"Nền văn minh tồn tại
bởi sự chấp nhận của địa chất,
nó có thể thay đổi mà không hề báo trước."| Will Durant |
---------------
|Chương 1 |
Chỉ có mình tôi ở nhà tối thứ Sáu hôm ấy. Chắc hẳn ai còn sống cũng đều biết tôi đang nói về thứ Sáu nào. Mọi người vẫn nhớ như in họ đã ở đâu và làm gì vào ngày hôm ấy, giống như việc bố mẹ tôi luôn nhớ về sự kiện ngày 11 tháng 9. Có điều, lần này mọi chuyện còn tồi tệ hơn rất nhiều. Cùng với nhau, chúng tôi đã vĩnh viễn mất đi thế giới cũ của mình, và trượt một mạch từ cái kén hiện đại đầy tiện nghi xuống vùng đất địa ngục nơi chúng tôi đang cư trú. Cái thế giới trước- ngày-thứ-Sáu của trường học, điện thoại di động và tủ lạnh giờ đã biến thành thế giới hậu-thứ-Sáu của tro bụi, bóng tối và đói nghèo.
Ngày thứ Sáu hôm ấy bắt đầu bình thường như bao ngày khác. Tôi đã cãi nhau với mẹ sau khi từ trường về. Nhưng chuyện đó cũng là bình thường; mẹ con tôi cãi nhau suốt ngày. Và luôn về những vấn đề muôn thuở: Các thói quen xấu của tôi, chuyện tôi thường xuyên thức khuya chơi điện tử, chuyện tôi hay vứt quần áo lung tung vương vãi trên sàn nhà tắm... Tôi vẫn nhớ hầu hết nội dung cuộc cãi vã ngày hôm ấy giữa hai mẹ con. Giờ đây chúng là thứ tài sản quý giá nhất mà tôi vẫn còn gom góp và lưu giữ lại được về mẹ. Nếu bảo tôi đánh đổi cả cánh tay phải của mình cho bọn ăn thịt người chỉ để được tranh cãi với mẹ một lần nữa tôi cũng sẵn sàng.
Trận cãi vã cuối cùng của chúng tôi liên quan đến một ngôi làng tên là Warren, thuộc tiểu bang Illinois. Gia đình bác tôi sống ở đó, trong một trang trại nhỏ gần Công viên Quốc gia Apple River Canyon. Lúc nghe mẹ thông báo cả nhà sẽ đến nhà bác chơi vào cuối tuần, Rebecca – cô em gái bướng bỉnh của tôi thiếu điều nhảy ra khỏi ghế vì sung sướng. Còn bố tôi, vẫn với cái giọng thờ ơ thường ngày, lầm bầm nói "Nghe hay đấy, bà xã". Vì thế việc tôi từ chối không muốn đi đã mở đầu cho một chuỗi đấu khẩu giữa hai mẹ con cho đến khi cả nhà đi mà không có tôi vào chiều thứ Sáu hôm ấy.
Câu cuối cùng mẹ nói với tôi là "Tại sao chuyện gì con cũng phải chống đối mẹ tới cùng thế hả Alex?" Mẹ đứng cạnh cửa xe ô tô, mệt mỏi cùng gương mặt chán nản tới mức thê thảm. Nhưng rồi mẹ cũng khẽ mỉm cười và dang tay ra như muốn ôm tôi. Nếu tôi biết rằng mình có thể sẽ không bao giờ được cãi nhau với mẹ lần nào nữa, có lẽ tôi đã đáp lại. Có lẽ tôi đã bước tới ôm mẹ thay vì quay mặt bước đi.
Thành phố Cedar Falls, bang Iowa nơi tôi đang sống không phải quá xa hoa hay náo nhiệt gì nhưng so với Warren thì nó không khác gì New York. Hơn nữa tôi còn có máy tính và bạn bè ở Cedar Falls. Trang trại của bác tôi cũng chẳng có gì ngoài mấy con dê. Vừa hôi vừa bẩn. Nhất là đám dê dực, hôi không kém gì lũ chồn hôi. Tôi thà chết chứ không muốn ở gần chúng một giây một phút nào.
Tôi sung sướng vẫy tay chào tạm biệt bố mẹ và em gái, trong lòng có chút bất ngờ vì đã thắng được mẹ lần này. Trước đây cũng đã từng ở nhà một mình – dẫu gì tôi cũng sắp tròn 16 tuổi rồi. Nhưng được ở nhà một mình nguyên cả hai ngày cuối tuần như thế này thì đây là lần đầu tiên. Tôi có hơi thất vọng khi không nhận được bất kì lời cảnh cáo hay cấm đoán tiệc tùng nào từ mẹ. Có lẽ bởi mẹ quá hiểu tôi và khả năng giao du của tôi. Giỏi lắm tôi cũng chỉ rủ được mấy đứa bạn đầu to mắt cận của mình đến nhà chơi điện tử, chứ bảo tôi tổ chức một bữa tiệc toàn trai xinh gái đẹp và rượu bia thì quả thực là điều không tưởng.
Tôi đứng nhìn theo xe của cả nhà cho tới khi khuất hẳn, sau đó đi vào trong nhà và lên gác. Nắng chiếu rọi vào cửa sổ phòng ngủ chói chang làm tôi phải giơ tay kéo kín rèm lại. Phòng tôi ngoài cái giường ngủ và tủ quần áo ra chỉ có một cái bàn và và cái giá sách bằng gỗ thích to chình ình do bố tôi tự tay đóng từ vài năm trước. Tôi không có TV, thêm một chủ đề nữa mà hai mẹ con tôi từng tranh cãi với nhau, nhưng chí ít tôi vẫn còn một cái máy tính tốt. Giá sách của tôi chất đầy trò chơi điện tử, sách lịch sử và tiểu thuyết khoa học viễn tưởng. Có thể với nhiều người đó là lựa chọn không bình thường nhưng với tôi chúng là lịch sử của quá khứ và tương lai.
Trong căn phòng này, thứ duy nhất thực sự có ý nghĩa đối với tôi có lẽ là cái khung kính trưng bày toàn bộ mười đai taekwondo mà tôi từng đạt được: bắt đầu từ trắng, vàng và da cam, kết thúc ở nâu, đỏ, và đen. Tôi học taekwondo từ năm năm tuổi nhưng phải đến lớp Sáu – năm của các vụ ức hiếp và bắt nạt, theo kí ức của tôi – tôi mới dùng đến nó. Tôi cũng không chắc là do mình lớn nhanh hay vì cuối cùng tôi cũng thực sự chuyên tâm rèn luyện, sau nhiều năm trời chỉ học buổi đực buổi cái, mà lâu nay không còn ai bắt nạt tôi nữa. Giờ có lẽ đám đai đó đã cháy rụi hoặc bị chôn vùi dưới lớp bụi tro – hoặc có thể là cả hai.
Tôi bật máy tính lên trong khi nhìn chằm chằm vào cái bìa quyển vở Lượng giác trong khi chờ máy tính khởi động. Tôi từng cho rằng những giáo viên đến cuối tuần còn không tha cho học sinh, vẫn giao bài tập bắt về nhà làm xứng đáng bị trừng phạt phải ngồi chấm bài vĩnh viễn dưới địa ngục. Giờ đây khi đã nếm mùi địa ngục là như thế nào tôi lại cho rằng việc ngồi chấm bài vĩnh viễn ấy có lẽ cũng không đến nỗi tệ. Sau khi nhìn màn hình Windows hiện lên, tôi gạt quyển Lượng giác sang một bên và tải game World of Warcraft (WoW) về chơi. Tôi đã nghĩ bài tập để tối Chủ Nhật làm cũng vẫn kịp.
Không ai trong đám bạn tôi trên mạng, vì thế tôi cho nhân vật của mình lên Storm Peaks thực hiện mấy nhiệm vụ hàng ngày và cày ít vàng (farm gold). WoW từng là một trong số ít những điều thực sự khiến tôi hứng thú. Các nhiệm vụ hàng ngày giúp cho đầu óc tôi bận rộn, mặc dù tôi đã thực hiện đi thực hiện lại hàng chục lần. Thâm chí đến cả công việc nhàm chán nhất là cày vàng cũng mang lại cảm giác thỏa mãn cho tôi khi kiếm được coin, tăng thêm sức mạnh cho nhân vật của mình, và săn được món đồ gì đó. Lâu lâu tôi lại phải tự nhắc bản thân rằng mọi thứ trong máy tính chỉ là ảo, nếu không chắc tôi đã trở thành con nghiện game từ lâu rồi. Giờ tôi tự hỏi không hiểu sẽ còn ai chơi World of Warcraft này nữa hay không.
Ba tiếng sau tôi đã kiếm được hơn 1000 gold và đó là dự cảm đầu tiên của tôi về một tối thứ Sáu không bình thường. Có một sự rung lắc nhẹ, mà tôi đoán có thể là động đất, mặc dù ở Iowa chưa từng xảy ra động đất.
Điện trong nhà phụt tắt. Tôi đứng dậy mở cửa rèm ra. Tôi đã hy vọng rằng ngoài trời vẫn chưa tắt nắng hẳn, đủ để tôi đọc thêm một lúc nữa.
Và rồi nó xảy ra.
Tôi nghe thấy có tiếng rạn nứt, giống như lần bố tôi đốn hạ cây sếu sau vườn hồi năm ngoái, chỉ có điều tiếng động lần này to hơn rất nhiều. Như thể một rừng cây sếu đang cùng lúc đổ xuống. Sàn nhà bất ngờ nghiêng, làm tôi ngã dúi dụi sang phía bên kia của căn phòng, tay chân chới với không kịp bám vào cái gì. Tôi hoảng hốt hét lên nhưng tiếng hét ấy ngay lập tức đã bị nuốt chửng trong tiếng nổ lớn và theo sau đó là một tiếng rít dài, thứ âm thanh ta vẫn thường nghe thấy trong các bộ phim chiến tranh khi pháo được bắn ra, chỉ có điều theo thứ tự ngược lại. Lưng tôi đập mạnh vào bức tường đối diện, cùng lúc với cái bàn đang trượt thẳng về phía tôi. Tôi cuộn mình lại, hai tay ôm lấy cổ, thầm cầu nguyện trong chớp nhoáng không bị cái bàn kia nghiền nát. Nó lăn tròn trong không khí trước khi va vào vai phải của tôi và dừng lại cách đầu tôi khoảng vài phân, tạo thành một khoảng tam giác nhỏ giữa sàn nhà và bức tường. Tôi lại nghe thấy một tiếng nổ nữa va mọi thứ rung lên bần bật trong một giây.
Trong những bộ phim trước đay tôi từng xem, nhân vật chính dù bị ném tả tơi, thê thảm thế nào cũng sẽ đứng bật dậy mà không hề hấn gì, lại tiếp tục đi chiến đấu với nhóm người xấu như thường. Thế nhưng thay vì ngồi dậy và gạt cái bàn sang một bên đẻ tìm hiểu xem chuyện gì đã xảy ra với ngôi nhà của mình, tôi chỉ biết nằm đó, cuộn tròn người lại và run bần bật vì sợ hãi. Mọi thứ tối đen như mực bên dưới cái bàn này. Tai tôi ù đặc đi vì tiếng nổ lớn khi nãy, giờ mà có cả một dàn kèn trống đi qua chắc tôi cũng chẳng nghe thấy gì. Bụi bay mù mịt khắp nơi, tôi phải kìm nén để không hắt hơi.
Tôi nằm im trong cái tam giác ấy khoảng một phút, hoặc cũng có thể lâu hơn. Cho tới khi toàn thân bớt run và tiếng ù trong tai cũng bắt đầu tan dần. Tôi thận trọng giơ tay chạm thử vào vai phải, nó hơi sưng và đau. Nhưng tay tôi vẫn hơi cử động được chứng tỏ chưa gãy. Có lẽ tôi sẽ tiếp tục nằm đó kiểm tra các vết thương khác nếu không phải tự dưng ngửi thấy mùi cháy.
Luồng khói trăng bốc lên đủ khiến cho nỗi sợ hãi của tôi chuyển từ trạng thái run rẩy sang hoảng loạn. Trong đầu tôi chỉ nghĩ duy nhất được một điều: cần phải thoát ra khỏi đây, càng nhanh càng tốt. Trên đầu tôi vẫn còn chút khoảng trống, bên dưới gầm bàn vẫn còn đủ chỗ cho tôi duỗi tay, nhưng tôi lại không thể thoát ra ngoài từ đường đó bởi vì nó đã bị cái giá sách bít chặt.
Mùi cháy càng lúc càng nồng nặc. Tôi giơ tay trái đẩy thử cái bàn trên đầu. Trước đây tôi đã nhiều lần di chuyển nó quanh phòng và không gặp chút khó khăn nào. Vậy mà giờ đây khi tôi cần dịch chuyển nó nhất thì nó chẳng hề nhúc nhích, dù chỉ một phân.
Vì thế chỉ còn một cách là thử thoát ra từ đằng chân. Nhưng tôi lại không thể duỗi thẳng chân, chúng đang chạm vào cái gì đó ở mép bàn. Tôi co chân đạp thật mạnh. Nó hơi dịch chuyển một chút. Có thêm động lực, tôi luồn tay qua giá sách bám vào cái khung phía sau để lấy điểm tựa. Nhưng rồi giật mình rụt vội tay lại, bức tường đằng sau giá sách đang ấm lên từng giây. Chưa đủ để làm bỏng tay tôi nhưng đủ để tôi mường tượng ra số phận bi thảm của mình nếu không thể thoát ra khỏi đây càng nhanh càng tốt.
Một nỗi khiếp sợ mới dâng trào trong tôi. Nỗi sợ bị mắc kẹt. Bị thiêu sống. Giữa không gian chật hẹp tù túng. Tôi bắt đầu thở gấp. Tôi hít phải đầy một bụng bụi và ho sặc sụa.
Alex, bình tĩnh lại, tôi tự nhủ với bản thân. Tôi hít hai hơi thật nhanh bằng mũi rồi từ từ thở ra bằng miệng, cố gắng điều hòa lại nhịp thở của mình, giống như cách tôi vẫn làm sau một mỗi trận đấu tay đôi ở lớp teakwondo. Tôi có thể làm được.
Tôi chống tay vào tường lấy đà đạp thật mạnh. Vật cản dưới chân tôi khẽ dịch chuyển. Tôi gầm lên và tiếp tục đạp điên dại. Không phải vô cớ mà những người học võ luôn hô to mỗi khi đạp vào tấm bảng gỗ, nó khiến chúng tôi mạnh mẽ hơn. Tôi cảm nhận được sự dịch chuyển dưới chân mình và tiếp theo đó là tiếng đổ rầm của một vật gì đó bằng gỗ. Vôi vữa rơi lả tả xuống mắt cá chân tôi mà tôi đoán là từ những mảnh thạch cao trên tràn nhà. Tôi đạp nhẹ thêm một lần nữa và hai chân tôi hoàn toàn tự do.
Nhích lùi từng chút một theo cái lỗ mới vừa tạo ra, tôi cảm nhận được bầu không khí bên ngoài càng lúc càng nóng lên. Mồ hôi bắt đầu rỏ ròng ròng trên mặt tôi. Chân tôi lại chạm phải cái gì đó cứng ngắc. Và lần này dù cố gắng thế nào tôi cũng không di chuyển được nó. Tôi đành gập đôi người lại và vặn người quanh bàn theo hình chữ L, lách qua khoảng trống giữa rần nhà nay đã đổ sụp, và bàn học. Tôi cứ thế lùi dọc theo rầm nhà, trên cái sàn nhà đổ nghiêng; trườn đầu và vai qua khe hở giữa mảng trần nhà và là nơi từng là căn gác xép chưa sửa xong của tôi.
Một bức tường nhiệt ập vào mặt tôi, như thể không may mở phải cái nắp lò nướng với khuôn mặt để quá gần cửa lò. Ngọn lửa bắt đầu liếm vào căn gác phía trên căn phòng ngủ giờ chỉ còn là một đống gạch vụn của em gái tôi, lan rộng ra xà nhà và toàn bộ phần còn lại của trần nhà. Khói bốc lên nghi ngút. Mặt trước của căn gác đã sập hoàn toàn, rầm nhà cũng nghiêng theo chiều gần như thẳng đứng. Chỉ duy có mặt sau của căn gác là trong có vẻ gần như nguyên vẹn. Qua cái lỗ tròn trên trần nhà từ phía phòng ngủ của em gái tôi, một mảng trời xanh ngát từ từ hiện ra giữa làn khói và ánh lửa bập bùng.
Tôi cố trườn theo cái rầm nhà thẳng đứng, tìm mọi cách để chui được ra phía căn gách xép. Lòng bàn tay ướt đẫm mồ hôi, cái nóng dưới lưng chính là động lực thôi thúc tôi bò ra khỏi đó.
Phía sau căn gác trông hoàn toàn bình thường ngoại trừ lớp khói và bụi dày dặc. Tôi khẩn trương bò qua rầm nhà tới chỗ mấy cái hộp đựng đồ trang trí Giáng sinh mà mẹ tôi vẫn thường để cạnh cái thang kéo.
Chật vật mất một lúc tôi mới mở được thang ra, thường thì chúng tôi có cái dây để kéo từ hành lang bên dưới. Tôi bò lên thang, hi vọng với trọng lượng của mình nó sẽ tự rơi xuống và mở ra. Cũng may là một tay tôi vẫn còn lành lặn nên đã bám kịp vào thang đúng lúc cái chốt bật ra. Nhưng cú va đập khiến cho hai đầu gối tôi bị trầy xước nặng nề.
Xuống đến tầng hai, tôi cúi thấp đầu để tránh hít phải khói và nhanh chóng di chuyển tới chỗ cầu thang. Phần này của căn nhà dường như không bị ảnh hưởng gì lắm. Vừa bước xuống tới tầng một, tôi nghe tiếng đập cửa và tiếng gọi từ phía sân sau. Tôi chạy ra sau nhà và ghé mắt qua cửa sổ. Chú Darren, hàng xóm đối diện bên kia đường, đang ở bên ngoài. Tôi vội vàng mở khóa và mở toang cửa ra.
"Ơn Chúa" Chú Darren nói. "Cháu không sao chứ Alex?"
Tôi bước ra ngoài sân, cúi gập người hít một hơi thật sâu cho luồng không khí sạch tràn vào hai lá phổi nãy giờ đang hít phải quá nhiều khói bụi của mình.
"Sao trông cháu tơi tả thế này? Cháu không sao chứ?" Chú Darren lại hỏi.
Tôi cúi xuống nhìn lại bản thân. Từ "tơi tả" vẫn là còn quá nhẹ. Mồ hôi chảy ướt đẫm cái áo phông và quần bò tôi đang mặc, trộn lẫn với thạch cao và gạch vữa, và khói bụi tạo thành một lớp bùn nhờ nhờ đặc quánh phủ từ đầu tới chân tôi. Chỉ tới khi nhìn thấy vết máu trên quần tôi mới nhận ra lòng bàn tay mình bị một vết cắt dài từ bao giờ không hay.
Tôi liếc nhìn xung quanh, các nhà hàng xóm trông vẫn ổn. Nhưng rõ ràng có gì đó không ổn. Tiếng ù trong tai tôi gần như đã tan hết, nhưng phải mất một lúc tôi mới nhận ra: mọi thứ đang yên lặng như tờ. Không một tiếng chim hay côn trùng. Thậm chí cả tiếng dế.
Đúng lúc đó chú Joe, chồng của chú Darren, chạy tới, tay cầm chiếc xà beng dài chừng 1 mét. "May quá cháu thoát được rồi. Chú còn đang định phá cửa."
"Cháu cảm ơn. Hai chú gọi cứu hỏa chưa ạ?"
"Chưa..."
Tôi dang hai tay, tròn mắt nhìn họ.
"Chú đã thử gọi rồi... nhưng điện thoại bàn nhà chú không có tín hiệu. Di động thì báo mất sóng trong khi bình thường lúc nào cũng đầy 5 vạch."
Tôi đứng nghĩ thêm khoảng hai, có thể ba, giây nữa rồi quay lưng chạy đi.
YOU ARE READING
Tàn tro - Mike Mullin
FantasyRất nhiều du khách tới Công viên Quốc gia Yellowstone không hề biết rằng các suối nước nóng và mạch nước phun ở đây được tạo ra bởi một siêu núi lửa đang "ngủ yên" có tên là Yellowstone. Nó to đến nỗi miệng núi lửa chỉ có thể được nhìn thấy từ trên...