Chương 2: Sự ngẫu nhiên hoàn hảo đến tuyệt đối (Bất cứ ai trên thế giới này đều được sinh ra bởi một sự ngẫu nhiên hoàn hảo đến tuyệt đối.)
Tôi kết thúc Giải phẫu, môn cơ sở khó nhất với điểm số không tệ. Tiếp theo là Sinh học Di truyền, có thể nói đây chính là lý do khiến tôi nhen nhón ý định thi vào ngành y. Tôi yêu thích và hứng thú với nó như cách một đứa trẻ tò mò về thế giới xung quanh. Tôi tìm đọc rất nhiều sách và tư liệu trong lĩnh vực này kể từ khi còn là học sinh cấp ba. Và tôi cảm thấy may mắn vô cùng khi sinh ra trong thời đại mà các ngành khoa học phát triển mạnh mẽ như bây giờ, khi trăn trở của bao thế hệ nhà khoa học, những câu hỏi hàng thế kỉ chưa có lời giải, giờ đây được giảng dạy trong trường phổ thông. Đứng trên vai những gã khổng lồ, cảm giác ấy thật tuyệt!
Khoa học chưa bao giờ khô khan, điều đó càng đúng hơn khi Sinh học cho tôi một khám phá quá đỗi thú vị: "Tôi hay bất cứ ai trên thế giới này đều được sinh ra bởi một sự ngẫu nhiên hoàn hảo đến tuyệt đối." Và "gen" chính là đáp án.
Tôi hay tự hỏi rằng sẽ thế nào nếu năm xưa cụ nội tôi hi sinh trong chiến tranh trước khi lập gia đình? Sẽ thế nào nếu năm đó ông ngoại tôi cưới mối tình đầu của ông mà không phải bà ngoại? Sẽ thế nào nếu ngày ấy bố mẹ tôi không gặp nhau và yêu thương nhau? Và sẽ thế nào khi đúng hai mươi năm trước, tôi không phải là người chiến thắng trong cuộc đua khốc liệt với tỉ lệ một chọi vài trăm triệu? Chỉ với sai số nhỏ nhất thôi thì tôi đã không thể có mặt trên cõi đời này. Vậy nên tôi hay bất kì sinh mệnh nào từng tồn tại sẽ luôn là duy nhất trong vũ trụ này.
Nhưng hấp dẫn tôi nhất phải kể đến là lịch sử ly kỳ của ngành Di truyền. Cách đây vài thế kỉ, các nhà khoa học đã cho rằng di truyền chính là sự chuyển giao thông tin qua các thế hệ, nhưng cũng chỉ nhận định mơ hồ như vậy bởi người ta chưa thể tìm ra vật chất di truyền, nó được mã hóa và phiên dịch thế nào mà luân chuyển từ đời này sang đời khác?
Và rồi giả thuyết người siêu nhỏ đã giải đáp mọi khúc mắc. Rằng, trong tinh dịch của người đàn ông chứa những người siêu nhỏ, tức bào thai nhỏ xíu đã hình thành đầy đủ, bị cuộn lại và chờ được đưa vào người phụ nữ rồi thổi phồng thành một em bé. Như vậy có nghĩa là trong mỗi người siêu nhỏ lại có người siêu siêu nhỏ, cứ như thế tạo thành một chuỗi vô tận. Đọc đến đây tôi không khỏi thốt lên: "Lý thuyết này quá quyến rũ!" Nhưng sau cùng, nó được xác minh và bị đánh đổ. Ngành Di truyền đi vào ngõ cụt trong thời gian dài.
Câu chuyện thật sự mở ra vào thế kỉ XIX, một vị linh mục tên Gregor Mendel đã dành chục năm cuộc đời để nghiên cứu quy luật di truyền trên những cây đậu Hà Lan. Mảnh vườn ươm của ông có thể nhỏ bé, nhưng ông không lẫn lộn kích thước khiêm tốn của nó với tham vọng khoa học của mình. Mendel mang công trình vĩ đại của mình đến các hội nghị khoa học, gửi đến những người đồng nghiệp thời bấy giờ nhưng trả lại ông là "sự im lặng kỳ lạ nhất trong lịch sử sinh học". Không ai đủ trình độ để hiểu hoặc họ không quan tâm đến một nhà khoa học nghiệp dư như ông. Gần bốn mươi năm sau, tên tuổi và công trình đặt nền móng cho sinh học hiện đại của ông mới được công nhận, nhưng ông đã ra đi trong bệnh tật từ nhiều năm trước đó.
BẠN ĐANG ĐỌC
Nắm tay nhau bước qua thanh xuân rực rỡ - Zest
Lãng mạnGiới thiệu: Câu chuyện kể về hành trình theo đuổi ước mơ trở thành bác sĩ của cặp nhân vật chính, suốt chặng đường 9 năm học tập là tất cả tuổi trẻ, tình yêu và sự trưởng thành của họ. Bên cạnh tuyến tình cảm, tác giả đưa đến bạn đọc chuỗi kiến thức...