"Cơm vợ thì ngon
Cơm con thì đắng"
- Cái thân tôi cũng là thân tội ở nhà này. Sao mà nặng quả kiếp thế!
Giọng gằm gằm bứ hơi men của thằng cha cả Anh vang lên trong mấy gian nhà tranh lụp xụp. Không khí nặng nề, u uất hơn. Hắn càng tức bực, càng muốn đập phá, muốn cãi nhau.
- Ông làm tôi không ngóc đầu lên được, mà về đến làng đến nước nữa.
Chiều nào cũng vậy, rượu vào, cả Anh lại cà khịa với cụ nhiêu Móm, ông thân sinh ra hắn. Vợ, hắn quyết là không dám rồi; tuy say hắn cũng hiểu rằng lôi thôi với con mụ la sát ấy là không xong; hôm sau đừng hòng có rượu uống. Con hắn, vợ hắn binh chằm chặp, hắn cũng không dám nốt. Thành ra bao nhiêu nỗi bực tức khi say, cả Anh đổ dồn vào đầu ông bố già nua vô dụng: Thôi thì móm mém, thôi thì cập kèm, đủ các thứ bẩn mắt.
Cả Anh còn nghiệm ra: mỗi lần hắn khới chuyện với bố thì xem chừng con mụ vợ bằng lòng lắm. Và đồ nhắm có phần tươm tất hơn.
Uống một hơi cạn chén rượu, cả Anh thở đánh khà một cái; hắn đưa cặp mắt đỏ lầm lầm nhìn bố. Cụ Nhiêu ngồi ở phản bên bón cơn cho cháu. Bộ mặt hom hem, tái bủng không hề lộ ra một nét giận.
Trông cái bộ dạng biết phận của bố, cả Anh càng thêm khó chịu; hắn dằn đĩa xuống mâm, sẵng giọng:
- Mấy cái mâm của tôi bây giờ ông tính sao?
- ...
- Ô hay! Sao tôi hỏi, ông lại không thèm trả lời?
- Thì rồi tôi khắc bảo vợ chồng nó thu xếp trả anh chị chứ sao.
Cả Anh dề cặp môi ướt bóng, nhại:
- Khắc thu xếp trả anh chị chứ sao!... Ông có biết bao nhiêu tiền năm chiếc mâm ấy của tôi bây giờ không?
Câu chuyện này chiều nào hắn cũng giở ra dằn vặt ông cụ. Hồi xưa, cụ Nhiêu lo vợ cho thằng thứ hai thiếu mất dăm chục bạc. Cụ đành đánh liều cầm mấy chiếc mâm của cả Anh đi. Ai ngờ quá hạn, không chuộc được. Những tưởng chỗ anh em thì làm gì cái vặt ấy. Vả lại bao nhiêu dấn vốn dành dụm được khi trước, cụ đem trút cả cho thằng trưởng; thì dẫu cụ có tiêu lạm dăm chục bạc của hắn để lo công việc cho thằng em, thiết tưởng hắn cũng chẳng thiệt nào. Cụ nghĩ bụng các con cũng như bụng mình.
Cả Anh vẫn lèm bèm nói:
- Thật, tôi có được nhờ ông cái gì không phải.
Cụ Nhiêu vờ đi như không nghe tiếng, thản nhiên xúc một cùi dìa cơm cho cháu:
- Nào! Cháu ông ngoan quá, ăn một lúc cứ là hết ngay ba bát cơm cho mà xem. Chứ chẳng bỏ bứa như anh Kề nhớn đâu.
Kề con thích chí liến láu:
- Ăn hết bát này ông yêu cháu ông nhớ. Ông ẵm chú đi chơi phố nữa nhớ... Hầy, hầy, đếch cho anh Kề nhớn đi, ông nhỉ.
Vợ cả Anh đi qua lườm con, mụ hừ một tiếng. Thằng bé đang vui xịu mặt lại.
Từ ngày già yếu không kiếm được tiền nuôi thân nữa, phải về ăn báo con, thì từ con dâu đến các cháu đứa nào cũng ra ý hách dịch, gây sự với cụ. Cụ thấy cái thân ăn báo nó đắng cay nhục nhã muôn phần. Đã nhiều lần, cụ định về quê ở với thằng hai - nó thì có bụng đấy - khốn, nó nghèo, lại nheo nhóc một đàn con. Nên cụ nghĩ đã chán rồi: "Thà một mình mình chịu khổ còn hơn cả nhà thằng hai nó phải khổ vì mình".
BẠN ĐANG ĐỌC
Kim Lân - Tuyển tập
Short Story"... Khi tôi viết, ý tưởng thường trực trong tôi là những người đói dù thế nào đi nữa vẫn luôn luôn khao khát cuộc sống tốt hơn, vẫn tin tưởng một cách mơ hồ vào cuộc sống tương lai. "