Chương 4: Điện Thiên An

841 11 2
                                    

Chương 4: Điện Thiên An

Lý Hạo đang gục đầu trên bàn mơ màng ngủ, chợt nghe tiếng the thé vọng đến: “Hoàng thượng, Hoàng thượng, đã đến giờ Mão rồi, hoàng thượng mau dậy đi ạ.”

Lý Hạo nghiêng đầu sang một bên, nhắm mắt ngủ tiếp, đồng thời chửi bới với giọng tức giận: “Giờ Mão?! Giờ Mão là cái quỷ gì? Đêm qua, tôi thức khuya, để tôi ngủ nữa.”

Tiếng the thé ở ngoài cửa lại cất lên với âm thanh khẩn khoản cầu xin: “Ai ui, Hoàng thượng dậy đi thôi, sắp đến giờ lên triều rồi.”

Lý Hạo hậm hực lẩm bẩm: “Cái gì mà hoàng thượng, cái gì mà lên triều! Hả, khốn kiếp.” Giờ đây, Lý Hạo mới nhận ra bản thân không còn là lão đại ca về hưu, trùm xã hội đen ở Sài Gòn nữa, mà hắn đang phải đóng vai ông Hoàng ở thời cổ đại mất rồi.

Lý Hạo đứng dậy, phủi phủi quần áo mấy cái, đồng thời suy nghĩ cẩn thận vấn đề đối phó đã dự liệu cả tối qua, sau đó ra ngoài thản nhiên nói: “Thật cực khổ cho Lê công công quá. Đi, đi lên triều thôi,”

Thì ra người đang đứng bên ngoài gọi cửa nãy giờ chính là lão thái giám Lê Việt Tiến. Lão là người trung thành nhất mực với Lý Sảm. Lão luôn chăm sóc kề cận Lý Sảm từ bé đến lớn, kể cả khi chạy loạn đến giờ, lão vẫn không rời khỏi bên người Lý Sảm nửa bước. Đến khi Lý Sảm đăng cơ, vẫn nhớ đến công ơn của Lê Việt Tiến, nên phong cho lão làm Thượng Phẩm Phụng Ngự, đây là chức quan lớn của hoạn quan, được phép hầu cận bên Vua trong nội cung, cũng như khi vua có dịp xuất hành.

Lê Việt Tiến thấy Lý Hạo đòi lên thẳng triều với y phục thế này thì hoảng hốt can ngăn: “Hoàng thượng ơi hoàng thượng, ngài làm sao mà lên triều với bộ long phục này được, phải thay bộ long phục khác mới có thể lên triều.”

Lý Hạo ngẩn người dang hai tay, nhìn tới lui bộ quần áo này thì mới nhớ ra đây là bộ quần áo để mặc của vua khi nghỉ ngơi. Hắn lắc đầu ngán ngẩm, quả thực vẫn chưa thể quen được lối sống mới thay đổi nhanh như thế. Hắn cố gắng suy nghĩ thật chu đáo phải làm gì tiếp theo, để lão già ở bên cạnh không đoán bậy đoán bạ về những hành vi của mình gần đây nữa. Hắn ngước đầu, phất tay che dấu sự xấu hổ, nói: “Về Long An cung, nhanh chóng thay long phục cho trẫm, kẻo lên triều trễ mất.”

Long An cung là hành cung mà Lý Sảm thường ở, nhưng từ khi Lý Sảm đăng cơ, lại rất ít khi ở đó. Mỗi khi tan triều thì hắn lại đến ở luôn trong hành cung của Nguyên phi Trần Thị Dung, những phi tần khác kể cả hoàng hậu, Lý Sảm cũng chưa từng chạm tới, đủ để thấy Lý Sảm say mê Nguyên phi Trần Thị Dung đến cỡ nào.

Lão thái giám Lê Việt Tiến dẫn Lý Hạo quay về hành cung, rồi sai hai cung nữ mau mắn thay long phục để Lý Hạo lên triều. Lý Hạo cảm thấy làm Vua thật quá sướng. Khi thay quần áo, chỉ cần dang hai tay ra, là có hai người đẹp đứng xung quanh cởi áo, mặc áo luôn cho hắn.

Sau đó, Lý Hạo được dẫn đường rời cung, có chiếc kiệu gỗ thiếp vàng đợi sẵn, ở trên có che lọng màu vàng thêu hình rồng uốn lượn. Lúc hắn ngồi vững vàng trên kiệu, được bốn tên thái giám khiêng lên, thẳng hướng cung điện mà đi. Lý Hạo cảm giác một loại hưởng thụ vô cùng, ngồi trên kiệu cho người khác khiêng đi, tuy nghiêng qua nghiêng lại, còn xóc nẩy liên tục, không thể bằng ngồi xe hơi ở kiếp trước, nhưng tạo cho người ta một cảm giác hãnh diện, tự kiêu.

Đi được một lát, Lý Hạo nhìn thấy tòa cung điện rộng lớn ở phía trước, hắn còn loáng thoáng nghe được tiếng ồn ào của rất nhiều người nói chuyện truyền tới. Tòa cung điện uy phong, hoành tráng này tên là điện Thiên An.

Phía trước điện Thiên An có chiếc sân to và thềm bậc xây bằng đá xanh tạo thành ba lối vào. Phía nam nền điện còn có hàng lan can cao khoảng 100 cm. Mặt trước, hướng chính nam của điện Thiên An là thềm điện xây bằng những phiến đá hộp lớn, gồm 10 bậc, có 4 rồng đá, chia thành 3 lối lên đều nhau tạo thành Long Trì.

Theo kí ức của Lý Sảm thì Lý Hạo biết được, rồng đá điện Thiên An là một di sản kiến trúc nghệ thuật tuyệt tác, tiêu biểu cho nghệ thuật điêu khắc thời Lê sơ. Được chạm trổ bằng đá xanh, rồng đá có đầu nhô cao, đầu to, mắt tròn lồi, sừng dài có nhánh, bờm lượn ra sau. Thân rồng uốn lượn mềm mại thành nhiều vòng cung, nhỏ dần về phía nền điện, trên lưng có đường vây dài nhấp nhô như vân mây, tia lửa.

Lý Hạo nghiêng đầu nhìn về phía bắc của nền điện Thiên An, lại thấy một thềm 7 bậc lên xuống nhỏ hơn so với bậc thềm chính ở phía nam. Hai bên bậc thềm có 2 rồng đá có dáng dấp của triều đại trước, rồng dài hơn 3 m, uốn 7 khúc, thân có vẩy, lưng như hàng vây cá, chân rồng 5 móng… Hai bên lan can trang trí hoa sen, sóng nước, đao, lửa, vân mây…

Lý Hạo yêu cầu dừng lại một hồi trước sân điện, để thưởng thức những thành quả vĩ đại này. Trước mặt hắn là tòa cung điện Thiên An nguy nga, cao bốn tầng, những cây cột to cao sơn phết đỏ tươi, chạm rồng phượng, thần tiên, cực kỳ tráng lệ.

Lý Hạo đứng trên Long Trì phóng tầm mắt nhìn bốn phía xung quanh, tự nhiên trong lòng hắn xuất hiện loại cảm giác cao cao tại thượng, bao quát chúng sinh. Hắn thấy ở phía xa xa các tòa kiến trúc hùng vĩ khác, bên trái là điện Tuyên Đức, bên phải là điện Diên Phúc. Hướng đông Long Trì đặt điện Văn Minh, hướng tây là điện Giảng Võ. Hai bên trái phải thềm rồng đặt lầu chuông đối nhau để dân chúng, ai có việc kiện tụng oan uổng thì đánh chuông. Nhìn đến đây, thì hắn lại bật cười ác độc nghĩ: “Không biết lão vua cha Lý Cao Tông phá quốc chi quân của hắn, có giải được vụ án oan nào hay chưa?”

Bốn chung quanh Long Trì đều có hành lang giải vũ để các quan hội họp và 6 quân Túc vệ. Phía trước làm điện Phụng Thiên, trên điện dựng Lâu Chính Dương làm nơi giữ giờ khắc. Nhìn đến lầu giữ giờ khắc, Lý Hạo mới nhớ ra giờ khắc thời xưa tính như thế nào thì hắn hoàn toàn không biết. Lý Hạo tự nhủ: “Lát nữa ra về, phải vào phòng sách tìm hiểu lại một chút kiến thức thời đại này mới được.”

Phía sau Long Trì dựng điện Trường Xuân, trên điện dựng Các Long Đỗ làm nơi nghỉ ngơi nhìn ngắm. Bên ngoài đắp một lần tường thành bao quanh gọi là Long thành. Hắn lầm bầm tiếc nuối, về sau tất cả mọi thứ ở đây sẽ tan thành mây khói bởi thời gian và chiến loạn. Càng quan sát, Lý Hạo càng bội phục sự tài giỏi của người thời cổ đại. Tuy rằng trước đây họ còn khiếm khuyết nhiều mặt, nhưng trí tưởng tượng và tài điêu khắc của cha ông ta đã vô cùng phong phú.

[Lịch Sử - Xuyên Việt] Nhất Thống Thiên HạNơi câu chuyện tồn tại. Hãy khám phá bây giờ