Chương XIII
Như vậy, ta thấy thật rõ ràng là sự quản trị gia đình quan hệ mật thiết với con người hơn là việc tích lũy tài sản vô tri, và với các điều kiện làm tốt đẹp cho con người hơn là với vật chất mà ta gọi là tài sản, cũng như với đức hạnh của người tự do hơn là đối với nô lệ. Một câu hỏi cần được nêu lên ở đây: liệu kẻ nô lệ có những đức tính nào cao hơn là những đặc tính cần thiết như những phương tiện để làm những công việc lao động chân tay-những đức hạnh như sự tự chủ, can đảm, công bằng, và những đức tính tương tự. Hay là ngoài những công việc lao động chân tay kẻ nô lệ không có đức tính nào khác? Trả lời theo kiểu nào đi nữa, ta cũng vấp phải một sự khó khăn; vì nếu những kẻ nô lệ có đức hạnh, thì họ khác những người tự do ở chỗ nào? Mặt khác, vì tất cả đều là con người và con người đều có lý tính, cho nên thật là vô lý khi bảo kẻ nô lệ không có đức hạnh. Vấn đề này cũng tương tự như vậy đối với phụ nữ và trẻ con: liệu phụ nữ và trẻ con có được tính tự chủ, can đảm và công bằng hay không? Như vậy, một cách tổng quát, ta có thể nêu lên câu hỏi là người cai trị và kẻ bị trị-cả hai đều do trời sinh ra như vậy, chứ không vì yếu tố nào khác-về đức hạnh có gì khác nhau không? Nếu ta bảo rằng họ cùng có sự cao quý của các đức tính, thì tại sao người này lại luôn luôn cai trị, còn kẻ kia lại bị trị? Ta không thể viện lý do là họ tuy có cùng các đức tính nhưng khác nhau về mức độ-kẻ có nhiều, người có ít; bởi vì sự khác nhau không phải vì mức độ mà hoàn toàn là vì người cai trị có một đức tính khác với kẻ bị trị. Có người lại lập luận rằng sở dĩ có người cai trị và kẻ bị trị vì người cai trị có đức hạnh còn kẻ bị trị thì không. Lập luận này thật là kỳ lạ! Bởi vì nếu người cai trị là kẻ nóng nảy, bất công, thì làm sao mà y lại có thể cai trị tốt được? Nếu người bị trị cũng thế thì làm sao mà y có thể vâng phục cho tốt được? Bất cứ kẻ nào mà phóng đãng hoặc hèn nhát, chắc chắn kẻ đó không thể chu toàn bổn phận của mình được. Như vậy, ta phải kết luận rằng cả người cai trị và kẻ bị trị cùng phải có đức hạnh, nhưng đức hạnh cũng có nhiều loại khác nhau.
Tới đây, chính bản chất của tinh thần sẽ giúp ta hiểu được vấn đề. Trong bản chất của tinh thần có hai phần, một phần luôn luôn chỉ đạo, còn phần kia luôn luôn tùng phục; đó là phần thuộc về lý tính (luôn luôn chỉ đạo), và phần phi-lý tính. Hiển nhiên là nguyên tắc này được áp dụng một cách tổng quát và mọi điều đều phải tuân theo quy luật tự nhiên này. Nhưng cách thức cai trị khác nhau; người tự do cai trị kẻ nô lệ theo phương cách khác với người nam đối với người nữ, và khác với cách người lớn đối với trẻ con. Mặc dù mọi người đều có cả hai phần khác nhau của tinh thần, nhưng mỗi người lại có những phần này không giống nhau. Kẻ nô lệ cũng có lý tính, nhưng hoàn toàn không có khả năng suy xét tường tận [1]; phụ nữ có khả năng này nhưng lại không có quyền, và trẻ con có khả năng này, nhưng khả năng này chưa được phát triển. Như thế ta phải giả thiết là mọi người đều có các đức hạnh, nhưng mỗi hạng người có đức hạnh đến mức cần thiết để làm nhiệm vụ của mình mà thôi. Như vậy, người cai trị phải có đức hạnh tuyệt hảo (chữ in nghiêng của người dịch), vì nhiệm vụ của người cai trị, một cách tuyệt đối, đòi hỏi phải là một bậc thầy có kỹ năng tuyệt hảo, và lý tính chính là kỹ năng đó [2]; còn những người khác chỉ cần có đức hạnh đến mức mà họ cần mà thôi. Hiển nhiên, ai cũng có đức hạnh, nhưng tính tự chủ hoặc lòng dũng cảm hay tính công bình của người nam và người nữ, như Socrates nói, không giống nhau. Lòng can đảm của người nam thể hiện qua sự chỉ huy, còn ở người nữ qua sự vâng phục. Và điều này cũng đúng với các đức hạnh khác, vì nếu ta quan sát thật tỉ mỉ [các đức hạnh này], ta sẽ thấy thật rõ ràng. Còn những ai mà cho rằng đức hạnh gồm có các tính tốt của tâm hồn, hoặc bao gồm trong các hành động đúng đắn, hay những điều tương tự, đều là tự dối mình. Có một cách khác, hay hơn và đơn giản hơn cách đưa ra một định nghĩa tổng quát về đức hạnh, là cách do Gorgias đề nghị; đó là liệt kê các đức hạnh khác nhau. Mọi hạng người đều có những đặc tính, thí dụ như đối với phụ nữ thì Sophocles [3] nói: "Im lặng là sự vinh quang của phụ nữ," nhưng sự vinh quang này không giống như sự vinh quang của phái nam. Còn đối với trẻ con, vì non nớt nên những đức hạnh của nó chưa được phát triển như khi đã trưởng thành, cho nên phải tùy vào sự hướng dẫn của cha mẹ cho đến khi khôn lớn. Tương tự như vậy, đức hạnh của kẻ nô lệ tùy thuộc vào chủ nhân của chúng.
Đến đây, ta đã thấy kẻ nô lệ là những kẻ hữu dụng để cung cấp những nhu cầu cần thiết cho đời sống. Cho nên, kẻ nô lệ chỉ cần một số đức tính nào đó để giúp cho họ không bị sự hèn nhát hoặc thiếu tự chủ ngăn trở khiến họ không thể chu toàn bổn phận. Nếu những điều ta vừa nói là đúng, thì những người thợ chẳng lẽ cũng không cần có đức hạnh hay sao? Vì họ cũng thường chểnh mảng trong công việc vì thiếu tự chủ! Trong hai trường hợp này có một sự khác biệt lớn lao. Đời sống của kẻ nô lệ lệ thuộc vào đời sống của chủ nhân, còn người thợ chỉ lệ thuộc vào người chủ thuê họ làm việc trong công việc đó mà thôi. Kẻ nô lệ thuộc vào hạng người do thiên nhiên định như vậy, còn người thợ đóng giày hay các nghề khác tự chọn làm các nghề này. Do đó, ta thấy người chủ gia đình phải tạo cho kẻ nô lệ những đức hạnh cần thiết để làm tốt nhiệm vụ của họ, khác với người quản trị ra lệnh cho kẻ nô lệ làm bổn phận [4]. Vì vậy, ta có thể không đồng ý với những kẻ cho rằng không nên trò chuyện với nô lệ mà chỉ cần ra lệnh thôi là đủ rồi, vì nô lệ cần được nhắc nhở nhiều hơn là trẻ con.
Đề tài này đã được bàn khá đầy đủ. Khi ta bàn đến các mô hình chính quyền khác nhau, ta sẽ bàn thêm về mối quan hệ giữa chồng và vợ, cha và con, các đức hạnh khác nhau, và các điều tốt, xấu trong các quan hệ này cùng những cách thức để đạt được điều tốt và tránh đi điều xấu. Vì mỗi gia đình là một phần tử của nhà nước, và mhững mối quan hệ này là những phần trong gia đình, và đức hạnh của phần tử cũng liên hệ đến đức hạnh của tổng thể, cho nên phụ nữ và trẻ con phải được huấn luyện qua giáo dục mà mục tiêu là cơ cấu chính trị. Đức hạnh của họ sẽ góp phần tạo thành đức hạnh của nhà nước; thật vậy, trẻ con sẽ trở thành những công dân và phụ nữ chiếm tới một nửa số người tự do trong đất nước.
Tới đây các vấn đề liên quan đến hộ gia đình-nô lệ, tích lũy tài sản-đã được bàn đầy đủ, những gì còn sót lại như hôn nhân và nuôi dạy con cái, sẽ được bàn tới trong các phần sau. Cho nên, ta sẽ kết thúc phần này và sang một phần mới. Trước hết, ta sẽ xem xét các lý thuyết khác nhau về mô hình nhà nước lý tưởng.[1]Lý luận của Aristotle ở chỗ này không được ổn: Nếu kẻ nô lệ được xem là có tất cả những phần khác nhau của tinh thần-lý tính và phi-lý tính, thì tại sao chỗ này Aristotle lại phủ nhận điều này? Ở phần sau Aristotle có giải thích là kẻ nô lệ cũng có lý tính, biết phân biệt, nhưng chỉ đủ để tuân theo lời của chủ nhân mà làm việc (tức là khác nhau về mức độ). Điều này mâu thuẫn với lập luận của chính ông là người chủ và kẻ nô lệ có những loại đức hạnh khác nhau, chứ không phải có cùng một loại đức hạnh nhưng khác nhau về mức độ. (ghi chú của người dịch).
[2]Newman giải thích đoạn này bằng sự so sánh như sau: chức năng chữa bệnh được xem là chức năng "tuyệt đối" của một thầy thuốc khi chỉ thị và giám sát việc chữa bệnh của thuộc cấp. Hiểu theo nghĩa này thì chức năng của người cai trị đòi hỏi: (1) toàn bộ khả năng lý trí, gồm cả khả năng suy xét, và (2) toàn bộ đức hạnh mà khả năng lý trí cung cấp (theo Ernest Barker, sđd., trang 36).
[3] Sophocles, một nhà viết bi kịch và sử ca của Cổ Hy lạp (496 BC-406 BC), nổi tiếng với hai vở bi kịch Vua Oedipus và Antigone còn lưu truyền đến ngày nay.
[4]Người lãnh đạo có thể ủy nhiệm hay chia sẻ công việc cho cấp dưới, nhưng không thể uỷ nhiệm trách nhiệm của mình. Trong trường hợp này, chủ nhân không thể san sẻ trách nhiệm hay bổn phận hướng dẫn đạo đức cho nô lệ. Aristotle đã nhắc đến việc này trong Chương 7.
http://icevn.org/vi/node/436
BẠN ĐANG ĐỌC
Aristotle - Chính trị luận
Fiction Historique(Chính Trị Luận được dịch từ bản tiếng Anh của Ernest Barker do Nhà Xuất bản Claredon Press ấn hành năm 1946)