Gấp cuốn sách lại và để tôi kể cho mọi người một câu chuyện, một câu chuyện về một ngày chuyển mùa, một ngày trời mưa có chút lạnh lẽo nhưng lại có gì đó thật ấm áp dưới ngôi trường cấp ba của mình.
Trời thu đang dần đến những ngày cuối, chẳng còn những hương ổi đầu mùa như trong thơ của Hữu Thỉnh, chẳng còn gió ấm giữa thu hay “hoa vàng trên cỏ xanh nữa”, ngày hôm nay là một ngày gió mùa, lặng lẽ và bình lặng.
Thứ hai, một ngày đầu tuần như mọi ngày, mọi người thức dậy và bắt đầu một ngày làm việc mới. Nhân viên thì đi làm, học sinh thì đi học , tôi cũng như vậy, đi học và làm việc, như những người học sinh, sinh viên bình thường khác.
Liệu rằng tôi có cảm thấy chán nản không? Có lẽ là có? Hoặc không? Tôi bị giằng xé giữa hai loại cảm xúc đối lập. Vui? Không vui? Buồn hay mệt mỏi? Tôi cũng chẳng biết nữa. Tôi bước vào lớp, mở cửa và tôi nhìn thấy bạn cùng bàn của tôi, hay đứa, bốn mắt nhìn nhau ( tôi và bạn tôi đều bị cận ), không nói không rằng. Biết là hai đứa đều có điều muốn nói, nhưng cuối cùng lại chọn im lặng và bắt đầu làm việc của mình.
Chúng tôi im lặng một hồi lâu, một khoảng không tĩnh lặng giữa hai đứa. Dừng lại một chút, tôi quyết định phá vỡ bầu không khí ngột ngạt này. Tôi quay sang nhìn bạn tôi, đứa đang nằm dài thượt chán chường, và hỏi, tôi nghĩ là do tôi cố gắng bắt chuyện nên là câu hỏi có vẻ hơi vô tri, vô thức. Nó có vẻ chẳng có ý nghĩa gì cả:
- Mày....đã ăn sáng chưa?
- Tao...chưa ăn, còn mày? – Nó mở to đôi mắt một mí của nó, tỏ vẻ ngạc nhiên với câu hỏi của tôi. Có thể nó cảm thấy điều này đôi chút lạ lẫm với nó vì thường ngày chúng tôi chẳng bao giờ nói gì mấy với nhau ngoại trừ lúc học hành ra.
- Tao cũng chưa, cùng cảnh ngộ ha. – Tôi đáp lại câu trả lời của nó rồi cười trừ. Một cái cười gượng gạo, nhưng tôi nghĩ nó đủ để khiến không khí xung quanh hai đứa không còn sự yên lặng khó thở đấy nữa.
Nó nhìn tôi và hơi đơ người ra một lúc, xong rồi nó cười, cười phá lên và cuời rất nhiều. Tôi không hiểu vì sao nó cười nhưng tôi cũng theo chiều mà cười cùng nó. Tiếng cười như át đi tiếng gió rít ở bên ngoài, tự dưng thấy ấm người hẳn lên.Hai đứa cười mãi cho đến khi có thêm những người khác vào lớp, chúng tôi mới giảm độ cười đi.
Một câu hỏi vô tri, vô giác vào buổi sáng có thể đánh thức được tinh thần của một con người đang mệt mỏi vì phải dậy sớm sao? Tôi cũng chỉ mới biết vào hôm nay. Thành thực mà nói thì bản thân tôi cũng chẳng ngờ đến, bởi tôi luôn nghĩ rằng niềm vui sẽ luôn phải xuất phát một điều có chú đích từ trước. Như kiểu một trò cười sẽ phải khiến ít nhất một người cuời nếu không thì thật nhạt nhẽo. Tôi vẫn luôn có một suy nghĩ rằng con người ta chỉ cười vì một điều gì đó làm người ta hạnh phúc, cảm thấy hài hước. Hoá ra là bao lâu nay tôi đã nhầm sao? Thật sự là vậy? Con người có thể cười vì những thứ không có mục đích như vậy sao? Quả là sự thiên biến vạn hoá của cảm xúc con người. Mỗi người, mỗi khác, là muôn hình vạn trạng và chẳng ai giống ai.
Cuối cùng thì hai đứa cũng ngừng lại được trận cười đó. Tôi không biết là từ lúc nào, chỉ biết là khi chúng tôi không còn cười nữa thì trời bắt đầu có chút nắng ấm chiếu qua khung cửa sổ cửa lớp học, rọi lên mặt bàn của chúng tôi. Một tia nắng nhỏ bé giữa một tiết trời cuối thu lành lạnh, như cái cách mà câu hỏi của tôi đã làm chúng tôi cười vậy, không quá to nhưng đủ mạnh để có thể khiến ta cảm thấy ấm áp, vui vẻ hơn được một chút.
Tôi biết rằng, chẳng có ai trong chúng ta là thích đi học hoặc đi làm một cách hoàn toàn, đặc biệt là những cô cậu học sinh, những con người thiếu niên đang trong giai đoạn trưởng thành, thích ăn chơi và chẳng thích học là mấy, mỗi người ai cũng sẽ có những bản ngã “xấu xa” của mình. Nhưng chúng ta không thể phủ nhận rằng, thực sự quãng thời gian mà con người ta trải qua một cách vô tư, thoải mái nhất có lẽ là thời điểm mà chúng ta vẫn đang ngồi trên ghế nhà trường. Thầy cô, bố mẹ, bạn bè,... và nhiều thứ hơn luôn ở bên cạnh mình tròn suốt khoảng thời gian đó. Ta không phải nghĩ đến việc tháng này tiền điện bao nhiêu, tiền nước bao nhiêu,hôm nay ăn gì, cái này phải học ra sao,... Chúng ta không cần thiết phải quá bận tâm bởi sẽ luôn có người ở bên để giúp đỡ ta những lúc ta cần.
Mỗi một trái quả mọc ra là một bông hoa lại rụng xuổng, mỗi khi mầm non bắt đầu nảy mầm thì trên cây lại sẽ chẳng còn có trái quả nào cả, và rồi cứ như thế, một cái cây nó sẽ trải qua hết ngày này đến ngày khác, nảy mầm, đơm hoa, kết trái, rồi lại nảy mầm, ra hoa và kết quả,...Mọi thứ sẽ lặp lại như vậy, như một vòng tròn vô tận, chi khác là cái cây sẽ ngày càng to ra, càng cao lên, trên thân những cây gỗ thì lại thêm một vòng tuổi. Con người chúng ta cũng vậy, trải qua mỗi năm, con người ta lại già hơn một tuổi, trải qua nhiều thăng trầm trong cuộc sống, như một cái cây. Duy chỉ có một điều khác biệt ở đây là, cây sẽ luôn có một nguồn sống cố định từ mẹ thiên nhiên, một nguồn sống mà nó sẽ được cái cây hấp thụ và sẽ luôn sống mãi nếu như không có ngoại cảnh xâm phạm... còn con người ta thì không như vậy được.
Con người sẽ có những người chăm sóc, giảng dạy trong những bước chân đầu tiên, những ô đầu tiên trên bước đường đời, xong rồi tự ta sẽ phải đối mặt với nó, tự bước đi trên chính đôi chân của mình, sẽ chẳng ai đi cùng chúng ta đến hết cuộc đời được, chỉ có bản thân mình mà thôi. Để mà làm được điều đó thì ta sẽ phải có kiến thức và kinh nghiệm, kỹ năng, và nơi đầu tiên sẽ bắt đầu dạy ta cách tư duy những điều này sẽ là trường học, là thày cô và bạn bè.
Ta sẽ trải qua giai đoạn tuổi học trò, giai đoạn mà phần lớn chúng ta chỉ nhận ra là thời điểm ta vui nhất trên đời này khi mà chúng ta đã lớn, đã trưởng thành, đã gặp rất nhiều khó khăn, chướng ngại và một mình ta phải giải quyết. Học sinh thì không phải ai cũng thấy thế, thậm chí còn cảm thấy nó thật áp lực, thậm chí là chán ghét. Nhưng hãy nghĩ rằng, nhớ nó, những cái áp lực từ kiến thức, ta mới có thể tự bản thân cố gắng và làm việc, kiếm được nguồn sống bằng chính bàn tay ta mà không phải phụ thuộc vào bất kỳ một ai. Chúng ta không phải chấp nhận số phận của bản thân như một cái cây, luôn chỉ có thể đứng yên một chỗ, phụ thuộc vào thiên nhiên một cách thái quá. Ta có kiến thức, ta có kỹ năng và ta sẽ không phải chấp phận số phận nghiệt ngã, bị người khác chi phối và kiểm soát như vậy.
Tôi thường nghĩ rằng, liệu có phải mình luôn phản ứng thái quá với việc học, việc đến trường hay không. Bởi vì nhiều khi thực tại nó khiến tôi cảm thấy nó nghiệt ngã quá, nó áp lực quá. Tôi phải học vì tương lai của tôi, vì một lý tưởng nào đấy chăng? Không, tôi học vì cuộc đời tôi. Đúng vậy, vì cuộc đời của tôi. Tôi không có sự lựa chọn nào khác, ít nhất là đến tận bây giờ thì đây là con đường tốt nhất và duy nhất. Nhưng bản thân tôi không thấy tôi sai, tôi thấy nó ổn và tôi có thể chịu đựng được.
Việc học và trường lớp là hai phạm trù hoàn toàn khác nhau. Ta có thể thấy việc học thật áp lực bởi những một sự đè nén vô hình nào đó, song lại cảm thấy tự an ủi rằng ít nhất mình vẫn còn có bạn bè ở lớp, để cùng học, cùng chơi, cùng cố gắng và cùng tiến lên. Trường học là nơi bao chứa nhiều thứ, có áp lực nhưng cũng có cái vui vẻ. Cảm thấy học thật chán nhưng học, chơi cùng bạn bè thì lại thật là vui. Tôi nói không phải chứ, đây là một sự mâu thuẫn có thật tại nơi này, môt nơi tưởng chừng như thật xa lạ nhưng cũng thật gần gũi.
Bản thân mỗi con người chúng ta cũng chẳng khác gì là mấy. Nhiều khi người ta tự cảm thấy mình bị rơi vào ảo cảnh chính mình tạo ra. Người ta không phân biệt được giữa thực tại cảm xúc của chính mình hiện giờ là sao, giằng co giữa tinh thần và những phần còn lại thuộc mặt thể chất. Nhưng lý do chính khiến con người có thể tồn tại đến bây giờ là bởi con người có tư duy và ý chí, đặc biệt hơn là hai thứ này tồn tại cùng một lúc với tình cảm. Đây cũng điều khiến cho con người trở nên độc nhất về mặt não bộ và phát triển được như ngày hôm nay.
Tôi nhắc đến trí tuệ con người là bởi muốn nói đến sự quan trọng của trường học. Con người có thể tư duy và phát triển nhưng để đạt được sự đồng điệu, có sự cân bằng như ngày hôm nay lả nhờ có sự giáo dục từ trường học. Mỗi một bài giảng là một bài học, là sự cố gắng từng ngày của những thế hệ giáo viên, xây dựng, bổ sung và hoàn thiện.
Vì thế để mà nói đến cảm xúc khi đến trường, nó là một sự lẫn lộn, vui, buồn,...đủ cả. Nhưng được đến trường là một điều hạnh phúc, đây là một sự thật. Tuy tôi không có một quyển hạn nào yêu cầu mọi người phải cảm thấy như thế nào khi đến trường, nhưng mà tôi hy vọng bạn sẽ thấy hạnh phúc khi đang học dưới mái trường của mình.
Một ngày thu chuyển đông của tôi nó là như vậy đấy, đơn giản, lặng lẽ, bình yên,vô tri nhưng cũng đầy cảm xúc.
~Hết~
BẠN ĐANG ĐỌC
Tuyển tập những mẩu văn vì không thể bán nên đăng làm mẫu tham khảo
PoesíaNếu lấy phải bấm vote cho chap lấy tham khảo, nếu không bạn sẽ bị trảm!