Hôm nay, lần đầu tiên tôi được học một bộ môn mang tên "Lịch sử nhà nước và pháp luật". Giảng viên là một cô rất vui tính. Suốt buổi học hôm ấy, điều duy nhất đọng lại trong tâm trí tôi ngoài những câu chuyện lịch sử hay ho cô kể thì chỉ còn một câu nói duy nhất: "Buồn thay vì mọi người đang càng ngày càng có xu hướng bỏ quên lịch sử của mình".
Rốt cuộc, đối với học sinh, với sinh viên, với người đã đi làm, với tất cả mọi người, lịch sử là gì và nó có ý nghĩa ra sao?
Cuộc sống càng ngày càng trở nên phức tạp, con người sống chung với cái phức tạp ấy chỉ đủ thời gian để suy nghĩ về tương lai, về hiện tại của mình. Có người từng nói: "Quá khứ đã qua, hãy để nó qua đi. Tương lai phía trước mới là thứ ta cần hướng tới". Cá nhân tôi không phản đối câu nói ấy, chỉ là có đôi chút ý tưởng trong câu nói ấy khiến người khác phải hiểu lầm.
Một quá khứ đau khổ, một quá khứ nhục nhã, một quá khứ đầy những chấm đen thường là thứ khiến mọi người thay đổi nhiều nhất. Vì muốn quên đi cái quá khứ ấy nên con người mới thay đổi. Khi đã thay đổi được rồi, họ quay lưng lại với quá khứ của chính mình. Tại sao lại như vậy? Một quá khứ đau khổ, lấm lem bùn đất, một quá khứ ê chề, nhục nhã, một quá khứ nhiều chấm đen mới là thứ quá khứ đáng tự hào nhất. Vì khi nhìn lại quá khứ, ta sẽ thấy ta khi ấy và ta bây giờ rất khác nhau. Chính quá khứ đã khiến ta thay đổi, khiến ta trưởng thành. Ở một mặt nào đó, quá khứ như người thầy, như đấng sinh thành của ta vậy. Những thứ mà quá khứ dạy cho ta chính là những thứ không có bất kì trường học nào có thể dạy được: đó là kinh nghiệm sống. Thiếu những thứ ấy, những học sinh, sinh viên, học trò như chúng tôi dù có học đúp cả chục năm trên ghế nhà trường nhai đi, nhai lại những kiến thức đã thuộc làu làu cũng không thể nào thật sự thấu hiểu chúng được.
Chúng ta có một quá khứ và chúng là thứ đáng được tự hào nhất của chúng ta. Những kẻ có quá khứ không một chấm đen, không một ngọn sóng, không một chút khác biệt so với cái hiện tại họ đang sống mới là những kẻ không trưởng thành, không có gì để tự hào nhất.
Nói rộng ra, ta nói về lịch sử của chính nước nhà.
Lịch sử không phải là một chuỗi sự kiện, nó là một quá trình. Học lịch sử không phải là học dữ kiện, học ngày, tháng, năm, học lịch sử chính là học lại quá trình hình thành và trưởng thành của đất nước, là học những kinh nghiệm, những kiến thức mà người xưa đã để lại cho con cháu, học về quá khứ của chính dân tộc mình. Ông cha ta đã từng là một phần của lịch sử nước nhà, chúng ta rồi cũng sẽ là một phần lịch sử của tương lai.
Có người nói rằng: Lịch sử mà chúng ta tự hào đã qua rất lâu rồi, giờ đang là thời bình, chúng ta nên bỏ qua niềm tự hào ấy mà tiến lên phía trước. Cũng có nhiều người nghĩ lại về lịch sử mà nói rằng: Nếu khi ấy, chúng ta không chống lại ách thống trị của các nước phương tây, có lẽ nước ta bây giờ sẽ phát triển biết bao. Những câu nói như vậy mới chính là lý do vì sao chúng ta phải học lịch sử. Chúng ta học sử, học được rằng dân tộc ta đã từng chịu biết bao nhiêu khổ đau, uất ức, phẫn nộ cho đến ngày được phất cờ khởi nghĩa, giành lại được độc lập, tự do cho chính đất nước của mình. Chúng ta học sử, học được rằng những sự kiện nào là những sự kiện quan trọng đối với dân tộc, với đất nước, ví dụ như ngày Bác ra đi tìm đường cứu nước. Chúng ta được học sử nhưng thực chất, chúng ta chỉ đang nghe người khác truyền đạt lại lịch sử, còn thực hư lịch sử thế nào, chính bản thân ta còn không rõ. Người xưa đã sống khổ thế nào, đau thế nào, người nay có thể hiểu được sao? Khi ta nhìn thấy những cụ già bán vé số, nhìn thấy những người khuyết tật trên những chuyến xe buýt,, nhìn thấy những mảnh đời bất hạnh trên truyền hình, ta cảm thấy xúc động, thấy đồng cảm, thông cảm cho họ. Thế nhưng, bao nhiêu người học sử mà thật sự cảm thấy như vậy đối với lịch sử của chính nước nhà mình. Có một sự thật đau lòng vô cùng, đó chính là: nỗi đau thời nào, chỉ có người thời đó mới hiểu. Những kẻ sống trong tự do, hòa bình như chúng ta vĩnh viễn không thể nào biết được, hiểu được nỗi đau gia đình bị chia cắt, kẻ phương Bắc, người phương Nam, nỗi đau khi nói lời "tạm biệt" nhưng thực chất trong thâm tâm, ta biết rõ người ấy sẽ không thể trở về. Có những nỗi đau đớn khôn cùng nay chỉ còn tồn tại trên sách vở, được miêu tả, tường thuật lại bằng những ngôn từ ngữ nghèo nàn, ít ỏi vô cùng so với thực tế. Đọc những thứ đã được rút gọn, đã được chắt lọc ấy, làm sao ta có thể hiểu được lịch sử cơ chứ. Mà khi đã không hiểu rõ lịch sử như thế, ta lấy cơ sở đâu để phán một cách vô trách nhiệm như vậy về lịch sử cơ chứ.