Chương 7: Gây Mê luôn đi đôi cùng Ngoại Khoa

58 8 2
                                    

Chương 7: Gây Mê luôn đi đôi cùng Ngoại Khoa

Kết thúc năm học, các bạn trong khu trọ đều lên đường về nhà. Cũng như mùa hè trước, tôi quyết định ở lại trường và tham gia kì thực tập tại bệnh viện. Quốc Quân cũng vậy, không cần hỏi tôi cũng biết hắn đăng kí Ngoại Chấn thương, còn tôi chọn Hồi sức cấp cứu.

Hồi sức cấp cứu và Khám bệnh có lẽ là hai khoa nhộn nhịp nhất trong bệnh viện, vì lưu lượng người ra vào luôn đông đúc. Căng thẳng nhất vẫn là bên cấp cứu, phải khi tận mắt chứng kiến thì tôi thật sự sốc trước cường độ làm việc của họ. Không phân biệt ngày hay đêm, các bác sĩ luôn phải túc trực theo dõi sát sao các bệnh nhân nằm lưu tại khoa, đưa ra y lệnh bổ sung trong trường hợp có tiến triển mới. Chưa kể nơi đây là bệnh viện tuyến đầu, từng phút từng giờ tiếp nhận bệnh nhân vào cấp cứu cũng như bệnh nhân nặng được chuyển về từ các tuyến y tế cơ sở, nhưng các bác sĩ vẫn phải quyết đoán mà giành giật từng cơ hội sống sót dù trong giai đoạn thập tử nhất sinh của bệnh nhân. Tôi gọi họ là những siêu anh hùng.

Tôi vẫn nhớ từng có một thầy giáo hỏi sinh viên bọn tôi:

– Giả sử có một dịch bệnh bùng phát hoặc thảm họa xảy ra, số lượng bệnh nhân đông quá mức mà bác sĩ thì ít. Là bác sĩ thì các bạn sẽ chọn cứu bệnh nhân nặng hay bệnh nhân nhẹ trước?

Lúc đó thầy giáo không trả lời, nhưng cho đến bây giờ khi đi ở khoa cấp cứu tôi mới hiểu rằng sẽ có lúc người bác sĩ buộc phải lựa chọn cứu bệnh nhân này mà không phải bệnh nhân kia. Và trong trường hợp này thì họ sẽ cứu chữa cho bệnh nhân nhẹ trước, vì có như vậy mới cứu được nhiều người nhất có thể.

Buổi trực đầu tiên, tôi đến khoa lúc trời vừa tối, vẫn là tiếng bước chân vội vã của các nhân viên y tế và tiếng "tít tít" của máy móc cho những bệnh nhân phải thở máy, lọc máu hay chạy tim phổi nhân tạo. Tôi theo chị điều dưỡng dọn dẹp lại phòng bệnh, có một chiếc giường loang lổ rất nhiều máu khiến tôi đặc biệt chú ý, chị nói vừa có một bệnh nhân bị tai nạn lao động, tử vong do sốc mất máu. Chị còn nói một câu khiến tôi thoáng rùng mình:

– Chẳng chiếc giường nào trong khoa cấp cứu mà chưa từng có người chết nằm qua.

Hơn chín giờ tối, liên tiếp có hai ca cấp cứu. Người thứ nhất là nam thanh niên ngoài hai mươi tuổi, vào viện do tai nạn giao thông, ngay lúc này vài bác sĩ chấn thương và bác sĩ huyết học vội đến khoa cấp cứu để hội chẩn liên khoa. Bệnh nhân được chẩn đoán đa chấn thương nặng, mất máu nhiều, gãy xương và có đụng dập nội tạng. Nguyên tắc khi cấp cứu chấn thương là phải cố định tốt cột sống cổ, vì chỉ sơ sẩy một chút thôi thì bệnh nhân có thể đứt tủy cổ hoặc liệt cơ hô hấp và tử vong ngay. Qua khám toàn trạng, bác sĩ cho đặt nội khí quản để khai thông đường thở và luồn vài dây truyền vào tĩnh mạch để bù lại khối lượng tuần hoàn đã mất.

Sau một hồi vật lộn, bác sĩ liên tục đưa ra các chỉ định nhưng bệnh nhân không có chuyển biến tích cực, nhịp thở và mạch đập vẫn rất yếu, máu chảy vào ổ bụng vẫn không cầm được còn các vết thương hở có nguy cơ nhiễm trùng. Bệnh nhân lên cơn kịch phát cuối cùng, sau đó anh ta mất dần ý thức cho đến khi sóng biểu thị điện tâm đồ chỉ còn là một đường thẳng. Bác sĩ lập tức ép tim ngoài lồng ngực và cho sốc điện, vài chục phút trôi qua, rồi họ không làm gì nữa.

Nắm tay nhau bước qua thanh xuân rực rỡ - ZestNơi câu chuyện tồn tại. Hãy khám phá bây giờ