Chương IX
Nhưng có một hình thức khác của nghệ thuật tích lũy tài sản rất thông thường và đáng được gọi là nghệ thuật làm giàu. Chính nghệ thuật này đã khiến cho người ta có ý tưởng là sự giàu có và tài sản là vô giới hạn. Rất nhiều người đồng hóa nghệ thuật làm giàu này với nghệ thuật tích lũy tài sản đã nói ở trên vì chúng đều có liên quan đến tài sản, nhưng dù hai nghệ thuật này không khác nhau gì mấy, chúng lại không giống nhau. Loại nghệ thuật nói ở trên là do tự nhiên mà ra, loại thứ hai là do kinh nghiệm mà có.
Ta hãy xem xét vấn đề này theo quan điểm sau đây:
Tất cả vật chất mà ta có đều có hai khả năng sử dụng: cả hai cách này đều từ bản thân vật đó mà ra, nhưng không giống nhau về cách thức sử dụng; có cách sử dụng đúng cách, và cách kia được coi là không đúng hay còn được coi là cách phụ thuộc. Thí dụ, một chiếc giày được dùng để đi, nhưng cũng có thể được dùng để trao đổi lấy vật khác; đó là hai cách sử dụng của chiếc giày. Kẻ đem chiếc giày đi đổi lấy tiền hay thực phẩm với kẻ cần chiếc giày thì cũng sử dụng chiếc giày đấy chứ, nhưng cách sử dụng đó không đúng cách hay dùng đúng mục đích căn bản của chiếc giày, vì giày được làm ra để đi chứ không để trao đổi. Điều này cũng đúng với tất cả các loại tài sản khác, vì mọi thứ đều có thể được trao đổi, và xảy ra cũng tự nhiên vì có người có quá nhiều, kẻ lại có quá ít không đủ cung ứng cho nhu cầu của họ. Như thế, ta có thể suy ra rằng việc buôn bán [hàng hóa để lấy lợi nhuận] không phải là bộ phận tự nhiên của nghệ thuật tích lũy của cải, bởi vì [nếu mục đích chính theo tự nhiên của việc tích lũy tài sản là để cung ứng cho nhu cầu của mình, thì] người ta sẽ thôi không buôn bán nữa khi đã có đủ.
Thực ra trong cộng đồng đầu tiên, tức là gia đình, thì nghệ thuật trao đổi hàng hóa này chẳng có ích lợi gì hết, nhưng khi xã hội phát triển, thì nó lại trở thành hữu dụng. Vì khởi đầu tất cả thành viên của gia đình đều có chung với nhau mọi thứ; sau đó khi gia đình chia ra thành những gia đình nhỏ hơn, thì những gia đình nhỏ hơn này lại chia [vật chất chung] thành nhiều thứ khác nhau. Họ phải trao đổi lẫn nhau để lấy cái họ cần; phương thức trao đổi này vẫn còn được các quốc gia "man rợ" áp dụng để trao đổi cho nhau những nhu yếu phẩm của cuộc sống, và chỉ có thế thôi; thí dụ rượu đổi lấy lúa hay các sản phẩm khác được trao đổi với nhau. Việc trao đổi sản vật như thế này tuy không phải là một bộ phận của nghệ thuật tích lũy tài sản và cũng không đi ngược với tự nhiên, nhưng cần thiết cho sự thỏa mãn các nhu cầu tự nhiên của con người. Một hình thức trao đổi khác, phức tạp hơn, được phát triển, như ta có thể suy ra, từ hình thức trao đổi đơn giản này. Khi dân cư của một nước trở nên càng lúc càng tùy thuộc vào một nước khác và nhập cảng từ nước này những sản phẩm cần thiết, và xuất cảng những thứ mà họ có dư, thì tiền bạc ắt phải được dùng trong những cuộc trao đổi như thế. [Lý do là vì] những nhu yếu phẩm không thể được vận chuyển dễ dàng, và như vậy, người ta đồng ý dùng trong những cuộc trao đổi như thế một vật gì đó tự nó có hiệu dụng và dễ dàng sử dụng trong đời sống làm vật thay thế, thí dụ như sắt, bạc, hay các kim loại khác. Khởi đầu giá trị của những vật thay thế này được đo lường bằng kích thước và trọng lượng, nhưng dần dà người ta đóng một con dấu lên đó để định mức giá trị mà không phải mất công cân đo nữa.
BẠN ĐANG ĐỌC
Aristotle - Chính trị luận
Historical Fiction(Chính Trị Luận được dịch từ bản tiếng Anh của Ernest Barker do Nhà Xuất bản Claredon Press ấn hành năm 1946)