Gốm rơi

13 0 0
                                    


Mỗi đồ gốm là một sinh mệnh. Đứng trước lò chờ đợi vật bằng gốm do chính tay bạn làm ra cũng giống như chờ đợi đứa con của chính bạn ra đời. Mới mẻ biết bao.

Phạm Tiểu Cao là người nói với tôi những lời trên. Trong lòng tôi, anh như là Ninja, hoặc là siêu nhân. Cả thiên hạ chỉ có mình tôi tin tưởng tuyệt đối rằng anh là một nghệ sĩ. Tôi quen anh khi đang chơi đất sét ở một quán gốm. Anh làm việc ở đó, là người hướng dẫn khách cách làm gốm, dáng vẻ rất cool !

Khi làm gốm, gương mặt anh lạnh lùng, không bao giờ cúi đầu, vầng trán quý phái luôn ngẩng cao, những ngón tay thon dài nhịp nhàng lướt trên đất sét. Chẳng có chút đam mê, hai ba phút đã hoàn thành một bình, lọ gốm, không có đặc trưng, không có cá tính. Đó là lần đầu tiên tôi nhìn thấy anh, tôi từ từ tiến về phía anh, vì trên áo sơ mi trắng muốt của anh có sáu chiếc khuy rất đặc biệt. Khuy gốm, nguyên màu đất sét, mặt khuy khắc những hình khác nhau: vầng trăng cô đơn hoặc đôi mắt ưu phiền, mỗi hình đều mang vẻ đẹp xa xôi, khoáng đạt. Khi biết đó là những kiệt tác của anh, tôi đã lập tức quyết định làm bạn với anh.

Chúng tôi rất hợp nhau. Cùng thích quán gốm, nơi bật mãi, bật hoài nhạc của người da đen, nơi có máy pha cà phê quay cùng mâm quay. Chúng tôi cùng thích cà phê Blue Mountain và rượu ngọt vị bạc hà, cùng thích màn đêm và mèo con, cùng thích tàu điện ngầm và đèn nêon, cùng thích phim của Vương Gia Vệ và tiểu thuyết của Haruki Murakami. Cùng thích đất sét và gốm.

Nhưng chẳng lâu sau tôi phải chia tay nghệ sĩ trẻ. Lòng kiêu ngạo, những khát khao không ngừng lan tỏa đã đốt cháy trái tim vốn yên bình của anh. Thế là, anh mười chín tuổi, đã rời ghế nhà trường ra đi tìm giấc mộng ở thành phố có tàu điện ngầm, có đêm, có công ty bách hóa tên "Mùa xuân Pa-ri". Còn tôi, vẫn phải ở lại thành phố không mấy hiện đại này tiếp tục sự nghiệp học tập vĩ đại và bất diệt.

Một buổi chiều mùa đông, nhiệt độ hơi thấp. Quán gốm. Tôi ngồi trước mâm thao tác quay tít, ngắm nhìn người bạn đáng yêu Phạm Tiểu Cao. Dùng lời của Milan Kundera là, "Một buổi gặp gỡ để từ biệt". Tôi nghĩ anh chọn tôi ăn bữa cơm tạm biệt anh là vì tôi vẫn luôn sùng bái anh như một tín đồ. Cũng có thể chỉ vì khi tạm biệt thành phố này, anh muốn thêm vào đó một chút lưu luyến mùi mẫn. Anh an ủi mãi trái tim đau thương của tôi. Anh bảo, đến "Mùa xuân Pa-ri" sẽ mua cho tôi con gấu bông nhỏ rất đắt tiền mà nghe nói mũi nó làm bằng da thật, anh nói sẽ đón tôi sang chơi... Tôi lắc đầu tê dại, đòi hỏi: Làm cho em lần cuối một thứ gì bằng gốm. Tôi cảm thấy thâm tâm mình đang chạm vào hai chữ ghập ghềnh mấp mô: ái tình. Phút chốc tôi lặng người. Giống như chú mèo đang ăn cá một cách vui vẻ, bỗng... đúng thế, chúng tôi bên nhau chẳng điều gì đáng chê, như chú mèo vui vẻ khi được thưởng thức cá, nhưng chú mèo đã "vui quá hóa buồn": không cẩn thận hóc phải một cái xương "ái tình".

Một vấn đề rất nghiêm túc, đó là cái xương "ái tình" bất ngờ hóc phải đã làm chú mèo nhỏ đau đớn.

Tôi ngoái nhìn ra ngoài cửa sổ, tự nhủ đây chính là mùa đông khô khốc, thích hợp với chia ly. Tôi nhấn mạnh đi nhấn mạnh lại với lòng mình rằng Phạm Tiểu Cao chẳng qua chỉ là dải sao băng lướt qua bên đời tôi, nhưng tôi vẫn không thể phủ nhận được rằng, ánh sáng chói của dải sao băng đã làm tôi bị thương vì nóng bỏng.

Cả buổi chiều, chúng tôi đã cùng nhau làm được một vật gốm rất đặc biệt. Nó tròn xoe, béo nứt, nhưng miệng bình chỉ bé bằng móng tay. Tôi yêu cầu làm thành bình thật mỏng, vì như thế người ta sẽ sợ hãi khi nghe tiếng gõ vào nó. Lúc mâm quay gốm quay tít điên rồ, tôi tự nhiên lặng lẽ rớt nước mắt. Nước mắt rơi vào trong bình, mất hút không một tiếng động. Phạm Tiểu Cao kéo tôi đang đờ người ra đứng dậy, tắt máy, nói với tôi âu yếm khôn tả: Cô bé ngốc nghếch, thành bình mà mỏng nữa thì lúc nung sẽ vỡ tung ra mất.

Tôi nhìn chăm chăm vào cái bình, hỏi khẽ: Có thể cho em một cái khuy gốm của anh được không? Thế là tôi đã có được chiếc khuy khắc một đoạn xương cá tang thương mà từ lâu hằng mong ước. Tôi nắm nó trong lòng bàn tay, đây chính là chiếc xương cá đã làm đau chú mèo ư? Tôi khẽ khàng tự hỏi.

Chiếc khuy lập tức được gắn cẩn thận lên bình, chiếc bình bỗng nhiên trở nên cao quý như được gắn huân chương, đứng hiên ngang kiêu hãnh. Đó là chiếc bình gốm chúng tôi cùng làm, nó sẽ có sinh mệnh do chúng tôi cùng tạo nên. Sau này tôi có thể dùng nó để nhớ về quá khứ, nghe kỹ âm thanh tự nhiên khi gõ vào nó, mân mê thân bình đất sét, để thần tượng tôi yêu hiện ngay ra từ trong bình và ngắm nhìn tôi như ngày nào. Chiếc bình chứa đựng tình yêu của tôi, mang hương thơm trong suốt. Biết vì sao tôi lại cứ cố làm miệng bình bé tí như thế không? Vì tôi sợ hương thơm bay lượn ra ngoài rồi trốn mất.

Đó là tất cả những gì, tôi có thể làm cho tình yêu tuổi mười bảy của tôi.

Gốm từ khi làm xong đến khi nung xong phải mất khoảng 20 ngày. Trong quãng thời gian đó, vào một hoàng hôn màu hoa hồng nhạt, Phạm Tiểu Cao đã ra đi. Tôi ngồi yên lặng bên cửa sổ, trong hương thơm cà phê Blue Mountain, mơ màng nghe thấy tiếng còi tàu, không ngớt thầm tạm biệt chàng nghệ sĩ thiếu niên "lởm khởm" này.

Trong khi bình gốm cưng của chúng tôi đang nung, tôi ngồi im lặng đợi bên ngoài lò nung. Phạm Tiểu Cao đã sắp xếp, cả lò chỉ nung một chiếc bình, để nó có một sự chào đời thật long trọng. Thời gian chờ đợi qua đi chậm rãi, tôi ngồi nghĩ về chiếc bình cưng trong trắng thuần khiết này, nó có màu đồng, cái bụng tròn xoe, mang hơi thở của anh.

Thế nhưng, tất cả đã kết thúc trong một tiếng động lớn. Tiếng nổ - phát ra từ cái lò nung nuôi dưỡng chiếc bình cưng của chúng tôi. Âm thanh duy nhất trên cõi đời này của chiếc bình cưng. Nó nổ, vỡ, nứt toác, lìa đời từ trong trứng nước.

Câu chuyện tình yêu mỏng tang đã có định mệnh phải chết yểu.

Không thể đừng được, tôi gào khóc. Tình yêu của chúng tôi nổ tung, nát vụn. Tôi chạy ào đến bên lò, tìm kiếm trong những mảnh vụn, lần lữa tìm.

Cái khuy đó.

Khuyết hỏng.

Một lần nữa, tôi nhìn lại chiếc xương cá ngắn tủn, đứt gãy. Tôi kinh ngạc phát hiện ra, không ngờ trông nó thật giống với một vết sẹo nơi trái tim.

MÈO ĐEN KHÔNG NGỦ - Trương Duyệt Nhiên - Tập truyện ngắnWhere stories live. Discover now