Chương 8
Hippodamus, con của Euryphon, là một công dân của xứ Miletus; ông là người đã phát minh ra nghệ thuật quy hoạch thành phố, và cũng là người đã quy hoạch thành phố Piraeus. Hippodamus là một người kỳ lạ, một người thích được thiên hạ chú ý tới nên có những hành vi lập dị khiến cho người khác nghĩ rằng ông là người màu mè, giả tạo, như tóc thì để dài; quần áo thì may bằng loại vải len rẻ tiền nhưng lại được đính đồ trang sức mắc tiền, và quanh năm ông mặc như vậy, bất kể mùa nóng hay mùa lạnh. Hippodamus, ngoài hoài bão trở thành một học giả về thiên nhiên, cũng là người đầu tiên, dù không phải là một nhà lãnh đạo quốc gia, cũng nghiên cứu về mô hình chính trị.
Nhà nước mà Hippodamus muốn quy hoạch là một nước có mười ngàn dân và được chia làm ba phần: một phần dành cho dân thợ, một phần dành cho nông dân, và phần còn lại dành cho lực lượng võ trang để bảo vệ đất nước. Đất đai cũng được chia làm ba phần: một phần là linh điền dùng để tế tự, công điền dùng để nuôi quân, và tư điền là tài sản của nông dân. Ông cũng chia luật pháp làm ba loại, chứ không có hơn nữa, vì theo ông chỉ có ba loại kiện tụng: ẩu đả, gây thương tích, và án mạng. Cũng vì thế mà Hippodamus chỉ thiết lập có duy nhất một tòa tối cao để tái thẩm những trường hợp tòa dưới đã xét xử không đúng. Thẩm phán của tòa này là những bậc trưởng lão [xứng đáng] được chọn lựa cho nhiệm vụ này. Thêm vào đó ông cũng đề nghị rằng những quyết định của tòa án không nên dùng phương thức các quan tòa dùng những viên sỏi bỏ vào trong một cái bình nếu thấy bị can có tội, mà thay vào đó nên dùng một tấm bảng và viết vào đó là chắc chắn có tội, hoặc để trống, nếu thấy bị can hoàn toàn vô tội. Nhưng nếu quan tòa cảm thấy không thể phán quyết một cách chắc chắn là bị can có tội hay vô tội, thì cũng phải viết như vậy vào tấm bảng. Ông phản đối phương thức hiện hành [dùng những viên sỏi để biểu quyết có tội hay không] vì phương thức này sẽ khiến các quan tòa mắc tội bội thệ, dù họ có bỏ phiếu cách nào đi nữa.[1] Hippodamus còn đưa ra đạo luật tưởng thưởng cho những ai khám phá được những điều gì mang lại lợi ích cho quốc gia; và nhà nước phải nuôi nấng cho con em của tử sĩ, làm như những điều này trước đây chưa từng được áp dụng, nhưng đã thực sự xảy ra tại Athens và các nơi khác. Còn đối với các quan lại, ông đề nghị là để cho toàn dân, nghĩa là do ba giai cấp tôi nhắc tới ở trên, bầu ra người xứng đáng. Các quan lại sau khi được bầu vào các chức vụ có nhiệm vụ chăm lo cho các lợi ích công cộng, quyền lợi của ngoại kiều, và của cô nhi. Đó là tất cả những điểm nổi bật trong cơ cấu chính trị do Hippodamus đề nghị. Ngoài ra không còn điều gì đáng bàn.Điều đầu tiên tôi không đồng ý với những đề nghị của Hippodamus là sự phân chia công dân thành ba loại, gồm có thợ thuyền, nông dân, và chiến sĩ; tất cả đều có tiếng nói trong chính quyền. Nhưng người nông dân không được quyền mang vũ khí, người thợ thì vừa không được mang vũ khí vừa không có đất đai, và như vậy thì họ có khác gì hơn là nô lệ của giai cấp quân nhân đâu. Cho nên bảo rằng họ đều được dự phần vào chính sự chỉ là chuyện bất khả thi, vì các tướng lãnh và những người bảo hộ cho dân cùng hầu như tất cả các quan lại đều xuất thân từ giai cấp được mang vũ khí. Chưa hết, nếu hai giai cấp này không được dự phần vào chính sự, thì làm sao mà họ có thể trở thành những công dân trung thành cho được? Người ta thường nói rằng những người được mang vũ khí là những người tài giỏi hơn các giai cấp khác và như vậy nhất thiết phải là giai cấp cai trị. Nhưng điều này chỉ dễ xảy ra khi họ có đông người hơn các giai cấp khác; ngay cả khi điều này xảy ra thì tại sao các giai cấp khác phải dự phần vào chính sự, hay là có quyền bổ nhiệm các quan chức? Thêm nữa, những người nông dân có ích lợi gì cho quốc gia? Thợ thuyền luôn luôn cần thiết trong mọi nước và họ có thể sinh sống bằng nghề của họ, và cả những người nông dân nữa, nếu họ cung cấp lương thực cho thành phần chiến sĩ, và cả hai giai cấp này có thể tham gia một phần nào vào chính sự. Nhưng theo cơ cấu của Hippodamus thì nông dân là những người sở hữu tư điền và canh tác cho tư lợi. Chưa hết, còn phần công điền dành cho giai cấp quân nhân, ai sẽ là người canh tác đất đai này? Nếu quân nhân đi làm ruộng thì có khác gì nông dân đâu, dù chính quyền có thể ban luật để phân biệt. Còn nữa, nếu những người canh tác số công điền này không phải là nông dân và cũng không phải là quân nhân, thì ta lại có giai cấp thứ tư, một giai cấp không có chỗ đứng trong quốc gia và cũng chẳng dự phần vào việc gì hết. Hoặc là giai cấp nông dân vừa làm ruộng của nhà vừa làm ruộng công; trong trường hợp này họ sẽ gặp khó khăn để sản xuất đủ dùng cho gia đình mình và cho gia đình của người quân nhân họ phải nuôi. Đã thế thì còn chia đất làm ba loại để làm gì vì người nông dân có thể vừa canh tác để nuôi sống chính gia đình mình và gia đình người lính trên cùng một mảnh đất! Phân chia theo kiểu này thật là rối rắm.
BẠN ĐANG ĐỌC
Aristotle - Chính trị luận
Historical Fiction(Chính Trị Luận được dịch từ bản tiếng Anh của Ernest Barker do Nhà Xuất bản Claredon Press ấn hành năm 1946)