- Tôi phải thú nhận với chú một điều, - Ivan nói, - tôi chưa bao giờ hiểu được làm sao có thể yêu được đồng loại. Theo tôi, chính đồng loại mới là những kẻ ta không thể nào yêu được, hoạ chăng là những người ở xa thì may ra. Tôi đã có đọc ở đâu đó về Gioan nhân từ" (một vị thánh)(1): một người qua đường đói rét xin thánh sưởi ấm cho, ông ta lên nằm cùng giường với người ấy ôm lấy ấy hà hơi vào miệng y, mà miệng y thì mưng mủ và hôi thối vì một bệnh khủng khiếp gì không rõ. Tôi tin chắc thánh phải gắng tự dối mình để làm được như thế, do thấm nhuần bổn phận phải yêu người, do tự hành thân để giải tội. Muốn yêu được một con người thì phải giấu mặt đi, hễ phô mặt ra là tình yêu biến mất.
- Trưởng lão Zoxima đã nhiều lần nói đến điều ấy, - Aliosa lưu ý - Cha cũng nói rằng đối với nhiều người ít kinh nghiệm về tình yêu, nhiều khi bộ mặt con người là trở ngại ngăn cản người ta yêu nhau. Thế nhưng trong nhân loại vẫn có nhiều tình yêu, kể cả tình yêu gần như tình yêu của Chúa Kito, điều đó thì tôi biết qua kinh nghiệm bản thân, anh Ivan ạ.
- Còn tôi thì hiện thời tôi chưa biết điều đó và không thể nào hiểu được, và rất nhiều người cũng như tôi. Vấn đề là: đấy là do tính xấu của người đời, hay bản lĩnh con người vốn như thế. Tôi cho rộng lòng yêu người của Chúa Kito là một thứ phép lạ không thể có trên cõi thế. Thì Ngài là Chúa Trời mà. Nhưng chúng ta không phải là Chúa Trời. Chẳng hạn, giả sử tôi đau khổ sâu sắc, những người khác không bao giờ có thể biết được tôi đau khổ dường nào, vì đấy là người khác, chứ không phải là tôi, vả lại ít có người chịu thừa nhận kẻ khác là con người đau khổ (dường như đấy là một phẩm tước). Tại sao vậy, chú nghĩ thế nào? Ấy là bởi tôi có mùi hôi hám chẳng hạn, hay tại mặt tôi nom đần độn, hay tại tôi đã có lần giẫm phải chân người đó. Với lại, đau khổ có nhiều loại: nỗi đau khổ loại này thì ân nhân của tôi còn chấp nhận được, nhưng loại đau khổ cao hơn một chút, đau khổ vẻ tư tưởng chẳng hạn thì không được, hãn hữu lắm ngài mới cho phép, bởi vì giả dụ ngài nhìn tôi và bỗng thấy mặt tôi không phải là bộ mặt mà trí tưởng tượng của ngài hình dung ra cho một người đau khổ về một tư tưởng như thế. Vậy là lập tức ngài tước bỏ những ân huệ ban cho tôi, mà hoàn toàn không phải là độc ác Người hành khất, đặc biệt là những người hành khất cao quý, không bao giờ nên xuất đầu lộ diện, mà phải xin bố thí qua báo chí. Về lý thuyết thì vẫn có thể yêu đồng loại, dù là yêu từ xa, nhưng ở gần thì hầu như không bao giờ. Nếu mọi cái như trên sân khấu trong vũ ba lê, nhưng kẻ hành khất xuất hiện trong những bộ quần áo rách bằng tơ lụa và những tấm đăng ten tơi tả, xin bố thí bằng động tác vũ duyên dáng thì có thể thích thú ngấm nhìn họ. Nhìn mà thích thú, chứ vẫn không yêu. Những chuyện ấy nói thế đủ rồi. Tôi chỉ cần đặt chú vào điểm nhìn của tôi. Tôi muốn nói về nỗi đau khổ của nhân loại nói chung, nhưng tốt hơn hết là ta đừng lôi ở nỗi đau khổ của trẻ em mà thôi, điều đó sẽ làm cho quy mô lý lẽ của tôi giảm bớt đi mười lần, nhưng chỉ nói về trẻ em thôi thì hơn.
Như vậy thì bất lợi cho tôi hơn, tất nhiên. Nhưng thứ nhất, trẻ em thì ở gần vẫn có thể yêu chúng được, cho dù chúng bẩn thỉu, cho dù mặt mũi chúng xấu xí (nhưng tôi cho rằng trẻ em không bao giờ xấu xí). Hai nữa, tôi không nói đến người lớn còn vì lẽ họ đáng kinh tởm, không đáng được yêu, họ đang phải chịu sự trừng phạt: họ đã ăn quả cấm và nhận biết được thiện ác, họ đã trở nên "giống như Chúa Trời". Bây giờ họ vẫn tiếp tục ăn quả cấm. Nhưng trẻ em chưa ăn gì cả và chưa phạm tội gì hết. Chú có yêu tôi không, Aliosa? Tôi biết chú yêu trẻ, chú sẽ hiểu được vì sao lúc này lôi chỉ muốn nói đến trẻ em. Trẻ em trên trái đất cũng đau khổ nhiều không, cố nhiên đấy là để chuộc tội cho cha, chúng bị trừng phạt vì cha chúng đã ăn quả cấm, - nhưng đấy là lập luận của thế giới khác trái tim người trên cõi đất này không hiểu được. Người vô tội nhất là lại vô tội như trẻ thơ, không thể phải đau khổ thay cho kẻ khác! Tôi làm chú ngạc nhiên, Aliosa, nhưng tôi cũng yêu trẻ lắm. Và xin lưu ý cho một điều: những kẻ tàn ác, đam mê, ham nhục dục, nhưng kẻ dòng họ Karamazov, đôi khi cũng rất yêu trẻ. Trẻ em, chí ít là trẻ dưới bảy tuổi, khác xa người lớn: đấy tuồng như là một thực thể khác, một bản chất khác. Tôi biết một tên cướp bị giam trong tù: trong thời gian còn hoành hành, ban đêm khi lọt vào nhà người ta để cướp bóc, nhiều khi hắn giết cả từng gia đình, tiện tay cắt cổ luôn mấy đứa trẻ. Nhưng khi ở tù hắn yêu trẻ lạ lùng. Qua cửa sổ phòng giam, hắn chỉ nhìn bọn trẻ chơi trong sân nhà tù. Hắn đã làm cho một thằng bé nhỏ tuổi quen đến gần cửa sổ chỗ hắn. Thằng bé rất thân với hắn... Chú có biết tôi nói những chuyện ấy để làm gì không, Aliosa? Tôi hơi đau đầu và tôi buồn.
BẠN ĐANG ĐỌC
Anh em nhà Karamazov - F. Dostoievsky
Ficção GeralAnh em nhà Karamazov, tác phẩm cuối cùng của Dostoevsky, chính là kiệt tác vĩ đại nhất mà ông để lại cho hậu thế sau hơn bốn chục năm miệt mài lao động văn học. Bằng ngòi bút thiên tài của mình, Dostoevsky đã phản ánh tình trạng hỗn loạn xã hội của...