2.

172 16 0
                                    

"Nàng bao nhiêu tuổi?"

"Bẩm quan gia, thiếp mười bẩy tuổi."

"Cô thì đã băm bẩy rồi. Lấy cô, nàng có sợ không?"

"Bẩm quan gia, sợ gì ạ?"

"Sợ cô già hơn nàng."

Bích Châu phải lòng quan gia. Nàng phải lòng người đàn ông dịu dàng ấy ngay từ khi diện kiến trước bệ rồng, nhận lời làm cung phi của ngài vào một ngày xuân rét ngọt. Nhưng rồi lúc hạ tàn, ngài bỏ quên nàng trong một góc cung thành, lẫn giữa vô vàn yến oanh. Tơ tình mùa xuân vương vấn kéo sang đông, đi qua tám tiết đất trời cứ mảnh dần, mảnh dần, rồi hóa thành ánh mắt dõi theo ngài trong thầm lặng.

Giữa trời trăng gió nước, tiếng nhạc khí hòa tấu lúc uyển chuyển mềm mại lúc trầm bổng vui tươi. Ai ai cũng nhã nhặn nâng chén chúc tụng thiên tử những điều tốt lành. Chỉ riêng Bích Châu ngồi lặng lẽ một góc, ngẩn ngơ ngắm nhìn ngài. Nàng nhận ra dường như ngài đã hồng hào hơn, nét mặt cũng bớt đi vài phần lo âu tiều tụy, và chỉ thế cũng đủ để nỗi nhớ nhung da diết trong lòng nàng dịu bớt. Nàng cung nhân tự rót cho mình một chén rượu nhỏ để nhấp môi, gọi là đủ lễ thưởng nguyệt, không phụ ân của thiên tử.

Yến tiệc càng lúc càng vui vẻ hơn, các vũ nữ mà Lâm Ấp dâng lên được tuyên triệu để góp vui. Người nào người nấy đều eo thon, hông nở, tay uốn cong mềm dẻo, chân tiến lui đều nhịp nhàng, khiến cung phi lẫn thiên tử đều phải tán thưởng tài nghệ. Khung cảnh huyên náo, ồn ã ấy tựa như gợi lên trong tâm trí người ta một thời vàng son, phồn thịnh đã qua. Tựa giấc mộng đẹp say lòng người, gợi lên chút nhã hứng thi ca. Khi điệu múa mê hoặc từ phương nam xa xôi kết thúc, thiên tử ban thưởng cho hậu hĩnh cho cả kẻ tấu nhạc lẫn người hiến vũ, rồi ngài cho họ lui xuống. Mắt rồng lướt qua những lầu son gác tía, những lồng đèn sáng lung linh, và cả bóng người rung rinh lả lướt lồng vào bóng trăng soi trên mặt hồ rộng lớn. Ngài cạn một chén rượu, miệng ngâm nga một vế đối.

"Thu thiên họa các quải ngàn đăng, nguyệt trung đan quế."

Các cung phi đều ngầm hiểu đấy là đề bài để ngài thử tài thê thiếp của mình. Họ thì thào bàn luận, ai cũng mong nghĩ ra được một vế đối thật chỉnh để làm đẹp lòng thiên tử. Bích Châu nhìn xuống chén ngọc đang cầm trên tay, vừa khéo trong ấy hứng trọn được cả bóng trăng sáng tròn đẹp đang lơ lửng giữa trời kia lẫn cành hoa đang đung đưa theo gió. Môi nàng khẽ cong lên thành nét cười.

"Nguyễn Cơ, nàng có thể họa lại câu ấy chăng?" Thiên tử nhìn quanh, chỉ thấy cung nhân họ Nguyễn mà ngài chẳng nhớ nổi tên đang điềm tĩnh nâng chén, môi nở nụ cười ung dung như đã giải được câu đối của mình. Ngài hiếu kỳ hỏi nàng.

Bích Châu nghe thấy giọng nói quen thuộc, mắt hạc ngước lên, chẳng những thiên tử mà các cung phi khác cũng đều dõi về phía mình. Nàng ngập ngừng đặt chén ngọc xuống, dời gót đến trước bệ rồng, cúi đầu hành lễ rồi đọc câu đối vừa nghĩ ra.

"Bẩm quan gia..." Nàng nói rồi chắp tay cúi đầu, má ửng hồng. "Thiếp xin đối, xuân sắc trang, đài khai bảo kính, thủy đê phù dung."

Thiên tử nghe xong thì sững người, ngài ngắm cung nhân đang đứng trước mặt. Tiếng cá quẫy nước đâu đây vang bên tai ngài. Trước mặt ngài mơ hồ hiện ra nàng thiếu nữ nhoẻn miệng cười, nụ cười như mang hết cả nét đẹp xinh của thiều quang, trên tay nàng ôm theo cái âu sứ. Mí mắt ngài chớp nhẹ, ảnh ảo ấy dần nhập làm một với Nguyễn Cơ. Nàng không còn nhoẻn cười nữa. Nàng gầy quá. Sao lại gầy như thế này. Ngài nghĩ. Nàng gầy đến nỗi một cơn gió đêm lướt qua cũng đủ làm cái thân mình mỏng như lá lúa non kia lảo đảo. Phù dung như diện liễu như mi [1]. Trong đầu ngài bỗng nghĩ đến câu thơ ấy. Lòng thiên tử thoáng chốc chìm vào cơn say, dẫu chén rượu trên tay mới vơi đi non nửa. Đoạn, ngài ban cho nàng một đôi xuyến vàng nạm ngọc có hình rồng leo. Cũng kể từ đấy, ngài gọi nàng là Phù Dung. 

---

Chú thích:

[1] Một câu trong bài "Trường hận ca" của Bạch Cư Dị.

[Truyện ngắn lịch sử] Đấu ngưNơi câu chuyện tồn tại. Hãy khám phá bây giờ