Thiên giới tại thượng, Đế Thích Thiên đứng đầu chúng thần. Ngoài hàng vạn thần quan khắp tứ phương bát hải, Dưới trướng ông còn có mười một vị thần toạ trấn Cửu Trùng Thiên, duy trì ổn định của Thần giới, mười một vị thần của Bàn Cổ Vĩnh Sinh.
Mỗi người đều có xuất thân bất phàm, Dạ Thần Châu Kha Vũ và Phong Thần Lưu Chương là con trai của Dạ Thần và Phong Thần tiền nghiệm, sinh ra ở Thần giới, cả hai từng chẳng màng đến hung hiểm đoạ ma mà xông vào Đoạ Thiên tháp để thanh trừ toàn bộ tâm ma và âm tà rục rịch muốn nổi loạn.
Hoả Thần Cao Khanh Trần mang trong mình huyết mạch của thần thú viễn cổ Phượng hoàng Cửu Châu. Toàn thân trên dưới được bảo phủ bởi nghiệt hoả từ khi mới ra đời, là vị thần có pháp lực mạnh nhất trong số 11 người.
Mộc Thần Lực Hoàn, Thần thụ tồn tại từ thời Viễn Cổ Hồng Hoang, bản thể là một cây linh mộc sống ở đường chân trời nơi giao thoa hai giới Tiên Ma, chịu trách nghiệm canh giữ ranh giới.
Lại có kẻ sinh ra đã mang trong mình ma lực hắc ám, đứng đầu vạn yêu, toạ trấn một vùng Thành đô minh giới hùng mạnh, Ám Thần Trương Gia Nguyên.
Y thần Lâm Mặc và Thổ Thần Bá Viễn đều xuất thân từ núi Vĩnh Sinh, ngọn núi thần bí và cũng là nơi cư ngụ của bốn vị thần thú và thánh thú còn tồn tại trong Tam giới.
Chiến Thần Tán Đa, đời trước là tướng quân ở nhân giới. Một mình thủ thành giữ nước bảo hộ quân chủ chạy trốn. Bị loạn tên bắn chết trong lúc giữ chân kẻ địch, công đức vô lượng mà phi thăng thành thần.
Mễ Lạp thánh quân, một trong mười tám vị la hán dưới trướng phật tổ. Từng vì muốn tăng tiến tâm cảnh mà dẫn cả ngàn tâm ma hung ác vào người, dùng bảy ngày bảy đêm luyện hoá mà không bị tâm mà cắn nuốt.
Thuỷ Thần Duẫn Hạo Vũ là hậu duệ cuối cùng của nhân ngư tộc, nắm giữ Thuỷ Mạch toàn bộ tam giới. huyết mạch cao quý, sức chiến đấu kinh người.
Vị thần cuối cùng của Bàn Cổ Vĩnh Sinh là nguyệt thần Lưu Vũ. Bản thể là gì cũng chẳng một ai biết, trong số chúng thần tiên chỉ có Đế Thích Thiên và Mộc thần. Các vị thần còn lại mãi về sau mới biết được y xuất thân từ đâu.
Từ thuở hồng hoang, khi trụ chống trời bị ma thần Xi Vưu phá huỷ. Nữ oa phải đích thân thu thập đá ngũ sắc trong nhân gian để vá trời, trong đó có một hòn đá ngũ sắc bị nàng bất cẩn đánh rơi xuống biển lửa, trải qua cả ngàn vạn năm bãi bể nương dâu, hấp thụ linh khí thiên địa trong trời đất rồi mở ra linh trí và hoá hình.
Lưu Vũ y chính là hòn đá ngũ sắc mà năm đó Nữ Oa đánh rơi xuống nhân gian, được Đế Thích Thiên trong một lần hạ phàm tìm thấy đem về thần giới.
Y có mái tóc bạc trắng, đôi mắt nhạt màu sáng trong như ánh trăng phản chiếu nơi đáy nước, mỗi khi đến ngày trăng tròn, từng sợi tóc như thiên tàm ti thượng phẩm được nhật quang tỉ mỉ chải chuốt, suối tóc như thác đổ lên đôi vai gầy, phủ lên người Tư Niên một tầng bạch quang nhàn nhạt.
Y thường hay ngẩn người dưới tàng cây nơi có ánh trăng sáng nhất rồi ngủ quên, để mặc cho ánh trăng trên cao vỗ về âu yếm, bao bọc y trong ánh sáng xinh đẹp vô ngần.
Sở dĩ Mộc Thần biết được nguyên thân của Lưu Vũ là bởi vì cả hai cùng xuất thân từ viễn cổ, cùng mang trong mình hơi thở hồng hoang. Giữa cả hai dường như có một mối liên kết như được khảm sâu trong linh hồn.
Nguyệt Thần sinh ra tính tình đã đạm bạc, một phần là vì nguyên thân của y là đá ngũ sắc, y ngây ngốc cả vạn năm nhìn trời đất thay đổi, nhìn thấy Xi Vưu và Hiên viên hoàng đế đánh đến lưỡng bại câu thương, nhìn thấy Khoa Phụ mải miết đuổi theo mặt trời mà ngã xuống. Nhìn Hạn Bạt tự tay khiến bản thân tan thành tro bụi. Từ đầu đến cuối y giống như một lữ khách qua đường thản nhiên theo dõi tất cả, lãnh cảm, bạc tình.
Thần, đã định sẵn không có tình cảm, không thể động lòng phàm.
Trong số 11 vị thần, đáng ra y sẽ là vị thần không có khả năng nảy sinh thất tình lục dục nhất. Nhưng chẳng một ai có thể ngờ được, hòn đá ngũ sắc vô cảm đó cũng có ngày động tình.
Lưu Vũ vì tình thương của Nữ Oa đối với vạn vật mà sinh, cũng vì ái tình đối với chúng sinh mà diệt.
Mà chúng sinh trong mắt của y, chính là hậu duệ của nhân ngư tộc, Thuỷ Thần Duẫn Hạo Vũ.