Trả lại đòn

132 1 0
                                    

Lúc bấy giờ đã nhá nhem mặt người. Cảnh vật chìm
trong bóng chiều. Từng cơn gió lướt qua cánh đồng lúa chín lào xào, đưa một mùi thơm nhẹ nhàng, đặc biệt của nơi thôn dã về vụ này. Ở những làng mạc xa xa, sương dâng lên trắng nửa mình tre, làm cho phần ngọn đen sẫm lại. Từng tiếng chuông từ gác tam quan chùa Dận buông ra không trung, vọng xa xa, ngân nga và buồn não ruột. Nhưng cũng chưa buồn bằng cái giọng rì rầm của chú tiểu tụng kinh, non nớt và run rẩy như tiếng chim chưa ra ràng.
Hình như không để ý đến cảnh vật, đến tiết trời cuối thu lạnh lẽo, một người rẽ vào con đường viền găng đi thẳng vào cửa chùa Dận với một dáng điệu ung dung, nhàn nhã như một người nhàn tản.
Khách giơ tay gõ vào cánh cửa rêu mốc ba tiếng mạnh. Cánh cửa rít lên một tiếng như căm hờn. Một chú tiểu, tuy không trông rõ mặt, nhưng cứ nhìn bóng người cũng biết gã to lớn. Chú tiểu lễ phép hỏi:
- Ông hỏi gì nhà chùa đấy ạ!
Khách tươi cười:
- À, có gì đâu. Ta nhờ chú bạch với sư cụ rằng: "Có người ở xa đem biếu sư cụ một quả đào với đĩa xôi trắng nhé..." Thôi cứ vào trình thế.
Thật là vô lí. Làm gì có đào vào tháng chín này? Mà vô lí hơn nữa là khách chẳng đưa gì cho chú tiểu cả.
Cánh cửa khép chặt rồi, khách lại ung dung ngó trời, ngó đất, như nhà thơ tìm vần. Bỗng cánh cửa lại mở ra lần nữa. Và chú tiểu trả lời cũng vu vơ và vô lí ngang với lời ông khách nãy.
- Thưa ông, sư cụ chúng tôi đã xơi đào của ông cho rồi, và xin hoàn trả đĩa xôi lau lông đào đấy ạ.
Khách sung sướng reo lên:
- A! Nếu vậy chú đưa ta vào hầu sư cụ, mau!
Khách theo chú tiểu, đi qua con đường nhỏ, một bên là tường một bên là vườn cây, đến một chiếc sân gạch nhỏ rồi lên nhà tổ.
Dưới ngọn đèn dầu lạc chập ba bấc sáng trưng, nhà sư đang ngồi uống rượu. Thấy khách lạ vào, lão đặt chiếc xương đang gặm xuống bát, một tay che ngọn đèn về phía khách, lão nhìn ra tươi cười:
- Mời ông khách vào chơi tự nhiên, anh em nhà cả mà.
Khách nhanh nhẹn bước vào, vái chào:
- Chúng tôi được nghe danh sư cụ từ lâu, nay không quản đường đột vào đây, muốn được thừa tiếp vài giờ chẳng hay sư cụ có được rộng thì giờ không đấy ạ?
Nhà sư cười lớn:
- Ông khách kiểu cách quá. Làm gì mà to chuyện thế. Chúng ta hiểu nhau từ "quả đào, nắm xôi" rồi. Hà, hà. Tiện đây mời ông khách hãy cùng nhà chùa xơi rượu. Rồi muốn gì thì gì. Gọi là cái lễ tương kiến mà.
Khách không từ chối, điềm nhiên ngồi đánh chén với nhà sư như đôi bạn thâm giao.
Cái vẻ điềm tĩnh, lặng lẽ ít nói, ít cười mà rất suồng sã của khách trái hẳn với cái tính nông nổi, lỗ mãng, cười nói toang toang của nhà sư.
Khách có bộ mặt dữ tợn không hợp với vẻ trầm trầm mặc mặc và chiếc áo lương lướt mướt, chiếc khăn nhiễu tam giang chít chỉnh tề ôm lấy cái búi tóc có giắt lược ngà. Cái bộ mặt to lớn, thô kệch và gân guốc sạm đen. Cặp lông mày sâu róm xếch ngược trên tảng trán dô cao, chờm ra che cặp mắt trắng dã, tròn như ốc nhồi, nhìn vào đâu thì trô trố, không khớp. Cái mũi sư tử thấp tẹt sù sì, đỏ hỏn náu giữa hai chiếc xương lưỡng quyền nhô cao. Cặp môi dầy thâm sì như hai miếng thịt trâu chết vều lên để lộ bộ răng vẩu cải mả. Và cái quai hàm bạnh ra rất lớn, râu quai nón lâu ngày chưa cạo mọc ra tua tủa, đen sì như bôi nhọ nồi quanh mặt quanh mồm.
Khách chỉ trố mắt nhìn nhà sư trợn trừng trợn trạc và mỉm cười lặng lẽ. Cái mồm ấy mỉm cười lại càng dữ tợn hơn, nó gần như nhăn nhở, dọa nạt. Nhà sư trông còn hiền hậu hơn. Lão có một nước da trắng trẻo, hồng hào. Cái mũi dọc dừa nhòm xuống cái mồm mỏng dính, tỏ ra hay nói. Nhưng đến đôi con mắt thì thật là quỷ quyệt, gian hùng, nó nhỏ tí mà lúc nào cũng chớp chớp, nháy nháy, mỗi lần liếc nhanh coi rất bén, rất sắc sảo, ngời lên những ánh dữ tợn.
Rượu càng say, câu chuyện càng đậm đà. Nhà sư luôn luôn kể cho khách nghe những câu chuyện đâm chém người với đốt nhà lấy của. Những phen vào sinh ra tử, hay những lúc gặp đối thủ ngang tài, ngang sức thì lão cười lên sằng sặc, cười đỏ mặt tía tai, cười rũ rượi xuống cả mâm rượu, rúm cả mấy sẹo dài trên má. Nhà sư có vẻ thích chí lắm, say sưa lắm, và hãnh diện với người đối chuyện mình. Dường như trong đời lão lấy cái sự đâm chém người là cái thú để tiêu khiển. Những cử chỉ sỗ sàng và thân mật của họ như đôi bạn chí thiết lâu ngày gặp lại nhau kể lại những chuyện làm ăn cho nhau nghe trong những ngày xa cách ấy, ai dám bảo khách với nhà sư mới gặp nhau lần đầu, nhất là nhà sư chưa biết tên tuổi, lai lịch khách ra sao. Sở dĩ họ tin nhau như vậy cũng chỉ vì mấy câu nói lúc tương kiến: "quả đào và đĩa xôi trắng".
Đó là một lối tay chơi vùng này thử nhau. Người vào bậc đàn anh có "nghệ" lắm mới biết đến. Ví như nhà sư không hiểu gì, không biết trả lời ra sao thì không bao giờ khách vào chơi. Những mùa có đào họ dùng đào thật, xôi thật thử nhau. Kẻ nào ăn xôi, ấy là tầm thường không đáng kể, mà nếu có danh tiếng thì cũng chỉ là danh tiếng hão mà thôi chứ bản lĩnh không có gì. Không phải dân làng chơi.
Câu chuyện đâm chém người nhà sư khoe nghe chừng đã cạn, lão mới nhớ ra cái điều cần nhất mà lão chửa hỏi. Tợp một hụm lớn, nhà sư cười kha khá:
- Mải vui chén, quên cả hỏi quý danh. Vậy chứ ông khách ở về đâu ta đấy?
Khách mỉm cười mủm mỉm:
- Thưa sư cụ, tôi cũng là người phủ nhà đấy thôi ạ. Tôi là Chánh Bảy Đồng Kị.
Nhà sư kinh ngạc, trợn cặp mắt lươn lên, rồi sung sướng reo:
- A, ra ông khách là Chánh Bảy Đồng Kị đấy. Trời ơi! Thế mà cứ giấu nhà chùa mãi. Tôi được nghe anh em nói đến ông anh luôn. Ồ, sao hôm nay vui thế này. Chú Tinh đâu! Lấy thêm rượu nữa nhé. Hôm nay, ta còn phải uống nhiều. Hà, hà, hà, vui quá. Mời mời mời... ông Chánh.
- Sư cụ trụ trì chùa này được bao lâu rồi nhỉ?
- Lâu, lâu rồi, dễ có đến mười bảy, mười tám năm... Ôi chà! Sư với mô gì mình, ông bảo. Chẳng qua là nấp bóng cửa thiền làm ăn cho dễ đấy thôi, chứ thiết gì.
Lão ngừng nói tợp một hớp rượu, gắp một miếng thịt nhồm nhoàm nhai. Vừa nhai, vừa ngẫm nghĩ. Chợt lão hỏi:
- Nhà chùa chắc ông Chánh đến chơi bữa nay tất có việc gì sai bảo chứ chẳng không.
Chánh Bảy đặt chén khà một tiếng, đưa lưỡi liếm môi, lim dim con mắt, chậm rãi:
- Vâng, quả có thế, tôi muốn sư cụ đi với anh em chúng tôi một chuyến "chợ đồng".
Nhà sư vồ vập hỏi:
- Chợ đồng, chợ đồng à? Vui nhỉ? Ở đâu thế?
Chánh Bảy thủng thẳng trả lời:
- Ở Trang Liệt.
Mặt nhà sư co rúm lại đầy vẻ chán chường. Lão dề môi chối bai bải:
- Ối thôi thôi, tôi xin lỗi ông, tôi xin kiếu. Ở đâu chứ ở cái làng Trang Liệt, còn lí thú gì. Đi guốc vào ăn cướp cái làng ấy cũng được, chứ đừng nói chuyện gặt trộm ngoài cánh đồng nữa. Làm gì phải dùng đến những "cây đại" chúng mình. Tôi chả đi. Thật không dám nói khoe với ông Chánh chứ riêng tôi tự lấy làm sung túc lắm rồi. Có thiếu thốn gì đâu. Mười hai sơn môn dưới quyền, nó chu cấp ăn tiêu quanh năm thừa thãi, hà tằng gì phải đi như vậy cho nhọc xác. Đôi lần tôi có đi chợ với anh em là phải cộc trán với những tay cừ khôi mới đã chứ.
- Phải, cứ như một làng Trang Liệt tôi cũng không dám làm phiền đến sư cụ thật. Nhưng năm nay làng Trang Liệt đón cánh Ba Lai Hà Đông. Nghĩ đến thể diện toàn hạt nên tôi mới không quản đường đột đến đây phiền sư cụ.
- Gặp cánh Ba Lai Hà Đông? A, ha, ha, ha! Khoái quá. Nếu vậy đi, phải đi chứ. Thú quá. Thế mà ông Chánh không cho biết từ trước. Cánh nào chứ cánh Ba Lai tôi biết. Chơi được. Họ đã từng xuyên rừng buôn lậu, cộc trán với những tay cừ khôi đồng nghệ đấy nhé. Họ chưa từng khuất phục ai đâu.
Chánh Bảy nhẹ nhàng nói:
- Nhưng sẽ bại cánh Phủ Từ ta!
- Phải bại chứ. Ông anh đã cho tất cả anh em biết chưa?
- Đã. Chỉ còn thiếu một cây đại đao, nên phải tìm đến sư cụ.
- A hà, những ai vậy?
- Lí Nhỡ, song côn này. Châu Rỗ, sào trườn này. Trưởng Tiếp, thiết lĩnh. Trên tôi mấy tay nữa, người côn người khiên, người lá chắn, kể cũng tiềm tiệm rồi.
- Còn ông?
- Tôi mái chèo.
- Với tôi đại đao nữa?
- Vâng, còn thiếu cây đại đao nên phải "sở cậy" đến sư cụ.
- Tôi xin đảm nhận. Đến hôm ấy tôi muốn đem cả chú Tịnh đi nữa cho hắn kinh nghiệm. Tài nghệ hắn cũng khả dĩ dùng được rồi.
Mặt trăng thượng tuần sớm ngả về tây. Ánh sáng chênh chếch lọt qua cửa sổ, rọi xuống mâm rượu. Nhà sư thích chí quên cả khí tiết cuối thu, phanh chiếc áo nâu rộng tay để hở cả ngực, cả bụng gãi sồn sột. Lão uống một hơi cạn chén rượu, lớn tiếng gọi:
- Chú Tịnh đâu rồi!
Chú Tịnh ở ngay phòng bên, bước vội ra đứng chờ.
- Chú phải chăm chỉ luyện tập từ hôm nay, nghe không. Sắp phải đi một chuyến "chợ đồng" nặng đấy.
- Dạ!
- Bây giờ chú hãy ra sân đi lại ngón chém chuối cho ông Chánh xem.
- Dạ!
Nhà sư và Chánh Bảy theo ra cả ngoài sân. Chú Tịnh cởi áo, để lộ tấm thân to lớn rắn đanh. Chú lại bên vườn chuối cuối sân. Những tàu lá óng ánh nõn nà như lụa phơi ra ánh trăng. Chú Tịnh xuống trung bình tấn, đưa ngược hai cánh tay từ dưới lên ngang mặt mấy lần. Bắp thịt nổi lên vằn vèo, chú xoay người sang đình tấn, rồi tiến lên ba bước, chân dậm bình bịch xuống đất; khi sát gần cây chuối, chú lia mạnh cùi tay vào ngang thân cây, tức thì toàn thân cây chuối rung lên rồi gẫy gập xuống.
Chánh Bảy mỉm cười lặng lẽ. Nhà sư thì cau mặt, ra ý không bằng lòng.
- Chú chém hãy còn yếu tay quá, mà tốn sức vô ích. Làm gì phải lăng rộng cánh tay như thế này ( nhà sư khoát tay làm theo lời nói ) cho mất đà người đi? Nếu gặp phải địch thủ nhanh nhẹn có nguy không? Đã bao lần ta dặn chú: chỉ chém lia tay đến nửa chừng thế này thôi, muốn mạnh thế nào cũng không sợ mất đà, không sái cánh, mà người vẫn ngay ngắn. Đây chú trông nhé!
Nhà sư xăm xăm lại vườn chuối nhẹ đưa tay phạt thử, gẫy hai ba cây liền. Mà cây nào cũng đứt băng làm đôi, như bị chặt cả.
Chánh Bảy tủm tỉm gật gù.
- Hay! Hay! Hay lắm!
Nhà sư càng thấy lòng hứng khởi, lão dõng dạc bảo chú Tịnh:
- Lấy ta cây đại đao, Tịnh!
Rồi lão quay lại cười với Chánh Bảy:
- Đệ có tính: rượu vào mà trăng đẹp như thế này, thì thế nào cũng phải đi một vài đường đao cho đỡ ngứa ngáy.
Chú Tịnh đem cây đại đai và năm chiếc ghế đẩu bắc ra sân mỗi chiếc cách nhau độ một sải tay. Nhà sư cầm đao biểu diễn trên ghế, ánh đao loang loáng dưới trăng bạc và chiếc áo nâu rộng bỏ phanh loà xoà trên mặt ghế coi rất đẹp.
Chánh Bảy trố mắt há mồm ra nhìn. Cánh tay mê man đưa đi, đưa lại xoa xoa chiếc cằm râu lởm chởm. Múa xong bài "ngũ môn" nhà sư thu đao về bái tổ. Chánh Bảy như người chợt tỉnh vỗ tay reo:
- Tuyệt diệu! Tuyệt diệu! Thật là Quan Vân Trường tái sinh. Với đường đao lợi hại này, tôi không còn lo gì cánh Ba Lai nữa.
Nhà sư sung sướng phập phồng cánh mũi, nhấp nháy cặp mắt hi hí, cười lớn:
- Ông Chánh quá khen nhà chùa. Khớ, khớ, khớ...
*
Nhà Chánh Bảy rộng rãi bề thế, chiếm một khoảng có đến hơn mẫu đất ở ngay đầu xóm Tây làng Đồng Kị. Đủ cả ao trước vườn sau. Năm gian nhà lim, cửa bức bàn, sừng sững trổi giữa cái xóm nghèo, rúm ró những mái tranh mỏng và khúm núm, gầy guộc. Hai dãy nhà ngang cũng lợp ngói chạy dọc trở xuống, ôm lấy chiếc sân gạch Bát Tràng rộng bát ngát. Hai dãy cau chạy thẳng tắp từ nhà trên đến chiếc tường hoa cuối sân. Ở đấy, có một bể nước "xi măng" mui vồng, và bên trên có cây hương nhỏ. Bên ngoài dãy tường hoa là vườn cây, có dăm gốc na, vài gốc ổi, một cây chanh tứ thời, xanh tốt rườm rà. Gần bờ ao, có hai cây khế: một cây ngọt, một cây chua, và một cây sung quả chi chít, thân ngả xuống mặt ao thành một cái cầu thiên tạo. Ở giữa khoảng vườn ấy lại còn kê thêm bốn vựa thóc cao lừng lững. Vườn sau nhà lại còn rộng rãi gấp mấy. Đấy là chỗ nuôi gia súc. Có chuồng trâu, chuồng lợn, đống rơm, ao cá và rất nhiều cây ăn quả mùa nào thức ấy, không thiếu thứ gì. Một người giàu có, tiền rương thóc mục, ruộng sâu ao cá như Chánh Bảy, ai ngờ lại là một "tay chơi" khét tiếng.
Từ người gồng thuê cấy mướn cho đến những ông tai to, mặt lớn ai cũng kiêng sợ Chánh Bảy. Ai làm trái mắt điều gì, hay là anh nào có ý hóc hách, soi mói, ông mà nổi xung lên thì đừng có trách, ông thì làm cho khốn khổ, ê chề, cho kì bằng phải kiềng cái mặt ông ra ông mới nghe.
Tuy vậy, Chánh Bảy không phải là hạng người tẹp nhẹp. Chơi với kẻ đáng mặt chơi, đối với người nghèo túng biết sợ, ông lại rất thương và có lòng tư giùm, nên ai cũng có lòng mến phục.
Những khi "đi chợ" cùng anh em, ấy là do cái lòng say mê không cùng của nghề quyến rũ. Khi đã cùng anh em phừng phừng rượu, với chiếc mái chèo, xông xáo giữa đám người đủ sào mác, càng nguy hiểm càng vui, càng tỏ được cái tuyệt kĩ của nghề. Những lúc ấy sao mà ông say mê, tự hào đến thế. Lúc ấy ông có một cái thú rùng rợn đùa với cái sống, cái chết của người và của mình.
Rồi trên mâm rượu thù tạc với anh em, Chánh Bảy kể lại những ngón đòn ác hiểm, từng thế, từng đòn, lúc tiến, lúc thoái; ông vừa kể vừa biểu hiện như lâm trận thật. Lúc ấy, ông nói thao thao không biết chán. Cái bộ mặt lầm lì thường ngày, rạng lên những nét tươi sáng, và trong ánh mắt lấp lánh những tia kiêu hãnh, tự tin, tự hào...
Mới đây, Chánh Bảy nghe tiếng làng Trang Liệt mượn cánh Ba Lai Hà Đông để giữ cánh đồng Rừng, sát Cầu Đôi, nơi phân chia địa giới làng Trang Liệt và Đồng Kị không cho Chánh Bảy sang gặt lúa trộm như mọi năm nữa, và lại còn đe sửa cho tất cả cánh tay chơi thiện nghệ đàn anh phủ Từ Sơn một chuyến nên thân. Vốn là con người thận trọng và từng trải, Chánh Bảy biết cánh Ba Lai không phải vừa. Kì gặp gỡ trên cánh đồng Trang Liệt giữa cánh Ba Lai và Chánh Bảy hôm 20 tháng 9 này sẽ là cuộc nảy lửa ghê gớm; danh tiếng đôi bên ở cùng trận này: một là mất hai là còn; cho nên Chánh Bảy lại càng cẩn thận. Ông đã nhẩn tính kĩ càng đám anh em cừ khôi trong hàng phủ. Ông chọn mỗi người quen sử dụng một môn. Tất cả đều là anh em thủ túc cả. Duy chỉ còn thiếu một cây đại đao. Mà đại đao Chánh Bảy thường được nghe anh em ca ngợi tài nghệ nhà sư Tuệ. Ông quyết thử sư Tuệ có thực là người đáng tin cậy hay không. Thì quả danh bất hư truyền: cái lối đánh đại đao trên ghế và để áo rộng lòa xòa của kẻ lỗ mãng, người thâm trầm, nhưng thật ra họ đã hợp ý nhau lắm. Trước khi từ giã sư Tuệ để còn loan báo khắp mặt anh em cho kịp ngày, Chánh Bảy dặn sư Tuệ cứ đến nhà mình trước rồi ông sẽ về sau.
Chánh Bảy đi được dăm hôm thì ở nhà thỉnh thoảng lại có khách đến chơi, quen cũng có lạ cũng có. Người nào cũng hỏi bà Chánh những câu như sau:
- Ông Chánh có nhà không bà?
- Dạ thưa, ông cháu đi vắng đã mấy hôm nay rồi ạ.
Người khách khẽ cau mặt ra ý bất mãn, lẩm bẩm một mình:
- Phiền quá, hàng họ còn bừa bộn cả mà ông Chánh thì chưa về!
Thế là bà Chánh đon đả mời khách vào nhà, đãi cơm rượu tử tế, mà khách cũng vui lòng, nán lại đợi ông Chánh, ung dung tự nhiên như ở nhà mình.
Bà Chánh và cô Lương, ngoài công việc đồng áng ra, lại còn khổ về hai bữa cơm rượu đãi khách. Mà khách nào có ít, khi hai người, khi một người, có khi ba bốn người đến một lúc. Hôm nay lại có hai nhà trò thầy sư nữa. Vị chi trong nhà có đúng mười lăm ông khách, ông nào cũng ăn khỏe như hùm, uống khỏe như trâu, thiếu là gọi chứ chẳng nể nang gì nhà chủ cả.
Bà Chánh không dám hé răng kêu ca. Là vì trước khi đi, chồng bà đã dặn: "Nhà sắp nhiều khách rồi đấy" và dặn những câu nếu khách nói như thế, như thế... Thì phải đãi người ta cho hậu hĩ. Ông Chánh dặn vậy thỉ bà phải nghe theo. Từ ngày làm bạn với ông đến giờ, bà thấy ở gia đình này không thiếu gì những đám khách kì dị như thế. Bà cũng biết chồng bà sắp sửa một chuyến "chợ" lớn đây.
Bà không buồn vì phải lấy người chồng chơi bời như thế, nhưng thật tâm bà cũng không thích. Nhà thiếu gì của mà phải đi làm như vậy, cho tai tiếng. Nhưng không bao giờ bà dám can gián. Bà vốn là người làng bên lấy chồng Đồng Kị, vì vậy mọi việc trong nhà, trong xóm, bà đều giữ ý, không người ta nghĩ sai về mình: Thôi thì ông làm gì thì làm, bà còn chỉ biết trông nom ruộng nương, bếp nước, cơm cho lành canh cho ngọt và rượu bao giờ cũng phải đầy hũ mà thôi.
Như bà vẫn thấy, hàng năm cứ vào vụ lúa mùa, thế nào chồng bà cũng cùng một số người làng sang bên Trang Liệt gặt lúa trộm. Tiếng rằng nói là trộm nhưng thật ra họ gặt rất công nhiên; họ vừa gặt vừa thách lí trưởng, trương tuần làng ấy có giỏi thì ra "chơi nhau" với họ.
Số lúa đem về, ông Chánh có giữ hột nào đâu. Được bao nhiêu, ông chia cho anh em tất cả. Nhiều người lấy thế làm lạ, nhất là bà Chánh, cái máu đàn bà vẫn hay tham, tuy rằng là của bất nghĩa thật, nhưng chồng bà tốn bao nhiêu hơi sức mới đem về được, nó là của nhà bà. Nay nhất đán cho tất cả đi, ai lại không tiếc? Đã thế, năm nào cũng chịu khó đi làm gì cho tốn công? Bà vẫn phân vân không hiểu sao chồng bà lại lẩn thẩn thế.
Mãi một bận bà nghe lỏm được câu chuyện ông Chánh kể cho người bạn thân nghe trong lúc say, bà mới vỡ nhẽ tại sao ông nhà bà cứ phải đi như thế. Thì ra dòng họ nhà ông Chánh Bảy có một mối thâm thù với làng Trang Liệt. Từ đời cao tằng tổ khảo nào nhà chồng, bà không rõ, có một người lấy con gái bên làng Trang Liệt, đã hạ sinh được một cậu con trai. Người con gái ấy tuy có chồng con nhưng tính vẫn còn lẳng lơ chao chát. Một lần chồng bắt được quả tang vợ đi với giai, gã đánh người con gái một trận nên thân rồi đuổi về với bố mẹ ngay. Người con gái ôm con vừa đến địa phận làng mình thì người chồng đuổi kịp bắt con lại. Hai bên giằng co thế nào mà thằng bé bị rách làm đôi. Từ đó cái cầu ngói ở chỗ ấy, người quanh vùng gọi là "Cầu Đôi". Người đàn ông thương con xung tiết lên, giết luôn vợ, nhưng cái lòng hận vợ, thương con vẫn không nguôi, xui gã căm thù cả cái người đã sinh ra cô con gái ấy. Vốn dòng dõi đất nghịch, lại là một tay cướp hung hãn xưa nay, gã đem đàn em sang Trang Liệt đốt nhà lấy của và giết mấy người trong họ người vợ bạc bẽo khốn nạn ấy. Vẫn chưa hả giận, cứ năm năm gã cùng đàn em sang đồng Trang Liệt gặt lúa về chơi cho biết. Rồi chết đi, người đàn ông truyền mối thù ghê gớm kia cho con, con truyền cho cháu, cháu truyền cho chắt... thế rồi lâu đời thành một nhời nguyền: hàng năm họ cho rằng có gặt lúa của làng Trang Liệt được năm bảy sào ruộng thời làm ăn mới mát mẻ thịnh vượng. Vả cũng bởi cái tính hiếu động của dòng dõi có đất nghịch nữa.
Mọi năm, bà Chánh thấy vào cữ này, có sang Trang Liệt gặt thì chỉ một ông Chánh và mười người đi cắt lúa là đủ. Bà không hiểu năm nay ông định sửa một chuyến to, hay định "đi chợ" ở đâu xa mà tụ tập lắm khách thế.
Cả những ông khách xem ra lần này cũng có vẻ khác. Xưa nay, họ vẫn lỗ mãng cười nói toang toang, thế mà lần này có vẻ nghiêm trọng lắm. Bọn họ lặng lẽ ra vào, thỉnh thoảng lại thì thầm bàn tán bàn bạc điều gì có vẻ bí mật, nghiêm trọng lắm. Và những đêm trăng, họ ra vườn sau, không biết làm gì mà huỳnh huỵch đến tối khuya mới đi ngủ.
Mới rồi lại có thêm ba người khách, thế là trong nhà có mười tám người cả thảy. Bà Chánh thấy họ, càng có vẻ nóng ruột áy náy; họ kêu rằng anh em đã đủ mặt rồi mà ông Chánh vẫn chưa về. Mười tư, rằm, mười sáu, ngày này tiếp ngày khác cứ qua mau, ông Chánh vẫn biệt tăm dạng. Vẻ băn khoăn càng rõ rệt, họ đứng ngồi không yên. Hết ngày mười bảy rồi ngày mười tám cũng trôi vèo. Ngày hành sự đến sát nách mà người cầm đầu thì vắng mặt. Có người nóng nẩy hỏi bà Chánh:
- Ông nhà đi, có dặn bao giờ về không bà?
- Thưa ông, nhà cháu cũng không biết ạ: ông cháu đi có dặn nhà ngày về bao giờ đâu.
Thế này còn ra làm sao nữa? Chẳng nhẽ ông Chánh lại sai hẹn? Không có lí nào, ông Chánh đã hẹn điều gì với anh em đã bao giờ lỡ hẹn đâu. Chắc là có sự gì đây. Họ đỏ mắt vì mong đợi. Sáng tờ mờ hôm mười chín, trong lúc mọi người đang say ngủ, ông Chánh đập cửa thình thình về với hai người lạ mặt khác nữa. Bọn ở nhà bừng lên vui sướng, vẻ băn khoăn lo lắng biến mất. Họ cười, họ nói hoa chân múa tay như trẻ con thấy mẹ chợ về. Ông Chánh hình như có sức mạnh gì làm họ tin cậy, họ vững dạ. Ông Chánh Bảy xin lỗi anh em về chậm trễ của mình và giới thiệu hai người khách lạ với mọi người.
- Tôi đi khắp lượt anh em xong cả rồi, mới chợt nhớ ra hai ông bạn cùng thầy đây, tôi vội vã lên tuột Yên Thế đón. Ông này là Cả Sâm, chắc anh em biết tiếng ngón roi của Cả Sâm đấy nhỉ.
Mọi người đều nhao nhao:
- Ai chứ! Cả Sâm thì chúng tôi còn lạ gì!
Ông Chánh chỉ người thứ hai, nói tiếp:
- Còn đây là ông Ba Hoằng dao quai.
- A, thế ra ông này là Ba Hoằng Yên Thế đấy. Chúng tôi nghe tiếng đã lâu, bây giờ mới được gặp. Nếu vậy bên ta vững như bàn thạch rồi còn gì.
Chánh Bảy lắc đầu:
- Cánh Ba Lai không phải vừa đâu. Không thể xem thường được!
Hôm 20 là ngày hành sự, Chánh Bảy gọi tất cả mười tám, mười chín người đàn em trong làng sắp sẵn đủ cả liềm hái, đòn càn, đòn xóc. Năm nay, ông nhất quyết sửa một chuyến to cho bõ công vất vả. Mọi việc đã cắt đặt chu tất đâu vào đấy cả rồi, bọn đàn anh ai quen ngón gì dùng ngón ấy, chỉ việc đứng ngoài cản cho ngót hai mươi tên đàn em ra sức gặt.
Nhà Chánh Bảy hôm ấy tấp nập kẻ ra người vào như nhà có đám thứ gì. Họ ngả hai lợn chém quăng đánh chén.
Buổi tối hôm ấy, trong năm gian nhà khách, hơn ba chục người đàn ông, toàn những hạng giết người không lạnh tay, ung dung ngồi uống rượu dưới ánh sáng rừng rực của những cây đuốc nhựa trám. Họ ngốn thịt như ngốn rau, tu rượu như uống nước lã. Không ai nói câu nào, cứ lầm lì như mặt "trâu giái". Mắt họ vằn đỏ lên, gườm gườm nhìn về một phía và ánh lên những tia dữ dội. Không có chuyện gì để nói cả. Bao nhiêu chuyện đáng nói họ nói cả trong lúc tỉnh rồi. Gian phòng im lặng một cách nặng nề, chỉ có tiếng bát đũa đụng vào mâm vang dội lên. Họ thay chuyện bằng cách cứ đưa hết bát rượu này đến bát rượu khác lên miệng uống ừng ực. Không phải như thế là họ không thích nói đâu. Hơi men bốc lên phừng phừng, nóng mặt, nóng mắt, nóng ran cả người; họ muốn gào, muốn thét, muốn vung cánh tay lên mà điều khiển ngọn roi, cây thiết lĩnh lắm đấy. Nhưng chưa ai khơi mào, nên họ còn im, mà càng im thì họ càng thấy tức tối bứt rứt, càng muốn đâm chém. Bỗng Chánh Bảy đứng lên trịnh trọng nói:
- Tất cả anh em! Tối nay chúng ta sẽ gặp cánh Ba Lai Hà Đông. Một địch thủ đáng gờm của chúng ta. Vậy tôi muốn anh em cố gắng trong trận này. Ta quyết làm cho họ thất điên bát đảo một phen, cho hắn biết phủ Từ Sơn ta không phải loại đớn hèn. Danh tiếng của bọn ta ở trận này. Ta phải gìn giữ, chớ để cho kẻ khác khinh nhờn.
Thế là những cái mồm nồng nặc hơi men nhao nhao lên mỗi người một câu. Nộ khí trong người được lúc thoát ra; họ mắm môi, trợn mắt, hứa sẽ nổ lực để bảo tồn danh dự cho phái võ tỉnh mình. Cái chết lúc này thường quá. Thường như đưa bát rượu lên môi uống vậy.
Hai mươi giấc tốt. Vào khoảng khuya, trăng mới nhô khỏi ngọn tre. Ánh trăng lạnh lẽo, trắng xóa cả chiếc sân gạch Bát Tràng, có in những chòm cau đen sẫm. Sương xuống mờ mờ, tiết trời lạnh buốt. Tiệc rượu tàn, ánh trăng càng tỏ hơn. Bọn Chánh Bảy khởi hành. Trước khi đi, ông Chánh Bảy thả con Vện vằn hổ, lớn như con bê ở trong cũi ngoài hiên ra cho ngửi từng người một. Con chó này vừa khỏe vừa dữ, cứ ba người thường cầm gậy cũng khó đánh nổi. Và có cái mũi rất thính. Trước khi hành sự, ông Chánh cho ngửi mỗi người một lượt cho quen mồ hôi. Đến khi giáp chiến, nó khỏi cắn nhầm người nhà. Những lúc ấy, nó xông xáo làm khó dễ bên địch rất nhiều. Cầm cự với người còn khó huống như thêm một con vật vừa to lớn, dữ tợn, vừa nhanh như beo.
Chánh Bảy quý nó hết sức. Bao nhiêu năm nó theo ông đi "chợ" và giúp ông rất đắc lực.
Bà Chánh ra đóng cửa ngõ, ông quay lại nói với:
- Nhớ quét dọn sạch sẽ mấy gian nhà ngang chứa thóc nhé.
Lòng quyết thắng của ông đã lên tới độ rất cao. Bà Chánh không trả lời, khép hai cánh cửa lim lại.
Trong xóm ran ran tiếng chó. Rồi thưa dần... thưa dần. Một lát chỉ còn nhúc nhắc sủa trăng lạnh. Bà Chánh thầm nghĩ họ đã đi xa lắm rồi.
*
Tiếng chó lại sủa ran ran từ cổng làng vọng về mỗi lúc một gần, một xô xát. Bỗng có tiếng đập thình thình. Bà Chánh biết chồng về, quấn vội mớ tóc lên đầu mấy vòng, chạy ra mở cửa. Hai ba bóng người xộc vào, trên lưng đều có cõng người. Một lúc sau những người khác mới lạc chạc hấp tấp ra về. Bà Chánh biết lần này gặp sự không may đây.
Sào, trường côn, thiết lĩnh, lá chắn, khiên vứt bừa bộn ra sân, mấy anh đàn em lặng lẽ xếp gọn vào một chỗ. Ông Chánh hối hả giục bà thắp đèn. Ngọn lửa bừng lên soi rõ những nét mặt phờ phạc chán nản của bọn người thất bại. Họ đặt chú Tịnh trên vai xuống cho Lí Nhỡ buột lá dấu, một thứ lá rất thần hiệu của Lang Phức ở Ve Kiên Đường. Vết thương dẫu nặng đến đâu chỉ nhá ra dịt vào là cầm máu liền da ngay tức khắc. Không một tay chơi nào ở vùng này không phòng sẵn một nắm ở trong người. Ông Chánh vội vàng ôm con Vện mà Trưởng Tiếp đang giữ khư khư ở trên tay ra vùng ánh sáng ngọn đèn buộc thuốc. Con chó bị một đòn thiết lĩnh đánh trúng sọ rỉ óc ra rên ư ử. Được một lúc lâu, nó rẫy rụa lên rồi chết. Chánh Bảy hai tay ôm má, trân trân nhìn con vật, không nói gì. Chốc chốc, ông lại thở dài một tiếng não nùng. Trong bao nhiêu năm nay, tên "đồ đệ" trung thành ấy đã giúp ông bao nhiêu công việc. Nay nó chết đi, ông đau khổ và buồn tiếc hơn là người thân trong họ chết. Thật ông gãy mất một cánh tay đắc lực.
Không ai dám hé răng nói nửa lời, họ sợ đả động lại chuyện vừa rồi. Thật là một vết nhơ khó gột. Ôi, thanh danh tiêu tán hết, còn đâu. Mấy gian nhà im lặng quá, nặng những uất hận.
Họ càng không nói thì lại càng nghĩ ngợi, cái trận ê hề vừa rồi càng diễn ra rõ rệt hơn. Họ chỉ thở dài. Thật sự đời không biết thế nào mà lường trước được, nó có thẳng tuột và dễ dãi như mình tính đâu? Chánh Bảy những tưởng cầm chắc phần thắng trong tay. Ai ngờ... Thế mới biết thiên hạ còn lắm người tài.
Lúc mới vào giáp chiến, Chánh Bảy biết ngay bên mình kém thế. Tuy vậy, ông đã tính: có thua cũng còn cầm cự được lâu, cũng còn có thể gặt được dăm, sáu sào ruộng rồi có rút lui cũng không việc gì. Thế mà ai ngờ được một lát, chú Tịnh bị ngay một mũi mác xiên trúng đùi; hắn ngã gục xuống, nếu Chánh Bảy không cố lại cứu thì hắn bị một mũi nữa tiếp theo. Cõng chú Tịnh sang mấy sào ruộng bên kia cho bọn đàn em đang gặt trông nom, Chánh Bảy quay lại thì thế trận đã núng lắm rồi. Thế mới biết một người non tay làm hại cho cả bọn. Rồi sư Tuệ một mình không thể đánh lại được mấy tay lợi hại dồn dập. Lão phải nhảy xuống ao chạy trốn. Giữa lúc bối rối ấy, Chánh Bảy chợt nghe tiếng con Vện rú lên một tiếng thảm thiết. Ông Chánh biết ngay con vật quý hóa của mình bị đòn. Như điên cuồng, máu trong người dồn dập mạnh. Chánh Bảy lia rộng chiếc mái chèo sấn về phía con Vện kêu, thấy nó đang rẫy rụa trong vũng máu. Chánh Bảy càng hăng tiết. Ông nghiến răng đánh một mái chèo tin vào ngang lưng một kẻ địch. Hắn oặt người, thất thanh kêu lên một tiếng, ngã gục xuống mặt đất. Càng phấn khởi, ông lia chiếc mái chèo nghe vèo vèo. Chỗ ông đứng giãn ra một vòng lớn. Bọn Ba Lai và mấy người ăn mặc khách vội vàng quay lại vây lấy ông. Chánh Bảy biết rằng không còn có cơ cự địch được nữa, cúi xuống lượm con Vện xốc lên vai, lớn tiếng gọi:
- Thôi, anh em liệu thác lui thôi.
Thế là họ vừa đánh vừa lui về địa phận Đồng Kị. Trong khi ấy bọn đàn em cũng vội vàng bỏ theo mọi người không kịp gánh lúa. Đuổi quá địa phận Đồng Kị một quãng xa, bọn Ba Lai mới chịu quay về. Nghĩ đến đấy, Chánh Bảy nắm tay đấm mạnh xuống phản rít lên:
- Nhục nhã lắm! Nhục nhã lắm! Trời ơi là trời!
Chánh Bảy cứ ôm đầu, chốc chốc lại rít lên một cơn như thế. Cái im lặng lại càng tăng lên rõ rệt.
Bà Chánh thì len lén dọn mâm. Bà biết rằng trong lúc này hơi khác ý là ông làm điên địa lên ngay.
Bữa ăn của bọn người thất bại thật là thiểu não. Nó trái hẳn với cái vẻ tin tưởng, ồ ạt lúc ra đi.
*
Mấy hôm nay, Chánh Bảy chẳng thiết ăn uống gì cả. Suốt ngày chỉ nằm bẹp trong buồng, vắt tay lên trán mà thở dài và hút thuốc lào vặt. Anh em họ đã ai về nhà nấy cả rồi, nhà cửa vắng vẻ quá. Cái buồn nản, uất ức càng day dứt tâm can ông hơn. Nhiều lúc, ông muốn quên việc vừa rồi bằng cách giải khuây gì, nhưng không sao được (chẳng hạn như đánh bạc). Lúc nào nó cũng hiện rõ rệt trong trí óc ông. Lắm lúc uất quá ông như điên như cuồng, hai mắt đỏ ngầu, đập phá lung tung rồi rít lên:
- Nhục lắm! Nhục lắm!
Cũng có nhiều lúc ông lại rất nhu mì, trầm lặng. Ông bầy ra trong óc những cuộc trả thù bằng tưởng tượng cho nhẹ nỗi lòng. Ông nghĩ ra muôn nghìn lối, liên miên không đâu vào đâu, rồi lại rối ren lung tung lên. Ấy thế là ông cáu kỉnh, đập phá.
Bỗng, một hôm, ông Chánh Bảy đổi hẳn tính tình. Ông trở nên vui vẻ, dễ dãi; cái vẻ dữ tợn, khó đăm đăm biến mất. Ông sai cô Lương đi mua rượu. Bà Chánh thấy chồng vui vẻ cũng vui vẻ lây, giết một con gà mái ghẹ để ông đánh chén. Trông cái dáng ung dung trịnh trọng xé đùi gà, và tợp từng hụm rượu nhỏ với nụ cười không ngớt trên môi, ông có vẻ khoái chí lắm. Bà Chánh không hiểu chồng ra sao. Mới ngày hôm qua còn gắt như mắm tôm, hôm nay đã lại thế.
Uống rượu xong, ông sai thằng người nhà thắng yên cương, rồi ung dung cưỡi ngựa ra đi. Hôm nay, ông vui vẻ quá. Tất cả những cái ám ảnh nặng nề đều trút hết. Lòng thống khoái nhẹ lâng lâng như người cất được gánh nặng. Ông ra roi cho ngựa chạy nước kiệu cho hợp với những nỗi sung sướng bồng bột đang reo vui rộn ràng trong lòng. Ông muốn tìm ngay một người bạn để giãi tâm sự mình, để chuyển cái vui của ông sang họ, và để khoe cái cao ý của mình, đã tìm cách rửa nhục xứng đáng. Ông nghĩ ngay đến sư Tuệ. Không phải ông coi sư Tuệ là người tri kỉ hơn các bạn, nhưng vì sư Tuệ ở gần hơn mọi người và ông cũng muốn thăm sư Tuệ một thể. Từ hôm hăn bị cánh Ba Lai đánh bỏ chạy, ông cũng muốn gặp mặt hỏi chuyện xem sao.
Tiếng vó ngựa băm ròn rã trên mặt đường hanh khô nỏ, nhịp với tiếng nhạc đồng sang sảng. Chiếc thắt lưng nhiễu điều tạt về phía sau bay phấp phới. Ông có vẻ nhàn nhã trong chiếc nón lông chóp bạc, chiếc khăn nhiễu tam giang quấn rối, chiếc áo lương lượt thượt, chiếc quần sồi vàng nghệ, Chánh Bảy rõ ra một ông cự phú xứ quê. Ai dám bảo ông có một cuộc đời không lương thiện?
Con ngựa miêng (khoang) dừng chân trước tam quan chùa Dận thì cánh cửa cũng vừa mở. Chú Tịnh chắp tay vái chào:
- Con nghe tiếng vó ngựa, biết ngay là có khách vội mở cửa thì ra là ông.
Chánh Bảy vui vẻ hỏi:
- Thế nào, vết thương khỏi chưa?
- Dạ, nhờ có thuốc dấu của ông, con đã lành mạnh như thường rồi.
- Ấy mãi đến hôm nay ta mới rảnh việc sang chơi với sư cụ được.
- Thưa ông, sau hôm ấy được vài hôm thì sư cụ con bị mệt nặng, người xanh xao yếu ớt lắm.
Ném vội dây cương cho chú Tịnh dắt ngựa vào tầu, Chánh Bảy xăm xăm tiến vào nhà tổ. Trong nhà tối om, chỗ nào ánh sáng có thể lọt vào được, thì lại che bằng những chiếc buồm nhuộm nâu hoặc những chiếc chăn chiên cũ. Thành ra gian buồng bị bưng bít bởi một không khí tức thở. Mới ở ngoài nắng hanh vào, Chánh Bảy hoa mắt, chẳng nhìn thấy gì cả. Ông đứng lại định thần và hỏi về phía có tiếng rên rỉ:
- Thế nào, sư cụ đau yếu ra sao?
Có tiếng mệt nhọc đứt quãng trả lời qua hơi thở gấp:
- Ừ hừ... Hừ ai đấy...?
- Tôi đây, Chánh Bảy Đồng Kị đây mà.
- Ông Chánh đấy à à... Mời ông vào... Hừ chơi trong này... Tôi bị cái nhọt ở lưng.
Hết hoa mắt, Chánh Bảy rón bước lại phía giường, khẽ vén chiếc màn nâu sang một bên, nhẹ nhàng ngồi xuống lẩm bẩm:
- Chả nhẽ phẫn uất đến phát ung thư, hậu bối được.
Chú Tịnh bưng nước vào, Chánh Bảy sai:
- Chú châm cho ta ngọn đèn.
- Vâng.
Giơ ngọn đèn hoa kì lên soi, Chánh Bảy giật mình kinh ngạc, không ngờ bệnh tình sư Tuệ lại trầm trọng đến thế. Người gầy rạc hẳn đi, nước da xanh xao như tầu lá, cặp mắt sâu hóm mất tinh lạc mở thao láo mà như không nhìn gì. Hai tay nâng má, Chánh Bảy có vẻ nghĩ ngợi lung lắm. Ông lẩm bẩm:
- Không có lẽ lại bị được...
Rồi ông quả quyết đứng lên, cất tiếng hỏi:
- Sư cụ bị đau như thế nào, cho tôi xem.
Sư Tuệ nặng nhọc quay vào trong vách. Chánh Bảy lật chăn, vạch áo ra xem. Một cái mụt to bằng miệng chén, tím như quả bồ quân thây lẩy trên tấm lưng gầy guộc nổi rõ cả xương sống, xương sườn.
- Thôi đích rồi! Mụn mọc ở thăn thịt về bên phải đây mà. Còn sai làm sao được.
Ông nói với sư Tuệ, giọng to hơn:
- Sư cụ bị điểm huyệt rồi đấy.
Sư Tuệ hốt hoảng:
- Trời ơi! Tôi... hừ hừ... tôi bị điểm huyệt, ông Chánh ?
Rồi như chợt nghĩ ra, lão vừa thở vừa rền rĩ:
- Không... tôi có bị... đòn nào đâu.
- Đích rồi, đây là ông bị trúng "điểm kim sương".
- Vậy à? Ừ hừ... hừ vậy ì... có cách gì chữa được không ông?
- Được! Sư cụ không lo, để tôi thử lại lần nữa cho chính xác hơn.
Nói rồi ông chỉ mang tai, chỉ nách, chỉ vú, chỉ mạng sườn, miệng lẩm bẩm câu gì không rõ. Chỉ đến chỗ cái mụt nhọt sau lưng sư Tuệ thời ông nói ra tiếng:
- Không sai rồi. Nó điểm vào giờ Hợi đây.
Rút nén nhang cắm trong ống sơn son trên bàn thờ xuống châm vào ngọn đèn, ông bảo sư Tuệ nằm sấp xuống. Miệng lẩm bẩm khấn, tay cầm hương khoán ngoằn ngoèo trên cái nhọt. Xong bài khấn, ông lại phồng mồm thổi mạnh một hơi. Cứ thế ba lần, mỗi lần thổi, cái nhọt lại tái đi một chút. Và tái dần, tái dần, màu đỏ bầm mất hẳn. Sư Tuệ thấy nhẹ hẳn người, rứt buốt mất đi nhanh một cách không ngờ. Sư Tuệ sung sướng kêu lên:
- Ồ, tôi hết cả đau đớn rồi, ông Chánh ạ!
Xoay người cho nằm ngửa ra, lão mỉm cười một nụ cười không được tươi lắm: " Trong người tôi nhẹ nhõm lắm rồi, chỉ dăm bữa nửa tháng nữa là tôi khỏi thôi ông Chánh ạ".
- Đã khỏi thế nào được, đây là tôi mới thổi cái "kim sương" đi, còn cái tử huyệt của ông bị điểm đã "trả lại đòn" đâu. Nếu không "trả lại đòn" thì... ( Chánh Bảy giơ tay lên bấm)... thì đúng mười bảy hôm nữa ông chết.
- Sao lại thế được nhỉ. Tôi cứ tưởng như cái mình tôi bây giờ chỉ dăm hôm nữa là khỏe như thường.
- Đã đành rằng thế, nhưng cái tử huyệt của sư cụ bị "kim sương" đánh phải, đã giải được đâu. Sư cụ vẫn chưa hiểu thế nào à... để tôi nói cho mà nghe. Người mà không có "kim sương" điểm huyệt thì phải theo tùy giờ tùy chỗ và phải theo thời tiết nữa mà đánh vào huyệt kẻ địch mới linh nghiệm. Chả hạn như: giờ Tí thì đánh vào mang tai, giờ Sửu thì đánh dưới xương quai xanh, giờ Dần vào nách... mà mùa xuân, mùa hạ thì đánh nửa vế người bên phải. Lối điểm huyệt này phải tự tay mình đánh tin vào da thịt kẻ địch. Còn người có "kim sương" thì lợi hại hơn nhiều. Họ cũng điểm như lối trên nhưng có thể đứng xa phóng "kim sương" cho đúng huyệt. Cái " kim sương" ấy nó tin vào đâu thì sưng lên thành nhọt, rứt buốt vô cùng. Nếu không biết cách trừ, chỗ thịt ấy thối nát không thuốc gì chữa được. Khi muốn chữa người bị điểm huyệt "kim sương" phải chữa "kim sương" trước đã rồi " trả lại đòn" sau thì mới khỏi.
- À ra thế đấy! Thảo nào tôi lại cứ nghĩ rằng mình có bị đòn nào đâu. Thì ra hôm ấy cái lúc tôi bắt được cái ngọn mác nó đâm trúng ngực mà tránh được mấy ngọn đòn hiểm ác vội nhảy xuống ao chạy trốn, bỗng thấy sau lưng đánh nhói một cái, tôi lại cứ tưởng cái rong gai nó sượt phải. Ai ngờ...
Chánh Bảy uống từng hụm nước nhỏ, đăm đăm nhìn sư Tuệ, dáng ngẫm nghĩ. Chợt ông hỏi:
- Sư cụ có chịu được đau không? Đau đến chết ngất đi được!
Sư cụ nhếch mép cười ngạo nghễ:
- Ái chà ghê nhỉ. Được, ông Chánh muốn làm gì thì cứ làm, nhà sư này không biết sợ đâu...
Chánh Bảy bảo sư Tuệ nằm sấp xuống, tay nắn chỗ nhọt, rồi bất thình lình ông ra sức đấm mạnh vào chỗ cái nhọt ấy một cái rất mạnh. Sư Tuệ kêu rú lên một tiếng, ngã vật xuống, ngất đi. Chánh Bảy lặng lẽ nhìn với vẻ mặt ái ngại. Một lúc lâu sư Tuệ đã tinh tỉnh, rên lên:
- Trời ơi! Chết tôi mất.
Tức thì Chánh Bảy đấm luôn một quả nữa, quả nữa, đúng ba quả liền. Sư Tuệ lại vật xuống ngất đi, mặt nhợt nhạt trông như không thể nào hồi được. Chờ lâu quá, chính ông Chánh cũng ra ý băn khoăn nóng ruột. Bỗng sư Tuệ thở dài, rồi cặp môi tái nhợt mấp máy, rên rỉ:
- Khốn nạn thân tôi, chết mất, đau quá trời ơi.
Rồi toàn thân lão run lên, rồi ọc ra ba cục máu tròn và cứng.
Hai mắt gà gà, cái ngực phập phồng, sư Tuệ tỉnh dần. Lão run run cất tiếng oán trách:
- Ông Chánh tệ quá... tôi chết mất thôi...
- Không việc gì đâu. Chỉ lát nữa là ông khỏe thôi.
Mà quả một lát sau, sư Tuệ đã tươi tỉnh thật. Lão ngồi được dậy, thở dài:
- Khiếp, sao mà ông Chánh phũ tay thế không biết. Mà đánh thì chả bảo trước.
Ông Chánh Bảy chỉ mỉm cười, không nói gì.
- Ông Chánh học được ở đâu môn này thế?
Ông Chánh chậm rãi:
- Từ cái hồi tôi còn ở Ngân Sơn, của một người khách người ta bảo. Tuy vậy tôi chỉ chữa được thôi, chứ có đánh được người đâu. Dẫu có học được tôi cũng chẳng học. Có cái "kim sương" nó thất đức lắm: có con thì nghèo rớt mùng tơi, mà có của thì lại hiếm hoi.
Sư Tuệ ngẫm nghĩ một lúc rồi bảo Chánh Bảy:
- Ông Chánh ạ. Tôi liệu độ bao nhiêu hôm nữa thì khỏi?
- Sư cụ chịu khó kiêng khem đừng rượu chè vội, chỉ nửa tháng nữa là lành mạnh như thường... khi nào sư cụ khỏe rồi, sư cụ sẽ biết Chánh Bảy rửa nhục.
Sư Tuệ mắm môi trợn mắt nói:
- Cả tôi nữa chứ. Tôi thì đem cả mười hai sơn môn làm cỏ cả làng Trang Liệt cho biết tay.
Chánh Bảy lắc đầu xua tay:
- Không được. Trả thù làng Trang Liệt thì trả thù làm gì, ta phải trả thù bọn Ba Lai chứ... đúng ra là phải so tài với Ba Lai...
Chánh Bảy ngừng nói, rít một điếu thuốc lào.
- Nhưng bọn Ba Lai về Hà Đông cả rồi.
Chánh Bảy nói vội, qua đám khói đặc từ trong mồm cuồn cuộn bay ra:
- Tôi sẽ sang hẳn bên Hà Đông đấu tay đôi với Ba Lai cho phân rõ một thắng một bại mới hả.
Sư Tuệ thích chí quên cả mình đang ốm, vỗ tay cười lớn:
- Hay! Hay! Ông Chánh nghĩ chí lí quá, cao kiến quá. Phải, thế mới yêng hùng. Thế nào cũng cho tôi đi với nhé.
- Vâng, để sư cụ khỏi hẳn đã. Thế nào rồi cũng phải mời sư cụ sang Hà Đông một chuyến.
Ông Chánh uống một hụm nước, tủm tỉm cười:
- Ba Lai chỉ trông thấy sư cụ đã phải sợ khiếp vía rồi.
- Sao thế hở ông Chánh?
Nhà sư trố mắt dè dặt hỏi lại. Chánh Bảy cười khẩy, thong thả nói tiếp:
- Vì... Hà hà... Vì bất cứ ai trúng phải đòn "kim sương" này không ai có thể sống qua được nửa tuần trăng... Thế mà hôm ấy hắn thấy sư cụ còn sống sờ sờ ra đấy, lại béo tốt khỏe mạnh nữa. Nói khí vô phép, hắn phải sợ vãi đái ra quần.
Cả hai cùng khoái chí, ngả nghiêng cười lên ha hả.
Một tháng sau Chánh Bảy và sư cụ chùa Dận sang Hà Đông thật.
Không ai biết những chuyện gì đã xảy ra giữa bọn họ với nhau. Người ta chỉ thấy sau chuyến gặp gỡ ấy Ba Lai đi lại chơi bời thân thiết với cánh anh em làng chơi của ông Chánh Bảy Đồng Kị.
Và cũng từ đấy cho đến mãi mãi sau này người ta cũng không thấy người Đồng Kị sang gặt cướp lúa làng Trang Liệt nữa.
Câu chuyện mối thù Cầu Đôi giữa hai làng ngày xưa mờ nhạt dần. Bây giờ nếu như có ai kể lại thì cứ như kể chuyện cổ tích cho vui. Không ai nghĩ những chuyện ấy là có thật hay không có thật. Nhưng người nghe ai ai cũng mơ hồ tưởng đâu đều như là chuyện có thật cả...
1944

Kim Lân - Tuyển tậpNơi câu chuyện tồn tại. Hãy khám phá bây giờ