Hồi nhỏ nghe phụ thân kể chuyện, nói rằng…
… Ngày xưa có một người mời khách, mời được bốn vị bằng hữu. Đến ngày hôm đó, một người bận việc không đến được. Chủ nhà thuộc mẫu hay nhớ nhung, trong bữa tiệc cứ than mãi: “Ôi, người cần đến thì chẳng đến.” Một hai lần còn coi được, nhưng y cứ nói hoài không thôi. Trong số khách mời có người nóng tính, cuối cùng nhịn không nổi, hừ lạnh nói: “Hẳn mỗ là kẻ không nên đến rồi!” Đoạn đứng dậy, bỏ đi. Chủ nhà không giữ kịp, đành quay lại rồi than vãn mãi trong bữa tiệc: “Ôi, người không nên đi lại đi mất rồi.” Nói tới mức khiến cho người thiếu sự khoan dung hơn trong hai người còn lại chịu không thấu: “Vậy là mỗ nên đi hử?” Đoạn cất bước đi thẳng khỏi cửa. Chủ nhà đuổi theo sau, vẫn không giữ lại được, chỉ đành nhìn bóng lưng mà gọi lớn: “Người ta nói không phải là huynh…”
… Người khách duy nhất còn lại có thêm hàm dưỡng nữa cũng không ngồi lại nổi.
Cuối cùng, chủ nhà chỉ còn biết một mình ăn hết cả bữa tiệc, uống trọn bầu rượu sầu.
… Thực ra cũng không có gì, chỉ là đột nhiên nghĩ tới cái từ “Tuyển Vĩnh” (1), Thương Ngưng mới nhớ lại câu chuyện đó.
Thương Ngưng thường nhớ lại câu chuyện đó, bởi vì hắn nhớ phụ thân mình. Họ Thương ở Giang Tây là một đại tộc, sống ở Ưng Đàm nhiều đời nay, danh tiếng trong giang hồ rễ sâu cành rộng. Chẳng qua trong dòng tộc, phụ thân lại là một người cha quá ư bất đắc chí (2). Hắn, cũng là đứa con quá ư bất thành khí (3).
Hắn từ nhỏ tới lớn tướng mạo bình bình, luyện công luyện đao mãi cũng chỉ tới mức ấy. Thân người tuy cao là thế, nhưng tuyệt chẳng phải đứa thông minh, làm việc gì cũng chẳng nên hồn, nhưng hắn luôn luôn nhớ tới phụ thân mình. Bởi cho rằng hắn rất có hi vọng, phụ thân từng nói với hắn rằng: “Đao pháp của con, nếu ngày nào đó có thành quả, cha nghĩ, chỉ có thể là cảnh giới của hai chữ đó thôi: Tuyển Vĩnh…”
“Tuyển Vĩnh?”
Cậu trai Thương Ngưng mới mười sáu tuổi nghĩ ngợi mơ hồ, cái gì mới là Tuyển Vĩnh đây?
Ưng Đàm là nơi họ Thương sống thành cộng đồng. Những kiến trúc tứ hợp viện (4) lớn hay bé đều lấy trung tâm là nhà thờ tổ, rồi phân bố tứ tán xung quanh. Nhà của Thương Ngưng nằm ở ngoài rìa nhất của cái quần thể kiến trúc to lớn ấy. Một gian khóa viện (5) rất hẹp, thậm chí còn không độc lập, mà được cắt ra từ trong nhà của người khác.
Cửa với tường của hết thảy nhà dân nơi này đều là một mảng đen như than. Tuy thế trong cái mảng đen như than ấy, ắt phải có mấy cánh cửa mà trên đó điêu khắc những đường hoa văn rối rắm, từ đỉnh vòm xuống tới tận dưới đất. Đó là vinh dự đặc biệt chỉ dành cho gia đình có con cháu chiếm được ngôi đầu trong đại hội luận võ “Tử Đệ Hội”, tổ chức năm năm một lần.
Thời thơ ấu của Thương Ngưng rất cô độc bởi sự bất đắc chí của phụ thân. Phụ thân hồi nhỏ đọc sách, rồi chuyển sang tập kiếm, sau đó lại đi buôn bán, rơi vào cảnh “độc thư tập kiếm lưỡng bất thành” (6), một đời sai lầm.
Mẫu thân ra đi khi Thương Ngưng còn rất bé. Cái chết ấy cũng là cái chết lặng lẽ mà kìm nén ở cái gia tộc tụ tập quần cư này. Sinh tồn ở gia tộc như thế, tử vong cũng là phương thức sinh tồn cho người sống. Đương nhiên phải thổi kèn đánh trống báo cho tất cả, cùng với để tang toàn tộc mới gọi là có mặt mũi, không thì cuộc đời của bạn cũng chỉ nhẹ như lông hồng (7) thôi.