Trước khi bắt đầu vào quyển 2 này của Đạo mộ bút ký mình muốn khẳng định một điều vốn là sự thật hiển nhiên, không thể nào chối cãi và không bao giờ có thể thay đổi.
HOÀNG SA - TRƯỜNG SA LÀ CỦA VIỆT NAM.
Dù Trung Quốc có dùng cách tuyên truyền nào, cách xưng hô nào, hay dù là ngấm ngầm hay ngông nghênh chiếm giữ thì chỉ có một sự thật duy nhất chính là:
HOÀNG SA - TRƯỜNG SA LÀ CỦA VIỆT NAM.
---
Chương 1: Xà mi đồng ngư
Nắp hộp chầm chậm mở ra, bên trong là khoảng trống to cỡ ngón tay út, đặt một con cá đồng nho nhỏ. Con cá thoạt nhìn rất bình thường, nhưng chế tác rất khéo léo, đặc biệt bên trên mi mắt cá còn có một hình rắn cực kỳ sống động. Tôi vô cùng kinh ngạc, rốt cuộc vật này quan trọng đến nhường nào mà được cất giữ kỹ càng như vậy?
Chú Ba lúc đó vừa bước vào, trên tay cầm một chiếc đèn xì, thấy hộp đã mở ra thì không nén nổi sửng sốt: "Làm sao mở ra được? Cháu mở kiểu gì thế?"
Tôi kể cho chú chuyện về dãy số kia, chú nhíu mày nói: "Càng ngày càng rối như mớ bòng bong, xem ra đám người Mỹ kia không chỉ đơn giản là đến đổ đấu đâu."
Chú cầm con cá đồng lên, đột nhiên sắc mặt biến đổi hẳn, a một tiếng: "Đây chẳng phải là xà mi đồng ngư (1) sao?"
Thấy dường như chú biết điều gì đó, tôi vội hỏi, chú bèn lôi từ trong túi ra một vật đưa cho tôi. Thoạt nhìn tôi đã lập tức nhận ra đây cũng là một con cá đồng tinh xảo, chỉ nhỏ cỡ ngón tay út, trên mi mắt là hai con rắn biển được chế tác rất công phu, tỉ mỉ đến từng cái vảy, hẳn là cùng một nguồn gốc với con cá trong hộp. Chỉ có một điều làm nó không hoàn mỹ, chính là những cáu bẩn màu trắng đục như vôi dính rất chắc ở các rãnh vảy trên mình cá. Tôi vừa nhìn đã hiểu, liền nói: "Đây là hải hóa?"
Chú Ba gật đầu. Tôi giật mình, hải hóa chính là đồ cổ đào dưới biển lên, bình thường chỉ là vài món gốm sứ Thanh Hoa. Vớt đồ dưới biển dễ hơn đào trên mặt đất nhiều, vì đa phần đồ cổ đều nằm lộ ra ở đáy biển, nhưng dưới đó đầy vi sinh vật, đồ vớt lên thứ nào cũng lấm tấm thứ chất bẩn màu trắng này, tẩy đi không phải chuyện dễ nên giá trị cũng giảm đi nhiều.
Tôi ngẩn người, theo tôi biết thì chú Ba làm quái gì có hứng thú với mấy thứ rẻ tiền này, mới hỏi: "Chẳng lẽ chú cũng từng ra biển đổ đấu?"
Chú Ba gật đầu nói: "Chỉ duy nhất một lần thôi, chú thực sự hối hận chết đi được. Nếu hồi đó chú chịu ở lại, không đi lội vào cái vùng nước chết đó, có lẽ giờ đã con đàn cháu đống chứ chẳng chơi."
Chuyện của chú Ba, tôi cũng biết được chút ít. Chú Ba trước kia có yêu một cô, cũng thuộc hàng anh thư nữ kiệt, nghe nói hai người bọn họ quen nhau dưới đấu. Cô gái kia tên Văn Cẩm, thoạt nhìn dịu dàng yểu điệu, không giống dân mò vàng thuộc Bắc phái. Chú Ba yêu cô ấy được năm năm, trong năm năm ấy nàng thì dùng tầm long điểm huyệt, chàng thì dùng tham huyệt định vị, cả hai được xưng là một đôi "Thần điêu hiệp lữ" trong giới đào mộ, nhưng về sau cô bỗng dưng mất tích. Tôi chỉ nghe nói trong lúc vào đấu thì biến mất, một cô gái mà làm nghề này quả đúng là không thích hợp. Mọi người trong nhà đều vô cùng thương tiếc, nhưng lúc đó tôi chỉ là một đứa trẻ con, chưa hiểu được nhiều chuyện đến vậy. Chú Ba thẫn thờ như tượng gỗ mất hơn một tuần, trông rất thương tâm, may mà dần dần cũng đỡ. Chuyện cũ tôi nhớ không được rõ ràng, giờ nhìn thái độ chú hình như đang muốn kể, tuy trong lòng nôn nóng vô cùng nhưng cũng không nên tỏ ra quá háo hức, chỉ hỏi: "Chuyện xảy ra khi đó, phải chăng là ở cái đấu trên biển?"
BẠN ĐANG ĐỌC
Đạo mộ bút ký full (chính truyện + Ngoại truyện + đoạn tín)
AdventureTác giả: Nam Phái Tam Thúc - 南派三叔 Chuyển ngữ: Thủy Đạm Nguyệt group Thể loại: Bí ẩn, phiêu lưu mạo hiểm, kinh dị. Nhà xuất bản: Hữu nghị Trung Quốc, Văn nghệ thời đại, văn hóa Thượng Hải. Tình trạng sáng tác:Đã hoàn thành. Gồm 8 quyển với các phần: ...