trộm nơi sân chùa

4 0 0
                                    

"Có trộm trong sân chùa!"

Để mà nói cho ra lẽ thì gã cũng chỉ mới hành nghề trộm cắp dạo đây thôi, chứ trước kia thì may chăng chỉ là lâu lâu dậy lòng tham mà làm bậy, dần quen tay sa đà mà trở nên như thế này. Dạo trước gã làm nông.

Phải có duyên cớ người ta mới gọi là 'hành nghề', Thiện kiếm ăn bằng việc rình mò người ta, đặng hớ hênh là gã chộp ngay, chỉ thế thôi là đã sống cho qua bữa (vì Thiện chỉ cần ăn, không hút thuốc uống rượu hay gái gú). Hàng xóm láng giềng cũng biết cái kiểu hèn hạ của gã nhưng họ thấy cũng không đáng bao nhiêu, đàm tiếu thì thế nhưng cũng không ghét bỏ hay chửi mắng gì được, dần dà người ta cứ coi như bố thí mấy đồng cho tên ăn mày, rồi canh phòng cửa nẻo cho cẩn thận thôi. Thiện có căn nhà nhỏ, và mảnh vườn để trồng rau nuôi gà, dăm bữa còn mần thịt nấu cháo đãi mấy đứa nhỏ nghèo cạnh bên.

Nhưng phải biết rằng, khó dễ gì mà hài lòng với cái gì cho được, thế nên mới có chữ "tham" trong tam độc của đạo giáo. Thêm nữa là, đã chịu điều tiếng xấu vì ăn cắp một con gà thì tội gì lại không lấy thêm một con lợn đâu?
Thiện dần dà bạo gan hơn dẫu cho ban đầu gã chỉ là một tên nhát cáy. Mà thế, thì mới có chuyện để mà kể.

Ngày rằm tháng bảy, ngôi chùa đầu làng gã có mâm cúng lớn, tổ chức lễ hội lũ lượt người kéo đi. Họ đi khấn phật ban phước, ban tiền bạc, van lơi hạnh phúc, còn với riêng gã thì bản thân lễ hội đã là phúc trời cho. Dập dìu là người, xúng xính áo quần xinh đẹp, cười đùa, khi đi chùa thì lại ít ai lo âu bọn trộm cướp, họ nào nghĩ sân chùa có trộm. Thiện như con chạch trong bùn, luồn qua lách lại, gã sung sướng nghĩ nào là thịt, là rượu. Đến tận giữa trưa, khi đám đông đã tản đi hết cả, Thiện nán lại thắp cho phật bà Quan Âm một nén nhang mà gã mua với giá ba đồng, tạ thần phật cho gã được những bữa no. Đoạn, loáng thoáng tiếng người từ sân sau, dần lanh lảnh buổi ban trưa.

- "Thầy, thế thì nhà con phải làm sao đây? Trùng tang? Thầy ơi con còn ba đứa con nhỏ, con thì không sợ chết, nhưng tụi nó phải làm sao đây?"

- "Không việc gì, con cứ về nhà, chuẩn bị cho thầy mâm cúng như thế này: ba con heo nướng thật to, loại heo rừng đấy, thêm nữa là rượu gạo, mà phải là gạo nếp cẩm, thêm vài món hải sản chả cuốn gì đấy, tùy con. Thầy sẽ sắp xếp lịch để đến nhà tụng giải nghiệp, cho con thêm một vài lá bùa ếm. Con cứ yên tâm."

Gã ghim vội nén nhang, thụp thò nhìn về phía giọng nói. Sư thầy vận pháp phục phẳng phiu, còn người tín đồ vẻ mặt tội nghiệp, liên tục khấn vái cúi đầu, bộ đồ rách rưới cũ mèm, dưới nắng tưởng chừng như có thể nhìn thấu xuyên. 

- "Vâng, vâng thầy, con lo quá. Thầy còn căn dặn điều gì nữa không?"

- "Thầy nói này, mâm cúng mặn đó không phải thầy ăn đâu, con đừng hiểu lầm, tội nghiệp thầy. Con cũng biết là các thầy đã xuất gia, như vậy là phạm giới. Cúng là để người đã khuất ăn, nhưng phải đem vào chùa để làm công quả. À, còn phí giải nghiệp thì con liên lạc với đồ đệ của thầy, không nhiều đâu, thầy nhớ là tầm vài chục lượng bạc."

- "Nhưng bây giờ con không có ngần ấy tiền..."

Nghe thế, sư thầy hậm hực quay ngoắt đi, bỏ lại một câu lầm bầm nghe không rõ. Người đàn ông tiu nghỉu cuối đầu, buồn bã chảy nước mắt.

Thiện chợt thấy cuộc đời kì lạ quá, gã cũng nổi quạu, chợt quay lại muốn rút vài nén nhang vừa cắm vào để vứt đi. Chợt đằng xa, dăm chú tiểu chạy vội, í ới la hò.

- "Có trộm! Có trộm trong sân chùa! Tên kia đứng lại!

- "Tên bất thiện! Dám giở trò dưới mắt phật sao?!"

Gã co giò chạy, cười khằng khặc, cười sặc sụa, song la hét vài câu vô nghĩa, tan đi trong gió ban trưa nóng rát da cắt thịt. 

- "Các người đang nói ai thế nhỉ?

- "Sau này ta không còn thấy khốn nạn nữa rồi, cảm ơn nhé!"

- "Ôi dào! Kẻ đặt ra thập giới lại là kẻ phá vỡ đại giới điều nhất, đúng không sai."

So Vĩ sinh tệNơi câu chuyện tồn tại. Hãy khám phá bây giờ