Chương 26: Luận Bàn Kế Sách

439 3 0
                                    

Nhất Thống Thiên Hạ

Tác giả: sheepboy

Chương 26: Luận Bàn Kế Sách

Suy nghĩ thật lâu, Đỗ Kính Tu chậm rãi hồi đáp: “Khải bẩm hoàng thượng, thần trộm nghĩ, hoàng thượng đã rõ thế lực triều đình bị Tô Trung Từ thâu tóm vào tay. Từ lâu, lão thần đã vạch ra kế sách đại khái. Mặc dù chưa thể gọi là chu toàn, tuy nhiên để giải quyết vấn đề trước mắt, tạm thời có thể coi như một trong những thượng sách. Đầu tiên, chúng ta phải toàn lực giành lại quyền lực về mình. Khi hoàn toàn kiểm soát kinh thành, lập tức giết chết những người cầm đầu thuộc gia tộc họ Trần. Kế đó, chúng ta phải đối mặt với những thế lực cát cứ ở địa phương.”

Nói đến đây, Đỗ Kính Tu ngưng lời, ngước nhìn Lý Hạo. Trầm ngâm chốc lát, Lý Hạo nói: “Không khác biệt lắm so với những dự định của trẫm. Gồm có những thế lực nào?”

Lão đại thần tiếp lời: “Bẩm hoàng thượng, chỉ có thể dùng từ hỗn loạn để hình dung. Cơ bản có ba thế lực lớn. Đó là Đoàn Thượng ở phía đông, khu vực Hồng Châu. Nguyễn Nộn ở phía bắc, khu vực Bắc Giang , và gia tộc họ Trần ở phía nam, vùng Hải Ấp. Ngoài mấy lực lượng lớn, còn có những thế lực nhỏ ở các địa phương. Một thế lực cát cứ khá quan trọng là Đô Kim hầu Lý Bát ở đất Đô Kim. Ở Quy Hóa, dọc sông Hồng có họ Hà, cha truyền con nối cai trị đất trại này. Ngoài ra, còn họ Phạm ở Nam Sách.”

Lý Hạo ngây người lúc nghe được những thông tin trên, tựa hẳn lưng vào thành ghế, lẩm bẩm: “Quá hỗn loạn. Thật không ngờ, đất nước Đại Việt thái bình thịnh trị, lại có ngày chia năm xẻ bảy tới vậy.”

Hắn nghiêng người về phía trước, gối cánh tay phải lên bàn, nhíu mày hỏi: “Nếu như Đỗ ái khanh có thể tường tận nhường ấy. Có phải đã chuẩn bị kế sách chu toàn đối phó với cục diện này?”

Giọng nói già nua nhưng sự tự tin vẫn bộc lộ trong từng câu nói của lão thái úy: “Bẩm hoàng thượng, chu toàn thì lão thần không dám nói. Tuy nhiên, lão thần có một kế, khả dĩ đối phó được tình hình hiện tại.”

Ánh mắt Lý Hạo le lói tỏa ra ánh sáng, cất tiếng: “Kế gì?”

“Hợp tung.” Hai từ đơn giản, mà tràn đầy khí thế bật thốt ra từ miệng Đỗ Kính Tu.

Nở nụ cười như đã hiểu, Lý Hạo nói: “Diệu kế. Nghe có vẻ bình thường, nhưng biết áp dụng sẽ mang lại hiệu quả lớn lao. Trẫm thật bội phục khanh. Nói, hợp tung như thế nào?”

Tới thời điểm này, không ngờ Đỗ Kính Tu lại lắc đầu thở dài: “Bẩm hoàng thượng. Hợp tung. Nói thì dễ, thực hiện lại khó. Chỉ một nước sai lầm, sẽ dẫn đến thua cả ván cờ. Lão thần có thể đi được đến bước đường ngày nay, công ơn của một vị cố nhân là không thể không nhắc tới.”

Đang bàn về kế sách hợp tung, lão già Đỗ Kính Tu lại quay ngang đi ôn chuyện cố nhân. Thật tức cười! Lý Hạo ngồi dựa lưng vào ghế, vuốt ve ngón tay út, thờ ơ nói: “Ồ, vị cố nhân? Có liên quan đến kế sách diệt địch hay không?”

Đỗ Kính Tu mỉm cười: “Hoàng thượng trẻ tuổi khí thịnh. Lão thần có thể hiểu. Nhưng hấp tấp cũng là thói quen không tốt cần chỉnh sửa.”

“Trẻ tuổi? Lão già coi thường mình trẻ tuổi, nông cạn, dễ bồng bột. Không biết lão lớn hơn ta được bao nhiêu? Muốn kiểm tra đức tính tiếp nhận lời chỉ trích ngay thẳng của trung thần. Cái đó bổn lão gia có thừa. Mà nói chuyện với những lão già kiểu này quá nguy hiểm. Sập bẫy lúc nào không hay.” Lý Hạo cười khẩy trong lòng, ngoài mặt ra vẻ hối lỗi, ân cần nói: “Cám ơn Đỗ ái khanh đã có lời răn dạy. Trẫm sẽ cố gắng khắc ghi.”

Lão đại thần gật gù, hài lòng trước thái độ khiêm nhường, không vì chút mặt mũi bề ngoài mà nổi giận với lão. Nếu như Lý Hạo chỉ cần nhíu mày phật ý, có thể Đỗ Kính Tu sẽ tìm lời thoái thác, phủi đít bỏ đi ngay lập tức. Dù gì Đỗ Kính Tu đã có dớp bị hoàng đế bạc đãi một lần, như chim sợ cành cong, luôn lo lắng thờ sai minh chủ. Nói rằng lão coi trọng lễ quân thần là không sai, nhưng vị quân vương trước mặt lão bây giờ chỉ như một con hổ giấy, có thể làm ra được trò mèo nào nữa đây.

Muốn làm vua phải có thực lực. Một tên vua bù nhìn, so với một gã dân đen còn thống khổ hơn gấp trăm lần. Dù cho Đỗ Kính Tu ngay lúc này vỗ mông ra về, Lý Hạo cũng chẳng làm được gì lão. Bài kiểm tra vừa rồi, chính là một trong những bài kiểm tra mà Lý Hạo cần phải vượt qua. May mắn thay, hắn đã hoàn thành xuất sắc. Đổi lại là một Lý Hạo nông nổi khi hai mươi tuổi, có lẽ đã thất bại thảm hại trong việc chiêu mộ lão đại thần mất rồi.

Đỗ Kính Tu tươi cười nói: “Bẩm hoàng thượng, lão thần nhắc về vị cố nhân đó, vì người này có ảnh hưởng rất lớn đến kế sách hợp tung. Người ấy là Tô Hiến Thành.”

Kinh ngạc trước câu trả lời của lão đại thần, Lý Hạo ngắt lời: “Tể tướng Tô Hiến Thành. Chẳng phải ông ấy đã chết rồi ư? Sao có thể giúp trẫm được?”

Lắc đầu tiếc nuối, Đỗ Kính Tu thở dài: “Tể tướng Tô Hiến Thành chính là người anh kết nghĩa kim lan với lão thần. Nếu anh Hiến Thành còn sống, chắc có lẽ cục diện nước Đại Việt ta đã không tới nông nỗi như vầy. Mặc dầu anh ấy đã mất, nhưng ảnh hưởng to lớn của anh ấy vẫn còn. Anh Hiến Thành là một người văn võ toàn tài, trên thông thiên văn, dưới tường địa lý, không gì không biết, không gì không hiểu. Một tay anh ấy đã dìu dắt lão thần từng bước đi lên. Lão thần xem anh ấy như anh ruột, cũng xem như người thầy.”

Kiên nhẫn lắng nghe lão đại thần ca ngợi vị tể tướng quá cố tựa thần minh, Lý Hạo cố gắng nuốt từng lời của lão như đang uống từng giọt nước cam lộ ngọt ngào. Hắn vui vẻ, hứng khởi ra mặt theo những chiến tích của vị đại thần Tô Hiến Thành. Nào là cầm quân ra trận, đánh tan quân phản loạn. Tiếp theo là mở rộng cương thổ Đại Việt về phía tây bắc. Chống lại cuộc xâm lăng của Chân Lạp, chinh phạt Chiêm Thành ở phương nam. Để rồi, bắt buộc Đại Tống phải công nhận Đại Việt là một quốc gia độc lập. Sự nghiệp làm quan văn của Tô Hiến Thành cũng hiển hách không kém. Trong đó công lao lớn nhất của ông là việc ông tổ chức khai hoang lấn biển các vùng ven biển thuộc các lộ Thanh Hóa và Hải Đông.

Lý Hạo thầm cảm thán: “Nếu ta có một vị hiền thần như thế, kiếp này chỉ cần kê cao đầu mà ngủ. Tội tình gì phải vắt óc bày mưu tính kế, tổn hao chất xám tới nhường này. Ông Trời khốn kiếp!”

[Lịch Sử - Xuyên Việt] Nhất Thống Thiên HạNơi câu chuyện tồn tại. Hãy khám phá bây giờ