nhân gian thất cách (tự thú)

107 9 0
                                    

ý nghĩ tự sát đến với tôi từ khi còn rất nhỏ.

tôi biết, câu nói này cũng ám muội tương đương "tôi đã sống một cuộc đời hổ thẹn", nhưng sự thật là thế và tôi không cảm thấy mình có gì lập dị. cái chết luôn thường trực bám đeo trong tâm trí con người, tôi chỉ là được nó ghé thăm sớm hơn một chút.

có lẽ cần sửa sang cách chọn từ, không hẳn là ý nghĩ tự sát, chỉ là ý nghĩ về việc được chết thôi.

trước cả khi bước vào trường tiểu học, tôi đã có mong muốn được chết. vì tôi không có định nghĩa về "tự sát". tôi khi ấy chưa hình dung được con người có thể tự mình kết thúc sinh mệnh. chứng kiến cái chết của bà nội, tôi mặc định chết phải là chết vì bệnh, vì già; không có nhận thức gì về cái chết ngoài việc chết là nằm đó, để mọi người quay quắc khóc thương. được rồi, tôi không giấu nổi. tôi muốn chết vì một mong ước thuần túy của trẻ con: được quan tâm. tôi muốn thấy mức độ quan trọng của mình, vâng, ấu trĩ lắm... nhưng có gì sai?

một tôi mới mấy tuổi đầu đã có những cảm thức đầu tiên về bản tính con người, đó là họ phớt lờ những gì họ có, tiếc thương những gì họ mất. họ có thể không dự đám cưới, nhưng nhất quyết phải có mặt ở đám ma. sinh nhật à? thôi hẳn để sau. đám giỗ ư? chắc chắn phải làm đúng ngày. nói cách khác, cái chết đối với con người còn hệ trọng hơn sự sống - người chết được chú ý hơn người sống. chỉ khi đánh mất đi một cái gì đấy, con người mới quay đầu ngẫm lại thì ra mình yêu thích thứ đó biết bao nhiêu.

à đừng hiểu nhầm, ý nghĩ muốn chết của tôi không sinh ra từ tuổi thơ bất hạnh. tôi trải qua một tuổi thơ bình thường - cha mẹ tôi không hợp nhau, một số cãi vã và tờ đơn ly dị cứ viết rồi vứt. tôi làm cha mẹ khóc, cha mẹ làm tôi khóc. có buồn tủi nhưng chung quy đều là những chuyện không đáng kể. nếu coi sự lục đục nội bộ trong gia đình là bất hạnh thì đó là một loại bất hạnh phổ biến đến thành chuyện hiển nhiên, nghĩa là đại đa số đứa trẻ nào cũng từng thấy cha mẹ xung đột. không nhiều cặp vợ chồng mang lại một tổ ấm thực sự cho nhau đâu. hôn nhân thường đi đến sự ràng buộc chứ không phải "hạnh phúc mãi mãi về sau". tôi không bi quan, tôi chỉ thực tế.

vốn dĩ ngày xưa cái chết xuất hiện trong tâm trí tôi hằng ngày, vì tôi không đủ trưởng thành để hiểu được rằng con người không thể đáp ứng hết nhu cầu của nhau. tôi quyết rằng gia đình tôi đối xử với tôi rất tàn tệ, dù tôi bây giờ cảm thấy họ không đến nỗi nào. tôi đã nghĩ nếu mình chết đi, mọi người sẽ phải rơi lệ, phải vật vã, phải đau lòng vì đã trót quá vô tâm. tôi sẽ hóa thành một linh hồn về dự đám tang của chính mình, nhìn cha mẹ tôi ôm lấy thi hài trong ân hận, xin lỗi tôi về những lần trách mắng, về những trận đòn roi. vâng, có thể gọi đây là một cách trả thù ngu ngốc nhất, nhưng lại là cách duy nhất não bộ non nớt của tôi có thể nghĩ ra.

người ta nói khi bạn muốn tự sát, hãy tưởng tượng bạn làm thế với chính mình thời thơ ấu. tôi hiểu dụng ý của lời khuyên này, người ta muốn gợi một hình ảnh đáng thương với mục đích dập tắt ý nghĩ tự sát. ai cũng có một đứa trẻ bên trong mình và người nói tin rằng, người nghe sẽ nhói lòng và không muốn tổn hại đứa trẻ bên trong họ. lời khuyên trên bám vào ý tưởng rằng chúng ta ghét bản thân của thì hiện tại, nhưng sẽ tội nghiệp bản thân của thì quá khứ. điều này đúng một phần, tôi đương nhiên tội nghiệp cho một tôi ngày bé, nhưng nếu được gặp lại đứa trẻ ấy, tôi sẽ đường đường chính chính giết chết nó. có thể nó chưa sẵn sàng hiện thực hóa ý nghĩ được chết, nhưng tôi biết rồi sẽ có ngày nó tiếc nuối nghĩ, đáng lẽ mình nên chết khi tuổi đời chưa quá hai chữ số. cứ cho là tôi máu lạnh nhẫn tâm, tôi chỉ muốn tự cho mình một ân huệ cuối cùng.

tôi của bây giờ vẫn muốn chết, nhưng động cơ đã không còn ủy mị, trẻ con như ngày xưa nữa. cái mong ước ấy trầm lặng lại, trở thành một nỗi ám ảnh, chờ đợi một ngày được thành hiện thực. tôi chấp nhận cái giá rét của địa cầu dân số bảy tỷ này, cũng không còn mong được chết để được người đời nhỏ lên nấm mồ vài giọt nước mặn. nhưng đối với sự siêu thoát tuyệt đối, nơi đây quả thực quá phiền phức, quá bon chen.

không ưu tư, không sầu lụy, không ái hận ai lạc, trầm mê bất hối, sân si bất tận. tôi thích được nằm dưới ba tấc đất, nghe cây cỏ xao động, nghe côn trùng hòa ca, để âm u thấm thía ba hồn bảy phách. những vấn vương ly biệt đều không thể tìm tới.

nhưng khi cái chết đã trở nên một hình thái chân thực nhất, tôi lại không thể chạm vào.

tôi đã trót tồn tại cho đến khi bước qua vạch trưởng thành, vào thế giới của trách nhiệm nặng oằn vai và khát vọng bảo vệ người mình trân quý. tôi được biết cái chết không phải điểm kết thúc của nỗi buồn, nó chỉ vận chuyển nỗi buồn từ người này sang người kia. lối thoát đã đóng lại từ bao giờ. tôi không thể sống, cũng không thể chết. nằm ngoài luân hồi, đây chính là nhân gian thất cách sao?

bài thuyết giáo của ác maNơi câu chuyện tồn tại. Hãy khám phá bây giờ