I
Chưa có việc làm, tôi thấy chán nản vô cùng. Những ngày nhàn rỗi đằng đẵng nối tiếp. Để khuây khỏa nỗi buồn thất nghiệp, tôi thường đến nhà các bạn chơi. Tôi hay đến Dụ nhất. Không phải tôi thân với anh hơn các bạn kia. Nhưng vì một lẽ khác. Vì ông Trạch. Người kép tuồng đã về già.
Ngày mới đến, tôi cũng không chú ý đến ông ta lắm. Con người gầy còm và xanh xao ấy, lúc nào cũng giữ một vẻ thầm kín và tư lự.
Dụ ghét ông ta lắm. Nói ra miệng, bằng giọng cay nghiệt:
- Ngày nào cũng phải cung 15 phân thuốc đấy. Mà chẳng được tích sự gì.
Như biết phận, ông chỉ thậm thụt trong gian buồng lụp sụp, ẩm thấp. Cứ tối đến lại leo lắt ánh đèn dầu lạc và tiếng "ro ro" rầu rĩ đưa ra.
Có một bận tôi đánh cờ với Dụ. Không hiểu vui sướng điều gì, có lẽ vì no phiện, ông Trạch hứng chí mần mấy câu tuồng cổ. Giọng ông khô khan nghe chán chường và rè rè như tiếng thuốc phiện chui qua nhĩ. Đang bực mình về nước bí, Dụ không còn nghĩ đến lựa lời. Anh gắt lên một câu rất trịch thượng.
- Gớm "cậu"! Làm gì mà ồn lên thế.
Tiếng "cậu" anh nói nhanh và nhỏ gần như không nghe rõ. Trên bộ mặt tái của ông thoáng qua một nét giận nhưng rồi lại bình thản ngay. Một lúc lâu ông mới cười khẩy một tiếng, không nói gì.
Người kép già ấy, mặt răn reo vì có tuổi, tái xanh vì giang hồ. Mắt lờ đờ vì khói thuốc phiện, vì bao đêm không ngủ. Nhưng tôi thấy ở ông ta một vẻ rất sắc sảo, cái sắc sảo của những con hát. Vậy mà con người từng trải ấy đã chịu thua kém nín nhịn một thằng cháu nhãi ranh.
Từ đấy những lúc vui lắm ông mới hát khe khẽ tay thẫn thờ gõ nhịp xuống phản. Còn thường thường ông nằm đườn ra, đầu gối lên chiếc ấm bì, tay vắt qua trán, chập chờn ngủ. Hoặc ngồi xếp bằng. Hai mắt ngao ngán nhìn vào một khoảng không, tư lự. Có lẽ óc ông lúc ấy đang đi trở ngược lại thời lừng lẫy, tưng bừng ánh sáng và âm nhạc thuở trước.
Xưa kia ông là một con hát nổi danh. Rạp nào đón được ông là một mối lợi lớn. Mỗi lần ông kép Trạch "thủ bản" trưng ra là người ta rồn rập đến xem rất đông. Những chủ rạp tranh nhau đón.
... Thế rồi, tuổi xuân qua, đem cả giọng hát trong trẻo của ông đi. Vả tuồng cổ cũng đến ngày không được ai chuộng nữa. Người ta đã bỏ rơi ông trong một xó nhà quê hẻo lánh, với bao nhiêu là thiếu thốn, là tủi cực. Đột nhiên tôi thấy thương con người thất thế. Người cùng cảnh - tôi cũng thất nghiệp. Tuy không bị ai hắt hủi song những lúc mẹ tôi buồn rầu nhìn qua đôi kính lão mà hỏi: "Con đã tìm được việc chưa?" Thì tôi thấy long se lại. Và một niềm bực dọc ray rứt ngấm ngầm trong tâm tôi. Tôi nghĩ đến cảnh nhà thiếu thốn.
Lân la làm quen, tôi được ông Trạch coi như bạn. Ông gần gấp ba tuổi tôi. Mỗi lần sang chơi, ông vui vẻ gọi tôi lại bên bàn đèn:
- Bác Triệu? Lại đây nói chuyện cho vui.
Ông có vẻ hợp tôi lắm. Bên bàn đèn thuốc phiện, tôi đi sâu mãi vào trong đời ông hơn. Cuộc đời khi trước ông lần lần kể lại. Ông vừa nói vừa khoa tay làm dáng điệu, mắt trợn trừng trợn trạc như khi ở sân khấu, theo thói quen của ông. Ông kể lại những chuyện oanh liệt khi xưa để trút bớt nỗi buồn bực đè nén trong lòng bấy lâu. Bằng một giọng hằn học ông thường nói:
BẠN ĐANG ĐỌC
Kim Lân - Tuyển tập
Short Story"... Khi tôi viết, ý tưởng thường trực trong tôi là những người đói dù thế nào đi nữa vẫn luôn luôn khao khát cuộc sống tốt hơn, vẫn tin tưởng một cách mơ hồ vào cuộc sống tương lai. "