Kì 14: Được lòng người và tháp nhu cầu của Maslow

3.1K 101 4
                                    

Thỉnh thoảng từ blog, fanpage và ask tôi lại nhận được những câu hỏi như : Làm thế nào để đọc hiểu người khác? Bạn có thể giới thiệu vài cuốn sách tâm lý để đọc vị người khác hay không? Bạn thường đọc mấy sách như thế nào? Thú thật khi nhận mấy câu hỏi như thế này tôi rất ngại trả lời, phần vì tôi rất ít đọc sách, có chăng chỉ đọc sách giáo khoa của trường. Bởi vì với tôi, sách giáo khoa cung cấp những kiến thức cơ bản cần biết, còn lại phải phụ thuộc vào từng người để phát triển góc nhìn, suy nghĩ dựa trên những kiến thức cơ bản ấy. Thế nên đọc sách giáo khoa là đủ, còn lại, hãy xông pha ra bên ngoài trải nghiệm, tự gom lấy kiến thức riêng cho bản thân vì những gì bạn đọc trong sách chưa hẳn đã dùng được với bạn. Đọc trăm cuốn sách chẳng bằng lang bang ngoài đời. Tất nhiên, mớ lí lẽ trên cũng coi như biện luận cho cái sự lười của tôi đi. Phần còn lại thì với tôi, đa số những cuốn sách tâm lý về đọc vị người khác đều xoay quanh học thuyết căn bản trong bộ môn tâm lý mà tôi chuẩn bị nói dưới đây, được các tác giả phát triển dưới góc nhìn, kinh nghiệm của cá nhân họ. Một khi bạn đã hiểu được thuyết đó bạn sẽ thấy đa số các cuốn sách bán ngoài kia có thể có cách diễn đạt khác nhau nhưng đều có chung một nguồn cội.


Học thuyết mà tôi muốn nói ở đây chính là tháp nhu cầu của Maslow. Học thuyết này được Abraham Maslow giới thiệu vào năm 1943 trong bài viết "Thuyết Về Động Lực Con Người" của ông. Học thuyết dựa trên sự quan sát của ông về bản năng của con người. Tháp nhu cầu được mô tả theo hình kim tự giáp với những bậc lớn nhất, cơ bản nhất ở dưới cùng và mỗi bậc là mỗi nhu cầu cần thỏa mãn, khi nhu cầu bậc dưới được cung cấp đầy đủ thì con người sẽ hướng lên bậc cao hơn. Nếu nhu cầu không được thỏa mãn trong thời gian dài thì sự cần thiết để thỏa mãn nhu cầu đó càng tăng lên. Ví dụ như bạn càng nhịn ăn lâu thì bạn càng đói hơn.

Tháp nhu cầu cơ bản của Maslow gồm có năm tầng, từ dưới đếm lên:

-Tầng 1: Physiological needs- Nhu cầu sinh lý chính là nhu cầu ăn uống, ngủ nghỉ, tình dục.

-Tầng 2: Safety needs- Nhu cầu an toàn cảm giác yên tâm về nơi ở, công ăn việc làm, gia đình, sức khỏe.

-Tầng 3: Love-belonging need- Nhu cầu được giao lưu tình cảm, trực thuộc vào cộng đồng nào đó, được gia đình, bạn bè vui vầy. Một số trang khác còn gọi nhu cầu này là nhu cầu được thuộc về, giao lưu, hòa nhập vào xã hội.

-Tầng 4: Self-esteem - Nhu cầu được kính trọng, cảm giác được tin tưởng và tôn trọng được tự tin.

-Tầng 5: Sefl actualization - Nhu cầu tự thể hiện bản thân, muốn sáng tạo, muốn thể hiện mình, muốn được người khác công nhận

Vị trí các tầng trong tháp nhu cầu có thể thay đổi theo từng xã hội. Đối với những nước theo chủ nghĩa xã hội như Việt Nam, thì nhu cầu phụ thuộc vào xã hội, giao lưu tình cảm vượt lên trên nhu cầu được tự do, được thể hiện bản thân. Còn đối với những nước theo chủ nghĩa tư bản thì họ tập trung vào cá nhân, cải thiện bản thân hơn.

Vậy thì học thuyết này có liên quan gì đến việc hiểu người khác suy nghĩ cái gì? Ngược lại nó có liên quan rất lớn. Mỗi người đều có động lực để làm việc, học tập để thỏa mãn năm nhu cầu này. Nhìn một người bạn có thể đoán được họ ở tầng nào trong tháp nhu cầu, thông qua đó xác định được họ muốn tiến lên tầng thứ mấy và phần nào đoán được họ đang suy nghĩ gì và muốn gì vì những gì họ làm đều xoay quanh việc thỏa mãn tầng nhu cầu hiện tại và vươn lên tầng tiếp theo. Ví dụ như người mới có công ăn việc làm ổn định sẽ có nhu cầu mong muốn được hòa đồng, được chào đón trong chỗ làm. Đối với những người như vậy, chỉ cần bạn mỉm cười, khích lệ họ, họ sẽ cảm kích bạn rất nhiều. Đối với những người đi làm lâu, họ có lượng đồng nghiệp bạn bè rồi thì họ sẽ tiến đến tầng nhu cầu được tôn trọng. Với những người này thì việc bạn lắng nghe họ nói chuyện, hoặc chào họ bằng tên là đã thỏa mãn nhu cầu của họ, khiến họ yêu quý bạn hơn. Còn với các bạn học sinh, sinh viên thì họ có nhu cầu được yêu thích, thuộc về một nhóm bạn bè nào đó, bạn chỉ cần cởi mở, nói chuyện với họ, hòa nhã, lịch thiệp vậy thì bạn đã gầy dựng được hảo cảm với họ rồi.

Tâm Lý Bất Thường Và Tâm Lý Tội PhạmNơi câu chuyện tồn tại. Hãy khám phá bây giờ