Bây giờ là bảy giờ.
Tôi có thể đoán được điều này qua tiếng chuông nhà thờ khu lân cận. Tiếng chuông ngân to đến nỗi mà một người ngủ mê man như tôi cũng có thể tờ mờ dậy được. Tôi luôn than phiền với Naib về sự ồn ào sáng sớm này, dù biết rằng anh ấy không thể làm gì cả. Không phải là tôi khó chịu, nhưng tôi sợ Naib sẽ thức giấc bởi thứ âm thanh này.
Naib là một người lính lâu năm. Tôi biết rằng chiến tranh đã rèn dũa anh, khiến anh luôn tỉnh táo kể cả những lúc chìm sâu vào giấc ngủ, hay những lúc anh mệt mỏi nhất. Vì thế, tôi không thể nào yêu mến thanh âm này được. Dù việc ghét bỏ một biểu hiện tín ngưỡng tôn giáo là không đúng đắn cho lắm, nhưng tôi vẫn quyết định giữ vững lập trường của mình. Cứ cho rằng đây là một sự bao biện cũng được, nhưng tiếng chuông nhà thờ sẽ làm Naib không thể nào yên giấc.
Mười lăm phút nữa thôi.
Tôi lẩm bẩm. Một lần nữa, tôi lại bị khuất phục bởi thế lực thù địch mang tên lười biếng. Tôi chẳng biết mình đã trở nên biếng nhác tự bao giờ. Có lẽ sự yên bình và tĩnh lặng của đồng quê đã khiến tôi trượt dài trong sa đoạ. Tôi cọ người, vùi đầu sâu hơn vào chăn bông để có thể tận hưởng niềm vui vô bổ này và suy nghĩ sẽ nấu món gì cho hôm nay.
Có lẽ là Thukpa nhỉ?
Mười lăm năm sống chung với nhau giúp tôi phần nào đoán được một vài sở thích nho nhỏ của anh ấy. Anh ấy đặc biệt thích ăn Thukpa, ăn vặt thì lại thích Sel Roti mới ra lò và cực kì ghét Pain au Chocolat. Tất nhiên là anh sẽ không bảo với tôi rằng bản thân mình ghét Pain au Chocolat như thế nào, vì anh biết tôi thích món đấy. Nhưng thề có Chúa, tôi vẫn thấy sự hốt hoảng hiện rõ trên gương mặt ấy mỗi khi tôi bảo rằng bữa sáng của chúng tôi sẽ có món bánh này. Và hiếm hoi những lúc mà tôi có thể bỏ quên sự mệt mỏi còn đang đè nặng trên vai, tôi sẽ dùng lý do này chọc anh, để rồi thấy những đường nét hoảng hốt hiện rõ trên mặt anh mà thầm cười trong dạ.
Hôm nay, trời đã vào giữa đông rồi ư?
Gió lạnh khẽ lùa vào tóc tôi. Tôi có thể cảm nhận từng đợt gió đông chảy dài trên mái tóc mình, cố chấp luồn lách để có thể chạm tới từng mảnh xúc giác đã được giấu kín sau kẽ gáy. Cái lạnh len lỏi vào chăn bông như thách thức từng thớ thịt của tôi, cố gắng khơi lại những vết thương đã cũ. Và nó đã thành công. Từng cơn đau kéo tôi về lại quá khứ, về lại những kỉ niệm thời mà mùi thuốc súng nồng nàn khắp đường to ngõ nhỏ. Bất giác, tôi rùng mình sợ hãi. Có lẽ hoà bình đã khiến tôi không còn mạnh mẽ như ngày xưa để có thể len lỏi vào từng doanh trại địch, để có thể đứng trước mũi dao mảnh đạn mà tâm hồn không lay chuyển. Rồi lén lút, tôi hé mắt nhìn sang anh. Có lẽ anh cũng đau đớn như tôi, có lẽ anh cũng đang chìm vào những mộng tưởng quá khứ mà sợ hãi.
Không, anh phải đau đớn hơn tôi cả ngàn lần.
Tôi biết thế. Nếu so sánh nỗi đau của tôi là mặt hồ gợn sóng, thì sự đớn đau của anh như đợt sóng thần dữ dội đập vỡ cả đôi bờ. Gương mặt đã chai sạn đi vì bom đạn, đôi bàn tay đầy rẫy những phỏng và sẹo dài, tôi tự hỏi lí do nào khiến anh có thể chịu đựng cơn đau dai dẳng như thế. Có bao giờ anh cần sự trợ giúp, đã từng có ai giúp anh chưa? Hàng ngàn, hàng vạn câu hỏi không lời giải cứ bủa vây đầu óc còn mơ ngủ của tôi. Tôi muốn biết, nhưng tôi không thể hỏi. Bởi lẽ, hôn nhân của chúng tôi là một nhiệm vụ; một nhiệm vụ đảm bảo rằng tôi sẽ ngăn chặn hành động ám sát của anh một lần nữa. Và tôi biết anh cũng biết điều đấy, nên tôi không cho mình có quyền được hỏi anh những câu hỏi riêng tư ấy bao giờ.
Tôi muốn anh không còn đau đớn, nhưng tôi chẳng biết phải làm thế nào cả.
Tôi muốn anh đừng chìm sâu vào đau đớn nữa, nhưng tôi chẳng biết làm thế nào. Bởi rằng bản thân tôi cũng đau đớn từng ngày. Những món ăn tôi nấu có làm anh trở nên hạnh phúc, căn nhà ngập mùi hương mà tôi chọn có khiến anh thoải mái hơn không, tôi chẳng thể nào biết được. Cố gắng làm tròn vai trò của một người vợ, tôi tỉ mẫn chăm sóc như muốn bù đắp những thiếu hụt mà chiến tranh đã cướp lấy từ anh.
Đôi lông mày anh khẽ nhíu lại, tôi biết rằng anh đang đau đớn. Bằng tất cả sự kiên nhẫn của bản thân, cắn răng để ngăn đôi bàn tay thôi đừng run rẩy mà vỗ nhẹ vào lưng anh, tôi thầm cầu nguyện những đớn đau ấy có thể vơi bớt đi phần nào.
Ôi lạy Chúa, chắc đã hai mươi lăm phút trôi qua rồi nhỉ?
Nhẹ nhàng nâng người, tôi mong rằng hành động này của mình không làm anh tỉnh giấc. Cơn buồn ngủ vẫn còn ủ đọng trong từng mảnh da thớ thịt, khiến bản thân tôi vừa có thể chìm trong mơ mộng mà vẫn tỉnh táo vài phần. Tôi mân mê chiếc máy bay gỗ anh tặng, tuỳ tiện để xúc giác trượt dài trên từng đường vân gỗ gồ ghề để rồi chìm sâu vào những ngày xưa ấy, những ngày mà tôi được ngắm nhìn từng chiếc phi cơ xẻ dọc bầu trời. Khoảng trời lúc ấy như xé toạt ra theo đường bay của con chim sắt này, rồi nhanh chóng trở thành một mảnh trong xanh trở lại. Tôi của ngày xưa đó, đứng gọn gàng một phía của khu tập luyện binh lính mà trầm trồ cảm thán. Giá mà mình có thể trở thành một phi công thật oách nhỉ.
Ôi, thật là hoài niệm.
Những ước mơ, kỷ niệm đó là những mảnh đẹp đẽ còn sót lại trong quá khứ phủ đầy bom đạn của tôi. Tôi chắc là thế. Dù tôi chẳng bao giờ có thể trở thành một phi công thật oách như những gì tôi mong ước, nhưng mơ ước đó vẫn khiến tôi vui vẻ từng ngày. Và ở hiện tại, tôi đoán rằng niềm hạnh phúc của bản thân mình chính là làm cho anh vui. Chỉ cần nhìn thấy nét mặt sung sướng khi được ăn Thukpa của anh ấy, tôi cũng đã mãn nguyện phần nào rồi.
Ôi thôi, tôi phải bắt tay vào nấu ăn sớm thôi. Đã bảy giờ năm mươi mất rồi.