"Khi mặt trời mọc, con linh dương biết nếu nó chạy không nhanh nó sẽ làm mồi cho cọp. Mỗi ngày mặt trời mọc, con cọp cũng biết nếu nó không chạy nhanh bằng linh dương thì nó sẽ chết đói. Tôi không phải linh dương, cũng không phải cọp. Nhưng tôi biết nếu không chạy hết sức, tôi không thể tồn tại”.
Tôi hay có những giấc mơ dài, yên ả, nối tiếp nhau từ ngày này sang ngày khác, gắn kết với nhau bền chặt. Và tôi vẫn dựa vào đó để an ủi mình trong cuộc sống đầy phức tạp của tôi.
Tôi đã từng có một người anh song sinh. Bà ngoại tôi kể, khi chúng tôi ra đời, người làng tránh xa gia đình tôi bởi vì chúng tôi là một cặp song sinh khác giới. Họ nói chúng tôi sẽ gây ra tai họa. Lớn lên tôi nghĩ những suy nghĩ mê tín đó thật buồn cười. Bố mẹ tôi cũng vậy, họ gạt bỏ hết những lời dọa nạt rằng, nếu không tách chúng tôi ra, hoặc không đi cắt tiền duyên cho chúng tôi thì hai đứa con sẽ chẳng sống nổi. Nhưng tôi và anh cứ thế lớn lên, lớn lên trong những dị nghị, lớn lên trong những mê tín, những hủ tục của xóm làng. Mọi người ai cũng nói chúng tôi là hai đứa trẻ không bình thường, ít nói, trầm tính, chỉ biết chôn vùi tuổi thơ vào những nốt nhạc. Mẹ tôi là một giáo viên dạy piano.
Năm bảy tuổi, anh tôi chết đuối. Chỉ là một tai nạn chẳng ai ngờ tới. Hàng xóm xì xào, chỉ trỏ. Bố tôi im lặng, mặt mày tái nhợt. Mẹ tôi vật vã khóc trước quan tài anh, chẳng cho ai phúng viếng, các bác tôi đến mẹ đều lắc đầu: “Các bác đừng vào, con em đang ngủ!”. Thỉnh thoảng mẹ lại cầm dao gọt gọt quả xoài, lấy khăn lau ảnh thờ của anh và dỗ dành: “Dương dạy ăn xoài này, đừng ngủ lâu thế con”.
Khi mọi người dần dần chấp nhận sự thật, cuộc sống lại quay lại quy trình vốn có của nó. Tôi vẫn đi học mỗi ngày. Mẹ tôi bao bọc tôi hơn trước. Hình như mẹ sợ phải mất thêm tôi. Tên Lê Ngọc Dương bị xóa khỏi danh sách lớp. Lúc ấy tôi thấy hụt hẫng đến nỗi khi cô điểm danh đến tên Lê Ngọc Vĩ, tôi im lặng không thể nói được lời nào. Rồi điểm danh cô giáo chẳng gọi tên tôi nữa, cô thường nhìn tôi và gấp sổ lại. Tôi lặng lẽ thu mình trong góc lớp học.
Tôi vẫn gặp anh tôi trong những giấc mơ. Chúng tôi vẫn cười khúc khích và chơi cùng nhau những bản nhạc quen thuộc. Sáng tỉnh dậy, tôi chạy sang phòng anh, lục tung giường rồi ngồi bệt xuống chân chiếc piano của anh mà gào khóc. Chiếc piano to, mặt gỗ lạnh cóng. Bố chạy vào bế tôi ra ngoài. Tôi vùng vẫy, cào tay bố xước dài từng đường. Sau hôm đó mẹ khóa phòng của anh lại và dấu chìa khóa đi. Khi ấy, tôi mới dần nhận ra sự mất mát quá lớn lao mà mình phải đối mặt, tôi đã quen có anh bên cạnh từ khi còn ở trong bụng mẹ. Mẹ tìm mọi cách dạy tôi phải chấp nhận, mãi đến sau này khi lớn thêm một chút, tôi mới tự ép mình suy nghĩ rằng, không có thói quen thì không có điểm yếu.
∗ ∗ ∗
Bố tôi bắt đầu uống rượu, uống nhiều hơn bao giờ hết. Lúc đầu tôi thấy bố hay ngồi trong phòng và nhấp từng ngụm rượu trắng. Rồi bố cầm cả chai, ngồi nghe những bản nhạc mà ngày trước mẹ tập cho hai anh em tôi và uống. Dần dần tôi thấy không lạ gì hình ảnh bố khật khưỡng cầm chai rượu đi khắp nhà vào ban đêm. Đến một ngày, bố giật tung cánh cửa xếp nhà vệ sinh, xông vào phòng ngủ đập lên tục vào mặt mẹ. Tôi hốt hoảng chạy đến ôm mẹ gào khóc. Cánh cửa đập vào tay tôi nóng rát. Bố tôi vừa đánh, vừa gằn lên giận dữ: “Trả con cho tao”. Mắt bố đỏ lõi. Mắt tôi nhòe đi. Khi ấy, tôi chín tuổi.
BẠN ĐANG ĐỌC
(Full) Người Đi Bán Nắng -Minh Mẫn
RomanceMyo: Có chút gì đó sâu lắng trong cảm xúc của Mẫn khi viết nên tác phẩm này, tôi đã đọc xong từ lâu, nhưng dư âm của nó vẫn còn mãi trong lòng. Từng câu chuyện là một giai điệu nhẹ nhàng của bản hòa ca cuộc sống. "Người đi bán nắng" có một mùi vị rấ...