(Chính Trị Luận được dịch từ bản tiếng Anh của Ernest Barker do Nhà Xuất bản Claredon Press ấn hành năm 1946)
Bối cảnh lịch sử
Khoảng 4000 năm trước, ở Âu châu chỉ có những giống dân du mục. Từ sông Danube, một giống dân du mục tiến dần về phương nam để tìm những đồng cỏ xanh tốt hơn và dừng chân ở bán đảo Greece. Họ lấy tên thủy tổ của họ là Hellene để làm tên gọi. Người Trung Hoa sau này phiên âm Hellene thành Hy Lạp, và ta cũng quen theo lối gọi này.[1] Ngày nay, Hy Lạp dùng địa danh để đặt tên nước của họ: Greece. Tên chính thức là Cộng hòa Hellenic.
[1] Nguyễn Hiến Lê, Lịch sử Thế giới, trang 65. Văn Nghệ tái bản tại Hoa Kỳ, 1994.
Thời cổ, Hy Lạp không phải là một nước thống nhất như ngày nay mà gồm nhiều thành phố được tổ chức như những quốc gia gọi là thị-quốc; mỗi thị-quốc độc lập với nhau và có cách tổ chức chính trị khác nhau. Các thị-quốc nổi tiếng gồm có Athens, Thebes, và Sparta. Tuy cùng một chủng tộc nhưng dân thị-quốc này lại coi dân thị-quốc khác như thù địch và chém giết lẫn nhau. Sparta và Athens là hai thái cực. Dân Sparta được huấn luyện để sống khắc kỷ từ nhỏ, một đời sống giản dị và cực kỳ trọng võ. Trái lại, dân Athens sống xa hoa, theo công nghệ và yêu chuộng thương mại. Về chính trị các thị quốc Hy Lạp đều theo quân chủ. Sau khi vua Alcmaeon băng hà vào năm 753 trước Thiên Chúa giáng sinh (BC), Athens được tổ chức theo dân chủ nghị viện: công dân được quyền bầu nghị viên, nhưng chức vụ thẩm phán vẫn dành cho quý tộc. Đến thế kỷ thứ 5 (BC), Athens hoàn toàn theo thể chế dân chủ trực tiếp. Mọi công dân đều trực tiếp tham gia việc nước: nghị luận, bàn cãi, bầu bán, biểu quyết, vân vân. Do đó, Athens được coi là nơi có chế độ dân chủ đầu tiên, nơi mà mọi người dân đều được tham gia chính sự. Tuy nhiên, đây cũng là nhược điểm, vì "quyết định của chính phủ thường chậm trễ, dân chúng quen thói bàn bạc, cãi cọ nhau, mồm mép giỏi mà hành động dở, dễ chia rẽ vì những lẽ nhỏ nhặt."[2] Dầu sao, nhờ tính chất tự do tư tưởng mà Athens trở thành một môi trường thuận lợi cho các triết gia như Socrates và sau đó, học trò ông là Plato đã phát triển học thuật đủ mọi ngành. Từ đó, Athens trở thành trung tâm tư tưởng và học thuật của cả bán đảo Hy Lạp; sau này, chính là cái nôi văn hóa và tư tưởng của Tây phương.
[2] Sđd, trang 68.
Aristotle: Thân thế và sự nghiệp
Aristotle không những là một trong những triết gia vĩ đại của Cổ Hy Lạp mà còn của thế giới Tây phương. Ông sinh năm 384 và mất năm 322 (BC) tại Stagira, một thị trấn nhỏ phía đông thành phố Salonica, sát biên giới vương quốc Macedonia. Xuất thân từ một gia đình trí thức, cha của Aristotle là ngự y của vua Macedonia nên từ nhỏ, Aristotle đã được học về thiên nhiên và sinh vật qua quan sát cũng như qua các tài liệu y học của phụ thân.
Mười bảy tuổi, Aristotle tới Athens du học, đúng vào thời điểm Athens vừa được hồi sinh sau cuộc chiến với Sparta và mau chóng trở thành trung tâm văn hóa của toàn khu vực nói tiếng Hy Lạp. Athens được coi là quê hương của kịch nghệ, của ngôn ngữ thời thượng, trung tâm buôn bán và trao đổi sách vở của toàn cõi Hy Lạp. Ngoài văn chương và thương mại, Athens cũng là trung tâm của học thuật vì ngay từ thời đó đã có hai trường đại học được thành lập. Một là Viện Đại học Athens dạy đủ mọi ngành học và thuật cai trị. Trường thứ hai là Học Viện của Plato, học trò của Socrates-người được coi là ông tổ của Triết học Hy Lạp. Aristotle theo học tại Học Viện dưới sự hướng dẫn của Plato trong suốt 20 năm và nghiên cứu đủ mọi ngành học thuật từ toán học, văn học, sinh vật học cho đến triết học. Có thể nói Aristotle không chỉ là một sinh viên mà đã trở thành trợ giáo của Plato tại Học Viện.[3] Aristotle chú trọng đặc biệt đến siêu hình học (metaphysics)-môn học nghiên cứu về "ý tưởng," những gì bên ngoài và ở bên kia thực tại, không phụ thuộc vào giác quan- cùng thiên văn học và chính trị học.
BẠN ĐANG ĐỌC
Aristotle - Chính trị luận
Narrativa Storica(Chính Trị Luận được dịch từ bản tiếng Anh của Ernest Barker do Nhà Xuất bản Claredon Press ấn hành năm 1946)