Ham muốn của bạn?

248 5 0
                                    

VÌ SAO CHÚNG TA KHÔNG KIỀM CHẾ ĐƯỢC NHỮNG HAM MUỐN? - Ad Milcah

Tại sao ta thường cảm thấy khó chịu và tội lỗi sau khi thỏa mãn những ham muốn trước mắt của mình, chẳng hạn như mua một chiếc áo len mới mà ta không cần, hoặc dành một buổi tối lười biếng trước tivi? Và mặc dù đã thừa biết nhưng tại sao ta lại làm điều đó hết lần này đến lần khác? Vậy chính xác thì điều gì xảy ra trong não bộ khi bạn thèm khát một thứ gì đó?

Nguyên nhân chính là do hệ thống khen thưởng của bộ não thúc đẩy ham muốn làm một điều gì đó. Và lý do thứ hai là sự căng thẳng khiến bạn nhụt chí và kéo theo ham muốn làm những điều dễ chịu.

KHI HỆ THỐNG KHEN THƯỞNG DẪN DẮT BẠN ĐI SAI ĐƯỜNG

Trước tiên, bạn nhìn thấy hoặc ngửi thấy một thứ mà mình thèm khát - và chỉ bao nhiêu đó đã đủ kích hoạt hệ thống khen thưởng trong não bộ. Hệ thống này tiết ra một chất dẫn truyền thần kinh được gọi là dopamine, vốn kích hoạt những vùng não chịu trách nhiệm cho sự chú ý, động lực và hành động. Bất cứ thứ gì khiến ta liên tưởng đến cảm giác dễ chịu đều có thể kích hoạt sự sản sinh dopamine: một tấm biển thông báo đợt bán hàng giảm 70% tại một trung tâm mua sắm, mùi hương của một miếng thịt bò nướng (hoặc một chiếc bánh hamburger chay), hoặc một gương mặt cuốn hút mỉm cười với bạn.

Khi chất dopamine này được giải phóng, đối tượng kích thích ta ngay lập tức trở nên rất đáng thèm khát - cho dù nó có hại cho lợi ích dài hạn của bạn Chẳng hạn như thực phẩm không lành mạnh, những giờ lướt internet miệt mài, chè chén say sưa hoặc những mối tình chóng vánh. Đây là lý do vì sao ta tham gia vào các hoạt động nhìn có vẻ không thể cưỡng lại được, nhưng về sau để lại cho ta cảm giác tội lỗi và bất mãn.

Tuy nhiên, tổ tiên thời tiền sử của ta không gặp rắc rối bởi cơ chế khen thưởng này. Trên thực tế, việc bị thu hút bởi những món ngọt mang lại lợi ích cho họ, vì trái cây và những quả mọng ngọt là một phần vô cùng quan trọng trong chế độ ăn của họ. Tổ tiên của ta cũng tự do hơn trong việc theo đuổi cảm giác thôi thúc tình dục mà không có những ràng buộc của xã hội hiện đại ngày nay.

Nhưng mặc dù cơ chế thôi thúc này không còn hữu ích như thế trong thời buổi hiện nay thì nó vẫn tồn tại, và ta phải chắc chắn nó không đẩy ta đến những lựa chọn không lành mạnh hay thiếu khôn ngoan.

Vậy bạn có thể làm gì? Bạn thật sự có thể biến điểm yếu này thành điểm mạnh bằng cách kết hợp những công việc không mấy dễ chịu với một việc nào đó giúp kích hoạt chất dopamine. Ví dụ, hãy mang những công việc giấy tờ buồn tẻ đến một quán cà phê mà bạn yêu thích và hoàn thành nó trong khi thưởng thức một tách socola nóng thơm ngon. Khi làm một dự án, hãy tìm đến những người bạn để có thể trao đổi, vui cười thoải mái trong lúc làm việc. Khi gặp khó khăn, hãy đi tìm lời khuyên từ những người có kinh nghiệm và kiến thức. Hãy làm những điều mới mẻ cho bản thân khi làm những việc quan trọng để gia tăng chất dopamine cho bạn.

CẢM GIÁC KHÓ CHỊU LÀM BẠN NHỤT CHÍ NHƯ THẾ NÀO

Căng thẳng là nguyên nhân phổ biến gây ra cảm giác buồn bã. Nó không chỉ có thể được sinh ra từ những lo lắng trong đời sống riêng tư hoặc trong công việc, mà còn từ những sự việc bên ngoài, như tin tức xấu trên truyền thông chẳng hạn. Căng thẳng là một trong những mối đe dọa lớn nhất đến ý chí của bạn vì nó gây ra cảm giác thèm muốn đáng sợ.

Bằng cách nào?

Căng thẳng làm bạn cảm thấy mình tệ hại và tạo động lực cho bạn làm một điều gì đó để khiến bản thân cảm thấy dễ chịu hơn. Không may là, đôi khi cách dễ nhất để cảm thấy dễ chịu hơn chính làm điều mà sau đó bạn cảm thấy không dễ chịu. Ví dụ, việc thua tiền ở casino có thể làm bạn bực tức đến mức phải tiếp tục đánh bạc để thắng được một ván. Nhưng cơn bốc đồng này thật sự có thể dẫn bạn đến những rủi ro ngày càng lớn hơn, và cuối cùng làm bạn thua rất nhiều tiền.

Vậy bạn có thể vượt qua điều này như thế nào? Khi bạn cảm thấy căng thẳng, đừng đầu hàng những ham muốn trước mắt. Thay vào đó, hãy thử những chiến lược giải tỏa căng thẳng có tác dụng lâu bền hơn, chẳng hạn như tập thể dục hoặc thiền định. Những hoạt động này có thể đòi hỏi nhiều nỗ lực hơn, nhưng sẽ để lại cho bạn cảm giác hài lòng chứ không phải tội lỗi.

Tuy nhiên, đừng đưa ra những cam kết không thực tế để chống lại cảm giác căng thẳng – nhiều khả năng bạn sẽ sớm đầu hàng. Khi mọi người rơi vào thời điểm đen tối nhất trong cuộc sống, chẳng hạn như khi thế chấp tài sản để vay một món tiền lớn, họ thường quyết định thay đổi cuộc sống một cách đáng kể. Ví dụ, ta có thể quyết định cắt giảm tất cả chi phí xuống 25% để kiểm soát tài chính của mình trở lại. Đó là một sự thay đổi lớn, và ta có cảm giác rằng những thay đổi lớn như thế có thể thay đổi toàn bộ cuộc sống của ta: ta tưởng tượng mình không còn gặp rắc rối nào nữa chỉ vì sự thay đổi duy nhất này. Nó nâng cao sự tự tin của ta.

Điều này có thể gây phản tác dụng, vì đặt mục tiêu càng cao thì ta càng khó giữ vững mục tiêu đó. Việc không đáp ứng được những kỳ vọng của bản thân sẽ khiến ta có cảm giác chán nản, tội lỗi và tư ti, rồi chẳng mấy chốc ta thường từ bỏ hết mọi nỗ lực. Để tránh số phận này, hãy nhớ: khi bạn không đạt được mục tiêu, đừng thất vọng. Hãy tha thứ cho bản thân và cố gắng lại lần nữa.

TỔNG KẾT LẠI

Khi hiểu được hai cơ chế tâm lý này bạn có thể kiểm soát đáng kể được ham muốn của mình.

Thứ nhất: Hạn chế bị thôi thúc bởi những phần thưởng từ những thú vui ngắn hạn mà không phục vụ mục đích dài hạn cho bạn. Ngoài ra, hãy kết hợp những hoạt động không mấy dễ chịu kèm theo hoạt động giúp bạn kích thích dopamine.

Thứ hai: Khi căng thẳng, đừng đầu hàng những ham muốn trước mắt, hãy bình tĩnh giải tỏa cảm xúc để vượt qua. Và cũng đừng đặt ra những mục tiêu nằm ngoài khả năng của mình.

*Trích từ bản tóm tắt sách Lời Nói Dối Vĩ Đại Của Não.

- Ad Milcah - Tâm lí học ứng dụng

Hành Trang Tuổi TrẻNơi câu chuyện tồn tại. Hãy khám phá bây giờ