Đoàn tàu hình như không chuyển động.
Tôi có mặt ở Bugival lúc mười một giờ.
Không thấy ánh đèn trong nhà. Tôi gọi chuông. Không nghe trả lời.
Đó là lần đầu tiên, một sự việc như thế xảy ra với tôi. Cuối cùng, người giữ vườn hiện ra, tôi đi vào.
Nanin cầm một ngọn đèn đến gặp tôi. Tôi đến phòng của Macgơrit.
- Bà đi đâu?
- Bà đi Paris – Nanin trả lời.
- Đi Paris!
- Thưa ông, vâng.
- Khi nào?
- Một giờ sau lúc ông đi.
- Bà không để gì lại cho tôi cả sao?
- Không.
Nanin bỏ mặc tôi ở đó.
«Có thể nàng lo sợ, và đi Paris để được biết chắc chắn cuộc viếng thăm cha tôi, mà tôi đã nói với nàng, là có thật hay chỉ là một cái cớ để tôi có được một ngày tự do. Có thể Pruđăng đã tin cho nàng biết về một chuyện quan trọng nào đó». – tôi tự nhủ khi còn lại một mình. Nhưng tôi đã gặp Pruđăng, khi tôi đến nhà. Chị ta không hề nói gì để tôi có thể nghĩ rằng chị đã viết thư cho Macgơrit.
Bỗng nhiên, tôi nhớ lại câu Đuvecnoa đã hỏi tôi : «Vậy hôm nay, cô sẽ không đến? " khi tôi cho chị ta biết Macgơrit đang ốm. Đồng thời, tôi cũng nhớ lại vẻ bối rối của Pruđăng khi tôi nhìn chị, sau lời nói đó, như tố giác một cuộc hẹn hò. Và tôi nhớ lại những giọt nước mắt của Macgơrit suốt cả ngày hôm qua, những giọt nước mắt và sự đón tiếp vui vẻ của cha tôi đã làm cho tôi quên được phần nào.
Kể từ giây phút đó, tất cả những cái bất thường suốt ngày hôm ấy, đã đến tụ tập quanh sự nghi ngờ đầu tiên của tôi, và củng cố sự nghi ngờ trong trí não tôi. Tất cả đã xác định mối nghi ngờ đó, cho đến cả sự khoan hồng của cha tôi nữa.
Macgơrit gần như đã ép buộc tôi phải đi Paris. Nàng đã tỏ ra bình tĩnh, khi tôi đề nghị sẽ ở lại bên nàng. Tôi đã bị sa bẫy? Phải chăng Macgơrit đã lừa dối tôi? Nàng nghĩ rằng sẽ trở về kịp thời, để tôi không biết nàng đã đi vắng? Cái bất ngờ nào đã giữ nàng lại? Tại sao nàng không nói với Nanin, hay tại sao nàng không viết thư để lại cho tôi? Những giọt nước mắt đó, sự vắng mặt này, cái bí ẩn này có ý nghĩa gì?
Đó là điều tôi lo sợ tự hỏi, giữa căn phòng trống rỗng và tôi mở mắt nhìn chằm chằm vào cái đồng hồ vừa điểm mười hai giờ khuya, có vẻ như nói với tôi: Đã quá muộn, để có thể hy vọng gặp lại tình nhân của tôi.
Tuy nhiên, sau những dự định mà chúng tôi vừa bàn với nhau, đầy lòng hy sinh hiến dâng và chấp nhận, có đúng chăng nàng đã lừa dối tôi? Không. Tôi cố gắng vứt bỏ những giả thiết đầu tiên.
Người con gái đáng thương đó, có thể đã tìm được người mua đồ đạc của mình và đã đến Paris để giải quyết công việc. Nàng không muốn cho tôi biết trước bởi nàng biết, tuy tôi đã chấp nhận việc bán đồ, một việc cần thiết cho hạnh phúc tương lai của chúng tôi, song điều đó vẫn thật sự nặng nề đối với tôi. Có thể nàng sợ làm tổn thương lòng tự ái và sự tế nhị của tôi, khi phải nói đến điều đó. Nàng chỉ muốn trở về khi mọi chuyện đã xong xuôi. Pruđăng chờ nàng chắc chắn vì điều đó và đã tự tố giác trước mặt tôi. Macgơrit không thể kết thúc việc mua bán trong ngày hôm nay. Nàng đã ngủ lại nhà chị ấy. Hãy cũng có thể,chốc nữa, nàng sẽ về. Bởi vì nàng phải nghĩ tôi đang lo lắng và chắc chắn không muốn để tôi phải lo lắng như thế.
Nhưng tại sao có những giọt nước mắt kia? Chắc chắn, mặc cho tình yêu đối với tôi, người con gái đáng thương này không thể nào từ bỏ sự xa hoa hào nhoáng mà nàng đã sống cho đến tận ngày nay, đã làm cho nang sung sướng, cũng như gợi sự thèm muốn nơi kẻ khác, mà không khóc được.
Tôi sẵn sàng tha thứ những hối tiếc đó nơi Macgơrit. Tôi chờ đợi nàng đến sốt ruột, để nói cho nàng biết, bằng những cái hôn, rằng tôi đoán được nguyên nhân sự vắng mặt bí ẩn của nàng. Tuy nhiên, đêm cứ sâu dần, và Macgơrit không về.
sự lo lắng như dần dần thu nhỏ chiếc vòng của nó lại, siết chặt đầu tôi và tim tôi. Có thể, có việc gì đó đã xảy ra với nàng. Có thể, nàng đã bị thương, bị ốm, bị chết. Có thể tôi sắp nhận được một tin báo một tai nạn nào đây! Có thể, ngày hôm sau, tôi vẫn còn trong tình trạng bất ổn này, và cũng trong những lo sợ như thế này!
Ý tưởng Macgơrit lừa dối tôi, giờ đây, lúc tôi đang chờ nàng, giữa nỗi hoảng hốt do sự vắng mặt cuả nàng gây nên, không còn trở lại trong trí tôi nữa. Phải có một nguyên nhân độc lập, ngoài ý muốn của nàng, để giữ nàng phải xa tôi. Tôi cần nghĩ đến điều đó. Tôi cần tin chắc, nguyên nhân này chỉ là một sự bất hạnh nào đó. Ôi hư ảo của con người! Nó đã tự hiện lên dưới bất kỳ hình thức nào.
Chuông đồng hồ điểm một giờ.
Tôi tự nhủ, tôi sẽ đợi một giờ nữa. Nhưng đến hai giờ, nếu Macgơrit không về, tôi sẽ đi Paris.
Trong lúc chờ đợi, tôi đi tìm quyển sách, vì tôi không dám suy nghĩ.
Cuốn Manông Lexcô mở ra trên bàn. Hình như thỉnh thoảng ở một số trang có dấu vết của những giọt lệ. Sau khi lật từng tờ sách, tôi xếp sách lại. Những dòng chữ hiện ra trống rỗng ý nghĩa, lờ mờ giữa những nghi ngờ của tôi.
Thời gian chậm chạp đi qua. Trời hơi mù. Mưa thu quất mạnh vào cửa kính. Cái giường trống không, đôi lúc tôi cảm thấy như một ngôi mộ. Tôi lo sợ.
Tôi mở cửa lớn. Tôi lắng nghe và chỉ nghe được gió đập vào cành lá. Không một chiếc xe nào đi qua ngang đường. Chuông nhà thờ buồn bã điểm thêm nửa giờ.
Tôi bỗng như sợ có ai đó sắp đi vào. Hình như sự bất hạnh là có thể đến tìm tôi vào giờ này, qua thời tiết u ám này.
Hai giờ lại điểm. Tôi còn chờ đợi thêm một tý nữa. Chỉ có cái đồng hồ xáo động sự yên tĩnh này, bằng tiếng động đều đặn và nhịp nhàng của nó.
Cuối cùng, tôi rời căn phòng. Bất cứ một vật nhỏ bé nào ở đây cũng đượm vẻ buồn thảm và sự cô đơn lo sợ của tâm hồn đã lan rộng chung quanh.
Ở phòng bên cạnh, tôi thấy Nanin đang nằm ngủ. Nghe tiếng mở cửa, chị ta thức dậy và hỏi tôi bà chủ đã về chưa.
- Chưa. Nhưng nếu bà trở về, chị bảo bà biết, tôi không thể chịu đựng được sự lo lắng và đã đi Paris.
- Vào giờ này?
- Vâng.
- Như thế nào? Ông không tìm ra xe đâu!
- Tôi sẽ đi bộ.
- Nhưng trời đang mưa!
- Mặc kệ.
- Bà sẽ về, hay nếu bà không về, thì ngày mai vẫn đủ thì giờ để biết bà bận việc gì. Ông sẽ tự giết ông trên đường đi.
- Không có gì nguy hiểm đâu chị Nanin ạ. Chào chị, ngày mai sẽ gặp lại.
Người con gái thật thà ấy đi tìm chiếc áo choàng cho tôi, khoác lên vai tôi và đề nghị tôi đi đánh thức bà mẹ Acnul để hỏi xem có chiếc xe nào không. Nhưng tôi không đồng ý vì tin chắc rằng chỉ tốn công vô ích và thêm trễ thì giờ.
Vả chăng, tôi cần không khí. Và sự mệt mỏi thể xác sẽ làm cho tôi ít bực bội, vì giờ đây, tôi đang rất bực bội.
Tôi lấy chìa khoá của căn nhà đường Antin và sau khi chào tạm biệt Nanin - chị đã đưa tôi đến cổng – tôi ra đi.
Tôi bắt đầy chạy, nhưng đất còn ướt và tôi cảm thấy mệt gấp đôi. Sau nửa giờ chạy như thế, tôi bắt buộc phải dừng lại. Tôi đang đi trong bãi lầy. Đêm rất tốt. Mỗi phút tôi run lên, sợ va chạm vào những thân cây bên đường. Những thân cây này đột ngột hiện ra trước mắt tôi, giống như ma quái đang đuổi theo tôi.
Tôi gặp một vài chiếc xe trở hàng chậm rãi lăn bánh và đã vượt qua chúng rất nhanh.
Một xe ngựa lướt nhanh, hướng về phía Bugival. Lúc chiếc xe đi qua, hy vọng Macgơrit có trong xe – tôi dừng lại và gọi to : «Macgơrit! "
Nhưng không ai trả lời. Chiếc xe cứ tiếp tục chạy trên con đường dài mà ngày trước tôi đã từng qua lại nhiều lần.
Đêm ấy, không có một người nào trên đường cả.
Tưởng tôi đang đi trong một thành phố chết.
Trời bắt đầu sáng.Khi tôi đến đường Antin, thành phố bắt đầu chuyển mình một tý, trước khi thức dức hẳn. Chuông nhà thờ Xanh Rốc điểm năm tiếng, khi tôi bước vào nhà Macgơrit.
Tôi cho người gác cổng biết tên. Người này từng nhận của tôi nhiều lần những đồng tiền hai mươi frăng, nên biết tôi có quyền đến nhà cô Giôchiê lúc năm giờ sáng.
Như thế, tôi đi vào không gặp trở ngại gì.
Tôi có thể hỏi ngay anh ta Macgơrit có nhà không. Nhưng anh ta có thể trả lời " không ". Và tôi thích được sống trong ngờ vực hai phút nữa. Bởi vì còn ngờ vực nghĩa là còn hy vọng.
Tôi để tai vào cửa lớn, lắng nghe, hy vọng tìm thấy một tiếng động hay một cử động nào đó.
Không có gì cả. Sự im lặng ở nông thôn kéo dài cho đến nơi này.
Tôi mở cửa bước vào.
Tất cả các màn đều buông kín.
Tôi kéo những cái màn ở phòng ăn. Tôi đi về phía phòng ngủ, và tôi đẩy cánh cửa.
Nhảy chồm lên giây kéo màn, tôi giật mạnh.
Những tấm màn mở rộng ra. Một thứ ánh sáng yếu ớt lan vào. Tôi chạy thẳng đến giường.
Giường trống không.
Tôi mở những cánh cửa này, rồi những cánh cửa khác. Tôi xem khắp phòng.
Không có ai cả.
Thật điên người lên được!
Tôi đi vào phòng trang sức, mở cửa sổ ra và lớn tiếng gọi Pruđăng.
Cửa sổ nhà bà Đuvecnoa đóng kín.
Thế là tôi xuống tìm người gác cổng và hỏi anh ta:
- Cô Giôchiê hôm nay có về đây không?
- Thưa có – anh ta trả lời - với bà Đuvecnoa.
- Cô ấy không nhắn gì cho tôi cả sao?
- Không.
- Anh có biết sau đó họ đi đâu không?
- Hai bà cùng lên xe.
- Loại xe nào?
- Một xe hai chỗ ngồi sang trọng.
Tất cả những điều đó có ý nghĩa gì?
Tôi gọi chuông nhà bên cạnh.
- Thưa ông, ông hỏi ai? – Ngưòi gác cổng hỏi tôi, sau khi mở cửa.
- Tôi tìm bà Đuvecnoa.
- Bà chưa về.
- Anh có chắc thế không?
- Thưa ông, đúng thế. Đây là bức thư người ta gửi đến bà chiều qua, tôi chưa trao lại được.
Và người gác cổng đưa tôi xem. Tôi nhìn qua, như một cái máy.
Tôi nhận ra nét chữ của Macgơrit.
Tôi cầm bức thư.
Địa chỉ đề như sau:
«Gửi bà Đuvecnoa để đưa lại cho ông Đuyvan»
- Cái thư này là của tôi, - tôi nói với người gác cổng và cho ông ta xem địa chỉ.
- Chính ông là Đuyvan?
- Vâng.
- À! Tôi biết ông. Ông thường đến nhà bà Đuvecnoa.
Khi ra đến đường phố tôi xé phong bì.
Tiếng sét nổ dưới chân cũng không khủng khiếp bằng nội dung bức thư :
" Lúc anh đọc bức thư này, anh Acmân, em đã là tình nhân của một người đàn ông khác rồi. Như vậy, tất cả đều đã chấm dứt giữa chúng ta.
Anh hãy trở về bên cha anh, người bạn thân mến. Anh hãy trở về thăm em anh, người thiếu nữ trinh trắng, không hay biết gì cả về nỗi khổ của chúng tôi. Và bền người con gái đó, anh sẽ quên nhanh chóng tất cả những gì mà đứa con gái hư hỏng này, Macgơrit Gôchiê, được anh rủ lòng yêu thương trong chốc lát, đã làm anh đau khổ.
Người con gái đó đã nợ anh những giây phút sung sướng nhất cho cuộc đời mình, cuộc đời mà giờ đây hẳn không còn kéo dài được bao lâu nữa».
Khi tôi đọc đến chữ cuối cùng, tôi tưởng tôi sắp điên rồi. . .
Trong khoảng khắc, tôi thật sự lo lắng mình sẽ ngã quỵ xuống mặt đường. Một đám mây mờ hiện ra trước mắt. Máu tôi đập mạnh hai bên màng tang.
Cuối cùng, tôi lấy lại được một chút bình tĩnh. Tôi nhìn chung quanh. Tôi ngạc nhiên thấy cuộc sống của kẻ khác vẫn tiếp tục, không dừng lại trước sự khốn khổ của tôi.
Tôi không đủ sức mạnh để một mình có thể chịu đựng được quả đấm quá nặng mà Macgơrit đã giáng cho tôi.
Thế là, tôi nhớ lại cha tôi, đang cùng ở trong một thành phố với tôi. Trong mười phút nữa, tôi có thể đến bên cạnh ông ; và dù nguyên nhân của sự đau khổ của tôi là thế nào đi nữa, ông cũng chia sẻ được.
Tôi chạy, như một đứa điên, như một tên trộm, cho đến khách sạn Paris. Tôi tìm được cái khóa trên cửa phòng cha tôi. Tôi đi vào. Cha tôi đang đọc.Trông thấy tôi, ông không có vẻ gì ngạc nhiên cho lắm. Tôi đưa cho ông xem bức thư của Macgơrit và ngã lăn trên giường ông, khóc sướt mướt.
BẠN ĐANG ĐỌC
Trà Hoa Nữ - Alexandre Dumas [Full]
RomanceAlexandre Dumas (1824 - 1895) còn gọi là Dumas con, con trai của người bố cùng tên Alexandre Dumas lừng danh, tác giả "Ba người lính ngự lâm" - nhà tiểu thuyết và viết kịch nổi tiếng của Pháp. Trà hoa nữ được viết khi ông hai mươi tư tuổi, là tác ph...