Khi tất cả mọi sự việc trên đời đã trở lại sự diến tiến bình thường, tôi không thể tin được cái ngày hôm nay lại không giống những ngày đã qua trước đây đối với tôi. Có những giây phút, tôi tưởng như mình đã sống suốt đêm xa ngôi nhà Macgơrit đang ở ; và nếu tôi trở lại Bugival, tôi sẽ gặp nàng đang lo lắng, như tôi đã từng thấy trước đây. Và nàng sẽ hỏi : ai đã giữ tôi ở xa nàng như thế. Khi cuộc sống đã đem lại thói quen của mối tình đó, thì cái thói quen ấy không thể bị phá huỷ được nếu đồng thời không phá huỷ những cơ cấu khác của cuộc sống. Thỉnh thoảng, tôi tự buộc phải đọc lại lá thư của Macgơrit, để có thể tin chắc rằng đó không phải là chiêm bao.
Thân thể tôi quỵ xuống, dưới sự sụp đổ tinh thần, bất lực không còn cử động được. Sự lo lắng, chuyến đi bộ trong đêm tối, cái tin buổi sáng đã làm tôi kiệt sức. Cha tôi, nhận sự suy sụp hoàn toàn sức khỏe của tôi, yêu cầu tôi phải hứa cùng đi với ông.
Tôi hứa tất cả những gì ông muốn. Tôi bất lực để bước vào một cuộc tranh cãi và tôi cần một tình thương thật sự, để giúp tôi có thể sống được, sau sự việc vừa xảy ra.
Tôi sung sướng khi được cha tôi an ủi trong nỗi đau buồn này.
Tất cả điều tôi nhớ lại là, chính ngày hôm đó, vào khoảng năm giờ, cha tôi đưa tôi lên xe cùng đi với ông. Không nói gì với tôi cả, ông đã sửa soạn hành lý của tôi, đã cột hành lý của tôi và của ông phía sau xe, và ông đã đem tôi đi.
Tôi chỉ cảm thấy điều tôi làm, khi đã đi khuất thành phố. Và cái cô đơn của con đường nhắc tôi nhớ đến sự hiu quạnh của trái tim. Thế là nước mắt tôi lại trào ra.
Cha tôi hiểu rằng những lời nói, ngay những lời nói của ông, cũng không thể an ủi được tôi. Ông để tôi khóc, không nói với tôi lời nào. Thỉnh thoảng chỉ nắm chặt những bàn tay tôi, hình như để nhắc tôi, tôi vẫn có một người bạn thân bên cạnh.
Ban đêm, tôi ngủ rất ít. Tôi nằm mơ thấy Macgơrit.
Tôi tỉnh giấc, giật mình, không hiểu tại sao mình đang ở trong một cái xe.
Thế rồi, thực tại đã trở về trong trí não tôi và tôi gục đầu trên ngực.
Tôi không dám nói chuyện với cha tôi. Tôi luôn luôn sợ ông sẽ nói với tôi: «Hẳn con đã thấy cha có lý, khi cha không tin tình yêu của người đàn bà đó».
Nhưng cha không lạm dụng thế mạnh của mình.
Chúng tôi đi đến C. . . Ông không đả động gì đến biến cố làm tôi phải ra đi.
Khi ôm hôn cô em gái tôi, tôi nhớ lại những lời trong thư của Macgơrit có liên hệ đến. Nhưng tôi hiểu ngay, dù em gái tôi có tốt đến mức nào, cũng không thể làm tôi quên được tình nhân của tôi.
Người ta mở cuộc đi săn. Cha tôi nghĩ, đó là một dịp tôi giải trí. Ông tổ chức những buổi săn với những người láng giêng và bạn hữu. Tôi tham dự không gượng ép, nhưng không hào hứng, với thái độ hững hờ như tất cả những hành động khác, từ khi tôi ra đi.
Chúng tôi phân công, săn bắt, dồn đuổi thú rừng. Người ta để tôi ở vị trí đã định. Tôi đặt khẩu súng không đạn bên cạnh tôi, và tôi mơ mộng.
Tôi nhìn những đám mây trôi qua. Tôi để tư tưởng lang thang trên những cánh đồng hoang vắng và thỉnh thoảng, tôi nghe tiếng gọi của một người thợ săn nào đó, chỉ cho tôi một con thỏ rừng, cách tôi chừng mười bước.
Không một chi tiết nào thoát khỏi cặp mắt cha tôi. Ông không thể bị đánh lừa bởi bề ngoài yên tĩnh của tôi. Ông hiểu rõ, dù suy sụp đến đâu, trái tim tôi, một ngày nào đó, sẽ có một phản ứng dữ dội, nguy hiểm là khác. Và có vẻ như tránh không an ủi tôi, ông vẫn cố gắng hết sức mình để làm cho tôi khuây khoả.
Em gái tôi, đương nhiên không hiểu được tất cả những biến cố đó. Em tôi không thể giải thích được, vì sao tôi, ngày trước rất vui vẻ, giờ đây đột nhiên trở nên mơ mộng và buồn bã đến thế.
Thỉnh thoảng, tôi bắt gặp giữa lúc đau buồn cái nhìn lo lắng của cha tôi, tôi đưa tay cho cha tôi, nắm chặt như để lặng lẽ xin lỗi về sự đau khổ ngoài ý muốn mà tôi gây ra cho ông.
Một tháng dài trôi qua như thế. Nhưng đó là tất cả những gì tôi có thể chịu đựng nổi.
Kỷ niệm về Macgơrit đeo đuổi tôi không ngừng. Tôi đã yêu thương quá nhiều, yêu thương quá nhiều để người đàn bà đó có thê bỗng nhiên trở thành xa lạ. Tôi phải, hoặc yêu thương nàng, hoặc thù ghét nàng. Nhất là, dù nghĩ về nàng thế nào đi nữa, tôi phải gặp lại nàng, gặp lại ngay tức khắc.
Ý muốn đó đi sâu vào tâm trí tôi, bám chặt lại đó, với tất cả sự dữ dội của nghị lực cuối cùng trong một thân thể tê dại từ lâu ngày.
Không phải trong tương lai, trong một tháng, trong tám ngày nữa, tôi mới gặp lại Macgơrit, phải là ngày hôm sau, liền theo cái ngày mà ý nghĩ đó đến với tôi. Tôi nói với cha tôi, tôi phải từ giã ông vì có những công việc cần tôi ở Paris, nhưng tôi sẽ trở về rất sớm.
Chắc chắn ông đoán ra lý do tôi ra đi. Bởi vì ông nằn nì để tôi ở lại. Nhưng nghĩ rằng không thực hiện được ý muốn đó trong trạng thái đang bực tức của tôi, có thể đưa đến những hậu quả tai hại, nên ông ôm hôn tôi và gần như muốn khóc, yêu cầu tôi phải trở về sớm bên ông.
Tôi không ngủ được trước khi đến Paris.
Một khi đến rồi, tôi phải làm gì? Tôi không biết. Nhưng trước hết tôi phải tìm gặp Macgơrit.
Tôi về nhà để thay y phục. Và vì trời tối, lại còn thì giờ, tôi đến Xăng Êlidê.
Nửa giờ sau, từ ngã tư quảng trường Côngcooc, tôi nhìn thấy xe Macgơrit từ xa đến.
Nàng đã mua lại ngựa. Cái xe vẫn như cũ, chỉ có điều không có nàng trong xe.
Vừa nhận thấy sự vắng mặt đó, tôi đưa mắt nhìn quanh, và bắt gặp Macgơrit đi cùng một người đàn bà từ trước tôi chưa hề gặp.
Khi đến gần tôi, nàng tái mặt, một nụ cười khó khăn hiện ra trên môi nàng. Còn tôi, tim tôi đập mạnh như muốn bể lồng ngực. Nhưng tôi cố giữ bộ mặt lạnh lùng. Tôi chào một cách lạnh lùng với người tình nhân cũ. Nàng vội vã trở lại xe, cùng lên xe với người bạn đồng hành.
Tôi hiểu Macgơrit. Sự gặp mặt đột ngột đó làm cho nàng bị đảo lộn. Chắc nàng đã biết sự ra đi của tôi. Sự ra đi này làm cho nàng yên tâm về hậu quả của sự sụp đổ giữa chúng tôi. Nhưn gặp tôi trở lại, thấy tôi xanh xao như thế này, nàng đã hiểu sự trở về của tôi có mục đích và nàng tự hỏi rồi đây cái gì sẽ xảy ra.
Nếu tôi gặp lại Macgơrit khốn khổ, thay vì để trả thù nàng, tôi có thể đến giúp đỡ nàng, tôi có thể sẽ tha thứ cho nàng và chắc chắn tôi không thể nghĩ đến chuyện làm hại nàng. Nhưng tôi đã gặp lại nàng sung sướng, ít ra là bên ngoài. Một kẻ nào khác đã đem lại cho nàng cái xa hoa hào nhoáng mà tôi đã không thể tiếp tục giữ gìn được cho nàng. Sự đoạn tuyệt mà nguyên nhân từ phía nàng, vì thế, đã mang tính chất của một sự vụ lợi hèn hạ. Tôi cảm thấy lòng tự ái và tình yêu của tôi cũng bị tổn thương và nàng nhất thiết phải đền tội, vì đã làm cho tôi đau khổ.
Tôi không thể hờ hững trước hành động của người đàn bà đó. Như thế, điều làm cho nàng phải khổ tâm nhất, chính là sự hờ hững của tôi. Chính tôi phải tạo ra cái tình cảm đó, không những trước mắt nàng mà trước mắt những kẻ khác nữa.
Tôi cố gắng có một vẻ mặt tươi tỉnh và đến thăm Pruđăng.
Cô hầu phòng mời tôi ngồi lại trong phòng khách chốc lát và đi báo tin với bà chủ nhà.
Bà Đuvecnoa xuât hiện và mời tôi vào phòng trang nhã. Trong lúc ngồi lại, tôi nghe tiếng mở cửa phòng khách, tiếng bước chân nhẹ khua động sàn nhà, rồi cánh cửa phòng vội đóng mạnh lại.
- Tôi làm phiền chị? – tôi hỏi Pruđăng.
- Không sao cả. Macgơrit vừa ở đó. Nghe tin anh đến cô vội lẩn tránh. Chính cô vừa mới đi ra đó.
- Nghĩa là giờ đây tôi đã làm cho cô ta sợ?
- Không. Nhưng cô ta sợ gặp lại, anh sẽ khó chịu.
- Tại sao thế? - vừa nói tôi vừa cố gắng để thở một cách tự do. Bởi vì xúc động đã làm tôi ngộp thở. – Người con gái đáng thương đó đã từ giã tôi để có lại chiếc xe, đồ đạc trong nhà, kim cương. Cô ta hành động đúng. Tôi không oán ghét gì cô ta cả. Hôm nay, tôi vừa được gặp cô ta – tôi nói tiếp một cách lơ đãng.
- Ở đâu? – Pruđăng nói và nhìn tôi có vẻ như tự hỏi: Phải chăng đây là người đàn ông yêu say đắm mà ngày trước chị ta từng biết?
- Ở Xăng Êlidê. Cô ta đi với một người đàn bà khác, rất đẹp. Không biết người đó là ai?
- Người đàn bà đó như thế nào?
- Một người mảnh dẻ, tóc hung, mắt xanh, rất trang nhã.
BẠN ĐANG ĐỌC
Trà Hoa Nữ - Alexandre Dumas [Full]
Lãng mạnAlexandre Dumas (1824 - 1895) còn gọi là Dumas con, con trai của người bố cùng tên Alexandre Dumas lừng danh, tác giả "Ba người lính ngự lâm" - nhà tiểu thuyết và viết kịch nổi tiếng của Pháp. Trà hoa nữ được viết khi ông hai mươi tư tuổi, là tác ph...