Chương 2: Tống khứ đứa con đầu lòng

20 1 0
                                    

Cố nhiên có thể hình dung được một người như thế có thể làm bố và dạy dỗ con như thế nào. Với người bố ấy, sự việc đã xảy ra đúng như nó phải xảy ra, nghĩa là y hoàn toàn bỏ rơi đứa con sinh ra với Adelaida Ivanovna, không phải vì y thù ghét gì đứa bé hay vì những tình cảm vợ chồng nào đó bị xúc phạm, mà chỉ giản đơn là y quên bẵng đứa con. Trong lúc y làm mọi người phát ớn lên vì cái trò khóc lóc than vãn của y, còn nhà y lại biến thành cái ổ truỵ lạc thì thằng bé Mitia lên ba được người đầy tớ trung thành trong nhà là Grigori trông nom săn sóc, nếu thằng bé không được lão chăm sóc thì có lẽ sẽ chẳng có ai thay cho nó lấy một chiếc sơ mi. Lại nữa, bên họ ngoại thời gian đầu dường như cũng quên hẳn nó. Ông ngoại nó, tức là chính ngài Miuxov thân sinh ra Adelaida Ivanovna, đã tạ thế, bà vợ goá của ông, bà ngoại của Mitia, đã về ở Moskva, và ốm yếu quá; các dì nó đã đi lấy chồng, thành thử gần một năm trời nó ở với Grigori trong túp nhà gia nhân của lão. Vả chăng, nếu ông bố có nhớ đến đứa con (thực ra y không thể không biết mình có đứa con) thì hẳn là chính y sẽ tống khứ nó sang túp nhà ấy, bởi vì đứa bé dù sao cũng làm y vướng víu trong cuộc tửu sắc cuồng loạn. Nhưng bất chợt người anh họ của Adelaida Ivanovna, ông Petr Alecxandrovich Miuxov từ Paris trở về, sau này ông lại ra đi sống nhiều năm ở nước ngoài, và suốt đời ông vẫn là người Âu hoá, còn về cuối đời ông là người theo chủ nghĩa tự do của những năm 40 - 50. Tiếp tục con đường sự nghiệp, ông giao thiệp với nhiều người theo chủ nghĩa tự do triệt để nhất của thời đại mình, cả ở Nga cũng như ở nước ngoài, ông quen biết riêng cả Prudon và Bakunin(1) và vào cuối thời kỳ bôn ba của mình, ông thích hồi tưởng lại và kể chuyện về ba ngày cách mạng tháng Hai năm bốn mươi tám ở Paris, cố ý cho người ta hiểu rằng suýt nữa thì ông tham gia vào công cuộc đó trên chiến luỹ. Đấy là một trong những kỷ niệm sung sướng nhất của ông thời trai trẻ. Ông có tài sản riêng, theo cách tính thời trước là ngót một nghìn khẩu. Cái ấp tuyệt vời của ông ở ngay cửa ngõ thị trấn chúng tôi và tiếp giáp với đất đai của tu viện nổi tiếng của chúng tôi. Ngay từ hồi còn rất trẻ, liền sau khi nhận quyền thừa kế, ông lập tức thưa kiện liên miên với tu viện về quyển đánh cả và đốn rừng gì đó, tôi không biết đích xác, nhưng ông cho rằng, kiện "bọn thầy tu" thậm chí là nghĩa vụ công dân và khai sáng của mình.

Được nghe hết mọi chuyện về Adelaida Ivanovna mà dĩ nhiên là ông vẫn nhớ và hồi xưa thậm chí ông đã để ý đến, và được biết vẫn còn thằng bé Mitia bị bỏ mặc, ông liền can thiệp, mặc dù ông căm ghét và khinh miệt Fedor Pavlovich bằng tất cả tâm hồn trẻ trung của mình. Đây là lần đầu tiên ông làm quen với Fedor Pavlovich. Ông nói thẳng với y rằng ông muốn nhận lấy việc dạy dỗ đứa bé. Mãi sau này ông còn kể, coi đó là một nét đặc trưng rằng khi ông nói với Fedor Pavlovich về Mitia thì y ngớ ra một lúc, có vẻ như hoàn toàn không hiểu là nói về đứa trẻ nào, thậm chí dường như y ngạc nhiên rằng y có đứa con trai nhỏ tuổi ở đâu đó trong nhà. Câu chuyện của Petr Alecxandrovich có thể có phần quá đáng, nhưng hẳn là phải có một phần sự thật. Quả thật Fedor Pavlovich suốt đời thích làm điệu làm bộ. Đột nhiên sắm một vai bất ngờ nào đó, mà cái chính là đôi khi chẳng cần gì phải làm như vậy, thậm chỉ có khi còn trực tiếp có hại cho mình, như trường hợp này chẳng hạn.

Tuy nhiên, rất nhiều người có đặc điểm ấy, mà là những người rất thông minh, kể chi đến Fedor Pavlovich. Petr Alecxandrovich sôi nổi lo liệu công việc và thậm chí được thừa nhận là người giám hộ đứa bé (cùng với Fedor Pavlovich). Vì người mẹ chết đi vẫn để lại tài sản: một ngôi nhà và trang ấp. Mitia đến ở với ông cậu họ ấy, nhưng ông ta không có gia đình riêng, và bởi vì sau khi thu xếp xong công việc, bảo đảm thu được tiền ở các trang ấp của mình, ông lại vội trở về Paris một thời gian dài, nên ông giao đứa bé cho một bà cô họ quý tộc ở Moskva. Khi đã sống quen ở Paris, ông quên hẳn đứa bé, đặc biệt khi xảy ra cuộc cách mạng tháng Hai(2) làm kinh dị trí tưởng tượng của ông, khiến ông suốt đời không quên được. Bà quý tộc ở Moskva qua đời, Mitia đến ở với một người con gái bà, người này đã lấy chồng.

Hình như sau đó thằng bé còn đổi tổ lần thứ tư nữa. Về chuyện này bây giờ tôi sẽ không rườm lời, nhất là sẽ còn phải kể nhiều về đứa con đầu lòng này của Fedor Pavlovich, còn bây giờ tôi chỉ đưa ra những điều hết sức cần biết về anh ta, không có những cái đó thì tôi không thể bắt đầu bộ tiểu thuyết.

Thứ nhất, anh chàng Dmitri Fedorovich này chỉ là một trong ba con trai của Fedor Pavlovich, anh ta lớn lên với niềm tin rằng dù sao mình vẫn có chút tài sản và đến tuổi thành niên(3) anh ta sẽ được tự lập. Thời niên thiếu và thanh niên của anh ta là một quãng đời lộn xộn: anh ta bỏ dở việc học ở trường trung học, sau đó vào một trường võ bị, rồi đến vùng Kavkaz, phục vụ trong quân ngũ, dính vào chuyện thách đấu và bị giáng chức, lại phục vụ trong quân ngũ, ăn chơi hoang toàng, phung phí khá nhiều tiền. Mãi đến tuổi thành niên, anh ta mới được bố gửi tiền cho, nhưng cho đến khi ấy anh ta đã nợ nần chồng chất. Anh ta biết mặt bố mình lần đầu tiên sau khi đến tuổi thanh niên, khi anh ta chủ tâm về nhà để nói chuyện với bố cho rạch ròi về tài sản của anh ta. Hình như ngay hồi ấy anh ta đã không ưa ông bố. Anh ta ở nhà một thời gian ngắn rồi lại vội ra đi, sau khi nhận được một sổ tiền và giao ước với bố về việc thu lợi tức của điền trang từ nay về sau, điều đáng chú ý là lần ấy anh ta vẫn không làm cách nào được bố cho biết về thu nhập cũng như giá trị tài sản. Ngay từ lần đầu ấy (điều này nên nhớ), Fedor Pavlovich rất hài lòng về việc làm đó, vì y có nhưng tính toán riêng. Y cho rằng gã trẻ người non dạ, bồng bột hăm hở, đam mê, thiếu kiên nhẫn, ham chơi bời, chỉ muốn làm sao chộp luôn được một cái gì là gã yên tâm ngay, tuy tất nhiên là chỉ một thời gian ngắn. Thế là Fedor Pavlovich bắt đầu khai thác tình trạng đó, nghĩa là thí cho gã từng khoản nhỏ, thỉnh thoảng gửi cho một món, và sự thể đã dẫn đến kết cục là bốn năm sau, Mitia mất kiên nhẫn, lại về thị trấn nhà lần nữa để thanh toán với bố cho xong hẳn, nhưng đột nhiên, gã hết sức ngạc nhiên được biết gã chẳng còn gì nữa, thậm chí khó mà tính toán được, gã đã ấy toàn bộ giá trị tài sản của mình bằng tiền mặt, do bố trao cho, có lẽ còn nợ lại bố đằng khác: căn cứ vào những giao kèo này nọ ký kết vào ngày này ngày nọ theo ý muốn của chính gã, gã không có quyền đòi hỏi gì nữa, vân vân và vân vân. Gã trai sửng sốt, nghi ngờ có sự gian dối nổi xung lên, gần như mất trí. Chính hoàn cảnh đó dẫn tới thảm hoạ, thiên tiểu thuyết đầu của tôi thuật lại chuyện ấy hay đúng hơn, câu chuyện ấy là cái khung bên ngoài của tác phẩm. Nhưng trước khi đi vào tiểu thuyết đó, còn phải nói về hai người con trai còn lại của Fedor Pavlovich, các em của Mitia, cho biết rõ gốc tích của họ.

Chú thích:

(1) Prudon Pie Jozep (1809-1865) - Người Pháp, nhà xã hội học. kinh tế học, nhà xã hội không tưởng có khuynh hướng vô chính phủ.

Bakunin Mikhail Alecxandrovich (1814-1876), người Nga, nhà cách mạng dân tuý, nhà lý luận của chủ nghĩa vô chính phủ (N.D).

(2) Đây là nói về cuộc cách mạng dân chủ tư sản tháng Hai năm 1848 ở Pháp, dẫn tới kết quả lật đổ nền quân chủ tháng bảy của nước này (N.D).

(3) Theo luật Nga thời ấy, tuổi thành niên là 21.

Anh em nhà Karamazov - F. DostoievskyNơi câu chuyện tồn tại. Hãy khám phá bây giờ