Những lúc vui vẻ, bà Bạch Mộ Mai - mẹ của Bạch Nhạn, sẽ bình thản nói với cô:
- Phụ nữ nhất định phải yêu. Đời người cũng chia làm bốn mùa xuân hạ thu đông, tình yêu là ngày tháng Tư ấm áp chan hòa, là quãng thời gian đẹp nhất trong cuộc đời con người. Sống uổng phí tuổi thanh xuân, rồi con sẽ hối hận.
Bạch Nhạn nghe xong, cười cười, tỏ vẻ không đồng tình.
- Mày chả giống mẹ chút nào.
Bà Bạch Mộ Mai nhìn chăm chăm vào mặt cô, như đang nhìn một người xa lạ.
Bạch Nhạn muốn nói có khi con giống bố, lời vừa lên đến miệng lại nuốt xuống bụng. Bở vì với cô, từ "bố" này chỉ là một từ, không có ý nghĩa gì khác. Mà từ này lại là từ đại kị của bà Bạch Mộ Mai, hồi nhỏ cô từng hỏi, bà đã giáng cho cô một cái tát tai nảy lửa.
- Tao có ngược đãi mày không? Mày không được ăn no hay không được mặc ấm, được voi còn đòi tiên! Người ta mang nặng chín tháng mười ngày sinh được đứa con gái như tấm áo bông khoác trên người, còn tao lại đẻ ra cái đồ vô ơn bạc nghĩa!
Từ đó trở đi, cô không nhắc tới từ này nữa.
Bà Bạch Mộ Mai là người coi tình yêu là sự nghiệp để kinh doanh suốt đời, điều này có lẽ có liên quan với việc bà luôn diễn những vai tiểu thư khuê các hết mình theo đuổi tình yêu trên sân khấu. Diễn nhiều quá, nhập vai quá, bà không còn phân biệt được đâu là kịch, đâu là đời thực.
Tuy lớn lên trong khu tập thể của đoàn kịch, xem đến hàng trăm vở kịch, nhưng Bạch Nhạn luôn ngồi ở hàng ghế khán giả. Cô không để ý tới chuyện yêu đương này nọ trong kịch, cô chỉ phát hiện ra một điều. Cho dù là Tây sương ký hay là Tháp Trân Châu, Bích ngọc trâm, Mẫu đơn đình... vai nữ chính trong đó đều là tiểu thư nhà giàu, được nâng niu từ tấm bé, không bệnh tự rên, vì thế âu sầu khổ não, ra khỏi khuê phòng tình cờ gặp gỡ một chàng tài tử, bèn diễn ra một màn phong hoa tuyết nguyệt. Còn đứa nha hoàn đi theo bọn họ, tuổi tác tương đương, nhan sắc xấp xỉ, chỉ rớt lại phía sau làm chân chạy vặt, canh gác, truyền tin, không bao giờ được dính dáng đến chuyện tình yêu.
Tình yêu là một chuyện xa xỉ, được hình thành trên cơ sở vật chất dồi dào.
Những người không bị sinh kế phiền nhiễu, yêu mới gọi là yêu.
Kết cục cuối cùng của nha hoàn, hoặc là gả cho thợ làm vườn, thư đồng trong phủ, hoặc là làm lẽ cho tài tử, đó không phải là tình yêu, mà là chắp vá tạm bợ.
Cuộc đời ắt phải có một sự trao gửi.
Bạch Nhạn cảm thấy mình không phải tiểu thư, cũng chẳng phải nha hoàn, cô là Bạch Nhạn, một Bạch Nhạn độc nhất vô nhị.
Tình yêu, xa xôi diệu vợi, thế thì cần gì phải miễn cưỡng. Cũng không nên chắp vá để làm khó chính mình.
Thà là chờ đợi cả đời, chứ không thể nhượng bộ xài tạm. Đây là nguyên tắc yêu đương của Bạch Nhạn.
Sau khi tốt nghiệp cấp hai, Bạch Nhạn học năm năm trong trường đào tạo y tá, hai năm đầu học môn cơ sở, hai năm sau học môn chuyên ngành, còn lại một năm thực tập. Hồi tốt nghiệp cấp hai, Bạch Nhạn thi rất tốt, thầy giáo trường Nhất Trung thành phố Tân Giang còn cất công đến tận nhà cô, nói chỉ cần cô đến đó học sẽ miễn toàn bộ học phí, tiền sách vở, tiền trọ học, mỗi tháng nhà trường còn có thể trợ cấp thêm sinh hoạt phí cho cô.
BẠN ĐANG ĐỌC
[HOÀN] HOA HỒNG GIẤY - LÂM ĐỊCH NHI
RomansaHOA HỒNG GIẤY Tác giả: Lâm Địch Nhi Thể loại: Hiện đại thực tế, cán bộ cao cấp, quan trường, cưới trước yêu sau, gương vỡ lại lành, ngược tâm, ân oán tình thù, nhiều uẩn khúc, trợ lý thị trưởng thâm tình - nữ y tá thông minh hiểu chuyện, ý nghĩa nhâ...