Để mở hàng vào lúc bốn giờ chiều thì Son Seungwan phải dậy từ rất sớm để chuẩn bị từ khâu nhào bột, cắt sợi, luộc mì, cho đến chuẩn bị ướp thịt, nấu nước dùng và nhặt rửa rau củ. Những công đoạn làm nên một bát mì Udon Nhật Bản đúng vị đòi hỏi không chỉ kỹ thuật lành nghề và kinh nghiệm lâu năm, mà còn dựa vào thiên tính của người đầu bếp. Cái này thì không thể học được, đối với mỗi người, thiên tính của họ sẽ bộc phát một cách khác nhau. Kể như Seungwan, các giác quan của cô nhạy bén hơn vào buổi sáng, thế nên cô bắt đầu công việc chuẩn bị từ sớm để tạo ra những bát mì chất lượng nhất. Nhờ vào sự đều đặn trong tác phong bếp núc của mình, cùng với thái độ kính nghiệp và một chút may mắn mà cửa hàng bán mì udon buổi đêm của Seungwan đã tồn tại giữa lòng Seochu hơn năm năm.
Nhiều năm về trước, khi mũ nồi còn hiện hành, Seungwan đi Nhật Bản để học về công nghệ thông tin. Vào thời điểm đó, những ngành nghề liên quan đến máy móc và mạng internet bắt đầu nổi lên như một hiện tượng. Các sinh viên trường Kỹ thuật được kỳ vọng sẽ tiếp thu được trí tuệ vượt trội của Nhật Bản và trở về làm việc cho công ty Hàn Quốc với số vốn khổng lồ, họ đều mang theo gánh nặng phải làm rạng danh nước nhà. Cuộc sống sinh viên rất khó khăn, thiếu hụt cả về tài chính lẫn thời gian, đặc biệt là du học sinh. Sau một thời gian chật vật, Seungwan nhận ra sự bất cân bằng này vốn dĩ là do cô không mê thích chuyên ngành của mình. Sinh viên Son không gặp nhiều khó khăn với những con số hay tư duy logic so với các bạn học khác. Cô cũng nhạy bén với ngoại ngữ, loay hoay nửa năm là đã giao tiếp được bằng tiếng Nhật, hơn một năm là đã nghiên cứu và viết lách tài liệu bằng tiếng Nhật. Tuy nhiên, không một ngày nào Seungwan thấy vui mà cứ liên tục ngột ngạt vì cảm thấy cuộc sống thiếu thốn quá nhiều thứ. Những thứ tài liệu khô khan rút cạn sinh lực của sinh viên Son, đến năm thứ ba thì điểm số của cô tụt dần, đến nỗi bị giáo viên chủ nhiệm triệu tập và chất vấn.
Cô còn nhớ rất rõ, lúc đó, giáo viên chủ nhiệm của cô là Urasawa-sensei, khoảng chừng sáu mươi tuổi nhưng tóc thầy đen nhánh nên ngoại hình cũng trẻ trung và tươi tắn. Vì có nhiều sinh viên quốc tế học trong lớp nên thầy còn học thêm cả tiếng Anh. Seungwan đặc biệt quý thầy vì ban đầu cô chỉ có thể trò chuyện bằng tiếng Anh với thầy ngoài các đồng môn người Hàn.
'Nếu cứ như thế này thì học kỳ này trò sẽ mất học bổng. Trò đang gặp vướng mắc gì sao?'
Thầy hỏi. Những từ khó như vướng mắc, thầy dùng tiếng Anh cho Seungwan hiểu. Cô lắc đầu. 'Không hẳn là vướng mắc. Tôi chỉ thấy hơi mệt mỏi, xin lỗi vì đã làm thầy thất vọng.'
'Thực ra nhiều sinh viên ở Nhật không có học bổng nhưng vẫn xoay xở được. Nếu cảm thấy việc học quá căng thẳng, trò có thể tìm một công việc bán thời gian để chi trả cho học phí.' Urasawa-sensei là một người đi trước thời đại. Thầy không bị gò bó, trói buộc với tư tưởng sinh viên phải cống hiến trọn vẹn cho sự nghiệp học hành và quên hết cuộc sống bên ngoài. Thầy không cho rằng như thế thực sự tốt và hay khích lệ mọi người tìm kiếm niềm vui cuộc sống xung quanh. 'Tình hình hiện tại, tôi nghĩ trò nên bắt đầu tìm việc để tránh vấn đề không đáng có vào cuối học kỳ. Trò không muốn mắc kẹt ở Nhật Bản học về máy tính thêm một năm nữa đâu chứ, phải không?'
BẠN ĐANG ĐỌC
wenrene | Shon's Tsukimi 🌙
Fanfictsukimi udon là một loại udon dùng nóng. sau khi chế biến, người nấu đập một quả trứng gà sống để lòng trắng chín lênh láng trên mặt nước đang sôi, cùng lòng đỏ tròn vành vạnh, tạo nên khung cảnh như một bầu trời sáng trăng.