Chương 4

564 79 5
                                    

Đầu năm 1938, Nam Kinh chìm trong bóng tối. Điện báo và những lá thư viết vội được chuyển đi theo những con đường bí mật, phải may mắn lắm mới đến được người cần nhận tin. Cung Tuấn thường xuyên ghé qua nơi thu nhận bưu phẩm của lực lượng kháng chiến, như thể điều đó sẽ giúp cậu đọc được một dòng giấy nhắn kỳ diệu nào đó, báo cho cậu biết tình hình hiện tại của nhà họ Trương.

Thực chất, trong tình cảnh lúc này của bản thân Cung Tuấn, lo lắng cho người khác là một chuyện quá xa xỉ. Cao điểm trận Thượng Hải đã qua, nhưng điều đó không có nghĩa rằng thành phố này đã im tiếng súng. Các cuộc giao tranh của quân đội thậm chí chỉ là bề nổi, và nó giống như ngòi kích nổ để mọi thứ khốn nạn của vùng đất này đồng loạt bùng lên. Nếu như trước đây, mấy vụ thanh trừng của các băng nhóm chỉ diễn ra lúc đêm hôm khuya khoắt ở những nơi khuất nẻo, thì bây giờ Cung Tuấn còn có thể nhìn thấy chúng rút súng xử lý nhau ngay giữa phố. Gái mại dâm và khách làng chơi vật vờ khắp nơi, mắt ngầu đỏ vì nha phiến và cả những loại ma túy liều cao hơn. Những kẻ côn đồ và ăn cắp vặt sống đầu đường xó chợ thì đã trở thành một phần quá quen thuộc trong bức tranh đô thị u ám, đến mức không ai còn buồn nhấc mắt lên khi có những tiếng hô hoán mắng chửi kẻ móc túi.

Nói đơn giản, sống trong tình cảnh này, không ai có thể giữ nguyên bản thân thanh cao đẹp đẽ được.

Cung Tuấn chủ yếu thực hiện nhiệm vụ mật thám, trực thuộc một nhóm nhỏ sáu người. Nhưng dĩ nhiên, cậu cũng không hề thiếu mặt trong các hoạt động cần đến sức mạnh tay chân. Thứ đầu tiên cậu nhận được khi đặt chân tới Thượng Hải cách đây bốn năm là một khẩu súng ngắn. Khi chạm vào nó lần đầu, cậu tê buốt xương sống vì cái lạnh rùng rợn của món đồ còn kinh khủng hơn cả trượt chân ngã xuống sông băng vào mùa đông, và tay cậu run đến mức những người đồng đội phải bật cười trấn an, đưa cho cậu uống một chén rượu mạnh được ủ nóng.

Còn cảm giác của cậu bây giờ? Đừng bàn nữa thì hơn.

Chú của Cung Tuấn, tức đội trưởng Âu, người chỉ huy của nhóm nhỏ tác chiến đặc biệt này, đã từng hỏi cậu: "Cháu muốn chiến đấu tới lúc nào?"

Khi mới bước sang tuổi mười tám, Cung Tuấn không do dự mà trả lời, "Cho tới khi đất nước được bình yên."

Người chú đặt tay lên vai cậu, "Nghĩ được vậy là tốt. Nhưng ta cần nói thêm một câu với tư cách là người thân của cháu, chứ không phải một đội trưởng. Nếu đến một thời khắc cháu cảm thấy rằng bản thân mình không thể tiếp tục chiến đấu được nữa, thì hãy cứ quay trở lại làm một người dân bình thường."

Cung Tuấn chưa bao giờ quên lời căn dặn, nhưng cũng chưa từng dành thời gian nghĩ về nó. Chỉ là vào những ngày này, khi những tin tức kinh khủng không ngừng đổ về, và khi đích thân mình đã trải qua những thứ ám ảnh cả vào trong giấc ngủ, thì cậu đi đến một kết luận đơn giản: Chắc chắn cậu không thể bình thường được nữa.

-

Hôm ấy, tiểu đội của Cung Tuấn đón về một gia đình ba người vừa chạy trốn khỏi Nam Kinh. Khoảng cách từ Nam Kinh tới Thượng Hải không quá lớn, nhưng Cung Tuấn không dám thắc mắc họ đã phải vượt qua những gì để tới được đây, ít nhất là không phải ngay lúc này, khi cô con gái tầm mười lăm mười sáu tuổi cứ co rúm vào mẹ mình, thậm chí không dám nhìn vào mắt mấy người đàn ông đang sắp xếp cho cô bé một chỗ nghỉ.

[Tuấn Triết | Hoàn] Bi hoan ly hợp, nguyện người dài lâuNơi câu chuyện tồn tại. Hãy khám phá bây giờ