- Bây giờ thế là tôi biết nửa đầu vụ việc. - Aliosa nói.
- Nửa đầu, chú hiểu đẩy, nó là tấn kịch, và nó xảy ra ở đằng ấy. Nửa thứ hai là tấn kịch và nó sẽ xảy ra ở đây.
- Nửa thứ hai cho đến lúc này tôi vẫn không lùẻu gì hết. - Aliosa nói.
- Thế còn tôi? Chú tưởng tôi hiểu à?
- Không, anh Dmitri. Ở đây có một điều trọng yếu. Anh nói đi: anh là người chồng chưa cưới, bây giờ anh cũng vẫn là người chồng chưa cưới chứ?
- Tôi không phải đã hứa hôn ngay, mà mãi ba tháng sau câu chuyện ấy. Hôm sau tôi tự nhủ rằng chuyện ấy thế là xong, kết thúc rồi, sẽ không có phản đáp nữa. Tôi có cảm giác là đến cầu hôn thì thật là hèn hạ. Về phía nàng, suốt sáu tuần sau đó, nàng còn ở thành phố chúng ta, nhưng không hề đánh tiếng gì hết. Của đáng tội, còn một sự việc nữa: nàng đến đây hôm trước thì hôm sau người hầu phòng nhà họ lén đến nhà tôi, không nói năng gì, đưa cho tôi một phong bì. Trên phong bì đề địa chỉ. Tôi mở ra: số tiền còn lại của tấm trái khoán năm ngàn rúp. Chỉ cần có bốn ngàn năm trăm rúp, bán trái khoán bị trừ mất hơn hai trăm rúp. Nàng gửi trả lại tôi hai trăm sáu mươi rúp cả thảy, hình như thế tôi không nhớ rõ, và trong phong bì chỉ có tiền thôi, không có lấy một mẩu thư, không một chữ, không giải thích gì hết. Tôi cố tìm trong phong bì một dấu hiệu nào đó bằng bút chì thôi: không có gì hết! Thôi được, tôi đem số nén còn lại ăn chơi lu bù, đến nỗi ông thiếu tá mới đến rút cục phải khiển trách tôi. Thế còn ông trung tá thì đã nộp đủ tiền quỹ, nộp chu tất, khiến mọi người đều ngạc nhiên, bởi vì không ai cho rằng ông ta có đủ tiền. Nộp xong ông phát ốm, nằm bẹp ba tuần, rồi đột nhiên ông bị nhũn não và năm ngày sau thì qua đời. Ông được mai táng theo nghi lễ nhà binh, ông vẫn chưa kịp từ chức. Mai táng bố xong xuôi, mười ngày sau Ekaterina Ivanovna cùng với cô chị và bà dì về Moskva. Mãi đến khi họ ra đi, đúng hôm họ lên đường (tôi không gặp họ và không đi tiễn), tôi nhận được một phong bì nhỏ xíu màu xanh, trong có một tờ giấy nhỏ có khía răng cưa, ở đó chỉ có một dòng viết bằng bút chì: "Tôi sẽ viết thư cho anh, hãy đợi. K". Vẻn vẹn có thế thôi.
Bây giờ tôi giải thích vắn tắt để chú hiểu. Ở Moskva, cảnh ngộ của họ xoay chuyển nhanh như chớp và bất ngờ như trong truyện cổ A Rập. Bà quan ấy, người họ hàng quan trọng nhất của nàng đột nhiên mất hai người thừa kế gần nhất, hai cô cháu gái gần nhất, - cả hai cùng chết trong một tuần vì bệnh đậu mùa. Bà lão bàng hoàng, gặp Katia bà vui mừng như gặp được con đẻ, như gặp ngôi sao cứu mệnh, bà vồ ngay lấy nàng, tức khắc lập di chúc đề lại gia sản cho nàng, nhưng đó là việc về sau, còn ngay bây giờ bà cho luôn nàng tám mươi ngàn rúp: đây là của hồi môn của con, con muốn làm gì tuỳ ỷ. Bà ta là người loạn thần kinh, sau này tôi đã có dịp quan sát bà tại Moskva. Chính thời gian ấy đột nhiên tôi nhận được bốn ngàn năm trăm rúp chuyển qua bưu điện. Tất nhiên tôi bân khoăn và ngạc nhiên đến không thốt lên được. Ba ngày sau, bức thư nàng đã hứa đến tay tôi. Bức thư ấy hiện giờ tôi vẫn giữ đây, tôi luôn luôn giữ nó bên mình, chết tôi cũng mang theo, chú có muốn tôi cho xem không? Nhất định chú phải đọc: nàng ngỏ ý muốn đính hôn với tôi, chính nàng ngỏ ý gắn bó cuộc đời với tôi, "em yêu anh đến điên cuồng, dù anh không yêu em cùng chẳng sao, chỉ cần anh là chồng em. Anh đừng sợ, em sẽ không gò bó gì anh hết, em sẽ là cái bàn ghế của anh, em sẽ là tẩm thảm để anh bước lên... Em muốn yêu anh suốt đời, em muốn cứu anh thoát khỏi chính bản thân anh...". Aliosa, tôi không xứng đáng kể lại những dòng ấy bằng thứ lời lẽ đê tiện của tôi và bằng cái giọng điệu đê tiện của tôi giọng điệu của tôi bao giờ cũng đê tiện và tôi không bao giờ có thể sửa chữa được! Lá thư ấy cho đến hôm nay vẫn đâm thấu qua tim tôi, chú tưởng bấy giờ tôi thanh thản ư, chú tưởng hôm nay tôi thanh thản ư? Dạo ấy tôi viết thư trả lời ngay (tôi không thể nào đích thân đi Moskva được). Tôi viết lá thư bằng nước mắt, có một điều mãi mãi làm tôi xấu hổ: tôi nhắc lại rằng bây giờ nàng giàu và có của hồi môn, còn tôi chỉ là một kẻ thô lậu nghèo xác - tôi nhắc đến tiền! Lẽ ra tôi phải chịu đựng điều đó, nhưng nó đã buột ra từ ngòi bút. Tôi tức khắc viết thư về Moskva cho Ivan và giãi bày hết với chú ấy những gì có thể nói được, thư dài sáu trang, và tôi nhờ Ivan đến gặp nàng. Sao chú cứ nhìn tôi chằm chằm thế? Ừ, Ivan yêu nàng say đắm, bây giờ cũng vẫn yêu, tôi biết, tôi đã làm một việc ngu xuẩn theo cách nhìn nhận của các người, của người đời, nhưng có lẽ duy chỉ có sự ngu xuẩn ấy bây giờ mới cứu được tất cả chúng ta. Úi chà! Chú không thấy nàng tôn sùng, nàng kỉnh trọng Ivan thế nào ư? So sánh tôi với Ivan, lẽ nào nàng có thể yêu được một người như tôi, mà lại sau tất cả những gì đã xảy ra ở đây?
BẠN ĐANG ĐỌC
Anh em nhà Karamazov - F. Dostoievsky
Ficción GeneralAnh em nhà Karamazov, tác phẩm cuối cùng của Dostoevsky, chính là kiệt tác vĩ đại nhất mà ông để lại cho hậu thế sau hơn bốn chục năm miệt mài lao động văn học. Bằng ngòi bút thiên tài của mình, Dostoevsky đã phản ánh tình trạng hỗn loạn xã hội của...