Chương 5: Tình yêu đến gõ cửa vào khoảnh khắc không ngờ nhất.
Tôi gặp lại anh Tùng trong môn Phẫu thuật thực hành. Không ngoài dự liệu, đám con gái trong lớp chết mê chết mệt anh ấy, nhưng tôi đã miễn nhiễm với anh sau khi biết được sự thật. Tôi đoán anh Tùng là một tay mổ chính trong phòng phẫu thuật dù anh ấy còn khá trẻ, vì nhìn từng động tác anh hướng dẫn cho chúng tôi đều toát lên vẻ chuyên nghiệp. Thực tế thì cái mà chúng tôi học lúc đó đều vô cùng cơ bản: nhận biết tất cả dụng cụ phòng mổ và thực hành vài thủ thuật đơn giản.
Có lần ở câu lạc bộ Ngoại khoa, tôi từng nghe một đàn anh nói rằng: "Trong phòng mổ, vị trí của các em còn không bằng cái thùng rác. Dưới chân các bác sĩ lúc nào cũng có cái thùng rác, không có nó các bác không mổ được." Sau đó có một chị khác nói thêm vào: "Nhưng không có em, các bác vẫn mổ được." Tôi nghe xong câu đó mà buồn cười nguyên ngày.
Ít lâu sau, tôi và Quốc Quân theo chân các anh chị vào phòng mổ. Phẫu thuật là phương pháp can thiệp có xâm lấn, nên nguy cơ nhiễm khuẩn cho bệnh nhân rất cao, vì vậy bất cứ ai bước vào phòng mổ đều phải tuân thủ các nguyên tắc vô khuẩn. Trước hết là rửa tay thường quy nhiều lần, tôi cảm tưởng như đôi bàn tay mình sắp mòn đi vì chất tẩy rửa. Sau đó đi găng tay và nhờ các chị điều dưỡng giúp mặc áo mổ. Các bác sĩ sẽ luôn phải giơ tay trước mặt kể từ lúc đó cho đến khi vào mổ. Dù rằng rửa tay bao nhiêu lần cũng không thể vô trùng tuyệt đối, nhưng ít nhất sẽ giảm mọi nguy cơ xuống mức tối thiểu.
Việc kiểm soát vô khuẩn sẽ trở nên khó khăn trong mổ phanh, bệnh nhân có thể sốc nhiễm trùng máu dẫn đến tử vong, nên một số trường hợp sẽ có chỉ định tiêm kháng sinh. Dù rằng điều này không có lợi cho sức khỏe của bệnh nhân nhưng nó là liệu pháp an toàn. Và việc lạm dụng kháng sinh là nguyên nhân chính tạo ra các chủng vi khuẩn kháng thuốc nguy hiểm.
Hoặc trong trường hợp ca phẫu thuật khó và tiên lượng xấu, nguy cơ bệnh nhân suy hô hấp, trụy tim mạch cao thì bác sĩ luôn chỉ định đặt nội khí quản trước khi tiến hành mổ để tránh trở tay không kịp khi có diễn biến nặng.
Còn ca phẫu thuật mà tôi chứng kiến hôm nay là viêm ruột thừa cấp, một bệnh khá điển hình và ít nguy hiểm. Bệnh nhân nằm trên bàn và được trùm một tấm vải chỉ bộc lộ vùng mổ. Khi bác sĩ đưa dao rạch đường đầu tiên trên da thịt, tôi cảm giác như có ai đó cũng đang rạch lên người tôi một nhát như vậy. Rồi từng lớp da, mỡ, cơ được mở và bộc lộ ra toàn bộ vùng hố chậu phải. Tôi ngửi thấy mùi cháy khét của thịt và mỡ người, bởi vì bác sĩ sử dụng máy cắt đốt điện, từng xung điện phóng ra liên tục để cắt bằng cách đốt cháy mô, vùng mô sẽ tạo huyết khối ngay trong lòng mạch để cầm máu tại chỗ nhưng cũng ít gây tổn thương nhiệt ở các vùng lân cận.
Tôi đứng cách bàn mổ một khoảng nhưng không dám đến gần vì sợ ảnh hưởng đến các bác sĩ, ca phẫu thuật tưởng chừng đơn giản nhưng cũng kéo dài vài tiếng đồng hồ. Mổ mở ổ bụng thường gặp tình trạng dính ruột, thế nhưng tôi vẫn thấy được sự kiên nhẫn đến tỉ mỉ của họ khi gỡ từng đoạn ruột, khi cắt đi khúc ruột viêm, khi khâu đóng lại từng lớp cơ, lớp da. Cuộc phẫu thuật thành công!
BẠN ĐANG ĐỌC
Nắm tay nhau bước qua thanh xuân rực rỡ - Zest
RomanceGiới thiệu: Câu chuyện kể về hành trình theo đuổi ước mơ trở thành bác sĩ của cặp nhân vật chính, suốt chặng đường 9 năm học tập là tất cả tuổi trẻ, tình yêu và sự trưởng thành của họ. Bên cạnh tuyến tình cảm, tác giả đưa đến bạn đọc chuỗi kiến thức...