Ngày 16 tháng chạp năm 1918
"Vâng, tôi hiểu," Tom Sherbourne đáp. Anh ngồi trong một căn phòng đơn sơ, không đỡ nổi cái nóng hầm hập bên ngoài. Những giọt mưa mùa hạ Sydney trút xuống lộp độp trên cửa sổ, người trên vỉa hè lập cập tìm chổ trú mưa.
"Nói thiệt là cực lắm đó nghe." Người đàn ông ngồi đối diện chồm người về phía trước, cố nhấn mạnh. "Chẳng thư thả gì. Vịnh Byron không phải là trạm đèn cực nhất, nhưng tôi muốn anh lường cho hết rồi hẵng xin làm." Ông ta lấy ngón tay nhận thuốc vào tẩu rồi châm lửa. Đơn xin việc của Tom có cùng câu chuyện như phần lớn thanh niên thời đó: Sinh ngày 28 tháng Chín năm 1893; nhập ngũ chiến đấu; có kinh nghiệm về Mã tín hiệu liên lạc quốc tế và Morse; sức khỏe tốt; giải ngủ danh dự. Luật đã chỉ rõ rằng cựu quân nhân được ưu tiên khi xin việc.
"Không lý..." Tom dừng lại, rồi nói tiếp. "Nói xin phép ông, ông Coughlan, tôi không nghĩ việc này cực hơn nhiệm vụ ở Mặt trận phía Tây."
Người đàn ông nhìn lại mấy chi tiết trên tờ giấy giải ngũ, rồi nhìn Tom, như tìm kiếm điều gì đó trong mắt anh, trên gương mặt anh. "Phải rồi. Có lẽ anh nói đúng." Ông ta nói nhanh qua mấy điều khoản: "Anh tự trả chi phí đi đến trạm công tác. Vì anh chỉ đổi gác cho nhân viên chính thức nên sẽ không có ngày phép. Nhân viên biên chế được nghỉ phép một tháng sau mỗi hợp đồng ba năm." Ông ta cầm cây viết mập lù ký đơn ngay trước mặt anh. Vừa lăn con dấu lên miếng mực ông ta vừa nói, "Hoan nghênh anh" – ông ta ấn con dấu xuống tờ giấy ba lần – "vào ngành Hải đăng Khối Thịnh vượng chung." Trên tờ đơn, dòng chữ "Ngày 16 tháng Chạp năm 1918" còn lóng lánh mực ướt.
Trong sáu tháng ở vịnh Byron trên bờ biển New South Wales cùng với gia đình của hai người giữ đèn, Tom học được những điều sơ đẳng về cuộc sống ở các trạm hải đăng. Sau đó anh có làm một thời gian ngắn ở Maatsuyker, hòn đảo hoang phía nam Tasmania, nơi hầu như ngày nào cũng mưa và mỗi khi trời bão thì đám gà qué lại bị thổi bay ra biển.
Ở hải đăng, Tom Sherbourne có nhiều thời gian để nghĩ về cuộc chiến. Về những gương mặt, những giọng nói của đồng đội từng sát cánh bên anh, từng cứu anh bằng kiểu này hay kiểu khác, những lời trăn trối mà anh chứng kiến, cả những tiếng thều thào sau cuối anh không nghe ra nhưng vẫn gật đầu theo.
Chân của Tom chưa từng bị đứt rời đến nổi chỉ còn nối với cơ thể bằng mấy sợi gân. Anh cũng chưa từng bị thương kiểu ruột xổ ra thành những búi lươn trơn trượt. Phổi của anh chưa từng bị nung chảy, não chưa từng nhũn ra vì khí độc. Nhưng có khác gì, vì khi đó anh đã sống trong hành hài của một người khác, một người đã làm những việc cần phải làm. Anh vẫn mang chiếc bóng của con người đó, khắc sâu trong tâm khảm.
Anh cố không nghĩ đến: Anh từng thấy nhiều người bị ám ảnh đến nỗi sống mà như đã chết. Vậy nên anh cứ tiếp tục sống, quanh quẩn bên rìa nỗi lòng không gọi được thành tên. Khi nằm mộng về những năm đó, anh thấy mình chỉ là đứa trẻ lên tám giữa khói lửa, trên tay vấy máu. Đứa trẻ một mình chống chọi lại những tay súng và lưỡi lê, mãi lo nghĩ đến chiếc tất đồng phục đã bị tuột xuống mà không kéo lên được, vì muốn kéo tất lên phải thả súng xuống, mà nó thì bé bỏng không cầm nổi súng. Mà mẹ thì đi đâu mất rồi.
BẠN ĐANG ĐỌC
Ánh đèn giữa hai đại dương - The light between oceans
General FictionĐây là tác phẩm đầu tiên mình edit :v rất mong mọi người ủng hộ mình sẽ cố gắng hết sức để thực hiện ^_^ Tiểu thuyết này thực sự rất rất cảm động :(((( mọi người nên đọc thật sớm nha :v