Tống khứ được thằng Mitia lên bốn đi rồi, chẳng bao lâu sau Fedor Pavlovich lại lấy vợ. Cuộc hôn nhân lần thứ hai này được tám năm. Người vợ thứ hai này cũng rất trẻ, tên là Xofia Ivanovna, người tỉnh khác, Fedor Pavlovich nhân có một việc kinh doanh nhỏ nhặt ghé qua đây cùng với một người Do Thái. Tuy rằng y chơi bời rượu chè, trác táng, nhưng luôn luôn chăm lo bỏ vốn kinh doanh và làm ăn bao giờ cũng có lời, tuy cố nhiên hầu như bao giờ cũng khá là xỏ lá. Xofia Ivanovna thuộc loại "con nhà mồ côi", tứ cố vô thân từ bé, nguyên là con gái một viên trợ tế ngu dốt, nàng lớn lên trong gia đình. giàu có của một bà quan quyền quý đã già, vợ goá của tướng Vorokhov, bà này là ân nhân của nàng, người nuôi dạy và hành hạ nàng. Tôi không rõ chi tiết, chỉ nghe nói cô con nuôi nhu mì, hiền lành và ngoan ngoãn này đã có lần tự vẫn bằng sợi dây treo vào cái đinh trong nhà kho: cô không sao chịu đựng nổi sự trái tính trái nết và nhưng lời mắng nhiếc không lúc nào ngớt của bà già có lẽ không phải là độc ác nhưng vì ăn không ngồi rồi nên đâm ra độc đoán quá quắt.
Fedor Pavlovich cầu hôn, nhà gái dò biết về y và đuổi cổ y đi, thế là lại như cuộc hôn nhân trước, y rủ rê cô gái mồ côi trốn theo y. Rất có thể là nàng sẽ không đời nào theo y nếu như kịp thời biết rõ hơn chút nữa về y. Nhưng đây lại ở tỉnh khác; vả chăng cô gái mười sáu tuổi đầu có thể hiểu được gì, ngoài một điều là chẳng thà gieo mình xuống sông còn hơn ở với mẹ nuôi. Vì thế cô đánh đổi bà mẹ nuôi ân nhân lấy ông chồng ân nhân. Lần này Fedor Pavlovich không lấy được một đồng xu, vì bà tướng tức giận không cho gì cả, lại còn nguyền rủa cả hai.
Nhưng lần này y cũng không tính chuyện bòn tiền, y chỉ mê sắc đẹp tuyệt trần của cô gái thơ ngây, nhất là vẻ ngây thơ của nàng đã khiến y sửng sốt, mà y là kẻ dâm dật xưa nay có thói chỉ ham thích cái đẹp thô lậu của đàn bà. "Cặp mắt thơ ngây ấy như lưỡi dao cạo cứa vào tâm hồn tôi" - sau này y thường nói như vậy, vừa nói vừa cười hi hí một cách khả ố. Thế nhưng, một kẻ dâm đãng thì chỉ có thể ham mê tình dục. Không lấy được tí của nả nào, Fedor Pavlovich không nể gì vợ cả, vin cớ nàng "có lỗi" với y (nếu có thể nói như vậy) và y gần như đã cứu nàng khỏi "sợi dây oan nghiệt", ngoài ra, lợi dụng tính nhẫn nhịn và hiền lành kỳ lạ của nàng, y chà đạp cả lên những điều thông thường phải giữ gìn trong quan hệ vợ chồng. Nhà y, bất chấp sự có mặt của vợ là cái ổ truy hoan cho các ả mèo mả gà đồng kéo đến, và chúng chơi bời thả cửa. Điều đặc biệt đáng lưu ý là gia nhân Grigori, một kẻ cau có, ngu ngốc, bướng binh, hay lý sự, rất ghét bà chủ trước là Adelaida Ivanovna, lần này lại bênh bà chủ mới, vì bênh bà mà dám cãi nhau với Fedor Pavlovich một cách láo xược không thể tha thứ được xét theo thân phận đầy tớ. Có lần y còn phá đám cuộc chơi và đuổi cổ tất cả lũ đĩ điếm đã kéo đến.
Về sau, người thiếu phụ khốn khố, từ bé đã bị đe nạt đến khiếp nhược, mắc một thứ bệnh thần kinh của phụ nữ, thường gặp ở các bà các cô con nhà thường dân nơi thôn ổ, gọi là bệnh "ngộ dại"(1). Người mắc bệnh đó thường lên cơn thần kinh khủng khiếp, đôi khi mất trí. Tuy thế, nàng đã sinh cho Fedor Pavlovich hai con trai là Ivan và Alecxei, đứa thứ nhất trong năm đầu chung sống, còn đứa thứ hai thì ba năm sau. Khi mẹ qua đời, Alecxei hơn ba tuổi, tuy điều này thật kỳ lạ nhưng tôi biết sau đó người con nhớ mãi mẹ suốt đời, tất nhiên là như qua giấc mơ. Sau khi mẹ mất, hai đứa con lâm vào cảnh ngộ gần y hệt như đứa con đầu là Mitia: ông bố quên hẳn con và bỏ mặc chúng, chúng lại vào tay Grigori và cũng về ở nhà ông ta. Bà lão độc đoán vợ viên tước vị ân nhân nuôi dạy mẹ chúng, đã tìm thấy chúng trong căn nhà ấy. Bà vẫn còn sống, và suốt tám năm qua, bà chưa lúc nào nguôi oán hận mẹ chúng. Suốt tám năm ròng, bà vẫn nắm được tin tức hết sức xác thực về đời sống "Xofia" của bà, nghe nói nàng mắc bệnh và phải sống giữa cảnh nhuốc nhơ như thế nào, hai ba lần bà tuyên bố với những kẻ ăn bám bà: "Đáng đời nó, đấy là trời trừng phạt kẻ vô ơn".
BẠN ĐANG ĐỌC
Anh em nhà Karamazov - F. Dostoievsky
General FictionAnh em nhà Karamazov, tác phẩm cuối cùng của Dostoevsky, chính là kiệt tác vĩ đại nhất mà ông để lại cho hậu thế sau hơn bốn chục năm miệt mài lao động văn học. Bằng ngòi bút thiên tài của mình, Dostoevsky đã phản ánh tình trạng hỗn loạn xã hội của...