Chương 11

59 2 0
                                    

Các cô con gái của ông Samuel Hamilton không có người nào chịu làm vợ các chủ nông trại. Họ đều là những thiếu nữ có nhan sắc, thừa hưởng những nét rạng rỡ của dòng dõi quí tộc Ái Nhĩ Lan. Họ vẫn hãnh diện về sự thanh bạch của gia đình mình. Họ được giáo dục và học hành nhiều hơn phần lớn các thiếu nữ đồng thời.

Tất cả đều được cha truyền cho tính ham học hỏi. Cô Olive Hamilton đã trở thành một cô giáo tại Peachtree, ở đó có rất ít thanh niên học quá lớp tám. Đến mười bốn mười lăm tuổi là chúng đã phải lo giúp việc nông trại. Olive dạy đủ môn, từ môn tập đọc đến môn đại số. Nàng cũng phụ trách phần thực hành y học sơ cấp vì tai nạn xảy ra thường xuyên. Khi một đứa bé đi chân đất bị rắn độc cắn, bổn phận của nàng là phải hút ngón chân nó để lấy nọc độc ra.

Đó là một công việc không dễ dàng gì và đòi hỏi sự tận tụy chịu khó vượt quá bổn phận và trách nhiệm.

Nhà giáo gần như không còn đời sống riêng cho mình nữa. Nàng không thể ở trọ hẳn tại một gia đình nào quá vài tháng vì như thế sẽ gây ra sự ganh tị, phân bì, gia đình nào cũng muốn mời giáo sư ngụ lại để chứng tỏ mình có thớ trong xã hội. Nếu trong gia đình nàng đang ở trọ có một cậu con trai đến lứa tuổi thành hôn thì coi như nàng là người được cầu hôn trước tiên. Nếu cùng một lúc có hơn một người muốn cầu hôn nàng thì làm gì cũng có những vụ tranh chấp không đẹp mắt xảy ra. Ba cậu con trai nhà họ Agnita gần như muốn xé xác nhau vì cô giáo Olive Hamilton.

Olive thích đời sống ở thành phố hơn ở nông trại nên khi Ernest Steinbeck, người vừa xây được nhà máy ray bột mì tại King City ngỏ lời cầu hôn, nàng bỏ nghề dạy học nhận lời ngay. Đầu tiên họ ngụ tại Paso Roble rồi đến King City, cuối cùng dọn đến Salinas.

Olive thừa hưởng một chiếc cằm cứng cáp, một chiếc mũi hếch của mẹ và cặp mắt đẹp của cha. Nàng là người đàn bà có nghị lực nhất trong gia đình Hamilton trừ bà Liza, mẹ nàng. Olive rất can đảm. Trong cuộc đệ I thế chiến nàng đã có dịp chứng tỏ điều đó.

Nàng là đàn bà nên không nghĩ đến chuyện quốc tế xa xôi. Nàng chỉ bận tâm đến gia đình, đến thị trấn Salinas. Nàng không tin tưởng gì ở chiến tranh ngay cả đội kỵ binh C được thành lập tại đó.

Mãi đến khi một thanh niên trong vùng tên Martin Hoppa thuộc Đội C bị quân Đức giết chết, có thể nói đó là ngày chúng bắt đầu thất trận vì đã dám chọc giận Olive.

Bắt đầu từ hôm đó Olive mới tuyên chiến hẳn với Đế quốc Đức. Làm băng cứu thương cũng chưa gọi là đủ với bà. Bà còn sử dụng một loại khí giới khác là Trái phiếu tự do. Bà bán được thật nhiều trái phiếu bằng cách thuyết phục mọi người phải mua ủng hộ.

Khi số trái phiếu bán được khá cao, Bộ Tài chánh bắt đầu chú ý đến thiếu phụ gan dạ hiếm có này. Trước hết họ gửi giấy quay ronéo khen ngợi bà, kế đó là những lá thư đàng hoàng do chính Tổng trưởng Tài chánh ký tên. Sau cùng họ gởi các phần thưởng đến, một chiếc nón sắt của quân Đức, một mạnh đạn trái phá được gắn vào một cái đế bằng gỗ mun.

Olive cùng những bà mẹ khác trong xứ đều hăng hái làm việc gấp bội. Riêng Olive đoạt kỉ lục bốn lần hơn và được thưởng một chuyến phi cơ quân đội. Thật là hãnh diện cho người dân trong vùng.

Olive vừa can đảm vừa có óc hài hước, trong khi các cô con gái khác của ông bà Hamilton không được như vậy. Nhưng Una mới chính là nguồn vui lớn nhất của ông Samuel. Ngay từ lúc còn nhỏ nàng đã ham học như một đứa bé ham bánh ngọt. Una và cha nàng là hai người rất tâm đầu ý hiệp trong việc học hỏi. Hai cha con tìm mượn những quyển sách hiếm, chuyền nhau đọc, bàn bạc riêng với nhau một cách thích thú.

Una đã gặp gỡ và thành hôn với một nhà sáng chế, một anh chàng có quan niệm sống hơi quá khích.

Anh ta quan niệm rằng vùng ngoại giới có thể đem thể hiện lên mặt giấy bằng những màu sắc trung thực mà mắt người có thể nhìn rõ được. Nghe đâu cuối cùng anh ta đã tìm ra phim màu. Anh đưa Una lên miền bắc ở một nơi nào đó gần ranh giới tiểu bang Oregoa. Anh ấy đã sống một đời sống của thời nguyên thủy bằng rượu và giấy má.

Una gửi về những lá thư không mấy vui nhưng nhất định không than thân trách phận. Nàng viết rằng mình vẫn mạnh khỏe luôn. Nàng cho biết chồng nàng sắp hoàn thành một sáng chế mới.

Bỗng được tin nàng từ trần, xin được đưa bằng tàu thủy về quê nhà, mấy năm sau George Hamilton kể lại cho tôi chuyện đó với cặp mắt đẫm lệ.

- Una không đẹp bằng Mollie, - anh kể. - Nhưng bàn tay bàn chân nó xinh. Gót chân nó thanh như búp sen, bước đi nhẹ như lướt trên ngọn cỏ, nó không cười nghịch ngợm như nét mặt của người đang tĩnh tâm để nghe nhạc.

Thế rồi đột nhiên người ta đưa xác nó về nhà. Gót chân nứt nẻ, các ngón tay mòn hết, còn hai bàn chân xinh đẹp thì...

George nghẹn ngào ngừng lại. Mãi một lát sau anh ta cố tự chủ nói tiếp: "Hai bàn chân nó bị rách vì gai sướt. Chân nó không được mang giày. Da thì chai cứng. Chúng tôi đoán rằng nó bị tai nạn nào đó. Xung quanh nó nhiều hóa chất quá mà. Chúng tôi nghĩ như vậy."

Cái chết của Una có ảnh hưởng đối với ông Samuel như một cơn động đất ngầm. Ông tự cho rằng chính vì lỗi của mình đã đưa đến hậu quả đáng tiếc đó. Tính vui đùa của ông như một liều thuốc hiệu nghiệm chống lại với thời gian, bây giờ đã tiêu tan. Hai vai ông bắt đầu khòm xuống. Ông già cỗi hẳn đi.

Nhưng mấy người con khác của ông làm ăn khá hơn nhiều. George làm việc ở công ty bảo hiểm. Will khá giàu có. Còn Dessie thành công trong ngành may tại Salinas. Joe đã tới miền đông và đang cố khai thác một ngành mới gọi là quảng cáo. Khuyết điểm duy nhất của anh trong lãnh vực này là tính quá tốt của anh. Joe là một người sành sỏi trong lãnh vực làm ăn mới này, chỉ còn một mình Tom ở lại nông trại.

Hồi tôi còn nhỏ thỉnh thoảng Tom đem tôi đi câu cá. Chúng tôi đánh xe ngược từ lúc mặt trời chưa mọc đi đến ngọn núi Frémont. Khi chúng tôi đến gần dãy núi vì sao mới lặn và ánh mặt trời mới bắt đầu nhuộm dần.

Tôi còn nhớ trong khi ngồi trên xe ngựa tôi áp mặt vào áo khoác của Tom. Chú ấy thường đặt tay lên vai tôi, thỉnh thoảng vỗ nhẹ vài cái đầy vẻ trìu mến. Sau cùng chúng tôi dừng dưới một gốc cây sồi, mở ngựa ra khỏi càng xe để nó đứng nghỉ sau lưng xe.

Tôi còn nhớ chú Tom rất khỏe người, mặt và da sạm nắng. Râu, tóc và ria mép cũng đỏ sậm. Tôi không nhớ chú ấy có nói gì không. Mỗi khi hồi tưởng lại, chú Tom luôn luôn là một hình ảnh trầm lặng. Dường như chú chẳng hề chú trọng đến việc có câu được con cá nào không. Chú không muốn chinh phục loài vật.

Tôi còn nhớ những cây dương xỉ có lá như bàn tay xòe năm ngón mọc cạnh những thác nước nhỏ. Năm ngón tay bằng lá lắc lư không ngừng vì những giọt nước từ con thác tung tóe chạm phải. Tôi nhớ rõ mùi vị đặc biệt của các ngọn đồi, mùi hoa đỗ quyên dại, mùi một chú chồn hôi ở đâu đó thật xa, mùi chó sói, mùi hôi ngựa trên dây cương. Tôi nhớ rõ cuộc khiêu vũ đẹp mắt của bầy chim ó trên bầu trời... Sau đó chúng tôi trở lại chỗ để xe, đổ lúa mạch vào cái túi da choàng dây quanh đầu ngựa cho nó ăn. Tôi không nghe cậu Tom nói một câu nào. Trong ký ức tôi, cậu Tom trầm lặng thân mật.

Trong ngày lễ Tạ ơn năm 1911, cả gia đình Hamilton họp mặt đông đủ tại nông trại. Các con về thăm đem theo quà và thật nhiều thực phẩm, cả đại gia đình ăn không hết. Tất cả đều đã thành gia thất trừ Dessie và Tom. Lũ cháu nội cháu ngoại ông Hamilton đùa giỡn làm nhộn cả nhà lên.

Khuôn mặt nhỏ thó của bà Liza càng đỏ gấc lên vì bận bịu. Bà sai bảo việc này, việc nọ lăng xăng. Trong bếp không bao giờ tắt lửa. Các giường chõng trong nhà đều không còn chỗ, phải trải khăn giường xuống sàn cho lũ nhỏ nằm.

Tinh thần hài hước của Samuel lại có dịp sử dụng tới.

Giọng kể chuyện ông lại có dịp trầm bổng. Ông say sưa kể chuyện và hát hò cho lũ cháu nghe. Bỗng chưa đến nửa đêm, ông đột nhiên la mệt và bỏ vào giường nằm. Vợ ông đã đi nghỉ trước cách hơn hai tiếng đồng hồ. Ông hơi lo ngại, vì tự nhiên không hiểu tại sao mình lại mệt bất thường thế này!

Khi hai ông bà đã đi nghỉ, đám con rể mở một cuộc họp mặt nhau trong nhà bếp. Mấy bà mẹ rón rén bước vào các phòng ngủ trông chừng lũ con nít có đắp kĩ không, rồi trở lại. Họ nói chuyện thật khẽ để khỏi làm mất giấc ngủ của ông bà cụ và lũ trẻ.

Tất cả đều có cùng một nhận xét. Ông Samuel đã già yếu. Họ kinh ngạc về khám phá bất ngờ đó như tình cờ gặp một bóng ma. Họ không muốn tin việc đó lại có thể xảy đến.

Anh Will Martin, chồng của Mollie, nhận định một cách thực tế:

- Cuộc sống ở đây quá vất vả. Tại sao chúng ta không khuyên ba bán nông trại bỏ lên tỉnh sống cho khỏe? Mollie và tôi muốn rước ba má sống chung với chúng tôi.

Ernest Steinbeck chồng của Olive vội giành:

- Chúng tôi cũng muốn mời ba má sống với chúng tôi.

Will Harmilton nhờ bản năng và kinh nghiệm nghề nghiệp đã hiểu các anh chị em mình rất nhanh, chàng đề nghị:

- Nếu chúng ta yêu cầu ba đóng cửa lò rèn của ông chẳng khác nào bảo ông tự tử. Ba không nghe đâu, nhưng chắc chúng ta có thể mời ba lên tỉnh chơi một chuyến, trong khi Tom sẽ coi sóc nông trại. Sau một thời gian nghỉ ngơi lại sức, ba sẽ làm việc trở lại. Cũng có thể ba sẽ ở lại luôn trên tỉnh không biết chừng, chứ bây giờ đề nghị thẳng chắc ba không nghe đâu. Tất cả anh chị em nghĩ sao?

Mọi người đều gật đầu, chỉ trừ Tom ngồi im như tảng đá, dáng trầm tư.

- Tom, em coi sóc nông trại giùm ba được chứ? - George hỏi.

- Ồ, đâu có gì. - Tom trả lời. - Đâu có gì mà được với không được, từ lâu nay nông trại có hoạt động gì nhiều đâu!

- Vậy tại sao không thấy em gật đầu đồng ý?

- Em không muốn làm ba phật ý. Ba sẽ hiểu ý ngay.

- Nhưng tụi anh chỉ đề nghị thôi, đâu có gì ba phải phật ý?

Tom gãi tai nói:

- Em không dám cản các anh, nhưng em sợ ba buồn lòng.

George nói:

- Tụi anh sẽ viết một lá thư mời với lời lẽ khéo léo và vui vẻ. Ba ở chơi với người này chán, ba có thể đến nhà đứa khác. Cứ như vậy ba có thể đi thăm hết năm này qua năm khác cũng chưa giáp vòng các con và các dâu rể của ba.

Họ tạm đồng ý với đường lối đó.

Tom cầm lá thư của Olive từ King City về, vì anh biết trước nội dung lá thư nói gì rồi, nên anh chờ đến lúc ông Samuel một mình không có khách hàng nào anh mới dám đưa. Lúc đó ông Samuel đang làm việc tại lò rèn. Ông bóc thư bằng mũi ngọn một cái đinh dùng đóng móng ngựa, rồi đi ra chỗ có ánh nắng để đọc cho rõ. Xong ông ngồi xuống một chiếc ghế dài trước hiệu rèn ngó mông trong không trung. Ông mở thư ra đọc lại một lần nữa. Rồi Tom thấy ông đứng dậy chậm rãi đi về phía ngọn đồi ở phía đông, vừa bước đi vừa đá những viên đá sỏi bắt gặp trên đường.

Một cơn mưa nhỏ mới trút xuống nên một ít cỏ bắt đầu nhú lên. Ở lưng chừng đồi, ông Samuel ngồi xổm xuống vốc một vốc đất lẫn đá sỏi giữa lòng bàn tay rồi lấy ngón trỏ bươi ra. Trong đó lẫn một ít đá lửa, sa thạch, một ít mi ca lóng lánh, vài cọng rễ nhỏ mong manh và một ít đá có vân. Ông xòe mấy ngón tay ra để mặc mớ cát đá vụn chảy qua kẽ, rồi đứng dậy thơ thẩn bước xuống đồi. Tới chỗ Tom đang tân vành sắt và bánh xe bò và quay thử một bánh xe, ông đứng im quan sát Tom, như lần đầu thấy con làm việc. Ông lên tiếng:

- Con đã trưởng thành và thạo việc rồi đó.

- Bây giờ ba mới nhận thấy như vậy hả ba?

- Ba biết lâu rồi chứ. Nhưng bây giờ ba mới có dịp nói ra.

Vừa nói, ông vừa thơ thẩn bước đi. Nét mặt ông hơi đượm vẻ châm biếm nhẹ nhàng mà những người thân trong gia đình đều biết rõ. Chính nhờ lối châm biếm đùa bỡn đó làm ông vui vẻ yêu đời. Ông thơ thẩn trong vườn nhỏ vắng vẻ quanh ngôi nhà như một người lạ, dù đây không phải là một ngôi nhà mới.

Bà Liza đang chiên bánh trong nhà bếp. Bà rất khéo tay, có tài làm cho những miếng bột nhồi biến thành những chiếc bánh thơm ngon. Bà trải gọn gàng và trở đều. Bánh vừa chín, bà lấy ra, dùng dao cắt quanh mép, rồi nhúng vào chất nước trải anh đào màu đỏ trong một cái tô.

Samuel ngồi xuống một chiếc ghế trong nhà bếp, tréo chân lên nhau, lặng lẽ nhìn vợ.

Cặp mắt ông như đang tươi cười.

- Hôm nay vào giờ này sao ông thảnh thơi quá vậy? Không còn việc gì làm nữa sao? - Bà hỏi.

- Ồ, tại tôi muốn nghỉ tay một buổi cho khỏe, chứ lúc nào mà chẳng có việc để làm hả má nó!

- Ông ngồi đó làm tôi thêm lúng túng khó chịu. Có chuyện gì phải không? Chỉ cần nhìn mặt ông, tôi cũng dư biết ông có việc gì cần nói với tôi rồi, đúng vậy không?

Ông rung đùi mỉm cười nhìn vợ, nói nịnh:

- Bà đúng là một người vợ thông minh không có gì mà bà không thấy ngay.

- Samuel, tôi xin ông bớt tán dóc cho tôi nhờ. Ông có muốn tếu gì thì để chiều tối hãy hay, bây giờ mới mười một giờ trưa mà. Đừng có trở chứng.

Ông Samuel điềm tĩnh nói:

- Này Liza, em có bao giờ nghĩ đến "một chuyến nghỉ xả hơi" là gì không?

- Samuel, sao mình ưa đùa dai vậy?

- Liza. em chưa bao giờ nghĩ đến "một chuyến nghỉ xả hơi" có phải không?

- Này, tôi đã nói, tôi không đùa. - Bà muốn chấm dứt câu chuyện.

- Này bà vợ đảm đang đáng thương của anh ngót năm mươi năm qua, em chưa hề nghĩ đến một lần nghỉ xả hơi phải không?

- Samuel, ông vui lòng ra khỏi nhà bếp dùm tôi đi! - Bà mát mẻ bảo ông.

Ông rút lá thứ trong túi mở ra nói:

- Olive vừa gởi về. Nó mời vợ chồng chúng ta lên thăm Salinas. Nó đã mua vé cho chúng ta dự mùa Chautauqua. Billy Sunday sẽ đấu vật với quỷ và Bryan sẽ diễn thuyết. Đề tài nghe có vẻ kì cục, nhưng người ta đồn rằng lối trình bày của ông ấy rất cảm động.

Bà Liza đưa ngón tay lên gãi mũi làm dính bột trắng hếu. Bà lo lắng hỏi:

- Hình như mắc tiền lắm phải không?

- Lo gì mắc với rẻ! Con Olive đã mua sẵn vé cho mình rồi. Nó mua tặng mà.

- Chúng ta không thể đi được đâu. - Bà nói. - Ai lo công việc ở nông trại này?

- Thằng Tom lo được mà. Mùa đông mới có nhiều việc phải lo. Trong thư nó đã gởi kèm hai vé xe lửa đi Salinas đây này.

- Mình cứ việc gởi trả lại cho Olive để nó lấy tiền lại.

- Không, anh không thể làm thế. Liza, sao mình khó tính thế? Đi chơi một chuyến đâu có sao! Anh nghe người ta nói rằng Billy Sunday cỡi quỷ chạy quanh sân khấu.

- Người ta xạo chứ làm gì có chuyện đó, - Liza nói.

- Nhưng anh muốn xem thử ra sao. Sao mình khó tính quá. Nếu mình không đi, anh cũng đi một mình. Bây giờ mình hãy trả lời một tiếng, có đi không?

- Em đồng ý. - Liza trả lời.

Khi ông Samuel bước ra, Tom ngước nhìn cha dò xét, cố đoán xem hiệu quả lá thư mà chị Olive vừa gởi cho ông thế nào.

Ông nói ngay:

- Này Tom, con nghĩ sao? Con có thể trông nom nông trại thay ba má trong khi ba má đi chơi một chuyến không? Chị Olive con mời ba má tới Salinas ở chơi với gia đình một thời gian.

- Được lắm chứ ba. Đó là một ý kiến rất hay. Ba định bao giờ đi?

Cặp mắt đầy vẻ châm biếm của ông Samuel tròn xoe, nhìn chăm chăm vào mặt Tom làm anh ta nhột, hỏi:

- Sao ba lại nhìn sững con vậy?

- Nghe giọng nói của con ba nghi. Này Tom, con có thông đồng trước với các anh, các chị con rồi phải không, nói thiệt ba nghe đi.

- Con không hiểu ba định nói gì. - Tom nói.

- Con đóng kịch còn vụng về lắm, ba có thể nói thẳng với con câu đó. Ba chắc rằng hôm lễ Tạ ơn, các con đã hội ý với nhau trước rồi chứ gì?

- Ba nghĩ vậy chứ con đâu có.

- Con đừng có chối quanh. - Cha anh nói. - Con cố giấu chừng nào ba càng thấy rõ chừng đó. Ba tinh mắt lắm.

Ông bỏ đi mấy bước, chợt quay lại vỗ vai con:

- Ba cám ơn con đã cố làm cho ba tin thật. Dù không thành công những cũng chứng tỏ con thật lòng nghĩ đến ba.

- Con rất vui khi thấy ba bằng lòng đi chơi chuyến này.

Ông Samuel đứng trước cửa lò rèn, nhìn đất đai chung quanh đó. Ông nói:

- Người ta bảo một bà mẹ thường yêu thương đứa con xấu xí hơn những đứa khác.

Rồi ông lắc đầu nói tiếp:

- Này Tom, ba rất hài lòng về con. Ba sẵn sàng tin rằng con không bàn bạc gì với các anh chị con. Ba biết vì sao ba đi chơi chuyến này. Ba cũng biết mình sẽ đi đâu. Ba hài lòng lắm.

Phía Đông vườn địa đàngNơi câu chuyện tồn tại. Hãy khám phá bây giờ