Chương 4 :Cup-cake phủ kem tươi.

33 2 0
                                    

  Chúng tôi rời khỏi khách sạn New World khi trời đã nhá nhem tối. Nói cho chính xác thì chỉ có tôi và Mạnh. Sau khi nghe công bố kết quả cuộc thi, các ứng viên khác đã lặn mất tăm, chả còn thấy bóng dáng của ai trong khách sạn nữa. Đường phố Sài Gòn trong cảnh chạng vạng mang một vẻ đẹp riêng biệt. Đó là khi ánh điện bật sớm từ các tòa nhà hòa cùng với ánh sáng mặt trời còn sót lại của một ngày dài. Những khuôn mặt sau một ngày mỏi mệt dường như giãn ra, thư thái hơn. Chị Trang hẹn tôi sáng thứ ba tới văn phòng để bàn bạc chi tiết về công việc của tôi ở New World. Đứng trên vỉa hè phía bên hông khách sạn, Mạnh hỏi tôi:

- Chị về đường nào? Chị có xe không? Để em chở chị về?
- Đường này! – Tôi chỉ. – Gần lắm! Chị đi bộ được! Thôi chào em nhé.
Tôi vẫy vẫy tay. Nhưng mới chần chừ đi được năm bước, tôi quay đầu lại. Mạnh vẫn đang đứng ở đó, nhìn theo dáng tôi đi:
- Này Mạnh!
- Này chị An!
- Gì vậy? – Chúng tôi cùng đồng thanh kêu lên. Sau đó, phá lên cười vì sự trùng hợp.
- Chị nói trước đi.
- Chị chỉ thắc mắc một điều. Là em không hề muốn tham gia cuộc thi này một chút nào, đúng không?
- Em hoàn toàn chả quan tâm gì đến nó.
- Vậy sao em còn tham gia?
- Hừm! – Mạnh cau mặt lại. – Bị ép buộc! – Nhưng cậu ngay lập tức cười to. – Ha ha, nhưng em đã giải quyết nó tốt đấy chứ! Món Bánh mì Sài Gòn ấy! "Bánh mì Sài Gòn một ngàn một ổ. Bánh mì Sài Gòn, đặc ruột thơm bơ. Bánh mì đi...."

Mạnh nhại theo giọng rao của những gánh bánh mì rong hay đi ở ngoài đường làm tôi ôm bụng cười ngặt nghẽo.
- Vậy có nghĩa em không phải là một thợ bánh. Em làm gì nào?
- Em hai mươi mốt tuổi, thất nghiệp! Nhưng mà này, em có thể làm nghề người mẫu đấy! Chị thấy sao? Người mẫu, diễn viên?
Mạnh giả bộ nghiêng người qua một bên, lấy một tay vuốt tóc, rồi hếch đầu lên, mắt chớp chớp nhìn tôi. Thấy tôi cười không nói gì, anh chàng càng làm điệu bộ tợn:
- Chị không thấy à? Da đẹp, dáng xinh, mặt ăn hình này. Đứng với em, Lee Jun Ki (một diễn viên thần tượng của Hàn Quốc) còn phải ghen tị ấy chứ.
- Phải rồi! Hợp lắm! À, mà lúc nãy em định gọi chị có chuyện gì vậy?
Khuôn mặt đang giỡn của Mạnh tự nhiên trầm lại:
- Nói gì nhỉ, em quên mất rồi!
- Chán em quá. Thôi chào! Chị đi đây!
- Tạm biệt, Vi An.
Câu nói cuối của Mạnh du dương như những nốt nhạc.

***

Khoe ngay lập tức! Đó là điều duy nhất tôi muốn làm lúc này, và đã làm một cách nhiệt tình. Kết cục là tôi gửi một mớ email cho Bertrand, cho các đồng nghiệp cũ ở Paris, và gọi tán loạn cho đám bạn ở Việt Nam, chỉ để khoe khoang rằng tôi đã được nhận vào làm ở New World. Nếu những người tôi gặp trên đường đi mà chịu lắng nghe tôi, thì tôi cũng muốn khoe cho bọn họ biết luôn nữa. Nhưng người ta vẫn thường hay nói việc gì giữ kín thì dễ thành, còn chưa chi đã đem khoe khoang là y rằng sẽ gặp điều không hay. Run rủi một nỗi, rằng cái điều rất – vô – căn – cứ trên nó lại vận đúng vào trường hợp của tôi. Tất nhiên, đó là chuyện xảy ra sau này. Còn hiện tại, tôi chẳng tội vạ gì mà giữ kín trong lòng.

Còn một người nữa chắc cũng đang sốt ruột chờ điện thoại của tôi, dì Lan! Phải gọi ngay cho dì mới được.
- Alo?
- Chào dì, con đây!
- Ôi, Vi An đấy hả con. Sao con biến mất cả ngày hôm nay vậy? Dì gọi cho con mấy cuộc mà không được! Chuyện khẩn con ơi. Tới ngay nhà dì đi.
Rồi điện thoại bị cắt. Tôi bấm nút gọi lại.
- Dì đang bận lắm. Con cứ tới đã nhé.

Tôi phụng phịu. Dì chả thèm hỏi thăm tôi lấy một câu. Dì đã quên hôm nay là ngày gì rồi à? Chẳng lẽ có chuyện gì quan trọng hơn chuyện cô cháu gái yêu quý của dì tham gia buổi tuyển dụng cam go hôm hôm nay chứ ?Tôi giả vờ khoác một cái mặt bí xì xị khi đứng trước chiếc cổng sắt sơn trắng, kiểu làm giả hàng rào gỗ; bấm liên hồi lên chiếc chuông cửa đã cũ mèm. Chiếc chuông cửa này hay ở chỗ là mặc cho bạn bấm mỏi tay cỡ nào, nó cũng chỉ kêu đúng ba tiếng. Căn nhà của dì Lan còn rất nhiều điều thú vị khác, giống hệt như chủ nhân của nó – bà dì độc thân yêu quý của tôi – người mà nhiều lúc tôi ngỡ là chị, chứ không phải là dì của mình nữa.- A, con gái! Vào đi cưng! – Dì Lan hồ hởi mở cổng. Chiếc cổng gỗ này chính là một điểm hay ho nữa của căn nhà. Nó thấp lè tè, nhìn thì người ta nghĩ ngay rằng chỉ cần nhón chân là bước qua, cần gì phải mất công đợi mở cổng. Ấy thế mà bạn nào hấp tấp thò chân qua chắc chắn sẽ "mắc câu". Vì nền sân bên trong thấp hơn nhiều so với vỉa hè, nguyên do trước kia trong sân có một cái rãnh nước, giờ đã cạn.

Không để ý đến bộ mặt khó coi của tôi, dì kéo tuột tôi vào trong nhà, sau đó tíu tít dắt vào phòng ăn. Trên bàn ăn là một mâm cơm được đậy lồng bàn. Dì ấn tôi ngồi xuống ghế.
- Ngồi xuống đây con. Túi xách vứt đại qua bên đó đi. Nhìn đây này con. Một, hai, ba! Tén tèn! – Dì vừa đếm vừa mở lồng bàn ra. Trên bàn ...chả có gì ngoài một tô phở đang bốc khói và một cái đĩa trống. Trên đĩa có một tấm thiệp nhỏ.
- Dì gọi con đến ăn phở ạ? – Tôi kinh ngạc kêu lên.
- Ờ thì ... Mà không! Ngốc, không. Gọi con đến là để đọc tấm thiệp. – Dì cầm nó ấn vào tay tôi. – Đó, con đọc đi.

Tôi nghi hoặc chậm chạp mở tấm tấm thiệp, nhận ngay ra nét chữ, nói một cách hoa mỹ là rồng phượng, nhưng bản chất đó là kiểu chữ "giun dế" vừa đọc vừa phải luận của dì Lan: "Chúc mừng con Vi An. Dì biết con sẽ làm được mà. Dì rất tự hào về con. Hãy chinh phục tất cả khách hàng của New World nhé!"
- Ôi dì ơi, - tôi cảm kích kêu lên. – Sao dì biết là con trúng tuyển để chúc mừng vậy?
- Giác quan thứ sáu đấy! – Dì tủm tỉm cười. – Nói vậy thôi chứ nghe giọng con hồ hởi nói "Chào dì con đây" trong điện thoại là dì biết rồi. – Dì kết luận.
- Còn tô phở này thì sao ạ?

Dì ngượng ngùng:
- Đúng ra theo bài bản thì phải nấu một mâm thịnh soạn để chúc mừng con. Mà một tuần nay dì bận quá. Dự án viết kịch bản phim mới với đạo diễn đã chính thức bắt đầu. Dì mua phở ngay đầu ngõ cho nhanh. Nhưng phở ở đó khá ngon đấy!
Tôi mỉm cười, thấy thương dì vô cùng. Dì Lan bốn mươi hai tuổi nhưng nhìn còn khá trẻ. Dì không lập gia đình. Trước đây dì làm trong ngành xuất bản, chuyên dịch truyện và viết sách về ngôn ngữ học. Một vài năm vừa qua, dì cộng tác viết kịch bản với các hãng phim truyền hình. Hình như dì có duyên với mảng này, vì phim của đạo diễn nào qua tay nhà biên kịch Hoàng Lan bao giờ cũng được người xem đón nhận liệt nhiệt. Người ta thường nhìn dì và nói "tài hoa bạc phước" – ám chỉ việc dì chưa lấy chồng. Nhưng cả tôi và dì đều biết rằng, điều đó chẳng mảy may khiến cho dì phiền lòng. Dì hoàn toàn hài lòng với cuộc sống của mình, say mê công việc và trân quý sự tự do tự tại của một người phụ nữ độc thân.

Trong khi tôi xì xụp ăn tô phở thịt bò tái đầy tú ụ, dì ngồi chăm chú xem một chồng tài liệu. Dì xem lướt lần lượt hết cuốn này đến cuốn khác, vừa xem vừa ghi chép vào một cuốn sổ nhỏ bìa da màu đen. Dì giơ một cuốn lên, đúng lúc hai hàm răng của tôi đang đánh vật với một miếng thịt bò dai một cách bất thường:
- Này Vi An, lại đây xem này. Anh chàng đẹp trai này là diễn viên chính của bộ phim đang khởi quay đấy! Anh ta khiến cho dì rất hứng thú với việc viết các tập phim tiếp theo. Chưa bao giờ dì thấy một diễn viên nam đẹp như thế này. Lại đây coi đi con.

Tôi ngừng ăn, chỉ ngẩng lên nhìn qua quýt rồi tiếp tục quay lại với miếng thịt bò nhai dở.
- Anh ta là một trong những người mẫu sáng giá nhất của làng thời trang Việt Nam hiện nay đấy. Mới nổi lên cách đây hơn một năm thôi, nhưng rất có triển vọng. Một vẻ đẹp vừa cổ điển, vừa phong khoáng.
- Chà chà. Đẹp cỡ nào mà lại khiến người đẹp Hoàng Lan khen không tiếc lời thế kia nhỉ? – Tôi trêu dì, rồi nhún vai thờ ơ: - Nhưng cứ nghe tới người mẫu là con dị ứng rồi. Toàn một kiểu rỗng tuếch. Người mẫu thì cứ ở trên sàn catwalk đi, còn đua đòi đóng phim làm gì không biết.
- Một số người rất có năng khiếu diễn xuất. Anh chàng này thì dì không rõ. Dì chỉ mới xem anh ta đóng quảng cáo thôi. Nhưng đạo diễn nói anh ta cũng có chút thực lực.

Tôi trể môi ra, bấm một cái móng tay giơ lên:
- Cũng có chút thực lực, tức là có tí tẹo thế này thôi này dì ơi.
- Ôi cái con bé này! À, mà chiều mai dì có khả năng sẽ gặp anh ta theo lời khuyên của đạo diễn. Con đi chung với dì nhé. Cơ hội để ta gặp người nổi tiếng.
- Con chả ham hố. – Tôi tuyên bố dứt khoát.- Con ở nhà ngủ.
- Hừm, lười quá. Con sẽ hối tiếc đấy. Dì đảm bảo con sẽ mê mệt anh ta từ cái nhìn đầu tiên.

Dì tôi nịnh nọt. Hứ, tôi hai mươi ba tuổi rồi, có phải xì-teen hay ô mai gì đâu mà còn mê những anh chàng người mẫu bảnh chọe chứ. Thú thật điều này nghe có vẻ hơi phiến diện, nhưng tôi tin chắc rằng những ai làm người mẫu thì học rất dốt. Có dốt mới làm nghề này, không thì họ đã thành công ở những lĩnh vực khác rồi. Mà tôi thì chắc chắn là không thể mê nổi một ai đẹp trai mà học dốt được!

Cuối cùng tôi cũng ăn xong tô phở, ngồi ỳ ạch xoa cái bụng no căng. Dì Lan dời mắt khỏi chồng tài liệu nói:
- Vi An, con ăn xong thì chạy ra tiệm bách hóa ngoài kia mua cho dì một ít bánh kẹo nhé!
- Bánh kẹo ư? Để làm gì ạ?
- Thì để cho cuộc hẹn ngày mai đó.
- Với tay người mẫu ấy ạ?
- Ừ, đúng rồi.

Dì tôi nói chắc nịch. Mua bánh kẹo để mai hẹn người mẫu nổi tiếng? Dì tôi có lẫn không vậy nhỉ? Chẳng lẽ dì Lan định dùng bánh kẹo để mua chuộc một người - hẳn đã qua cái tuổi thiếu niên nhi đồng của anh ta cả ngàn cây số? Thấy tôi vẫn còn chùng chình nghi hoặc đứng ở đó, dì nhướn mắt lên dò hỏi, rồi bất ngờ đập lòng bàn tay lên trán, cười phân trần:
- Ồ, dì quên mất chưa có nói rõ với con. Là thế này con ạ. Ngày mai, dì hẹn gặp anh bạn người mẫu, nhưng là gặp ở trại trẻ mồ côi Hoa Hồng. Đó là một trong những bối cảnh chính của phim. Đoàn làm phim kết hợp với một tổ chức tình nguyện sẽ tới thăm các em bé. Đồng thời cũng để đạo diễn, biên kịch, diễn viên và tổ quay phim gặp gỡ, trao đổi và khảo sát thực tế. Bánh kẹo mua là để cho các cháu nhỏ ở đó.
Tôi gật đầu, nhặt cái ví tiền lên:
- Có bao nhiêu em bé ở đó vậy dì?
- Gần năm chục cháu.

Một ý tưởng lóe trong đầu. Tôi reo lên hào hứng:
- Dì ơi, con có ý này. Con, tự tay con sẽ làm bánh cho các em bé ở Hoa Hồng. Một ổ bánh ga-tô thiệt lớn là lớn? Hay là bông lan vuông nhỉ? Không được. Phải là bánh kem. Các em nhỏ thích bánh kem. - Tôi bắt đầu mường tượng ra hình ảnh những khuôn mặt trẻ thơ cười rạng rỡ bên những ổ bánh xinh xinh. - Mà phải rồi, con biết món bánh gì là hợp nhất. Là cup cake đó dì. Là cup cake!

Dì tôi mỉm cười trìu mến, thu dọn lại các chồng tài liệu rồi đứng lên:
- Được rồi, con gái. Nhưng dì e là con phải làm bánh một mình. Dì nhường lại căn bếp cho con đấy. À, có một cái máy trộn bột đã cũ nằm ở xó xỉnh đâu đó trong phòng này. Con tìm lấy mà dùng. Dì lên lầu đây.

Dì vừa ôm đống giấy tờ, vừa mở tủ lạnh, lấy ra một hộp sữa chua dâu. Tôi tranh thủ ghé mắt vào xem có tận dụng được thứ gì để làm bánh không. Chiếc tủ lạnh lớn ba ngăn trống trải, chỉ có vài hũ yourt và mấy hộp sữa tươi. Rõ ràng là dì đang trong giai đoạn viết lách cật lực, hầu như không màng đến việc đi chợ hay nấu nướng. Tôi phải chạy ra tiệm bách hóa mua hầu hết nguyên vật liệu. Khuôn giấy thì bữa trước tôi mang tới nguyên một hộp chưa dùng tới. Phần khó nhất của buổi tối hôm nay là tìm ra cho được chiếc máy trộn bột đang ngủ vùi ở một góc nào đó trong bếp. Quả thật, đó là công đoạn vất vả nhất khi tôi làm mẻ bánh này cho các em bé ở trại trẻ mồ côi Hoa Hồng!

Trời đã khuya lắm! Tôi ngồi gà gật bên bàn ăn, canh mẻ bánh cuối; mơ màng ngửi thấy mùi ngọc lan trong đêm, được gió đưa từ ngoài hiên, qua cửa sổ, bay vào trong phòng. Những hình ảnh xa xưa hiện lên trước mắt tôi. Căn bếp nhỏ, buổi đêm yên tĩnh, mùi ngọc lan. Gần gũi như thể tôi đang nhìn vào bên trong một căn phòng khác qua cửa số. Một cô bé con khuôn mặt ngái ngủ nhưng vẫn cố thức ngồi đợi trên ghế. Và ba tôi, mặc một chiếc tạp dề màu trắng, đang kéo từ trong lò nướng ra một chiếc bánh ga-tô lớn. Nhưng thứ mà cô bé chờ đợi nãy giờ không phải là ổ bánh ga-tô đó, mà là một chiếc bánh nhỏ xíu nướng trong khuôn giấy hình chiếc cốc; được ba tôi làm từ khối bột thừa. Ba thổi chiếc bánh cho nguội bớt, rồi đưa cho cô bé. Cô bé tỉnh hẳn ngủ, ôm chiếc bánh nhỏ trong tay cười hạnh phúc. Đó là cup cake. Đó là một thứ bánh kì diệu, làm đầy ấu thơ của một cô nhóc bằng chính hình hài nhỏ bé của nó. "Con có biết cup cake còn được gọi là gì không?" "Là gì hả ba?" "Là fairy cake!" Fairy cake là gì hả ba?" "Là bánh thần tiên đó!"

Trại trẻ mồ côi Hoa Hồng hóa ra lại khá gần nhà tôi ở quận 12. Tôi và dì Lan đi tới đó bằng chiếc xe Inova của một người trong nhóm tình nguyện. Chiếc xe bảy chỗ mà nhồi đến tận mười người, lại toàn các bà to béo, hộ pháp, sức nước hoa nồng nặc. Tôi bị nhét vào trong góc, phải nép hẳn người vào cửa kính, trong khi tay chật vật bảo vệ chiếc hộp có đựng nhiều cup cake bên trong. Thật may tôi chưa phủ kem tươi lên mặt bánh, mà đem theo túi kem để tới nơi mới làm, chứ không thì đã bung bét hết cả.

Cuối cùng khi được giải phóng ra khỏi con xế hộp ngột ngạt, tôi phải tựa vào xe, ngửa cổ lên trời hớp hớp chút không khí trong lành. Dì Lan đeo lủng lẳng trên cổ một chiếc máy ảnh D90 hiệu Nikon, bước ngang qua tôi, buông một câu:
- Rốt cuộc cũng có người thay đổi ý kiến.

Cô thợ bánh và chàng người mẫuNơi câu chuyện tồn tại. Hãy khám phá bây giờ