Trở về nhà, tôi bắt đầu khóc như một đứa trẻ. Không có người nào mà ít nhất đã không bị lừa gạt một lần trong đời và không biết nỗi đau khổ khi bị lừa dối là đến như thế nào.
Tôi tự nhủ - với sức nặng của những quyết định hình thành trong cơn sốt, mà người ta luôn luôn tin có đủ sức mạnh để giữ được - phải cắt đứt dứt khoát với mối tình ấy. Và trong tâm trạng bực bội, tôi chờ đợi ngày hôm sau, để đi kiếm một chuyến xe trở về nhà với cha tôi và em tôi, hai tình yêu mà tôi tin chắc không bao giờ lừa dối tôi.
Tuy nhiên, tôi không muốn ra đi mà không cho Macgơrit biết rõ tôi đã ra đi. Chỉ có người đàn ông nào dứt khoát không yêu tình nhân nữa mới có thể từ giã mà không cần viết thư từ gửi lại.
Tôi viết đi viết lại hai mươi lá thư trong đầu tôi.
Tôi đã dan díu với một cô gái giang hồ giống như tất cả những cô gái giang hồ khác. Tôi đã thi vị hoá cô gái này thái quá. Cô đã đối xử với tôi như một đứa học trò. Và để lừa gạt tôi, cô đã dùng một mưu mẹo đơn giản và hỗn láo. Điều này đã rõ ràng. Lòng tự ái của tôi sôi lên. Phải từ bỏ người đàn bà này và không cho nàng hưởng sự thoả mãn được biết cuộc đổ vỡ này đã làm cho tôi đau khổ. Và đây, những gì tôi đã viết, với những nét chữ rất hào hoa và những giọt lệ điên cuồng khổ đau trong đôi mắt.
"Em Macgơrit thân mến!
Anh hy vọng sự mệt mỏi của em ngày qua cũng chẳng là bao nhiêu. Anh đã đợi đến mười một giờ đêm, để được biết những tin tức về em. Và người ta đã trả lời anh rằng không thể vào nhà. Và người ta trả lời anh rằng em không về nhà. Ông G. . . sung sướng hơn anh bởi vì ông ta đến sau anh chốc lát. Và mãi đến bốn giờ sáng, ông ta hãy còn tại nhà em.
Hãy tha lỗi cho anh về những giờ buồn tẻ mà anh đã đem lại cho em. Và em hãy tin chắc, anh sẽ không bao giờ quên những giây phút sung sướng mà anh đã nợ em.
Hôm nay, anh rất muốn đến để biết những tin tức về em. Nhưng anh phải chuẩn bị trở về với cha anh.
Xin vĩnh biệt em, Macgơrit thân yêu của anh. Anh không đủ giàu sang để yêu em, nhưng anh mơ ước cũng không phải nghèo khổ để yêu em như em muốn. Vậy chúng ta hãy quên đi: Em, cái tên một người đối với em gần như xa lạ và anh, một hạnh phúc đã trở thành không thể có được.
Anh gửi lại em cái chìa khoá: nó chưa hề được anh dùng lần nào. Và nó sẽ có ích cho em, nếu em thường bị ốm, như em đã ốm đau ngày hôm qua" .
Anh thấy chưa, tôi không đủ nghị lực để chấm dứt cái thư đó mà không có chút mỉa mai cay cú. Điều này chứng tỏ tôi vẫn còn yêu nàng.
Tôi đọc đi đọc lại mười lần lá thư đó, và ý nghĩ lá thư này sẽ làm khổ Macgơrit đem lại cho tôi một chút êm dịu. Tôi cố gắng tỏ ra đã dạn dày trong những tình cảm được bộc lộ. Vào lúc tám giờ, khi người giúp việc đến, tôi trao cho anh ta lá thư để anh ta đem đi tức khắc.
- Có phải chờ thư trả lời không? – Jôdép hỏi (Người giúp việc tôi tên là Jôdép, cũng như tất cả những người giúp việc khác).
- Nếu người ta hỏi anh có cần trả lời không, anh hãy bảo: anh không biết gì cả, và anh cứ chờ đợi.
Tôi hy vọng nàng sẽ trả lời.
Thật chúng ta đều khốn nạn và hèn yếu cả.
Trong suốt thời gian người giúp việc tôi đi, tôi cảm thấy rất bối rối. Khi thì nhớ lại Macgơrit đã đến với tôi như thế nào; tôi tự hỏi, tôi lấy quyền gì để viết cho nàng một lá thư bất nhã như thế, trong lúc nàng có thể trả lời cho tôi biết không phải ông G. . . đã lừa tôi mà chính tôi đã lừa ông G. . . Chính cái lập luận này đã cho phép những người đàn bà có nhiều tình nhân. Khi thì nhớ lại những lời thề thốt của cô gái ấy, tôi nghĩ lá thư của tôi vẫn còn hiền lành quá, và tôi không tìm ra những lời lẽ cứng rắn hơn để tạt vào mặt người đàn bà có đã phỉ báng một tình yêu rất chân thành như tình yêu của tôi. Rồi tôi tự nhủ, có lẽ tốt hơn tôi đừng nên viết lá thư đó, mà nên đến ngay nhà nàng, trong ngày hôm nay, và bằng cách đó, tôi sẽ sung sướng đón nhận những giọt lệ mà tôi phải làm cho nàng đổ ra.
Cuối cùng, tôi tự hỏi nàng sẽ trả lời tôi như thế nào, và sẵn sàng tin nàng sẽ xin lỗi tôi.
Jôdép trở về.
- Thế nào? – tôi hỏi.
- Thưa ông, bà ta đang ngủ và vẫn còn ngủ. Nhưng nếu khi nào bà dậy, người nhà sẽ trao thư lại và nếu có trả lời, người nhà sẽ đem đến.
Nàng ngủ.
Hai mươi lần tôi suýt cho người đi lấy lại bức thư. Nhưng tôi luôn luôn tự nhủ: "Có lẽ người ta đã đưa cho nàng rồi", và tôi bắt đầu cảm thấy hối hận.
Càng gần đến giờ để đón nhận thư trả lời của nàng, tôi lại càng hối hận vì đã lỡ viết thư.
Mười giờ, mười một giờ, mười hai giờ. Chuông reo vang.
Mười hai giờ, tôi suýt đến nơi hẹn, như không có việc gì xảy ra cả. Rốt cuộc, tôi chẳng biết làm thế nào để thoát ra khỏi cái vòng sắt nó đang siết chặt người tôi.
Thế là tôi với sự mê tín của những người đang chờ đợi: nếu tôi ra đi chốc lát, đến lúc trở về tôi sẽ tìm được câu trả lời. Những câu trả lời, được chờ một cách bực bội, luôn luôn đến khi người ta không có ở nhà mình.
Tôi đi ra, với cái cớ đi ăn trưa.
Đáng lẽ ăn trưa tại tiệm cà phê Foa ở góc đại lộ theo thói quen, tôi lại đến ăn trưa tại Pale Roazal, và đi qua đường phố Antin. Mỗi lần, từ xa trông thấy một người đàn bà, tôi lại tưởng chính Nanin đem thư trả lời tôi. Tôi qua đường phố Antin. Không hề gặp một người chạy việc nào cả. Tôi đên Pale Roazal, vào phòng ăn. Một người bồi đem thức ăn lại, hay đúng hơn, anh ta dọn thứ gì tuỳ ý, bởi vì tôi không ăn.
Ngoài ý muốn, cặp mắt tôi cứ luôn luôn nhìn vào đồng hồ.
Tôi trở về, tin chắc rằng tôi sẽ nhận được thư của Macgơrit.
Người gác cổng không nhận được gì cả. Tôi lại hy vọng nơi người giúp việc. Người này trả lời không hề thấy người nào đến từ lúc tôi ra đi đến giờ.
Nếu Macgơrit trả lời tôi, nàng đã trả lời từ lâu rồi.
Thế là tôi bắt đầu hối tiếc về những lời lẽ trong thư của tôi. Đáng lẽ tôi phải im lặng hoàn toàn. Điều này, dĩ nhiên, có thể đem lại một sự lo lắng nào đó cho nàng. Bởi vì không thấy tôi đến nơi hẹn tối hôm trước, chắc nàng sẽ hỏi tôi lý do vắng mặt ấy, và chỉ đến lúc đó, tôi mới nên nói cho nàng biết những lý do. Bằng cách ấy, nàng không thể làm thế nào khác hơn là tự minh oan cho nàng. Và điều tôi muốn là chính nàng phải tự minh oan cho nàng. Tôi đã nhận thấy trước dù những lý lẽ mà nàng đưa ra để phân trần như thế nào đi nữa, tôi cũng sẽ tin vào chúng. Và thà rằng tôi sẽ chấp nhận tất cả, còn hơn không được gặp lại nàng nữa.
Tôi đi đến chỗ tin rằng chính nàng sẽ đến nhà tôi. Nhưng giờ khắc cứ trôi qua, và nàng không đến.
Dĩ nhiên, Macgơrit không giống như tất cả những người đàn bà khác. Bởi vì rất ít người nhận được một lá thư như tôi viết mà lại không trả lời một điểm nào cả.
Vào lúc năm giờ, tôi chạy đến Xăng Êlidê. Nếu tôi gặp nàng, tôi nghĩ, tôi sẽ tỏ ra lạnh nhạt, và nàng sẽ tin chắc tôi không còn nghĩ đến nàng nữa.
Đến khúc quanh đường phố Roazal, tôi thấy nàng đi qua trên một cỗ xe. sự gặp gỡ quá đột ngột làm tôi tái người. Tôi không biết nàng thấy được nỗi xúc động của tôi không. Tôi quá bối rối, đến nỗi chỉ thấy cái xe nàng thôi.
Tôi tiếp tục đi dạo trong Xăng Êlidê. Tôi nhìn những quảng cáo của các rạp hát. Bởi vì tôi còn hy vọng gặp nàng.
Ở Pale Roazal có một cuộc trình diễn lần đầu tiên. Tất nhiên Macgơrit sẽ đến xem.
Tôi có mặt ở rạp hát lúc bảy giờ.
Tất cả các lô đều đông người. Nhưng Macgơrit không có mặt.
Thế là tôi rời khỏi Pale Roazal và đi đến tất cả các rạp hát mà nàng thường đến xem ở Vôđơvin, ở Variêtê, ở Ôpêra Cômic.
Không thấy nàng ở đâu cả.
Hoặc lá thư tôi đã làm cho nàng khổ tâm, đến nỗi nàng không đi xem hát nữa. Hoặc là nàng sợ phải gặp lại tôi và tránh một sự giải thích.
Đó là điều mà lòng kiêu hãnh của tôi đã gợi ra trong trí tôi, khi tôi đang đi trên đại lộ thì gặp Gatông. Anh ta hỏi tôi từ đâu đi đến.
- Từ Pale Roazal – tôi trả lời.
- Còn tôi từ rạp Ôpêra – anh ta nói – Tôi tưởng anh cũng ở đó chứ.
- Tại sao? Bởi vì Macgơrit ở đó.
- Nàng có ở đó?
- Vâng.
- Chỉ một mình?
- Không, với một bạn gái.
- Không còn ai nữa?
- Bá tước G. . . có vào lô nàng trong chốc lát. Nhưng nàng đã đi ra với ông quận công. Trong giây phút tôi chờ thấy anh xuất hiện ở đó. Bên cạnh tôi có một chỗ ngồi mà trong suốt buổi tối được bỏ trống. Tôi tin chắc là anh đã thuê.
- Nhưng tại sao Macgơrit đến đâu tôi phải đến đó?
- Bởi vì anh là tình nhân của nàng, trời ơi!
BẠN ĐANG ĐỌC
Trà Hoa Nữ - Alexandre Dumas [Full]
RomanceAlexandre Dumas (1824 - 1895) còn gọi là Dumas con, con trai của người bố cùng tên Alexandre Dumas lừng danh, tác giả "Ba người lính ngự lâm" - nhà tiểu thuyết và viết kịch nổi tiếng của Pháp. Trà hoa nữ được viết khi ông hai mươi tư tuổi, là tác ph...