã không có hoàn cảnh để làm nũng. Cô gái ấy sẽ không đặt bản thân vào vị trí quan trọng nhất, bởi vì không ai đặt cô ấy lên vị trí hàng đầu. Cô gái ấy thậm chí còn không dám đưa ra bất kỳ yêu cầu nào, ngay cả khi điều đó là hợp lý, bởi vì từ đầu đã bị từ chối vô số lần.
Những đứa trẻ không được yêu thương đó từ nhỏ đã lớn lên trong bóng tối lạnh lẽo, để khi lớn lên chỉ cần nhận được một tia ấm áp nào đó, liền như con thiêu thân lao vào lửa mà bỏ ra tất cả mọi thứ. Nhưng cô ấy không hề biết chút ấm áp đó chỉ là người khác tiện tay giúp đỡ mà thôi.
Người quá hiểu chuyện luôn làm người khác hài lòng, tự làm khổ bản thân, luôn thăm dò đoán ý không biết có làm người khác khó chịu hay không, đến cuối cùng lại làm bản thân mình không thoải mái. Người như vậy đối với ai cũng tốt, chỉ là không đủ tốt với chính mình.
Nếu như có thể, tôi hy vọng bạn không cần quá hiểu chuyện, hy vọng bạn cũng có thể mạnh dạn nói ra sở thích của bản thân, hy vọng bạn không cần cúi đầu nhẫn nhục mà học cách từ chối, học cách đòi hỏi.
Có thể trong nửa đời đầu của cuộc đời, chúng ta chưa gặp được ông bố bà mẹ chu đáo, chưa gặp được người bạn đời dịu dàng tỉ mỉ. Có thể bạn đã sớm quen với việc đem tâm sự cất giấu trong lòng, nhưng những ngày tháng sau này, tôi hy vọng bạn có thể đặt mình lên vị trí đầu tiên, hy vọng bạn hiểu rằng: "Chỉ khi người ta biết yêu thương bản thân, thì mới có khả năng yêu người khác, mới có thể nhận được tình yêu thương của người khác."
Dịch : Trà dâu Nam Mỹ - 南美草莓茶
[Tác giả: Nhụy Hy]
BẠN ĐANG ĐỌC
Đoản Văn.
Short StoryĐời người quá dài. Hãy sống trọn vẹn từng ngày để không phải hối tiếc. ❤️