Tôi không hay viết thư.
Tôi không hay viết thư gửi cho anh, bởi khoảng thời gian thư gửi đi được là rất dài. Lắc nhẹ đầu, tôi có thể đoán được rằng, đến khi người đưa thư già nua chậm rãi báo tin thì tôi cũng nửa đường trở về mất rồi. Nhưng anh vẫn hay căn dặn tôi nên viết thư mỗi lần công tác, để đảm bảo rằng tôi ổn và anh thôi không lo.
Tôi không hay viết thư.
Tôi không hay viết thư, bởi lẽ câu từ của một người lính chẳng thể nào hoa mĩ được. Nét chữ cứng cáp, từ ngữ khô như đá rắn như cây nào khác nào trò hề đâu. Thứ mà những người lính có thể gửi nhau, chắc chỉ là máu và nước mắt. Nhưng anh từng bảo, câu chữ của chúng ta còn đặc biệt hơn tất cả những nhà thơ nhà văn hội tụ lại, bởi ta là một người lính. Và tôi tin vào điều đấy.
Tôi từng không hay viết thư.
Bởi bố tôi bảo rằng thư tay là thừa thải. Trong thế giới bạo loạn và chiến tranh này, chẳng một ai rỗi rảnh để mân mê từng dòng chữ cả. Chữ nghĩa chỉ mang lại muộn phiền, còn súng ống và dao găm thì mang lại kết quả. Ông từng khoa trương mà bảo rằng từng con chữ chỉ cho kẻ yếu đuối, còn kẻ mạnh thì chỉ có nắm đấm và quyền lực trong tay mà thôi. Tôi không thể nào đồng tình, nhưng chẳng thể nào phản kháng. Vì thế, từ hồi tấm bé, tôi chẳng bao giờ viết thư tay.
Tôi từng nghĩ tôi không nên viết thư cho anh.
Tôi từng nghĩ tôi không nên viết thư cho anh. Bởi tôi chẳng có gì để kể cho anh cả. Trong lá thư đầu tiên mà tôi gửi từ miền nước Pháp xa xôi chẳng nhớ rõ tháng ngày, tôi chỉ nhớ rằng mình viết vội vàng vài chữ. Mảnh giấy nhàu nhĩ ngày xưa chỉ gói gọn dăm câu hỏi, hỏi rằng anh có ổn không thôi. Cứ ngỡ anh sẽ mau chóng quên đi, nhưng anh chẳng. Anh bảo rằng tôi đã kì công gói ghém niềm yêu vào từng con chữ, làm sao anh có thể vứt bỏ đi được. Anh mân mê, trân trọng chúng như thể đây là báu vật quý giá nhất trên đời. Thoáng vài hôm rỗi rãnh, những hôm chẳng bận tay làm việc hay bận đầu suy nghĩ, tôi thấy anh ngồi đấy, tỉ mẩn xếp từng lá thư, rồi đọc như muốn thuộc lòng cả từng câu đoạn chữ.
Tôi từng nghĩ tôi không nên viết thư cho anh.
Tôi từng nghĩ tôi không nên viết thư cho anh, cho đến ngày tôi nhận được một mẩu thư từ miền quê cách xa Pháp hàng ngàn cây số. Trong thư chẳng đề tháng ngày hay lời chào câu hỏi, chỉ vỏn vẹn vài dòng thơ gửi gắm nỗi nhớ từ phương xa:
"Cho đến ngày mặt đất thôi rung lên vì bom đạn
Đến ngày nước mắt chẳng hoá thành dòng sông
Đến ngày hoà bình phủ dài trên đất nước
Tôi vẫn mãi, chờ đợi một mình em.
Cho đến ngày mặt đất thôi rung lên vì bom đạn
Đến ngày con trẻ học viết chữ, lời ca
Đến ngày lưỡi dao chẳng thay lời muốn nói
Tôi vẫn mãi, chờ đợi bóng hình em."
Hôm ấy, tôi đã khóc. Đã lâu lắm rồi nên tôi chẳng nhớ mình đã khóc bao lâu nữa, chỉ mơ màng rằng mặt trời chẳng thôi ngự trị trên đỉnh tháp và mặt trăng phải nhẫn nhịn để vỗ về bản thân mình.
Từ đấy, tôi hay viết thư cho anh mỗi bận công tác.
Hôm nay là một ngày cuối đông. Trời ngả ngớn chực muốn vào xuân, nhưng phần nào đấy lại chẳng. Thế là tiết trời vì thế mà cứ ẩm ẩm ương ương như con gái mới dậy thì. Tỉnh dậy sau một chuyến tàu dài, tôi vẫn còn cảm nhận râm ran tê dại nơi đỉnh đầu. Chỉ vài tiếng nữa thôi, tôi sẽ phải đối diện với những con người mà tôi chẳng bao giờ muốn động. Mỗi năm chỉ phải gặp một lần nhưng cảm giác căng thẳng chưa bao giờ thuyên giảm cả. Phải chăng đây chính là áp lực chính trị mà bố tôi từng kể khi xưa?
À phải rồi, tôi cần phải làm việc này trước.
Như một thói quen chẳng thể nào buông bỏ, tôi vơ vội bút và giấy, tranh thủ khoảng thời gian thư thả duy nhất trong ngày để viết cho anh một bức thư. Ngắn thôi, bởi lẽ tôi sắp được triệu tập đi mất rồi. Dồn hết suy nghĩ, tôi tập trung như thể đây là chuyện quan trọng nhất đời người. Cũng phải thôi, bởi lẽ anh là người quan trọng nhất đời tôi mà.
"Thư gửi anh.
Moulins, ngày 25 tháng 03 năm 1933
Anh thân mến,
Khi anh nhận được bức thư này thì quê mình đã vào cuối đông đầu xuân mất rồi. Em chẳng biết trời còn lạnh lắm không. Nếu tay và chân anh còn đau nhức vì gió buốt, xin nhớ rằng tủ thứ ba gần kệ gia vị đã có sẵn thuốc rượu cho anh rồi. Xin anh đừng cố gắng làm thêm việc mỗi độ trời đông, bởi cơn đau dễ dàng trở nên vô cùng cực. Bên em nay đã vào xuân mà trời đông vẫn lưu luyến. Tiết trời se lạnh, giống như cái ngày mà thằng bé Eli mới ra đời. Nhưng anh yên tâm, đừng lo lắng gì cả, bởi em đã mang đầy đủ áo ấm và thuốc rồi. Chẳng một cơn đau nào có thể khuất phục một người lính kiên cường bất khuất phải không anh?
Anh thân mến, chỉ còn vài tiếng nữa thôi là vào cuộc họp. Hôm nay em thấy ban lãnh đạo nhiều phần căng thẳng. Biết rằng điềm ổn càng vơi thì nỗi bất trắc càng đầy, nhưng em vẫn mong rằng không có gì xảy ra cả. Bởi lẽ mọi chuyện càng phiền phức thì chúng ta càng đau đầu. Anh à, khi ở nhà, hãy cầu nguyện cùng em nhé. Cuộc họp mau chóng kết thúc thì khoảng thời gian về nhà sẽ ngắn lại vôi phần. Em còn quá nhiều công thức làm bánh dở dang thử nghiệm, và việc giấy tờ văn phòng chắc sẽ làm mai mọt tài năng nấu nướng của em mất thôi.
Ôi, suýt quên kể với anh rằng, hôm nay em vừa mới nhận ra, đối diện nơi em ở vừa mở một hiệu sách nhỏ. Biết anh thích đọc sách nên đã chọn cho anh vài cuốn cho anh rồi. Dù ở miền nước Pháp xa xôi và ngày gặp nhau còn xa vời đằng đẵng, nhưng tiềm thức của em vẫn hình dung được cảnh anh vui mừng như thế nào khi nhận được món quà này. Em còn đặc biệt chọn thêm vài quyển cổ tích cho cả con nữa.
Nhân tiện, anh có muốn em mua thêm vài miếng bánh Pain au Chocolat làm quà không?
Ôm anh thật chặt.
Em.
Martha."