Hướng Dẫn Ngắn Để Hiểu Và Quản Lý Cảm Xúc Bản Thân

447 8 0
                                    

CẢM XÚC QUAN TRỌNG ĐẾN MỨC NÀO?

Cảm xúc rất quan trọng, có giá trị và đáng được quan tâm. Phần tình cảm trong chúng ta rất đặc biệt. Nếu làm cảm xúc biến mất, nếu xua đuổi cảm xúc, chúng ta sẽ đánh mất phần quan trọng của bản thân và cuộc sống của mình. Cảm xúc đem lại cho ta niềm vui cũng như nỗi buồn, sự sợ hãi và giận dữ. Phần cảm xúc bên trong biết cười lẫn biết khóc. Nó là trung tâm trao đi và nhận lại hơi ấm của tình yêu thương. Đây là phần giúp ta cảm thấy gần gũi với người khác, đồng thời tận hưởng từng cái chạm cảm xúc tinh tế.

Cảm xúc cũng là một chiếc “phong vũ biểu.” Khi thấy vui, thoải mái, ấm áp và thoả mãn, ta thường biết rằng hiện tại mọi chuyện trong đời mình đều tốt đẹp. Khi thấy khó chịu vì tức giận, sợ hãi hay đau buồn, cảm xúc mách bảo ta rằng đang có vấn đề. Vấn đề đó có thể thuộc về bên trong – một điều gì đó mà ta đang làm hoặc đang suy nghi – hoặc nó có thể thuộc về bên ngoài. Nhưng có chuyện bất ổn đang diễn ra.

Cảm xúc cũng có thể là những động lực tích cực. Cơn giận thôi thúc ta giải quyết một vấn đề phiền toái. Nỗi sợ thúc đẩy ta chạy trốn nguy hiểm. Khi liên tục bị tổn thương và đau khổ, ta biết mình cần phải tránh đi.

Đồng thời, cảm xúc cũng cung cấp những manh mối: mơ ước, mong muốn và khao khát của ta. Cảm xúc giúp ta khám phá bản thân, những gì ta đang thật sự nghĩ đến. Ta khai thác phần sâu thẳm bên trong mình vốn luôn tìm và biết sự thật, phần luôn khao khát bảo vệ bản thân, phát triển bản thân, sự an toàn và tử tế. Cảm xúc gắn liền với ý thức, quá trình tư duy và món quà bí ẩn mang tên bản năng hay trực giác.

Tuy nhiên, cảm xúc cũng có mặt tối của nó. Nỗi đau tinh thần thường rất đau, có thể đau đến nỗi khiến ta nghĩ toàn bộ con người mình chỉ có hoặc mãi chỉ có nỗi đau cảm xúc này thôi. Đau đớn và muộn phiền có thể dai dẳng. Nỗi sợ hãi có thể là vật cản đường; nó ngăn ta làm những việc mình muốn và cần làm để tận hưởng cuộc sống.

Đôi khi chúng ta sa lầy vào cảm xúc – bị rơi vào cái giếng cảm xúc tăm tối nào đó – và nghĩ rằng mình sẽ chẳng bao giờ leo ra được. Cơn giận có thể biến thành nỗi oán giận, sự thù hằn và có nguy cơ kéo dài vô thời hạn. Nỗi buồn có thể chuyển thành trầm cảm, gần như bóp chết ta.

Cảm xúc cũng có thể đánh lừa ta. Nó có thể đưa ta vào những tình thế mà lý trí của ta bảo ta dừng lại. Đôi khi, cảm xúc như những cây kẹo bông gòn; vẻ ngoài thì trông bắt mắt hơn thực chất bên trong.

Bất chấp mặt tối của cảm xúc – gây đau đớn, đeo đẳng, gian xảo – nếu chúng ta lựa chọn trở nên vô cảm thì bức tranh thậm chí sẽ còn ảm đạm hơn. Không lắng nghe cảm xúc của mình, từ bỏ cảm xúc, và xua đuổi phần cảm xúc bên trong có thể là những hành động gây khó chịu, không làng mạnh và có hại cho chính mình.

Việc đè nén hoặc chối bỏ cảm xúc có thể gây ra chứng đau đầu, rối loạn tiêu hoá, đau lưng, và hầu hết những tình trạng suy nhược cơ thể có nguy cơ dẫn đường mở lối cho nhiều căn bệnh. Đè nén cảm xúc, đặc biệt là trong giai đoạn phủ nhận của quá trình tiếc thương, có thể khiến ta gặp rắc rối với việc cuồng ăn, biếng ăn, sử dụng thức uống có cồn và chất kích thích khác, hoạt động tình dục vô độ, nghiện tiêu xài, thiếu ngủ, ngủ quá nhiều, ám ảnh, những hành động kiểm soát và những hành vi cưỡng chế khác.

Tâm Lý Học Nơi câu chuyện tồn tại. Hãy khám phá bây giờ